Tiếp theo cái chợ chồm hổm, những quán cà phê lần lượt mọc ra. Gần năm ngàn công nhân đang làm việc ở cái công ty sản xuất giày da này, mà có đến gần nửa không phải người sinh truởng tại địa phương, chín mươi phần trăm là nữ, ắt có những nhu cầu thiết yếu. Người ta chọn đặt công ty ở vùng ngoại ô này, đổ đất lấp ruộng lúa rồi đóng móng sâu hàng chục mét, xây lên những tòa nhà làm văn phòng, những khu xưởng rộng lớn mà từ tường đến mái đều sơn một màu xanh lá mạ chỉ trong vòng ba, bốn tháng. Nhưng không hiểu sao người ta không nghĩ tới một khu nhà tập thể cho công nhân ở xa và một cái chợ để công nhân mua sắm. Thế là cả một khu vực dân cư quanh công ty người ta sửa chuồng heo thành phòng, quây ngăn nhà kho, nhà bếp, hoặc có người xây dựng hẳn từng dãy nhà để cho công nhân thuê ở trọ. Giá vừa phải, năm chục ngàn một người mỗi tháng, phòng ở bốn, năm người cùng phái. Và, cái chợ chồm hổm từ vài ba người bán hàng quà sáng phát triển đến vài chục gánh hàng, xe đẩy... bán hai buổi, sáng trước giờ vào ca và chiều sau giờ tan ca.
Cách nay nửa năm, cả khu vực mới có mấy cái quán cà phê, tạm đủ để đáp ứng nhu cầu của nam công nhân. Cà phê khi ấy là loại cà phê vợt hoặc cà phê phin bình dân. Bây giờ, quán cà phê ở đây đã có hai ba nơi được "hiện đại": cà phê phin chỉ pha loại sang, lại có cả tiếp viên nữ.
*
Thình là một trong những khách quen của quán cà phê Mặt trời Phương Đông. Ở nhà thuê, mỗi sáng sớm anh thường ra tiệm phở đầu ngõ ăn một tô tái nạm rồi chạy xe tới đây gọi một ly cà phê, một điếu thuốc thơm, ngồi rung đùi thưởng thức cho tới khi bảo vệ công ty mở cổng. Quán cà phê có một địa điểm khá thuận lợi là khách ngồi trong quán vào sáng sớm, có thể ngắm cảnh mặt trời từ từ lên sau cánh đồng ngoại ô mà thỉnh thoảng vẫn hiếm hoi xuất hiện mấy cánh cò. Thình thích quán này chính vì thế. Cảnh mặt trời lên không những thật đẹp mà còn huy hoàng, rực rỡ - là hình ảnh một tương lai như mơ ước của anh.
- Anh Thình ơi! Cho em tò mò một chút nha! Sao cái tên anh kỳ cục vậy?
Cô em tiếp viên ngồi cạnh Thình hỏi với giọng nũng nịu và cặp mắt lúng liếng đưa tình. Thình cười khẽ:
- Có gì đâu! Anh sinh năm con rồng nên ba má đặt tên là Thìn. Nhưng người làm khai sanh viết sai, thành ra cái tên của anh mới kỳ cục như vậy đó!
- Em hiểu rồi! Mà có sao đâu phải không anh? Thình hay Thìn thì anh cũng là... con rồng của... em!
- Thôi đi cưng! Muốn gì thì cứ nói, vòng vo làm chi cho mất thì giờ...
- Anh này! - Cô gái kéo ghế ngồi gần Thình hơn, giọng nhỏ đi và câu nói được cộng thêm cả ý nghĩa của ánh mắt - Chiều nay đón em về nhà anh nha?
- Để bữa khác!
- Nhưng... em hết tiền xài rồi... Giúp em đi mà...
Thình rít một hơi thuốc dài. Trong lòng anh, một cảm giác sung sướng, thoả mãn tràn ngập. Ba năm về trước, khi mới đến đây với ba trăm ngàn bạc và mớ giấy tờ tùy thân trong đó không có một chứng chỉ nghề nghiệp hay văn bằng tốt nghiệp nào, Thình đã từng có lần phải nói với một người bạn cùng quê câu tương tự của cô gái.
Đám đông phía bên kia đường chuyển động. Cổng công ty đã được mở. Thình đứng lên, với tay xách cặp. Cô gái đứng lên theo anh, vẫn cái giọng nhõng nhẽo:
- Sao hả anh? Nói với em là anh nhận lời đi mà...
Thình đặt hai tờ năm chục ngàn lên bàn và bảo cô gái:
- Anh nói rồi! ảể bữa khác. Em trả tiền cà phê thuốc lá cho anh, còn dư thì lấy mà xài đỡ...
