Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.010
123.137.447
 
Một cuốn sách, nhiều suy nghĩ
Nguyễn Đức Tùng

 

 

1.      Cho đến nay, hơn một tháng sau khi cuốn sách Thơ đến từ đâu ra đời, và sau cuộc Hội thảo tại L’Espace ngày 6.1.2010, có hai dư luận: ở hải ngoại, tập trung vào khía cạnh xuất bản, biên tập, kiểm duyệt; và ở trong nước, chú ý nhiều hơn đến nội dung văn học của cuốn sách. Như là một tác giả, tôi quan tâm đến các bàn luận về nội dung, nhưng như một người sống và viết ở hải ngoại, tôi cũng quan tâm đến phương diện thứ nhất. Tôi hết sức cám ơn những góp ý có tính xây dựng.

2.     Tôi hiểu rằng có những người phản đối xuất bản sách ở trong nước của các tác giả hải ngoại, dưới bất cứ điều kiện gì, chừng nào hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại. Họ xem việc xuất bản ấy cũng là một hành động “hòa giải”, một việc mà họ vốn phản đối, trên nguyên tắc. Có thể có những người không nói thẳng ra, nhưng thâm tâm họ nghĩ như thế. Đối với những lập trường ấy, tôi không có ý kiến gì cả, vì chúng vượt ra ngoài các đối thoại mà bài viết này hướng tới.

3.      Như vậy những người còn lại, không phản đối việc xuất bản trong nước trên nguyên tắc, tất nhiên chấp nhận những quá trình thương thảo nào đó về biên tập, kiểm duyệt, tài chánh, pháp lý vân vân. Xin lấy một ví dụ cụ thể: nếu bài viết của tôi có một ngàn chữ, mà anh cắt bỏ của tôi ba trăm chữ thì tôi sẽ không đồng ý xuất bản. Nếu anh chỉ cắt của tôi ba mươi chữ thì tôi có thể suy nghĩ lại, có thể đồng ý mà cũng có thể không, nhưng khả năng đồng ý sẽ cao hơn trước. Ngược lại anh chỉ cắt của tôi ba chữ, nhưng là ba chữ theo tôi là quan trọng, thì tôi sẽ không đồng ý. Và chúng ta tiếp tục tranh luận. Vân vân.

  Như vậy đó là một quá trình thương thảo, là vấn đề mức độ ít nhiều, đậm nhạt (the matter of degree) mà thôi. Đó là nói trong điều kiện lý tưởng.

 

4.     Tuy nhiên, ai cũng biết rằng các nhà biên tập ở trong nước chịu áp lực nặng nề của hệ thống kiểm duyệt. Trong số họ cũng có những người chỉ biết nhắm mắt làm theo lệnh cấp trên, nhưng cũng có rất đông người có tư tưởng độc lập, cởi mở, dân chủ. Các tác giả ở hải ngoại cần hiểu và tôn trọng họ, một mặt thông cảm, nhưng mặt khác cũng phải thuyết phục, đấu tranh với họ, để giành quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của mình. Các tác giả và các nhà biên tập như thế có thể trở thành các bên giao dịch chứ không phải là những kẻ đối nghịch.

Ví dụ, nếu chỉ tính về số lượng bài và tác giả mà thôi, trong lần biên tập đầu tiên của Thơ đến từ đâu, đã có ít nhất ba bài và bốn tác giả bị loại ra. Sau quá trình làm việc lâu dài, số bài bị loại chỉ còn lại một. Bài bị loại cuối cùng cũng không phải là bài bị loại trước các bài khác. Dĩ nhiên điều đó không phải đã là trọn vẹn, và không phải ai cũng hài lòng, nhưng nó chứng tỏ sự cố gắng rất cao của một số các nhà biên tập, trong khả năng của họ.

 

Xuất bản sách là một cuộc đấu tranh từng bước. Mỗi người một vai trò. Các tác phẩm càng được tự do xuất bản, nền văn học nước nhà càng có lợi, xã hội văn minh càng được phát triển. Những ai kêu đòi tự do cho Việt nam nhưng không nhìn thấy tính chất thương thảo và tính chất từng bước của cuộc đấu tranh ấy, không nhìn thấy tác động tích cực của những người tiến bộ trong hệ thống xuất bản, đả kích họ toàn diện, vơ đũa cả nắm, tôi thiết nghĩ là những người không có viễn kiến.

