Sử cũ cho biết, nước ta, cho đến triều tiền Lê (980 – 1009) “Trong việc dựng nước, mọi việc hãy còn đơn giản, sơ sài. Đến nhà Lý mới làm ra cung thất, đặt ra quan trong, quan ngoài; Lễ nhạc, văn vật xem ra mới được đầy đủ…”
Song song với việc xây dựng một nhà nước phong kiến theo chế độ quân chủ tập quyền - để phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài – nhà Lý không thể không quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Năm Ất Mão (1075), Lý Nhân Tông (Càn Đức) mở khoa thi tuyển “Minh kinh bác học” - Bắt đầu khảo thí học trò bằng ba kỳ thi. Trước đó, khi chưa có khoa cử, những người được cất nhắc, bổ dụng ra làm quan đều phải tiến thân bằng con đường Phật giáo. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta.
Đỗ đầu khoa đó (trong số hơn 10 người trúng tuyển) là Lê Văn Thịnh người xã Đông Cứu, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi đỗ, ông được vào cung hầu vua (lúc đó mới 7 tuổi) học tập. Hơn một năm sau – Tháng Chạp năm Bính Thìn (1076) - Từ chức Nội cấp sự, ông được phong làm Binh bộ thị lang. Trong cuộc đời 21 năm làm quan dưới triều Lý Nhân Tông, Lê Văn Thịnh đã có một đóng góp to lớn trong lịch sử bang giao. Đó là lần ông được cử đi sứ sang nhà Tống vào tháng 6 năm Giáp Tý (1084) để bàn định về việc cương giới.
Nguyên trước đó, nhà Tống sai Quách Quỳ và Triệu Tiết đem quân sang xâm lược nước ta, chiếm lấy các châu: Quảng Nguyên, Tư lang, Tô châu, Mậu châu, và huyện Quang Lang (thuộc địa phận hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng ngày nay). Để chuộc lại, nhà Tống yêu cầu ta phải thả những người Tống đã bị ta bắt làm tù binh vào tháng 11 năm Ất Mão và tháng giêng năm Bính Thìn, khi Lý Thường Kệt và Tôn Đản sang đánh phá Khâm châu, Liêm châu và Ung châu. Triều đình nhà Lý đã chấp nhận điều kiện này và thực hiện việc trao trả tù binh vào mùa xuân năm Kỷ Mùi (1079); nhưng sau đó nhà Tống đã nuốt lời hứa, chỉ trả lại cho ta có một châu Quảng Nguyên. Vì vậy, đến đây (1084), Lê Văn Thịnh được cử đi sứ.
Trong suốt thời gian hoà nghị với Thành Trác - Tuần kiểm ty nhà Tống – Lê Văn Thịnh luôn luôn giữ thái độ ôn tồn, mềm dẻo “Từ từ lấy lý lẽ mà giải thích. Vua Tống khen là cung kính, biết lẽ phải - đặc ân phong cho ông làm Long đồ các đãi chế, và hạ chiếu trả lại cho ta đất 6 huyện và 3 động …” Vì sự kiện này, năm Ất Sửu (1085), ông được Lý Nhân Tông phong làm thái sư…
Cống hiến trên phương diện ngoại giao của Lê Văn Thịnh, ít được người đời về sau nhắc đến. Hầu như mọi người biết đến ông chỉ với tư cách ông là người khai khoa khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta. Sở dĩ có tình trạng như vậy, vì ông đã bị khép vào tội đại nghịch mà hậu quả là ông phải lãnh một bản án tương đối nghiêm khắc lúc cuối đời. “Việt sử Thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép về sự kiện này như sau:
“Trước kia, Văn Thịnh có 1 tên gia nô người nước Đại Lý. Tên này có pháp thuật lạ. Nhân thế, Văn Thịnh manh tâm toan sự kia khác. Bấy giờ nhà vua chơi hồ Dâm Đàm (còn gọi là Lãng Bạc, tức hồ Tây ngày nay), đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên nổi đám sương mù, có chiếc thuyền từ trong đám sương mù ấy vụt tới, sát đến thuyền ngự. Nhà vua cầm giáo lao theo, thì đám sương mù ấy tan đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi, ông chài Mục Thận quăng lưới chụp lấy, té ra là thái sư Lê Văn Thịnh…”
Đó là vào tháng 3 năm Bính Tý (1096). Nghĩ Lê Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao, sau đó nhà vua không nỡ giết, chỉ tước hết quan chức rồi bắt đày đi an trí ở trại Thao Giang…
Hơn 900 năm đã trôi qua, gạt bỏ lớp sương mù huyền thoại của lịch sử, lật lại hồ sơ vụ án, một câu hỏi được đặt ra với tất cả chúng ta: Phải chăng đó chính là sự thất sủng của Đạo giáo đối với Phật giáo (và sau này là Nho giáo) trong cuộc chạy đua của ba “nhà” để tranh giành vị trí độc tôn?./.