Buổi tối cuối cùng của năm dương lịch, tôi đang chim trong tĩnh lặng hít thở làn mưa bụi giăng giăng mờ ảo xa xa, suy ngẫm về cái hào nhất dương của tháng 11 kiến tý, thuộc quẻ Phục, bắt đầu được khởi lên từ sau ngày 23 tháng 10 âm lịch, khi chuôi sao bắc đẩu chuyển về tý.
Tôi chợt nghe tiếng chuông điện thoại, và được nghe thông báo: Nhà thơ Thế Mạc đã mất. Tôi hoàn toàn bất ngờ, mặc dù đã biết nhà thơ Thế Mạc sức khỏe giảm sút nhiều năm nay từ sau cơn xuất huyết não. Thế là một người bạn vong niên lại đã khuất núi. Những người bạn tâm đắc cứ dần vắng bóng, ở Sơn Tây, sau nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, giờ tiếp theo là nhà thơ Thế Mạc. Tôi đứng dậy, tiến gần tới làn mưa bụi trong đêm, dần trấn tĩnh và thả tâm tưởng ngược về xứ Đoài, tôi nghe thấy trên khoảng không xa tít những câu thơ của nhà thơ Thế Mạc vọng lại từ miền đất đá
ong xứ Đoài.
Cha ơi, cha cho con phép
Mở đất phong bao
Từ ngày cha lên núi
(…)
Con đã thành những tảng đá ong
Mẹ nhỏ vào con nước mắt
(…)
Cha lại đi trong sấm người trai Đông Chấn
Mẹ lại xa trong sóng rợn Tây Đoài
(Đá ong)
Nhà thơ Thế Mạc được sinh ra từ gia tộc họ Kiều ở Cần Kiệm, Thạch Thất, dòng dõi nho gia, bên dòng sông Tích, một dòng sông cổ Xứ Đoài. Theo Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu cho biết “Sông Tích phát nguyên từ chân núi Tản Viên, qua các châu Minh Nghĩa, Mỹ Lương, đến Hoài An chảy vào sông Hát, chảy qua xã Lạc Trang huyện Kim Bảng là sông Châu Giang”. Sông Tích đã theo nhà thơ Thế Mạc chảy từ Thạch Thất qua thị xã Sơn Tây - nơi ông đã quyết định chọn cho mình định cư đến cuối đời, sau nhiều cuộc di chuyển qua nhiều vùng đất. Dòng sông này khi chảy qua Xuân Mai của Chương Mỹ thì có tên là sông Bùi. Đoạn sông Tích chảy qua Cần Kiệm, quê hương của nhà thơ Thế Mạc, dòng sông chảy dưới hai bờ đá ong dựng đứng, nước bốn mùa trong vắt, in bóng những bụi tre cổ kính đã đứng đấy từ vài trăm năm. Thế Mạc thuộc trong số ít các nhà thơ, mà cái địa khí của vùng đất nơi sinh ra đã ngấm vào gen, tạo ra cái tiết điệu đặc trưng của máu và của hơi thở kiến tạo nên tính cách và tâm hồn nhà thơ.
Vùng đất đá ong cổ kính xứ Đoài đã thực sự sản sinh ra một nhà thơ của mình, vùng đất đá ong cằn cỗi khắc khổ ấy đã in dấu ấn đậm nét lên tính cách của con người và phong cách thơ của nhà thơ Thế Mạc.
Trăm năm
Quỳ hai chân trên thềm đá ong
Ba nén nhang ngang mặt
Nghìn năm
Tôi vẫn quỳ hai chân trên thềm đá ong
Ba nén nhang tôi khấn vọng
(…)
Giờ
Chùa đã ngập trong hồ
Tôi vẫn quỳ trên thềm đá ong còn lại
(Chùa chìm đáy hồ)
Ngôi chùa cổ ấy đã ngập chìm trong hồ nước, nhưng cái cõi thiêng vẫn dựng mãi trong tâm tưởng của nhà thơ Thế Mạc. Cái cõi thiêng của vùng đất ấy vẫn uy nghi vời vợi giữa trời đất trên nền đất đá ong cứ rắn lại theo thời gian, và theo năm tháng. Nhà thơ mang hồn cốt của miền đất đá ong cổ kính khắc khổ và trầm mặc, suốt đời mải miết mong tìm bóng dáng của huyền thoại còn cất giữ đâu đó trong màn sương khói của những câu chuyện truyền miệng trong dân gian, nhưng rồi lại tìm thấy nỗi niềm nhân thế, lại chạm vào tục luỵ nơi làn da vừa kịp lành với những vết đau “Bạn sẽ bay ra tục lụy để đi về/ Nước mắt trần gian theo chân bước lê thê/ Chẳng thấy gì/ Lăn lóc trên vùng đồi toàn đá/ Nằm im im đợi mình thành huyền thoại” (Hồn đá);
“Giật mình một giọt gì rơi xuống
Ngoảnh nhìn đọng lại thành hồ”
(Quà tặng).
