Thằng Cuội ngồi gốc cây đa…(*)
Bây giờ thì Cuội đã đứng vững trên mặt đất, toàn thân còn phủ đầy cát bụi mặt trăng. Vậy là đã mấy thế kỷ Cuội sống “trên mây trên gió”, cách biệt hẳn cõi trần. Một ngày trên ấy bằng cả trăm năm dưới này, nên trông Cuội chẳng khác là bao. Vẫn cái đầu trọc lốc, bộ cánh cộc rách bươm, chiếc nón mê và cái roi trâu đã lên nước láng bóng. Cuội vươn vai, khoan khoái dang tay hít thở không khí trong lành nơi đất mẹ, cởi áo rũ sạch bụi cung Quảng, rồi rảo bước về làng.
Đây rồi, cái làng nhỏ ven sông đã ôm trọn cả tuổi thơ bồng bột, dại khờ. Đây rồi, bãi thả trâu ngày xưa với những buổi chiều thả diều, đánh đáo, chơi khăng, cùng những trò tinh nghịch mà Cuội bao giờ cũng là đứa đầu têu. Đây rồi... Bỗng cuội giật mình khi nghe tiếng reo : “Cuội!”. Một đám trẻ trâu từ bãi sông vừa chạy lên, vừa hát : “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa...”. Sao chúng nó lại nhận ra mình nhỉ? Cuội nghĩ : Mình cùng thời với cụ tổ chục đời nhà chúng cơ mà? Nói dối! Ừ, nói dối, đã làm mình thành danh, trở nên bất tử mất rồi. Chao ôi, kinh khủng quá... Cuội khẽ gật đầu nhìn đám mục đồng ngây thơ. Nước mắt Cuội ứa ra, chảy xuống môi mặn chát. Lũ trẻ im bặt, lững thững theo Cuội về làng.
Ngôi nhà của chú thím Cuội giờ đã thành trụ sở hợp tác xã. Ngày mùa mà sân kho lạnh ngắt, rêu mọc xanh rì. Chia ruộng rồi, chiều chiều cái sân rộng cả ngàn mét vuông chẳng còn nhốn nháo cảnh chia rơm, cùng tiếng cãi nhau ỏm tỏi. “Bộ sậu” của hợp tác xã nay chỉ còn ba người. Sau mấy phút hội ý chớp nhoáng, họ đã thống nhất được với nhau: Cuội thuộc diện “đối tượng”, lại là người làng, nên để Cuội ở luôn trụ sở là thượng sách rồi. Dân làng kéo đến thăm Cuội mỗi ngày một đông. Người ta háo hức mang theo những thứ nông phẩm quê mùa mà Cuội thích, hệt như trong cổ tích mà ông bà truyền lại. Nhưng có lẽ háo hức hơn là muốn nghe Cuội nói. Đúng, phải là Cuội nói kia, về cái nơi thiên đường, nơi cõi tiên mà của cải nhiều như nước ấy. Nhưng họ đã sớm thất vọng bởi những dấu tay ra hiệu của Cuội, mà lạy giời, chỉ có Thượng đế mới hiểu nổi. Cuội không nói được. Lưỡi Cuội đã dày đến mức chặn lấp cả âm thanh. Bỗng một hôm, trong đám nhà quê “chân chỉ hạt bột” hiếu kỳ, có kẻ nói oang oang: “Rõ là vô tích sự, ai lại đi nghe cái thằng nói dối đến dày cả lưỡi. Coi chừng, nghe hắn có khi lại thành kiếp ăn mày cả lũ”. Ừ nhỉ! “Dối như Cuội”, dân gian đã thành câu cửa miệng. Vậy mà còn ham nghe. Đám đông như vỡ mộng, tỉnh ra. Từ đó, người đến thăm Cuội thưa dần.
Cuội buồn lắm, đêm nào cũng trằn trọc, mất ngủ, nước mắt cứ ứa ra, ứa ra... Nói dối đã thành danh, thành “bia miệng”, lại còn được gửi cả vào cổ tích, thì ai còn dám tin? Dân làng đã không hiểu Cuội, vậy thì Cuội còn trở về mà làm gì? Vô ích quá. Không, Cuội chỉ khao khát được một lần nói thật về những gì Cuội thấy, Cuội biết ở cái chốn thiên đường xa lắc, để người đời xóa đi cho cái quá khứ nói dối đã thành danh kia. Nhưng có lẽ muộn mất rồi. Về với cõi người, thì Cuội cũng phải chịu cái vòng vần xoay của tạo hóa “sinh, lão, bệnh, tử”. Quy luật mà. Cuội già đi rất nhanh. Tốc độ lão hóa gia tăng cho kịp cùng thời với các cụ tổ hàng chục đời của lũ trẻ trâu, chẳng bao lâu đã biến thân hình Cuội trở nên khô đét, chỉ còn như một bộ xương trắng xóa. Thật tội nghiệp, ngày ngày, đêm đêm bộ xương ấy cố lết vào chân tường trụ sở hợp tác xã . Và Cuội đã bền bỉ mài cái lưỡi gần hóa thạch của mình vào đó, khiến nó bật máu, tô đỏ cả bức tường vôi. Cuội quyết tâm lắm. Rồi cái sự lạ ấy, đã lại kinh động đến đám đông “người trần mắt thịt”, dốt nát, cuồng nhiệt cả tin. Nhìn Cuội trong cơn sám hối hãi hùng, họ cũng động lòng thương. Nhưng biết làm thế nào, quy luật mà…
Cuối cùng thì cái gì phải đến đã đến. Vào một buổi chiều trời xanh cao lồng lộng, tiếng sáo diều từ bãi thả trâu ngày xưa vọng lại làm Cuội dễ chịu hẳn. Cuội chớp mắt nhìn mọi người, thều thào : “Lại đây! ”. Đó là hai tiếng đầu tiên kể từ khi Cuội trở về cõi trần, sống giữa đồng loại. Có thế chứ! Cuội quyết thực hiện cái khao khát được một lần nói thật những gì mà Cuội thấy, Cuội biết. Niềm khao khát thiêng liêng, mà vì nó Cuội đã vượt hàng chục năm ánh sáng trở về đây. Nào! Nhanh lên các con, không có muộn mất rồi. Ta sắp trở về với cát bụi đây. Quy luật mà. Cuội nghĩ vậy và khẽ mỉm cười thỏa mãn. Khuôn mặt cóc cạnh của Cuội như dãn ra. Cuội vẫy đôi trai gái trên má vẫn còn những đám lông tơ lại gần. Đôi trai gái nâng đầu Cuội lên, ghé sát tai vào miệng Cuội. Chỉ đợi có thế, Cuội nói rành rẽ từng tiếng một : “Thiên... đường... không... có... gì!”. Đám đông lặng ngắt. Họ kinh ngạc nhìn nhau, rồi cùng nhìn vào khuôn mặt đã héo quắt của Cuội. Từ hai hố mắt trũng sâu, nước mắt Cuội ứa ra, nhỏ từng giọt, từng giọt, thấm xuống nền đất lạnh./.
Nha Trang ngày 21 tháng 12 – 1992
(*)Đồng dao