Hát xẩm là thể loại âm nhạc vô cùng giản dị, truyền cảm, dễ nghe, dễ nhớ, chứa đựng cả một thế giới tình cảm phong phú của con người . Nói đến hát xẩm, người ta hay nhắc đến những bài Anh Khoá, Cho thiếp theo cùng, Lơ lửng con cá vàng, Lỡ bước sang ngang..., công chúng vẫn chưa quên tiếng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu (xem ảnh) - người hát xẩm cuối cùng. Và cơ hội đã cho tôi nghe một bài hát xẩm độc đáo bằng tiếng Nga, không có tiếng đàn nhị réo rắt nhấm nhẳn đệm theo, không sênh, không phách, không trống nhưng vẫn rất hấp dẫn:
Á nà, xi tú đèn ca
Á na liu bịt mế nhia đạp nồ
Xôn đát a chét ẹ ồ
Á e ô mát rá bồ nhịt xa
Á na liu bịt mế nhia đạp nồ...
Nếu nhờ người biết tiếng Nga ghi lại thì văn bản bài hát sẽ là thế này:
Она студентка
Она любит меня давно
Солдат отец её
А её мать работница
Она любит меня давно...
Dịch nghĩa:
Nàng là sinh viên
Nàng yêu tôi đã lâu
Cha nàng là lính
Còn mẹ nàng là công nhân
Nàng yêu tôi đã lâu…
Trong cái không khí lâng lâng vui vẻ của những ngày áp Tết, mặt ửng hồng vì men bia, những người bạn đồng học chúng tôi kể với nhau hết chuyện này đến chuyện kia, và đến lượt Kiên, sau một cái hắng giọng cậu ta bắt đầu câu chuyện bằng bài hát xẩm tiếng Nga làm mọi người nghe một cách thú vị. Ta hãy nghe các cụ ngày xưa nói về anh hát xẩm:
Tham giàu lấy chú biện tuần
Tuy rằng bóng bẩy nợ nần chan chan
Thà rằng lấy chú xẩm xoan
Công nợ không có hát tràn cung mây.
Vậy thì từ ngày xưa, xẩm đã đắt vợ lắm. Kiên ơi ! Tớ không biết cậu đã làm tan nát cõi lòng và trái tim bao nhiêu thiếu nữ, nhưng khi chất giọng tenor cao vút thanh thoát của cậu cất lên thì cử toạ hôm ấy im phăng phắc, còn tớ thì nghĩ trong bụng rằng nếu mình là con gái thì chắc đã đổ xiêu đổ vẹo.
Kiên là bạn học của tôi thời Trung học phổ thông. Học xong lớp 12, tôi thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, còn Kiên thi trượt rồi sau đó rẽ ngang đi xuất khẩu lao động, nghe nói là đi Nga. Đi Nga thì phải học tiếng qua lớp học cấp tốc rồi sang đấy nhúng vào môi trường bản ngữ nên cậu ta cũng biết và nói được dăm câu tiếng Nga, dẫu có là nói bồi. Không hiểu bài hát xẩm bằng tiếng Nga có nguồn gốc từ đâu, nhưng nó được truyền miệng từ người này đến người kia trong tốp thợ, hát cho vui, cho đỡ nhớ nhà, vả lại còn là một cách để nhớ thêm một số từ tiếng Nga thông dụng.
Gặp lại sau mấy năm xa cách, trông người có vẻ dầu dãi phong trần, mới hơn 22 tuổi mà trông đứng đắn như người ngoài ba mươi, nét mặt buồn buồn, nụ cười nửa miệng, cậu ta kể cho tôi nghe về chuyến đi Nga, một chuyến đi mà bây giờ ngồi nghĩ lại vẫn còn thấy sợ.