Ánh mắt cô gái sáng bừng lên:
- Em cảm ơn anh nhiều lắm... Con rồng của em...
*
Bà chuyền trưởng trở lại phân xưởng bằng cửa sau. Vì vậy chỉ có Bảo đang sửa điện ở phía đó trông thấy. Mấy chục cô công nhân ngồi trên ghế làm việc của mình với nhiều tư thế "lỏng người" hơn vẫn vô tư như từ lúc bà chuyền trưởng đi ra nơi cửa trước. Bảo liếc về phía những cô gái. Anh linh cảm sắp có chuyện gì đó xảy ra.
Quả như anh nghĩ. Bà chuyền trưởng sau một phút quan sát đã bước thẳng tới một góc sản xuất, chỉ tay vào hai cô gái trẻ, nói một tràng tiếng bản xứ của bà mà chắc rằng chẳng người nào trong số công nhân nữ nơi đây hiểu được. Rồi bà bước thẳng tới bàn của mình kê gần cửa trước, lấy ra cuộn băng keo giấy loại lớn để dán thùng, hùng hổ trở lại chỗ cũ. Một cánh tay hộ pháp của bà chuyền trưởng lần lượt kéo hai cô gái rời khỏi ghế ngồi, rồi khi đứng đối diện với hai cô, bà kéo băng keo dán ngang miệng từng cô. ảến lúc này thì mọi người đã hiểu. Bà trừng phạt hai cô gái vừa làm việc vừa nói chuyện riêng mà khi trở lại phân xưởng, bà bắt gặp! Mặt hai cô đều đỏ bừng lên nhưng không nói được, còn bà chuyền trưởng thì tiếp tục một tràng ngôn ngữ chỉ có bà ta hiểu trước khi ấn hai cô trở lại chỗ làm việc của mình.
Cả cái phân xưởng rộng hơn ba trăm thước vuông im lặng đến khó thở. Không ai phản ứng gì, kể cả hai cô gái nạn nhân, trước cơn thịnh nộ và hành động của bà chuyền trưởng.
Bảo cố nén giận để xoay nốt mấy vòng tua-vít hoàn tất việc sửa ổ điện. Anh đã tự bảo mình khi bắt đầu bước về phía cửa sau để trở về tổ bảo trì, vậy mà chẳng hiểu sao chân anh khựng lại. Rồi anh quay người, đi ngược về phía trước, tiến tới trước mặt bà chuyền trưởng. Với số vốn từ ngữ học lóm được, anh nói cho bà ta biết là hành động của bà đã xúc phạm danh dự của công nhân. Lập tức anh bị bà ta đuổi ra với cái vung tay mạnh bạo, cái quắc mắt như điện bị chạm và đôi môi cong lên, bật ra những âm thanh của một vụ nổ!
Mấy chục cặp mắt của nữ công nhân cùng hướng về phía anh và bà chuyền trưởng. Nhưng chỉ trong vài giây rồi thôi. Một chỗ làm và những đồng lương đã kéo họ nhìn xuống những chiếc đế giày bằng da trong tay...
*
Khi Bảo đạp xe ngang quán cà phê Mặt trời Phương ảông thì nghe tiếng ai đó gọi tên mình. Anh nhìn vào và nhận ra Thình. Anh ta mặc áo trắng bỏ trong quần, đi giày và ở một bên ghế có chiếc cặp da. Cùng ngồi với anh ta là một cô tiếp viên khá xinh. Thình vẫy tay:
- Vô uống với tao ly cà phê đi Bảo!
Bảo lắc đầu:
- Cám ơn! Tao phải về. ảói bụng lắm rồi...
- Nhưng tao có chuyện cần nói với mày mà!
Bảo tần ngần rồi xuống xe, dẫn "con ngựa sắt" về phía quán. Anh không mặc cảm vì bộ quần áo công nhân của mình quá thua kém bộ quần áo nhân viên văn phòng của Thình. Anh cũng không ngại phải để Thình "bao" vì anh thừa sức trả tiền cà phê cho mình, nếu cần, cả cho Thình. Nhưng Bảo phân vân vì anh không ưa Thình.
- Mời anh ngồi đây. Anh uống gì để em đi làm... ?
Cô tiếp viên ngồi cạnh Thình đứng lên, nói với Bảo. Anh không nhìn lại cô mà chỉ đáp:
- Cho tôi ly cà phê đá.
Thình đưa bao thuốc thơm về phía Bảo:
- Hút điếu thuốc đi đã!
- Có chuyện gì vậy?
