Ông Hai Son đã già. Già lắm rồi. Ông một mực không chịu đi, nhưng con ông thì nói: Cha vẫn còn sức khỏe nên đi một chuyến cho biết xứ người. Xứ người và xứ ta thì có khác gì nhau? Ông phân vân. Ông từ chối. Viện mọi lý lẽ để từ chối chuyện trả hiếu của con cái. Cù cưa qua lại mãi trên dây nói, không xong. Ông chấp nhận thua cuộc vì không đủ lý lẽ với chúng, cuối cùng đành phải làm hộ chiếu, xin visa rồi leo lên máy bay. Hàng trăm người lần lượt leo lên. Áo xống đủ kiểu tây tàu, cà vạt, khăn choàng. Riêng ông độc nhất một bộ bà ba, dép nhựa. Mọi người ngó ông mỉm cười. Ông cũng nở nụ cười méo mó thu người ngồi suốt mười mấy tiếng. Xuống sân bay, con ông nhìn ông bằng ánh mắt khác, không như những người nhìn ông lúc lên máy bay. Cái nhìn khác lạ, hình như buồn, như không hài lòng...
Giờ thì ông ngồi đây một mình, ngồi chong ngóc nhìn tuyết rơi trắng xóa bên ngoài khung kính cửa sổ.
Hơn bốn năm rồi, ngày nào ông cũng ở nhà một mình, loay hoay với mớ kỷ niệm cũ kỹ nơi quê nhà, bởi xứ Xì-Tô này ông không có bạn, chung quanh toàn người lạ, nói thứ ngôn ngữ lạ. Mỗi lần giao tiếp chỉ thấy tội nghiệp cho đôi tay, thân hình và đôi khi cả chân nữa. Luôn vặn vẹo, luôn đưa lên đưa xuống, miệng há ra, môi vẩu lên, tay chỉ chọt, chân hươ hươ như người động kinh. Có khi người bản xứ cũng hiểu đôi chút, ông cũng hiểu đôi chút qua những cái gật đầu theo cảm tính, không mấy chắc chắn. Còn hai đứa cháu không khác chi bọn họ: oong, hót quaa... ai đơn...Chịu. Ông cháu mà y như người khác xứ.
Chuyện trò bằng chân tay khiến ông chán ngấy, dẹp nỗi buồn sang một bên, lò dò bước vào nhà. Nhà trống trơn, càng buồn hơn. Đứng lên ngồi xuống, rồi tựa cửa nhóng ra ngoài. Tuyết phủ dày. Thẫn thờ bước lại giá sách, lấy ra một cuốn, giở vài trang. Cũng chữ a, chữ e, chữ h... nhưng ông không tài nào đọc được hiểu được, lòng buồn xo. Xớ rớ một lúc, ông quay qua nói chuyện với bà vợ đang ngồi trong khung kính. Ông nói nhiều chuyện với bà, từ hồi chăn trâu, tắm sông tới khi lớn lên, nhìn nhau, lấy nhau... bao chuyện tân toan ông thầm thì, lúc cao lúc thấp, nhưng thật ra chỉ mình ông nghe. Vợ ông cứ ngồi trong khung kính ngó ông và nở nụ cười muôn thuở.
Có bữa chịu không thấu, dằn lòng đợi đến chủ nhật, ông kêu vợ chồng thằng con ra ngồi trên ghế sopha, trước mặt mình:
- Cha nói thiệt. Quá đủ rồi, là chịu quá đủ rồi. Hai đứa con mua vé cho cha về.
Thằng con trai:
- Bên nhà không còn ai nữa. Ba cứ thui thủi một mình, tối lửa tắt đèn...
Con dâu thêm:
- Bên này có đủ mọi tiện nghi chăm sóc, kể cả sức khỏe, cha lo gì.
Ông cáu:
- Thằng Quảng kêu bên nhà mình cha thui thủi, nhưng còn bà con hàng xóm, còn nói được còn nghe chuyện với nhau, chớ bên này cha thui thủi coi bộ nặng hơn, y như người câm ra dấu vậy.
- Thôi cha, mặc áo ấm vào rồi cả nhà ra ngoài pạac sưởi nắng, ăn trưa.
