Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
733
123.237.108
 
Chuyện nhỏ trong chiến tranh
Trần Quang Vinh

Đầu mùa khô năm sáu mươi tám, đơn vị pháo cao xạ của chúng tôi hoạt động ở Quảng Bình. Tôi và anh Thụy được cử đi dự đại hội thi đua quyết thắng cấp trung đoàn ở Hà Tĩnh.

 

Là chiến sĩ thông tin, mười chín tuổi, chưa hề có một mảnh tình. Với tôi, đời lính chiến nhẹ tênh, chết xanh cỏ, sống đỏ ngực. Còn anh Thụy vừa được đề bạt trung đội trưởng pháo, hơn tôi sáu tuổi, cưới vợ bảy ngày đã lên đường nhập ngũ. Cả đơn vị đều biết, anh Thụy là con trai một. Bố anh mất sớm, mơ uớc lớn nhất của mẹ anh là có đứa cháu nội, nhưng chưa thực hiện được. Hồi trung đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Long Biên, không hiểu bằng cách nào mà chị Thơ, vợ anh, lại biết địa chỉ đóng quân, từ trong quê Đức Thọ tìm ra. Nếu theo nguyên tắc bí mật của bộ đội phòng không thời chiến thì anh Thụy sẽ bị kỷ luật. Thế nhưng thông cảm với hoàn cảnh vợ chồng anh, đơn vị đã dựng tạm căn lều hạnh phúc bằng bạt pháo để vợ chồng anh hưởng tuần trăng mật. Tiếc thay, chị về quê viết thư báo tin buồn, chuyện ấy không thành.

 

Thấm thoát hai năm trôi qua, anh Thụy chưa một lần gặp lại người vợ trẻ. Trung đoàn vào Khu Bốn. Cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở vùng cán xoong càng ngày càng ác liệt hơn. Anh Thụy vẫn ít có hi vọng ghé thăm nhà.

 

Lần này chắc ước mơ của anh thành hiện thực. Trước khi đi, chính trị viên bảo chúng tôi có thể tranh thủ nghỉ lại nhà anh Thụy lúc quay vào. Đại đội trưởng còn vỗ vai tôi dặn dò tế nhị: “Cậu phải chăm lo sức khỏe trung đội trưởng Thụy đấy nhé!”

 

Sau đại hội, chúng tôi vội vã trở lại Quảng Bình bằng đường giao liên. Dọc đường anh Thụy say sưa kể chuyện làng xóm quê anh,  rồi giếng nước ngọt như đường phèn gần nhà anh. Tôi hỏi, về đến nhà anh làm gì trước? Anh bảo, ôm vợ! Tôi bảo, các anh lấy vợ rồi, quên cả mẹ. Anh Thụy cười ha hả bảo, chú mày tồ! Tình cảm mẹ con thật vĩ đại, nhưng không giống tình yêu. Đại để tình yêu như trái ớt đỏ, nhìn thấy đẹp, cắn thấy cay, ăn quen hóa say, hóa nghiện. Tôi bảo, không ăn được ớt nên không hiểu! Anh Thụy véo tai tôi bảo, bằng tuổi cậu tớ đã biết thơm má nàng… Đột nhiên anh Thụy buồn rầu bảo, nói vậy thôi, tớ trót rồi, cậu không nên vướng vòng tình ái sớm. Thời chiến yêu đương khổ lắm! Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, thương Thơ quá! Mới bén hơi chồng đã phải chia ly. Nói thật, ngày ở Hà Nội phải đánh bài liều viết thư báo cho Thơ biết địa chỉ đơn vị đóng quân. Ăn nằm với nhau hai đêm. Lúc chia tay nàng ôm ghì, khóc nức nở. Suýt nữa … hóa thằng đào ngũ! Im lặng một lúc rồi anh thủ thỉ kể, chuyện yêu đương cũng kỳ lắm! Thơ kém bốn tuổi, nhà cùng xóm, nhưng tớ không để ý. Một đêm mùa hạ, gió Lào hầm hập. Nóng quá mới lò mò tìm ra giếng nước đầu xóm, định giội mấy gầu cho mát. Gần tới bờ giếng, nghe tiếng nước xối, tớ dừng lại, nấp vào bụi cây. Dưới ánh trăng mờ mờ huyền ảo là thân thể nõn nà với bầu ngực căng tròn của một thiếu nữ trinh trắng. Tưởng như ngộp thở! Nhìn kỹ, nhận ra cô bé Thơ 17 tuổi, con bác Thể đầu xóm. Nàng vẫn không biết có người nhìn trộm, bình thản ưỡn người, đưa hai tay vuốt nước trên mớ tóc dày. Trời ơi, tớ như kẻ say rượu, loạng choạng ngã dúi vào bụi gai. Nghe tiếng động nàng vội vàng vơ quần áo bỏ chạy. Từ đêm ấy tớ bắt đầu mê nàng. Không ngờ cô bé cùng xóm mà duyên dáng, xinh đẹp, đáng yêu đến thế! Rồi bọn tớ yêu nhau. Những đêm trăng đẹp lại hẹn nhau ra bụi cây gần bờ giếng tán chuyện vớ vẩn, rồi thơm nhau. Nghe kể đã nhìn trộm nàng tắm … Thơ cấu vào lưng tớ bảo, trông hiền thế mà ghê!