- Thằng này! Mày không cho tao hỏi thăm chuyện gì khác về mày sao?
- Ừ! Thì mày hỏi đi...
Bảo nói thế khi cảm thấy mình có phần vô lý trong cách đối xử với Thình. Hai người tuy khác quê nhưng cùng đến đây tìm việc làm, cùng đuợc phỏng vấn một ngày, cùng vào làm việc một ngày và đã có thời gian cùng ở chung một phòng trọ. Thình không có chuyên môn gì nên chỉ được tạm tuyển vào làm bảo vệ trong khi Bảo được chọn vào tổ bảo trì. Chỉ có vài năm mà tình hình đã thay đổi khá nhiều. Thình trở thành một trợ lý của tổng quản công ty còn Bảo vẫn chỉ là anh thợ điện quèn.
- Thu nhập của mày hiện nay thế nào?
- Tao mới được nâng lương. Trả tiền trọ, tiền ăn tiêu xong xuôi đâu đó, khoảng ba tháng tao còn gửi về cho ông già được vài trăm.
- Vậy tao mừng cho mày.
- Còn mày?
- Mày thấy rồi đó. Tao gặp may nên giờ đã có thể thuê nhà ở một mình, sắm được chiếc xe máy...
Cô tiếp viên ngồi vào bàn tự bao giờ, chen ngang:
- ... thỉnh thoảng, ảnh lại... cưới vợ một hai ngày nữa đó!
Thình khó chịu:
- Em để anh nói chuyện với bạn...
- Người ta muốn góp vui mà cũng... Anh bữa nay sao vậy?
- Anh nói em để anh nói chuyện với bạn. Nghe rõ chưa?
Cô gái ngúng nguẩy đứng lên bỏ đi về phía quầy.
- Thôi, mày nói đi Thình. Có chuyện gì vậy?
- Có phải đầu giờ chiều nay mày gây sự với một bà chuyền trưởng không?
- Tao chỉ can thiệp vì bà ta có hành động quá đáng...
- Tao biết hết rồi. Bà ta đã gặp tổng quản và đề nghị phạt mày. Nhưng khi được biết người gây sự là mày, tao đã xin ông tổng quản bỏ qua...
- Nếu như vậy thì tao cảm ơn mày. Nhưng nói thật, tao không thể chịu được cái cảnh người mình bị húng hiếp, coi thường...
- Chính vì sợ mày lại gây rắc rối, tao mới mời mày vào uống cà phê để...
- ... để khuyên tao nên nhịn nhục chớ gì?
- Vậy là mày hiểu rồi đấy! Tụi mình là dân tứ xứ đến đây kiếm sống, phải lo sao khỏi bể cái nồi cơm... Mày cứ coi tao đã sống như thế nào để được như thế này...
Mới uống nửa ly cà phê đá, hút nửa điếu thuốc, Bảo đứng phắt dậy. Cơn giận dữ từ đâu ập tới anh sau câu dạy đời hãnh tiến của Thình. Anh móc túi lấy tờ năm chục ngàn đặt lên bàn và gọi cô tiếp viên:
- Cho trả tiền bàn này.
Rồi không nói với Thình một lời, anh ra chỗ để xe đạp, thót lên đạp thẳng về nhà trọ.
*
Dễ chừng số công nhân bị phạt đứng nắng lên đến hơn năm chục người. Sáng nay, người ta phát hiện ở một phân xưởng sản xuất bị mất một số bán thành phẩm. Lần lượt chuyền trưởng rồi tổ trưởng bảo vệ tra gạn tập thể toàn nữ công nhân. Không ai nhận mình là kẻ cắp.
Trợ lý tổng quản đến. Thình cũng đặt câu hỏi hệt như hai người trước. Một nữ công nhân nêu ý kiến:
- Việc mất mát xảy ra vào đêm qua, mà chị em tụi tôi đã xuống ca từ năm giờ chiều. Sao chỉ nghi có tụi tôi?
Thình chắp tay sau lưng đi lại:
- Công ty có bảo vệ. Kẻ gian nào lọt vào ban đêm được. Thủ phạm chắc chắn là một trong các cô ở đây thôi! Các cô cứ đứng đó cho tới khi có một người nhận tội!
Trên sân nắng lên dần. Sáu giờ rưỡi sáng, đầu giờ tập thể dục tập thể, mọi người hưởng cái nắng mặt trời mới thức dậy còn vương hơi ấm của một đêm. Nhưng chín giờ thì mặt trời đã lên cao. Nắng bắt đầu nóng. Thình đổ mồ hôi vừa dỗ dành vừa hăm doạ, nhưng số công nhân vẫn không ai nhận tội. Hình thức "điều tra" này không thể kéo dài, anh quyết định đi lên văn phòng xin ý kiến tổng quản.