Ông cười rung lên, thiếu chút nữa là đứt hơi:
- Đó đó... bên này chạy đi tìm nắng, còn ở nhà nắng giàu vô kể. Nắng tràn xuống sân, chun tọt vô nhà... đâu có mắc công tìm kiếm?
Đó cũng là câu nói cuối cùng rớt đánh đụi xuống sàn nhà, giữa tiếng reo của hai đứa cháu: ya...yaa... gâu pạac... yayaaa...
Cái gâu pạac của cháu và hai con ông là bãi cỏ mút tầm mắt, là những đường đi uốn lượn, cây cối xanh um, bồn hoa, vòi nước, là những bà đầm nằm tênh hênh phơi nắng, trẻ con tung tăng chạy nhảy. Ngó quanh quất chẳng thấy ai da vàng mũi tẹt như mình, ngoại trừ cha con ông cháu đang ngồi dưới tán cây cổ thụ! Ông đưa mắt nhìn một vòng rồi nhìn lại chân tay mình, hình như còn bám nặng mùi bùn phèn ở đâu đó, thoang thoảng, bắt ông nhớ, nỗi nhớ mênh mông như đám mây trắng đang bay qua trên đầu.
Bữa nay chỉ mới giữa tuần, có nghĩa là còn ngồi đợi ba ngày nữa cha con ông cháu mới gặp mặt nhau đông đủ, có nghĩa là ông còn phải đứng nơi cửa sổ nhìn ra bên ngoài: những chiếc xe cố sức trườn trên lớp tuyết giống con trùn bị ném lên mặt đất, khó khăn, chậm chạp; hàng cây trước nhà trắng xóa in hệt những tảng bông gòn bám chặt, giống như hồi nhỏ nhà ông bắn bông vải bằng cây cung để kéo sợi, bám trắng người. Nhưng những mảng bông bám lên người chỉ cần đưa tay phủi nhẹ là sạch trơn. Còn màu trắng nơi thì thì nhếch nhác, ẩm ướt toàn một màu trắng lạnh lẽo đến vô cùng.
Trời đất, xứ sở chi mà có mùa đông khắc nghiệt, lạnh buốt; xứ sở chi mà mọi thứ đều không giống quê nhà? Ông liếc lên tấm lịch móc trên tường. Lịch chỉ độc nhất có ngày tháng dương, không thấy một ô, một hàng ngày âm. Ông cố moi óc, sắp xếp: 1/20 có nghĩa là ngày 20 tháng Giêng lịch tây. Ông xòe hai tay ra đếm, cộng trừ. Vậy là nhằm ngày mùng 6 tháng Chạp ta. “Cha mẹ ơi!” ông kêu lên sắp tết rồi. Chỉ còn 17 ngày nữa sẽ đưa ông Táo. Đã năm cái tết qua đi ông không được đưa rước ông Táo, không được đốt vàng mã cho ông bà, ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng cứ một bộ quần áo cũ kỹ từ những năm trước khi ông còn ở quê, nay thì rách rưới, tả tơi. Ở xứ Xì Tô này tìm đâu ra vàng mã, tìm đâu ra bộ quần áo, cả miếng cốm hộc đưa ông Táo về Trời? Năm ngoái, bí quá, nhớ quá ông loay hoay tìm giấy báo cũ ngồi cắt bộ quần áo cho ông Táo, tìm hộp bút màu của cháu tô vẽ lên. Những mảng màu xanh đỏ như bức tranh, không phải loại tranh làng Hồ mà của ông tự chế, lòe loẹt. Ông tự nhủ: miễn sao có bộ áo quần tươm tất cho Táo công là đủ. Nửa đêm, ông lén ra sau nhà để xe, bày chiếc bàn con đặt ba cây nến thay nhang đèn, một dĩa chocola thay cốm, một chút mứt chery thay riêm gừng... Đang lâm râm khấn vái, thằng con bất ngờ xuất hiện, la lên giận dữ: “Trời! Cha? Kiểu này thì cháy ga ra như chơi. Ở xứ người mà cha chẳng hiểu gì cả? Táo tiếc gì, chỉ vớ vẩn”. Ông giật mình ngó sững bộ mặt hằm hằm của thằng con. Nó bị Tây hóa rồi, đâu còn là con mình nữa. Ông thoáng nghĩ trong đầu và lẳng lặng dẹp tất, lẳng lặng vào phòng. Buồn mà không biết lấy ai chia sẻ cùng.