 

Chuyện tình yêu quả là kì diệu. Chúng tôi đi suốt đêm không biết mệt. Tảng sáng hôm sau đến nhà anh Thụy. Lúc bấy giờ làng xóm khá yên tĩnh. Đâu đó rất xa xăm, tiếng bom ì ầm vọng đến. Lác đác tiếng chó sủa, tiếng gà gáy muộn. Anh Thụy bảo ngồi chờ để anh vào gặp vợ trước. Nhưng anh vừa đến đầu sân thì tấm liếp cửa hé mở. Một bà già gầy guộc đi ra. Nhìn thấy anh bà sững lại, rồi vồ lấy khóc rưng rức: “Thụy đấy ư con! Sao không báo trước?”

 

Anh Thụy gỡ tay mẹ bảo, con tranh thủ mẹ ạ! Thế nhà con đâu? Bà gạt nước mắt ngơ ngác một lúc, rồi kéo anh Thụy ra góc sân khẩn khoản bảo, mẹ  xin con, Thụy ơi! Hãy vì mẹ mà tha thứ ... Vợ con trẻ người non dạ, khôn ba năm dại một giờ! Nhưng là dâu hiền, đừng bắt tội! Không có con Thơ, mẹ chết mất !

 

Anh Thụy hoảng hốt nhìn mẹ. Hình như đã hiểu mọi chuyện, anh ngây người sững sờ, lảo đảo bước vào nhà.

 

Bấy giờ mẹ anh Thụy mới nhìn thấy tôi. Bà cảm thấy đã tìm được đồng minh, tất tả chạy đến, cầm tay tôi bảo, con cùng đơn vị với thằng Thụy, mẹ coi như con ruột, không dấu làm gì. Hoàn cảnh mẹ neo đơn, chỉ có vợ nó là con dâu, đẹp người, tốt nết. Nó trót dại … nhưng mẹ thương, không muốn thằng Thụy làm khổ. Đồng đội với nhau, con lựa lời khuyên giải em giúp mẹ, không bao giờ mẹ dám quên ơn!

 

Nghe mẹ khẩn khoản, tôi bối rối bảo, mẹ cứ yên tâm! Con sẽ động viên anh Thụy. Anh ấy là chỉ huy, là cấp trên, phải gương mẫu chứ! Tôi vác ba lô theo mẹ vào nhà. Căn nhà lá ba gian tuềnh toàng nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Bên phải có liếp ngăn làm buồng. Cửa che tấm màn bằng dù pháo sáng. Có tiếng phụ nữ khóc tức tưởi. Anh Thụy từ trong buồng đi ra như người mất hồn, vấp chiếc ghế băng, anh loạng choạng ngồi xuống chõng tre gần đó. Vừa lúc ấy mặt đất rung chuyển, tiếng bom nổ ầm ầm trộn lẫn tiếng động cơ phản lực gầm rú, tiếng đạn cao xạ nổ lụp bụp trên bầu trời. Một tốp máy bay cường kích bất ngờ đánh tuyến giao thông cách làng khoảng một cây số.