 

5.      Các dư luận về một cuốn sách, có khen có chê, là sự thường. Nhà văn làm việc trong cô độc, nên dư luận đối với họ chỉ là dịp nhìn lại công việc của mình. Tôi quan tâm trước hết đến ý kiến của các nhà thơ trong tập sách. Đối với họ, tôi luôn luôn kính trọng, với một chút tình tri kỷ. Tôi đã đọc nghiêm cẩn các bài viết hoặc ý kiến của Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Viện, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Thận Nhiên, Khải Minh, Đỗ Kh, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Tường, Nam Dao, Đỗ Quyên, Hoàng Vũ Thuật, Inrasara, Thanh Thảo. Tôi cũng đọc kỹ tham luận hoặc ý kiến của các nhà văn, nhà phê bình có uy tín trình bày trước, trong và sau Hội thảo: Phạm Toàn, Đặng Tiến, Đà Linh, Trần Thị Trường, Chu Văn Sơn, Văn Giá, Tạ Duy Anh, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Thân, Trần Thiện Khanh, Tô Nhuận Vỹ, Cao Việt Dũng, Trần Nghi Hoàng, Khánh Phương... Tôi cũng đọc, mặc dù không đầy đủ, một số phản hồi của những người khác: Nguyễn Tôn Hiệt, Khải Minh, P., Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Đăng Thường, Lũy, Phong Vệ, Khánh Phương, Người Trong Nước, Lê Anh Hoài, Hoàng Vũ Thuật, Phùng Tường Vân, Trần Văn Tích, Hà Minh vân vân. Đối với những ý kiến trình bày đàng hoàng tử tế, có tính học thuật, dù đồng ý hay không đồng ý, bất kể đúng hay sai, bao giờ tôi cũng tôn trọng và tự mình rút ra nhiều điều ở đó.

6.      Việc xuất bản đã diễn ra trong những điều kiện không bình thường, không lý tưởng.  Nguyên nhân của chúng thì có nhiều nhưng sâu xa nhất vẫn là tình trạng kiểm duyệt sách báo. Trong điều kiện không bình thường và không lý tưởng đó, những sai sót, mà người ta có thể tiên đoán được sẽ xảy ra, đã xảy ra, dù những người làm sách và tác giả có cố gắng cách nào. Những sai sót thì nhiều. Có những lỗi thuộc về giao dịch giữa nhà xuất bản và tác giả hay giữa tác giả và nhà thơ được phỏng vấn. Ví dụ, một nhà thơ gần đây trách tôi là sau lần biên tập đầu tiên, suốt nhiều tháng sau đó đã không liên lạc với anh, sách in ra anh mới biết. Tôi giật mình xem lại thì phát hiện ra anh đã đổi địa chỉ email mới, nhưng email cũ vẫn không bỏ đi, mà tôi không được biết. Tôi đã trực tiếp xin lỗi anh về việc này. Và anh đã tỏ ra thông cảm. Nhiều ví dụ khác nữa, ngoài tầm kiểm soát của tác giả.

Nói cho cùng, đó vẫn là trách nhiệm của tôi. Vì vậy, tôi đã và sẽ có thư trao đổi, giải thích, xin lỗi tới từng trường hợp cụ thể và lời cám ơn đến những người đã rộng lượng bỏ qua các khuyết điểm.

Tranh luận là để cùng nhau thành tâm tìm ra sự thật về một vấn đề cụ thể, với những khoanh vùng nghiêm ngặt, chứ không phải là dịp khiêu khích, đố kỵ, lập bè kết nhóm, chạy từ nơi này sang nơi khác, tha hồ suy diễn, hay đả kích tiểu sử một cá nhân. Nhưng đôi khi tôi cũng thấy ở các sân chơi, nơi này hay nơi khác, thấp thoáng sự thấp cao về nhân cách. Cao thượng thì tôi noi theo, hèn mọn thì im lặng tự xét mình mà tránh đi.

Các nhà văn có lẽ cũng cảm nhận: độc giả của họ đang im lặng quan sát họ hành xử trên các diễn đàn này, rộng khắp trong không gian, sâu xa trong thời gian. Dư luận văn học là gần như vĩnh viễn. Một lời đả kích cá nhân đối với một nhà văn nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chẳng hạn, hơn năm mươi năm rồi, người ta có quên đâu?

 

7.    Trên hết là cái tình của các nhà thơ, các nhà nghiên cứu, bạn bè trong nước và ngoài nước đối với nhau và đối với thơ ca dân tộc, trên nền tảng của niềm tin dân chủ. Nhiều người nhắc đến vấn đề “hòa giải”, có người ủng hộ, có người đả kích, châm biếm, lăng mạ. Nhưng tôi nghĩ đó là một khái niệm rất rộng, đã bị lạm dụng nhiều, có thể rất mơ hồ, tùy theo định nghĩa và tiếp cận. Có thứ hòa giải giả danh rất cần phê phán, có thứ hòa giải chân thật rất nên ủng hộ; về vấn đề này cần nhiều thảo luận hơn nữa.