Ông nghĩ: không đưa, không rước, không cúng bái bằng những lễ vật cụ thể thì cúng bái đưa rước bằng tâm linh, bằng trí tưởng tượng. Hoàn cảnh mà, ông bà nào nỡ quở trách? Hăm ba tới ông sẽ làm theo cách đó. Sắp tết rồi.
Phải, ở quê nhà đang là mùa tết. Cái mùa thiệt lạ lùng. Mùa luôn làm ông xao xuyến dẫu cho lúc hãy còn trẻ hay đã già. Bắt đầu là thứ gió chướng mang chút hơi lạnh ngọt ngào nhuộm đầy màu nắng vàng trải rộng như dãi lụa, bầu trời lúc trong vắt lúc lơ thơ vài đám mây trắng vắt ngang rồi bất ngờ âm u bất ngờ nắng, bất ngờ rớt chút mưa xuân; những hột mưa chỉ đủ làm xoăn tí bụi đường thành những ô tròn bằng mút đũa. Rồi trong vườn, sân nhà những bông vạn thọ bắt đầu nở lúp búp và chỉ sau mươi hôm thôi là xòe ra rực rỡ. Loại hoa này mới lạ, lâu tàn, đơm kín như mâm xôi. Hèn chi ông bà đặt tên vạn thọ cũng phải. Loại hoa ấy, cùng với đất trời làm sáng rực lên một góc vườn. Bướm nữa. Bướm vờn quanh những cánh hoa và đâu đó tiếng chim hót rộn ràng, xoắn xít như bóng nắng muốn trói chúng lại rồi thả tung lên trời cao.
Xâm xẩm thì tiếng chày giã cốm bắt đầu nện thình thịch, hương cốm mùa Giêng theo tiếng chày bay lên, lan tỏa khắp các truông tre, thơm lừng lựng. Tháng Chạp, bếp nhà nào cũng đỏ lửa. Khói củi, khói than nồng nàn. Chảo riêm gừng sôi lục sục. Những mảng đường trắng bao lớp mỏng miếng riêm như thể các cô gái thoa chút phấn làm duyên... Tất cả những thứ đó, qua trí nhớ còm cõi khiến ông nôn nao như thể mình là đứa trẻ nít chờ ngóng mẹ mua bộ áo quần mới, giày dép mới.
Bốn mùa tết qua đi lặng lẽ nơi xứ người. Ai cũng dửng dưng với nó. Người bản xứ, không cùng văn hóa, ngôn ngữ đã đành một lẽ. Đến cả những lưu dân nơi quê người cũng không có chút thời gian hưởng mùa tết! Ông bạn già tận tít Cali năm ngoái gọi xuống: “Người đồng hương thì nhiều, cũng tết nhứt, bánh trái, chúc tụng... nhưng sao tui thấy nó lạt phèo”. Ông hỏi cớ sao lại lạt phèo? Ông bạn già đáp: Không có mùa tết. Không có không khí tết như quê nhà! Nói và ông thở đánh xì và gát máy y như rằng đó là lời trăn trối với người bạn chân tình.
Suốt cả tuần, Hai Son cứ loay hoay với mùa tết của ông. Ông nhớ miếng thịt kho tàu, nhớ món cải chua, củ kiệu tôm khô và xị rượu đế, những lùm vạn thọ, cúc và lũ trẻ nít xúng xính áo mới, bao lì xì màu đỏ tươi và cả câu hò mang mang tận xóm dưới... chúng quyện với mùi nhang khiến chỗ nào cũng thơm ngan ngát.
Giá như có đôi cánh, ông sẽ bay lên, bay ra khỏi xứ tuyết trắng xóa buồn thảm, để bay về tận ngôi làng bé nhỏ của mình ngay lập tức để hưởng trọn vẹn mùa tết ngọt ngào ./.