Dòng Đakbla, Đakbla vẫn ôm ghì thị xã. Như núi ôm mây, như mây ôm núi. Như vòng tay của anh dịu êm, dịu êm... Khúc hát “Tình yêu bên sông Đakbla” của nhạc sĩ Nguyễn Cường có một đoạn diễm tình như thế. Nghe nhạc đã bị con sông huyền thoại ấy réo gọi quay về, đến lúc được rong chơi cùng Đakbla càng cảm thấy có gì níu chân mãi.
Từ trên sân thượng của Khách sạn Indochine nhìn bao quát về phía Tây Nam, dòng sông Đakbla hiện ra như một chữ S mềm mại ôm lấy thị xã Kon Tum như ca từ của Nguyễn Cường. Nghe nói con sông này lạ lùng lắm, nước cứ tuôn chảy về phía Tây, ngược với cách nghĩ lâu nay của con người. Không lần nào về Kon Tum mà tôi không nhận ra ở nơi quanh quẩn con sông huyền thoại này một điều gì đó mới lạ vừa đủ để còn muốn lần sau quay lại.
Lần này, níu chân tôi là màu hoa rực đỏ của cây pơ-lang bên sông. Lúc đầu, gần chục người trong đoàn chúng tôi cứ quanh quẩn bên gốc cây cổ thụ, hết chụp hình lại quay sang nhìn ngắm cái màu hoa lạ lẫm ấy, chưa ai xác quyết nó là cây pơ-lang hay cây kơ-nia của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Cuối cùng, phải nhờ đến cô gái có cái đồng tiền lúng liếng ở Bến Sông Xưa, tên một quán cà phê đầu đường Bạch Đằng nhìn xuống sông Đakbla, mới biết cái cây có hoa đã đi vào thơ “thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo” của Đoàn Thị Tảo ấy đích thị là hoa pơ-lang. Cái hoa chấm những cánh đỏ tươi lên bầu trời xanh biếc của Tây Nguyên nắng gió ấy, người miền núi rừng phía Bắc còn gọi một cái tên khác rất điệu đà là hoa mộc miên.
Đêm đầu tiên tôi đến, trời Kon Tum chợt có chút mưa. Một chút thôi, chỉ đủ làm ướt vài cọng tóc, nhưng chưa đủ để mường tượng ra cái không gian diễm tình mà Đoàn Việt Hùng đã mở ra trong truyện ngắn “Mưa trên sông Dakbla”. Một chút rượu cần trong bữa tối ở Khách sạn Indochine trước đó tan nhanh giữa cơn gió cao nguyên khi nhiệt độ ngoài trời xuống còn 14 độ. Ánh đèn đường nghiêng xuống trên những lối đi dọc theo triền sông. Thoảng đâu đó tiếng hát của nàng sơn nữ Siu B’Liêng từ trong “Mưa trên sông Dakbla” bước ra ngoài đời thực: Chân chúng ta cùng gặp theo một điệu/ Tay chúng ta cùng uốn theo một nhịp/ Đôi má ta chạm vào nhau… và nhận ra nhau. Huyền thoại Đakbla tan chảy trong từng nhịp chân song hành giữa đêm đầy hơi sương. Ngước nhìn dòng nước lặng lờ dưới trời đêm, chợt nghĩ đến ở một nơi nào đó, nơi ba con sông Sêsan, Pôkô và Đakbla hòa nhịp cùng nhau trong điệu chảy vô cùng, hẳn thanh âm của đại ngàn phải thâm trầm, sâu lắng lắm.
Từ khi đứa con Indochine hiện đại ra đời, khách sạn mẹ Đakbla có hình mái nhà rông Tây Nguyên gần đó bỗng trở nên lặng lẽ. Quán nhỏ bán hàng lưu niệm bên cạnh khách sạn cũ kỹ ấy cũng đã thay người quản lý. Quán vẫn để biển hiệu là Ngọc Linh, tên bà mẹ, nhưng người trực tiếp bán hàng giờ là cô con gái mang tên một loài gỗ quý, Cẩm Lai. 7 năm chưa đủ làm cho một quán hàng trở nên già, nhưng đủ để cho khách ghé qua cái thị xã nhỏ bé này “còn có chút gì để nhớ, để thương”. Buổi tối, khách trả một bức tượng nhà mồ đến 150 nghìn đồng, cô vẫn không bán, đòi đúng giá 180 nghìn đồng. Sáng hôm sau, khách quay lại lấy tượng, đưa tờ 200 nghìn đồng thì cô trả lại 50 nghìn kèm theo một nụ cười… khuyến mãi. Khách ngẩn ngơ - À, người Đakbla là thế?!
Cách đó không xa là quán ăn cũng tên Đakbla ở số 168 Nguyễn Huệ. Trên nền nhạc hòa tấu êm dịu, khách vừa thưởng thức những món ăn Việt, vừa thỏa sức nhìn ngắm những bộ sưu tập các vật dụng của các dân tộc Tây Nguyên. Anh Hồ Công Văn, chủ quán, hơn 30 năm trước từng đi làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào trên này, trong một phút bất chợt nào đó bỗng nhận ra cái đẹp hút hồn của bức tượng nhà mồ người Ba-na, chiếc gùi người Xê-đăng, chiếc chiêng người Ê-đê... Văn đã bị Tây Nguyễn huyền hoặc níu chân, cuối cùng neo cuộc đời mình bên bến sông Đakbla, mượn tên sông về làm tên quán, giới thiệu khách phương xa các đặc sản của núi rừng Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, các món nướng của người Ba-na... Có điều, đối với các bộ sưu tập cũ kỹ đã từng lưu lại trong anh nhiều kỷ niệm buồn vui, anh để riêng một nơi, không bán. Hiện, anh có gần 100 bộ sưu tập với hơn 500 hiện vật, một sự hòa quyện của các nền văn hóa bản địa.
Đến Kon Tum mà không dành chút thời gian tản bộ dọc theo ven sông Đakbla là coi như chưa hiểu hết Kon Tum – cô gái lúng liếng đồng tiền ở Bến Sông Xưa bảo thế. Hãy đến và thử nghe Lyna Chăm Nguyên hát “Chiều Đăkbla” của Quỳnh Hợp, bạn sẽ biết điều đó đúng sai thế nào: … Dòng Đakbla êm đềm/ Gió cao nguyên rong chơi… Sóng lăn tăn vỗ bờ/ Ai đứng chờ đợi ai.../.