- Yêu cầu cho chúng tôi về phân xưởng làm việc!
Một nữ công nhân lên tiếng khi Thình trở lại. Tiếp theo là sự hưởng ứng của nhiều người khác. Thình bối rối vì lệnh của tổng quản là tiếp tục bắt công nhân đứng nắng. Anh ấp úng:
- Mấy người... mấy người... muốn biểu tình hả?
- Đừng chụp mũ chúng tôi! Chúng tôi chỉ yêu cầu được về phân xưởng làm việc...
- Nhưng lệnh của tổng quản là các cô chỉ được làm việc lại khi nào có người nhận tội...
Từ phòng của tổ bảo trì, Bảo chứng kiến từ đầu. Đã mấy lần anh tự bảo chuyện không liên quan đến mình thì cứ ngồi mà theo dõi. Nhưng rồi sự bất nhẫn, khó chịu trong anh cứ tăng dần lên cho tới khi ở ngoài sân có một cô công nhân qụy xuống và tiếng của Thình cao giọng:
- Nè! Đừng có giả bộ xỉu! Qua mặt tôi không được đâu!
Bảo không còn suy nghĩ gì nữa, anh chạy nhanh ra sân vừa kịp ở đó có thêm người thứ nhì không chịu được cái nắng gay gắt của mặt trời mười giờ sáng, ngã ra sân. ảám đông nhốn nháo. Bảo vừa phụ đỡ nạn nhân vừa quắc mắt nhìn Thình:
- Mày còn không kêu xe đưa người ta đi cấp cứu? Bộ mày muốn có người chết ở đây hay sao?
Đến lúc này sắc mặt Thình mới tái đi. Anh ta bước vội vã về phía văn phòng...
*
Báo chí làm ầm ĩ vụ việc. Không chỉ có hai, mà tới mười nữ công nhân bị say nắng và ngất xỉu trên sân buổi sáng hôm ấy. Còn may là sau mấy ngày được điều trị, họ đều bình phục. Dĩ nhiên phía chủ phải nhận lỗi và Công ty còn bồi thường thêm cho các nạn nhân một số tiền để họ bồi dưỡng phục hồi sức khỏe.
Ngày hôm ấy, Thình ngồi uống cà phê ở quán Mặt trời Phương ảông từ sáng sớm, khi cổng Công ty còn chưa mở, cho đến tận lúc công nhân tan ca chiều. Cô em tiếp viên quen thuộc hỏi Thình một câu gì đó vào lúc gần trưa. Anh gắt lên:
- Đòi tiền chỗ hả? Bao nhiêu thì nói đi!
Đến chiều, lại cũng cô tiếp viên ấy đến ngồi bàn bên cạnh, lặng lẽ và ái ngại theo dõi Thình. Chợt cô ta đứng lên, chạy vội ra đường, vẫy tay gọi rối rít:
- Anh gì ơi... Anh làm ơn vô đây...
Không cần hỏi, nhìn thấy Thình là Bảo hiểu hết mọi chuyện. Anh dắt "con ngựa sắt" của mình đến trước quán cà phê.
- Ảnh ngồi từ sáng tới giờ đó anh. Trưa cũng không đi ăn cơm...
Bảo kéo ghế ngồi bên Thình:
- Mày tính ăn vạ chủ quán hả? Có giỏi thì vô công ty mà ăn vạ tổng quản!
Thình ngẩng lên nhìn Bảo:
- Không cần mày dạy khôn tao! Chủ quán! Tính tiền!
Thình trả tiền rồi đứng lên, ra lấy xe nổ máy, phóng như bay trên đường. Cô tiếp viên tò mò hỏi Bảo:
- Ảnh làm sao vậy hả anh?
Bảo cười:
- À! Nó bị thần kinh, lâu lâu lên cơn một ngày ấy mà!
Khi đã ngồi trên "con ngựa sắt" thong thả đạp về nhà trọ, Bảo chợt nghĩ:
"Mà không chừng nó điên thật cũng nên!"
Thình thích ngắm cảnh mặt trời lên. Lần này anh ta nấn ná hơi lâu nên đã bị "say nắng ngất xỉu". Có điều, khác với những nữ công nhân tội nghiệp, đây là tự anh ta chuốc họa cho mình.
Để trấn an dư luận, những người có trách nhiệm ở công ty đã đuổi việc Thình với lý do: "Tự ý phạt công nhân đứng nắng gây hậu quả nghiêm trọng"./.