Thế Mạc là một trong số ít các nhà thơ đã nhập thân vào các biểu tượng của thiên nhiên, hướng thơ ca vào những biểu tượng ấy như là một mục đích tối thượng của nghệ thuật. Thơ Thế Mạc là thế giới của hồ, đầm, đá, đồi, đá ong, hang, thác, và loài chim âu đất “Mải miết một đường say trời đất/ Cất lên vụng về cảm ơn tỏa khắp/ Tôi yên tâm gửi vào đất/ Người đã giúp tôi/ Một chiếc trứng nâu” (Chim âu đất). “Trên núi cao tràn ra luồng khí thiêng/ Tôi nằm sấp rồi tôi nằm nghiêng/…/ Cho tới lúc trời một đám mây sà xuống/ Đất vỡ bung ra đầm Đượng/ Tiếng khóc thét thiêng suốt dọc sông Đà/ Một con rồng từ mặt đầm bay ra” (Đầm Đượng). “Húc vào đây rỗng toang ra một lỗ/ Nước mắt cứ âm thầm rả rích/ Xùi bao nhiêu thạch nhũ ở trên đời/ (…)/ Chính là chỗ khổ đau sâu xoáy/ Xô hoắm dòng thời gian”. (Hang). Qua những biểu tượng của thiên nhiên, nhà thơ ký thác gửi gắm mối tâm sự sâu kín, những quan niệm về thi ca nghệ thuật và về cuộc đời, những nỗi niềm nhân thế không thể bộc bạch được, chỉ có thể trút vào thơ ca và những biểu tượng của thơ ca.
Thơ ca chính là đôi cánh lớn giúp nhà thơ bay mải miết một đường bay say đắm trong trời đất, và không quên cất lên lời “vụng về cảm ơn tỏa khắp”. Trong cái cuộc chìm đắm chốn nhân gian “cái kiếp ấy mình lê trên đất”, “nước mắt cứ âm thầm rả rích”, “chính là chỗ khổ đau sâu xoáy, xô hoắm dòng thời gian”. Trong một cuộc đời, sống ẩn dật, lặng lẽ chiêm nghiệm, lánh xa danh lợi, không khỏi có lúc nhà thơ ứa ra trong lòng những xót xa của nỗi đau thật khó nói cứ ẩm ỉ mang theo.
“Ta đã lặn tưởng dửng dưng xa lạ
Nước mắt hòa trong nước trách chê ư
(…)
Ta đã dành trên ta mặt phẳng lặng
Cho trăng sao in bóng vào đây”
(Đáy hồ)
Tôi chợt thoáng nghĩ rằng, đọc thơ Thế Mạc, nếu bỏ qua cái hệ thống biểu tượng trong thơ của ông, thì coi như đã bỏ qua cái thành tựu quan trọng nhất trong cuộc trăn trở vật lộn sáng tạo thi ca của nhà thơ Thế Mạc. Nhà thơ của miền gò đồi đá ong khắc khổ và trầm tích ấy, đã cảm nhận được rằng, mình đã thành “những tảng đá ong” “con đã thành những tảng đá ong/ Mẹ nhỏ vào con nước mắt/ (…)/ Cha thì hóa lửa/ Và mẹ hóa nước/ Nung thời gian cho con vững chắc” (Đá ong).
Nhà thơ Thế Mạc và nhà viết kịch nổi tiếng Tào Mạt cùng quê ở Thạch Thất, một ở Chàng Sơn và một ở Cần Kiệm, thời trẻ họ cùng học chữ nho ở trong vùng. Đấy là lớp người trí thức trưởng thành sau cách mạng tháng Tám năm 1945, họ đều giỏi chữ nho và thông thạo tiếng Pháp. Họ là lớp người suốt đời sống trong cảnh bần hàn thanh bạch, nuôi chí hướng miệt mài bền bỉ kiếm tìm những giá trị mới, bền bỉ không ngừng nạp vào mình những tri thức của nhân loại theo nhiều ngả đường khác nhau mà họ tiếp cận được. Không chỉ là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu, nhà thơ Thế Mạc còn là người ham mê và rất tinh thông về Lão Tử, Trang Tử, về các môn lý số và Kinh Dịch. Ông am hiểu sâu sắc và tường tận thơ Đường, Tống và các nhà thơ cổ của Việt Nam. Ông cũng rất hâm mộ và ngưỡng vọng những tác phẩm của các triết gia, các nhà văn, nhà thơ thuộc các trào lưu hiện đại trên thế giới. Ông luôn nhìn sự vận động cuộc đời và sự vật theo những quy luật của tự nhiên. Nhà thơ Thế Mạc đã mở thông những cánh cửa bí mật những biểu tượng của tự nhiên để đắm chìm hòa vào trong nó.