Tuy nhiên, đáng sợ nhất vẫn là những người tự cho mình đã nắm được chân lý cuối cùng, một lần là xong. Lịch sử chứng minh: những kẻ ấy sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì nhân danh những điều tốt đẹp. Các suy đoán vội vàng hay thông tin sai lạc cũng góp phần đáng kể vào các hiểu lầm.

Nếu có người nhìn thấy trong các bài viết của Phạm Toàn,  Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hoàng Vũ Thuật…, những người tôi tin là trong sạch, ước vọng hòa giải dân tộc, thì tôi ủng hộ ước vọng hòa giải ấy của họ, vì ở đó tôi không tìm ra sự kiêu ngạo của “kẻ thắng trận” hay mặc cảm thua cuộc của “kẻ bại trận” gì cả, cũng chẳng thấy âm mưu của “ nghị quyết 36” hay âm mưu “ diễn tiến hoà bình” gì trong đó cả. Tôi chỉ thấy ở đó cái tình của các nhà thơ, của bạn bè tôi, trong nước hay hải ngoại, đối với nhau và với quê hương Việt nam. Tôi kính trọng cái tình ấy của họ.

 

8.     Tôi tin rằng mặc dù còn nhiều khiếm khuyết như đã được chỉ ra, việc xuất bản TĐTĐ là một sự kiện tích cực, ít nhất là đối với độc giả trong nước và những người không thể truy cập vào các trang mạng. Tôi hy vọng lần tái bản tới sẽ bổ sung các khuyết điểm. Một lần nữa tôi gửi lời cám ơn đến những người đã viết bài bình luận, đã phản hồi, góp ý, trên các diễn đàn khác nhau, đến các tờ báo và website, blog  đã đưa tin, đến những người tổ chức Hội thảo. Tôi nhận thấy các ý kiến quan trọng nhất của nhiều vị đã được trình bày trong tinh thần tương kính và tôn trọng sự thật, dù tôi có hoàn toàn đồng ý với họ hay không. Về căn bản, chúng rất có ích. Đối với những người đã buông lời nặng nề, nóng nẩy, kết luận vội vàng, hạ thấp lòng tự trọng, cái giá mà họ phải trả đã rõ ràng, vì vậy tôi không có ý kiến gì thêm nữa.

Xin kể với các bạn chuyện vui đầu năm: lúc mới lấy nhau, vợ tôi và tôi thường cãi nhau. Mặc dù ngày ấy đã lâu rồi. Có lần cô bảo: người nào nổi nóng quát tháo trước thì người ấy sẽ phải xin lỗi trước, my dear. /.

Nguyễn Đức Tùng
Số lần đọc: 3571
Ngày đăng: 16.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ra mắt tập thơ Kim tuyến đỏ - Khương Hà - Chiêu Anh Nguyễn
Lời kính báo của Phạm Toàn nhờ đăng trên trang mạng bạn bè - Phạm Toàn
Phát hiện lại Việt Nhân Ca (越人歌) - Đỗ Thành
Vô cùng thương tiếc Nhà Văn MINH QUÂN - Nhiều Tác Giả
Kết quả xét Tặng thưởng Văn học TP Đà Nẵng năm 2009 - Nhiều Tác Giả
Thư cám ơn và thư mời - Nguyễn Đức Tùng
Thành phố Đà Nẵng :Tổ chức cuộc thi Ký văn học năm 2009 - Nhiều Tác Giả
Một cách hội nhập văn hoá hay làm anh em của mọi người ở một giáo xứ địa phương tại giáo phận Phan Thiết - Nguyễn Kim Anh
Tin buồn. - Nhiều Tác Giả
Tin buồn - Nhiều Tác Giả
Cùng một tác giả
tạp bút 2 (tạp văn)
Chiếc Radio cũ (truyện ngắn)
Con mèo của Takashi (truyện ngắn)
Cây Sài Gòn (tạp văn)
Nồi Bánh Tét (truyện ngắn)
Trái tim (truyện ngắn)
Cô dâu (truyện ngắn)
Trưa Hoàng lan (truyện ngắn)
Mao ở Vũ Hán (truyện ngắn)
Xập xòe én liệng (truyện ngắn)
Câu thơ lục bát (tiểu luận)
Halloween (tạp văn)
Đêm Ukraine (điểm sách)