 

Không gian trở lại yên tĩnh. Dưới bếp tiếng gà mái cục tác, cục tác, hối hả gọi đàn gà con đang liếp chiếp kiếm mồi. Anh Thụy đứng dậy thủng thẳng bảo, cậu là khách, không phải làm gì cả. Tắm rửa, nghỉ ngơi cho lại sức. Mọi việc để mặc tớ.

 

Tôi cảm thấy khó xử. Lúng túng tìm chỗ ngồi, tìm chỗ đứng, hết vào nhà lại ra sân. Anh Thụy không chú ý đến tôi nữa, anh nói gì đó với mẹ rồi ra vườn bắt gà cắt tiết, làm cơm. Mẹ anh Thụy dẫn tôi ra ngõ, chỉ đường đến giếng nước đầu xóm bảo, nước giếng trong lắm, con tắm cho mát mẻ. Chợt bà hạ giọng thì thầm, mẹ vẫn thấy lo, chỉ sợ thằng Thụy nó làm điều bậy bạ.

 

Tôi bơ vơ đi dưới những hàng cây hoang dại, lòng dạ ngổn ngang. Giếng nước đầu xóm đây rồi. Nước trong vắt trào lên khỏi miệng giếng, mát rượi. Tôi bỗng tưởng tượng ra hình ảnh người con gái đang nghiêng mình xối nước dưới đêm trăng mà anh Thụy đã kể. Buột miệng thở dài luyến tiếc mơ hồ.

 

Gần trưa, mâm cơm được bày trên chiếc chõng tre nhỏ. Hai bên chõng đặt ghế băng đóng bằng gỗ thông hòm đạn. Thức ăn có thịt gà luộc, lòng gà xào, thịt hộp, gà hầm khoai sọ, rau lang luộc. Trên mâm còn thêm nửa chai rượu trắng, sáu chiếc ly thủy tinh nhỏ, có cái đã sứt mẻ. Anh Thụy hỏi:

- Mẹ đã mời các đồng chí lãnh đạo chưa?

 

Mẹ anh Thụy bảo, bây giờ bác Đạo làm bí thư kiêm chủ tịch. Còn anh Hán, con bác Hạn làm chủ nhiệm hợp tác xã. Các đồng chí ấy quan tâm đến nhà ta lắm. Mẹ đã mời, nhất định các đồng chí ấy sẽ đến. Nhưng con cư xử cho đàng hoàng, ăn ở phải biết làng, biết xóm.

 

Lại một đợt bom nổ phía bên kia đồi. Tiếng máy bay phản lực ì ầm xa dần. Một cột khói đen ngòm lừng lững đùn lên. Mẹ anh Thụy chép miệng bảo, chắc đánh trúng chân hàng… Hồi này quê mình không ngày nào ngớt tiếng đạn bom!

 

Quá trưa, các đồng chí lãnh đạo địa phương tất tả đến. Đồng chí bí thư cao tuổi nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, cất tiếng chào oang oang từ đầu ngõ. Các đồng chí thấy đó, hậu phương bây giờ khác chi tiền tuyến, suốt ngày bom đạn. Biết các đồng chí ở mặt trận về, định đến thăm sớm. Nhưng lại phải điều động dân công hỏa tuyến đi cứu chân hàng bị cháy trong rú. Đồng chí bí thư bắt tay anh Thụy, khen anh tiến bộ. Nắm vai tôi lắc lắc, hỏi thăm sức khoẻ toàn đơn vị. Đồng chí chủ nhiệm còn trẻ, mặt hơi gãy, chân đi tập tễnh, lúng túng chào cả nhà.

 

Khi mọi người đã ngồi quanh mâm, anh Thụy đứng dậy bảo, gọi Thơ ra cùng ăn cơm. Không khí đang vui vẻ bỗng chững lại. Mẹ anh Thụy can, thôi con ạ! Vợ con đang mệt, ăn cơm sau cũng được.