Ta đã đi
Đã gặp may hay vận xúi
Mà gập xuống, đổ xuống
Một tiếng kêu hạnh phúc ầm vang
(…)
Ta ập xuống nằm tan trong nguyên vẹn
Có lẽ thử đi sang đời khác
Hình hài này hay hình hài khác
Cũng gập ghềnh và bắn tung những nước
Đang tán chia những giọt buồn, giọt hát
Nhập và thành những tặng vật cho nhau
(Thác)
*
Sau khi viếng nhà thơ Thế Mạc, Hà Nguyên Huyến mời tôi về nhà anh ở Đường Lâm để nghỉ trưa. Hà Nguyên Huyến, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Diện, Chu Hồng Tiến, Đỗ Doãn Hoàng, Đỗ Doãn Phương… là những học trò của nhà thơ Thế Mạc. Trong những người học trò đó, Nguyễn Lương Ngọc là người rất gần gũi gắn bó mật thiết với nhà thơ Thế Mạc. Là thầy trò, nhưng họ gắn bó với nhau như hai người bạn. Cùng ở thị xã Sơn Tây, cùng chung chí hướng theo đuổi con đường sáng tạo thi ca; và đặc biệt nhà thơ Thế Mạc từng là bạn của cố nhà cách tân kịch Nguyễn Khắc Dực, thân sinh của Nguyễn Lương Ngọc. Cách đây nhiều năm, trong một lần tôi ghé qua thăm nhà thơ Thế Mạc, ông rất vui vẻ và cười sảng khoái khoe rằng: Nguyễn Lương Ngọc vừa đi xuyên Việt về tặng ông một quả đước mang từ đồng bằng sông Cửu Long. Nhà thơ Thế Mạc cười sảng khoái và nói đùa rằng, Ngọc xỏ tớ ông ạ, nó bảo quả đước khi rụng thì rơi thẳng đứng cắm ngập xuống bùn. Hóa ra Ngọc ví tôi cũng như quả đước ngập trong bùn. Tôi được chứng kiến và cảm nhận về tình yêu cũng như sự mến mộ của nhà thơ Thế Mạc với người học trò của mình là nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Cuối năm 1993, Nguyễn Lương Ngọc đã vẽ bức chân dung nhà thơ Thế Mạc với tất cả sự kính trọng và hiểu biết về một người thầy, một nhà thơ sau nhiều năm gắn bó. Nguyễn Lương Ngọc nói tôi, màu đen của bức chân dung vì thiếu màu anh phải dùng than của nhọ nồi thay vào. Theo nhiều họa sĩ nghiêm túc đánh giá thì khó có họa sĩ nào vẽ chân dung nhà thơ Thế Mạc đạt hơn bức chân dung này. Khi Nguyễn Lương Ngọc mất, tôi thấy nhà thơ Thế Mạc thẫn thờ đến hàng năm trời, bởi ông đã mất đi không chỉ một người học trò, mà thực sự đã mất đi một người bạn tri âm, đó là người luôn mang về cho ông những thông tin mới và chia sẻ với ông những băn khoăn về nghệ thuật và cuộc đời mà ông không thể tâm sự được với ai.
Buổi trưa ngày mồng một đầu năm dương lịch, tôi ở lại nhà của nhà văn Hà Nguyên Huyến. Hà Nguyên Huyến giới thiệu với tôi một bức liễn cổ đang treo trên tường ngôi nhà của anh. Anh nói rằng bức liễn này, nhiều năm đã nhờ nhiều người dịch giúp, nhưng vẫn chưa dịch được. Rất mừng, vì vừa rồi có một người bạn đã dịch giúp bức liễn, mà nhiều năm vẫn là một bí mật treo trên bức tường, bây giờ bí mật đó đã được sáng tỏ. Hà Nguyên Huyến đọc, dịch, rồi chép lại cho tôi bài thơ trên bức liễn cổ đó.
“Ba tiêu tâm tận triển tân chi/ Tân quyển tân tâm ám kỷ tuỳ/ Nguyên học tân tâm dưỡng tân đức/ Chí tuỳ tân diệp khởi tân tri” (Tận sâu trong lòng cái lá chuối đang nảy một cái lá mới/ Cái lá mới ấy như là quyển sách ám ảnh ta mãi/ Nguyện học dưỡng tâm để có cái đức mới/ Theo cái lá mới đó mà nảy sinh được tri thức mới).