- May mà còn về được đến nhà cậu ạ! Giời run rủi thế nào mình lại gặp người cùng làng là ông Phúc ở Mát (cách dân ta gọi tắt Matxcơva), về tiềm lực kinh tế ông ấy được xếp vào hạng tướng, hạng soái, là chủ của mấy quầy hàng ở Chợ Vòm (chợ Cherkizovsky). Tuy ông ấy cũng đang khó khăn vì chính quyền thành phố sắp đóng cửa chợ, nhưng thấy mình bơ vơ bế tắc, ông ấy thương tình cho cái vé máy bay, không thì không biết làm cách nào mà về nhà được. Cũng chỉ tại mình dễ tin người, nghe Công ty môi giới xuất khẩu lao động khoe mức lương hấp dẫn, hơn mười hai nghìn rúp một tháng-37 rúp ăn một USD, tính bằng đô la Mỹ cũng được hơn ba trăm hai mươi đô- ngồi máy may công nghiệp công việc nhẹ nhàng, chỗ ăn ở chủ bao, làm được đồng nào quy đổi ra đô la Mỹ gửi về nhà. Rồi học tiếng và học may công nghiệp mất bốn tháng, tiền phí môi giới và thủ tục, tiền vé máy bay…đụng đến thứ gì cũng phải tiền, bố mẹ mình phải chạy vạy vay mượn hơn bốn chục triệu đồng rồi thì cũng xong. Xúng xính trong bộ vét, một tay kéo túi du lịch có bánh xe lăn, một tay xách cặp bước vào phòng chờ sân bay Nội Bài mà như thấy tương lai tươi sáng đã mở ra trước mắt. Bước xuống sân bay Domodedovo trong lòng đã thấy hơi ngờ ngợ, ra đón không phải là người Nga mà là một ông chủ xưởng may người Việt, đưa cả bọn về tá túc trong một ốp (nhà chung cư) ở làng Novo Petropxco ngoại ô Matxcơva, xưởng may cũng ở ngay gần đấy, chuyên may quần bò. Làm và lĩnh lương trót lọt được gần chín tháng thì bỗng nhiên cảnh sát ập đến, thì ra đó là một xưởng may “đen”, kinh doanh không có giấy phép, chuyên may hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng. Số hàng bị tịch thu tại hiện trường trị giá (ước tính) hơn 400.000 rúp, máy móc và nhà xưởng bị niêm phong, chủ bị dẫn về bót , thợ bỏ chạy tán loạn trong người không có giấy tờ tuỳ thân vì hộ chiếu bị nhà chủ giữ, anh nào xớ rớ không chạy kịp bị cảnh sát nó vớ được thì hai tay để sau gáy, mặt úp vào tường. Hôm ấy may mà mới thấy động tớ đã nhanh chân chạy thoát, rồi từ đấy bắt đầu cuộc sống lang thang của người vô gia cư, dạt đến Chợ Vòm làm anh cửu vạn bất đắc dĩ, chủ nào thuê gì cũng làm: quét dọn, bưng bê, bốc vác, bất kể đó là ông chủ người Azerbaizan, Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam. Đêm đến phải chi 150 rúp để thuê chỗ ngủ trong một quầy hàng bán kutka (áo khoác) của người Việt, không có giường chiếu mà chỉ kê mấy cái ghế, lót bìa các tông để nằm, lạnh thấu xương, nhớ quê hương đến phát khóc. Rồi một hôm gặp ông Phúc trong Chợ Vòm, ông ấy ngạc nhiên nhìn tớ như thể nhìn người ngoài hành tinh, câu đầu tiên ông ấy hỏi : “ Thằng Kiên! Mày sang đây làm gì? Đến cái hạng như tao mà còn đang muốn bán xới để về đây này !”. Không gặp ông Phúc cái đận ấy, tớ thật không biết làm cách nào để trở về Việt Nam, riêng cái thủ tục chuộc lại và gia hạn hộ chiếu cũng đã tám, chín trăm đô, đào đâu ra?...
Thật không may cho Kiên, xuất khẩu lao động đi Nga hơn một năm, lúc trở về hàng họ không, tiền bạc không, may mà còn giắt lưng một bài hát xẩm để hát tặng bạn bè./.
Hà Nội 2009