 

Anh Thụy vẫn đi vào buồng vợ. Đồng chí bí thư ngẩng đầu ngắm trần nhà làm ra vẻ bình thản. Đồng chí chủ nhiệm liếc đồng chí bí thư, ý tứ thăm dò. Anh Thụy đỡ vợ ngồi xuống ghế. Lúc này tôi mới nhìn rõ chị Thơ. Cặp mắt đen dài nhìn xuống ngác ngơ. Da tái xanh. Cổ giần giật. Bầu ngực với vòm bụng đã đẫy ra… Vẫn còn nét duyên dáng của một thiếu nữ nhan sắc mặn mòi chốn đồng quê.

 

Chị Thơ lúng túng chào. Răm rắp làm theo sự sắp xếp của chồng. Anh Thụy điềm nhiên mời mọi người nâng ly. Rồi anh chọn miếng thịt gà ngon nhất, to nhất, xé nhỏ, đặt vào bát vợ bảo, em phải ăn để lấy sức nuôi con !

 

Nghe giọng nói như mệnh lệnh của anh Thụy, chị Thơ sợ sệt nhai, nuốt như một chiếc máy. Mẹ anh Thụy thắc thỏm lo lắng nhìn con. Đồng chí bí thư làm ra vẻ không quan tâm, khề khà khen rượu ngon. Đồng chí chủ nhiệm thất sắc liếc trộm anh Thụy, gật gật đầu tán thưởng ý kiến đồng chí bí thư. Mẹ anh Thụy bảo, tình làng, nghĩa xóm, quý hoá lắm! Nhất là thời buổi đạn bom loạn lạc này.

 

Bữa cơm thân mật mà căng thẳng cũng sắp tàn. Anh Thụy đứng dậy. Rút khẩu súng K54 sáng bóng ra khỏi túi. Mẹ anh Thụy sợ quá, buột tay để rơi bát cơm xuống mâm. Đồng chí bí thư cùng đồng chí chủ nhiệm há hốc mồm, nghiêng người né họng súng. Tôi lặng người, chăm chăm nhìn anh Thụy, tim đập liên hồi. Anh đến gần bàn thờ. Đặt khẩu súng, rồi từ tốn như những khi phát biểu trước cuộc họp:

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo xã! Kính thưa mẹ! Nhân tiện đông đủ mọi người ở đây, con xin phép được làm rõ sự thật, giải quyết vấn đề của vợ chồng con.

 

Mẹ anh Thụy cuống quýt chạy đến. Kéo áo anh van vỉ, mẹ xin con! Hãy thương mẹ, con ơi! Chị Thơ ôm mặt nghẹn ngào. Đồng chí chủ nhiệm run lẩy bẩy. Đồng chí bí thư luống cuống nghĩ cách xử lí …

 

Trước tình thế ấy, tôi  buộc phải đứng dậy đến bên anh Thụy nhăn nhó bảo, chuyện riêng của gia đình… theo em, anh không nên nói ở đây!

 

Anh Thụy phớt lờ lời khuyên của tôi. Khẽ gỡ tay mẹ bảo, mẹ cứ yên tâm! Con phải nói rõ sự thật, kẻo sau này mang tiếng gia đình ta. Rồi anh nhẹ nhàng nâng vợ đứng dậy. Chị Thơ run lập cập trong tay anh .

-Thưa các đồng chí lãnh đạo xã! Chắc mọi người đều chưa biết bố đứa trẻ trong bụng vợ tôi là ai? Vâng, tôi xin nói rõ, dù mọi người chê trách! Bố đứa trẻ chính là tôi!  Chồng Thơ…!

 

Không khí như dãn ra. Tất cả ngơ ngác bàng hoàng, tưởng đâu nghe lầm. Bằng giọng nghiêm trang, anh Thụy nhìn thẳng vào đồng chí bí thư kể, đêm ấy đơn vị hành quân qua địa phận xã nhà. Đến gần cầu Đức Thọ, phải dừng lại chờ công binh phá bom nổ chậm. Vì mong muốn gặp vợ nên tôi đã liều lĩnh đào ngũ hai tiếng đồng hồ. Chạy bộ tắt cánh đồng, vượt qua rú Đọi , lẻn vào buồng gặp Thơ … Do vợ chồng tôi ăn vụng, nên tình ngay lý gian, chẳng dám thổ lộ cùng ai. Bây giờ  xin nói rõ để các đồng chí lãnh đạo xã thông cảm! Khỏi mang tiếng xấu cho gia đình tôi, cũng như địa phương ta …

 

Đồng chí bí thư cười gượng, không biết nên chúc mừng hay phê phán. Đồng chí chủ nhiệm sượng sùng xin phép ra về. Chỉ có mẹ anh Thụy là hả hê, tíu tít cám ơn các đồng chí lãnh đạo xã đã quá bộ tới thăm, làm nhân chứng cho gia đình.