Hà Nguyên Huyến nói với tôi, cố tìm giúp anh tác giả của bài thơ trên bức liễn cổ đó.
Tôi thực sự bị thuyết phục bởi sự mới mẻ và thâm hậu của bài thơ cổ. Cuộc sống luôn luôn bí ẩn và mới mẻ như cái lá chuối mới ẩn sâu trong lòng một cái lá chuối. Cuộc sống như một quyển sách lớn, người ta phải hằng tu tập dưỡng tâm để cho cái đức của mình ngày một thêm mới. Cái đức của mình có ngày một thêm mới thì theo đó mới nảy sinh được tri thức mới. Nghe bài thơ cổ, tôi lại trào lên niềm vọng tưởng về nhà thơ Thế Mạc – một con người đã dâng trọn cuộc đời cho việc tu tập tích luỹ tri thức và tìm tòi sáng tạo thi ca. Nhà thơ Thế Mạc cả cuộc đời đã sống thanh đạm bần hàn, ẩn dật, kín đáo, lặng lẽ ẩn sâu như tàu lá chuối ở trong lòng cây chuối vậy.
Chìm giữa bầu không khí của làn mưa bụi cuối năm trong ngôi nhà cổ ở một làng cổ thật yên tĩnh, chúng tôi ngồi nói chuyện về bài thơ cổ, về nhà thơ Thế Mạc. Hít thở không khí của những ngày cuối năm, khí nhất dương đang khởi dậy trong trời đất, tôi nghe vang vang đâu đó những câu thơ của nhà thơ Thế Mạc, những câu thơ toả khắp bầu trời miền đá ong xứ Đoài.
Vâng
Quà gửi tặng của người
Đã cắm khắp vùng đồi
(…)
Ta là quả của người vừa mới nứt
Một hạt u linh vừa vứt xuống trần gain
Ta bỗng thấy đi trong chiều nhị hợp
Tay ôm hoa, vai vác túi trăng ngàn
(Dốc Lễ Khê)
Tôi thấy nhà thơ Thế Mạc vẫn “quì hai chân trên thềm đá ong” quê hương ông. Sinh thời ông đã thấy chính mình trở thành “những tảng đá ong” thấm đẫm nước mắt của người mẹ nhỏ xuống. Nhà thơ Thế Mạc đã tự tạc dựng vóc dáng của mình lên vùng gò đồi đá ong, bằng những vần thơ “rích ra” từ những trăn trở trải nghiệm, kéo qua hai phần ba thế kỷ thầm lặng nhọc nhằn với nghiệp văn chương, với “Những con chữ quay chiều/ Lả tả bay lá lốc cuốn trên đường hầm hập/ Tiếng bút rơi, giấy xé, mực đổ nghiêng/ Bình vỡ tan tung toé/ ánh chiều chếch đỏ xuyên ngang cửa/ Bụi nắng quay vòng chói dọc hồ” (Chiều trở gió). Trong cái cảm nhận mạnh mang tính vũ trụ “Đêm qua thiên thể va vào người/ Giận dữ xoáy tròn và ta rơi” (Va), nhà thơ Thế Mạc không khỏi có lúc chạnh buồn nhận ra cái mong manh của kiếp người trong cái vũ trụ không không gian, không thời gian, trong vòng quay miên viễn vô cùng vô tận:
“Cái kiếp ấy mình lệ trên đất
Phơ phất chiều hơi mắt cay”;
hoặc “Hỡi những đàn chim thu - biết
Một giọt nước mắt rơi vào tro ta”
(Một cành cây gãy)
“Một nấc nào của khắc rụng rơi
Chỉ một thoáng ta nghe: phựt!”
(Cuống lá)
Lão Tử từng nói: “Chết mà không mất là thọ” (Tử nhi bất vong giả thọ). Sau 75 năm buồn vui trên mặt đất trần gian, lặng lẽ ẩn dật lánh xa danh lợi, lánh xa những chốn đua tranh ồn ào, với nửa thế kỷ theo đuổi nghiệp bút mực, từng đạt giải thơ báo văn nghệ từ năm 1959. Tôi thấy nhà thơ Thế Mạc vừa thực hiện một chuyến đi xa “Tay ôm hoa, vai vác túi trăng ngàn” phất theo “tiếng sấm người trai Đông Chấn” chợt ngoảnh nhìn “sóng gợn Tây Đoài”, vỗ nhẹ trên đôi cánh rộng thênh của thi ca trở về vùng gò đồi đá ong của quê hương ông. Nơi dòng sông Tích như một bài thơ cổ trong ngần chảy mãi giữa hai bờ đá ong dựng đứng./.
Hà Đông, đêm 01. 01. 2010