 

Anh Thụy dìu vợ vào buồng, không nói thêm một lời.

Đêm ấy anh Thụy nằm chung với tôi. Nửa đêm thức giấc thấy anh vẫn chưa ngủ. Anh đi lại ngoài sân, u uất bồn chồn. Gần sáng đánh thức tôi dậy, ăn vội bát cơm nóng, rồi chúng tôi tất tả lên đường. Anh Thụy bảo, phải đi gấp, sợ đơn vị di chuyển trận địa vào phía trong …

 

Chúng tôi đi mải miết theo đường mòn nối  những chòm xóm bom đạn cày xới tan hoang. Dọc đường gặp nhiều đơn vị bộ binh, thanh niên xung phong hành quân, chào hỏi nhau tíu tít. Anh Thụy luôn đăm chiêu, không chuyện trò. Sẩm tối, chúng tôi đến một  xóm nhỏ hoang vắng, nằm ven đồi chi chít hố bom. Tìm mãi không gặp một người dân, chỉ thấy những căn nhà tranh ngả nghiêng giữa vườn cây hoang dại. Anh Thụy bảo, chắc lạc đường, nghỉ chờ sáng đi tiếp. Chúng tôi lấy lương khô ra ăn, rồi mắc võng ngủ dưới  gốc cây  ổi  lớn, tán lá lòa xòa trải rộng.

 

Đêm... Bỗng nghe tiếng động lạ, anh Thụy làm hiệu bảo tôi lặng im. Anh bí mật tiến về phía tiếng động. Tôi hồi hộp theo dõi. Hai tiếng súng nổ, rồi tiếng chó tru lên thảm thiết. Tôi vội vàng chạy về phía anh Thụy. Anh đang tra súng vào bao, mắt ánh lên những tia sáng lạnh. Dưới ánh trăng, tôi nhìn rõ hai con chó vàng dính đuôi nhau. Một con trúng đạn đang rên rỉ quằn quại. Con kia rú rít, cố tìm cách tháo chạy nhưng bị vướng vào bạn tình, không thoát nổi. Tôi cảm thấy bất bình, gay gắt hỏi, tại sao anh lại bắn nó ?... Anh Thụy hầm hầm bỏ đi, miệng lầm bầm chửi đổng: “Đời chó thế!”

 

*

Tôi ở cùng đơn vị với anh Thụy gần hai năm. Sau anh được đề bạt đại đội trưởng, chuyển sang trung đoàn khác. Những ngày còn gần anh, không bao giờ thấy anh nói chuyện về tình yêu nữa. Anh lầm lì ít nói, nhưng chiến đấu thì vô cùng dũng cảm, gan góc. Lại hết lòng thương yêu chiến sĩ.

 

Có lần tôi định hỏi anh chuyện gia đình nhưng lại thôi. Đó là những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Với những đêm kéo pháo hành quân tất bật trên những cung đường tuyến lủa. Trận địa pháo oằn mình hứng bom. Rồi những phút giây tiễn biệt đồng đội lặng lẽ thương đau … Tôi  không dám gợi lại vết thương  lòng của anh ./.

 

VT 12-1998

Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2377
Ngày đăng: 10.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng bỏ làng - Nguyễn Chính
Sợ - Ngô Nhật Lê
Ngọc phật - Bạch Lê Quang
Điếu văn của người quét chợ - Đặng Văn Sinh
Cuội - Nguyễn Chính
Kén vợ kén chồng - Đỗ Ngọc Thạch
Cư dân của thành phố - Vinh Anh
Những cô bạn cũ - Phạm Hồng Danh
Say nắng - Khôi Vũ
Khúc lý chiều chiều - Nguyễn Minh Phúc