Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.010
123.235.724
 
Vòng xoay
Khôi Vũ

Khoảng chín giờ sáng, khách đến uống cà phê thưa hẳn đi. Cả mấy quán cà phê sát nhau, chỉ có dăm ba chiếc xe gắn máy dựng bên lề và những cô gái tiếp viên ngồi chơi nhàn nhã. Có những cô xúm lại đánh bài ăn tiền hoặc chỉ để giải trí. Nhiều cô ngồi đọc truyện tình, đọc báo công an. Một số khác thì ngồi lơ đãng nhìn ra xa lộ nườm nượp xe cộ qua lại quanh vòng xoay mới mở được trồng một loại cỏ tạp chẳng đẹp mắt chút nào.

 

Ngà là một trong số những cô gái ấy. Có lẽ khác hơn ở chỗ cô không chỉ ngồi sau quầy thu ngân của quán cà phê Lưu Ly để nhìn xe cộ và người người qua lại, mà trong đầu còn nghĩ ngợi lung tung. Cô nghĩ đến cái phố xá hỗn độn này, những chiếc xe dừng bên lề đón khách bất chấp bảng cấm đậu, những đứa trẻ bán hàng cố ý chậm trả lại tiền thừa để lấy luôn của khách khi xe vội vã lăn bánh, còn trong những quán cà phê là các chàng trai vô công rỗi nghề, là đám thanh niên, học sinh mới lớn đua đòi, ngồi nhâm nhi cà phê, phì phà thuốc lá và chuyện vãn hoặc ve vãn đám tiếp viên nữ có cô tuổi mới mười lăm! Ở một phía, những thị dân, khách du lịch, xen cả bọn lưu manh ra vào cái siêu thị lớn để xem hàng, mua hàng hay ăn cắp. Không xa lắm, trong những nhà máy, công ty... hàng chục ngàn công nhân cần mẫn làm việc trên các công đoạn sản xuất... Dường như ở cái thế giới con người này, ranh giới giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, giữa có và không cứ liền kề nhau và chênh vênh như những bờ vực thẳm.

 

Mới tháng trước đây, Ngà còn là một nhân viên văn phòng của công ty nước ngoài Huê Lợi đóng chân tại thành phố Hồ Chí Minh. Sáng sáng, cô rời nhà trọ đến nơi làm việc, trưa ăn cơm tại chỗ, chiều trở về nghỉ ngơi; tháng tháng dành dụm gửi về cho má hai, ba trăm ngàn phụ nuôi thằng em út đang học lớp 11 ở huyện. Vậy mà chỉ sau mấy ngày tham gia bãi công đòi quyền lợi cho tập thể, cô đã cùng mười mấy đồng nghiệp trở thành những người thất nghiệp. Các cơ quan chức năng can thiệp ngay khi xảy ra vụ bãi công, chủ công ty hứa hẹn nhiều điều nhưng sau đó đã không những không thực hiện lời hứa mà còn kiếm cớ sa thải một số người. Nhà chức trách lại phải can thiệp lần thứ hai và mặc dù phía chủ đồng ý nhận họ vào làm việc lại, nhưng ai nấy đều hiểu rằng, tốt hơn hết là họ xin nghỉ. Xong mọi thủ tục, kể cả nhận tiền trợ cấp thôi việc, Ngà đưa đơn xin việc ở một công ty khác với lời giới thiệu của một chị cán bộ trong đoàn kiểm tra lao động vụ Huê Lợi. Ngay khi nhận hồ sơ, người nhận - một phụ nữ tuổi trung niên - ngẩng lên nhìn cô và hỏi: "Em làm ở Công ty Huê Lợi mới bãi công à?". Cô lo lắng hỏi lại: "Vâng! Có việc gì không, thưa chị?" - "À không! Chị chỉ hỏi cho biết vậy mà!". Một tuần sau Ngà trở lại và nhận được lời từ chối khéo. Cô tìm đến chị cán bộ đã giúp đỡ mình và được khuyên nên đưa đơn xin việc một công ty nước ngoài ở khu công nghiệp này - nơi lạ người ta ít để ý hơn. Để tiện việc liên hệ, cũng để có thu nhập tạm, chị cán bộ kia còn giới thiệu Ngà làm thu ngân cho quán cà phê Lưu Ly, ở trọ luôn tại chỗ, chủ là một người bà con của chị cán bộ. Chị nói với cô: "Em phải ráng cho qua cái đoạn này thôi..."

 

Cái ranh giới mong manh thiện ác, tốt xấu đã mấy lần thử thách Ngà dù cô mới chỉ có mặt nơi đây khoảng hai tuần lễ. Đã có người khách đến quầy mua thuốc lá, hỏi cô có "bán gì khác" nữa không? Lại có người trâng tráo gạ cô đi ngủ qua đêm. Còn con gái, Ngà nổi da gà khi nghe những lời khiếm nhã như thế. Nhưng cô không dám phản ứng. Cô gái nào đến làm việc ở đây cũng đều phải hiểu rằng, một lời nói hoặc thái độ làm mất lòng khách sẽ đồng nghĩa với sự mất việc của chính mình. Vả chăng, ở cái thế giới hỗn độn của khu phố này, đâu thiếu gì những cô gái tuổi đôi tám, tuần một đôi lần cứ đến giờ đóng cửa quán lại lên yên sau xe một chàng trai hay một ông trung niên nào đấy phóng đi...

 

Ngà không muốn đứng nơi cái ranh giới chênh vênh thiện ác này, nhưng đâu phải cứ muốn thoát ra là thoát được. Ở quê nhà, má cô vẫn chưa hay biết cô đang thất nghiệp và đứa em trai thì vẫn cần tiền ăn học...

 

*

Tiếp Ngà là một người trung niên, tóc lốm đốm muối tiêu. Trên mặt bàn làm việc của ông ta, cái gạt tàn thuốc đầy tàn và trên môi ông ta cũng đang có một điếu thuốc lá cháy đỏ. Mùi thuốc lá lẩn quẩn trong căn phòng máy lạnh khiến Ngà thấy rất khó chịu, muốn hắt hơi.

 

Người trung niên nhìn khá lâu vào trang đầu tiên bản sơ yếu lý lịch của Ngà, không hiểu nghĩ ngợi những gì. Một ngón tay ông gõ gõ lên đó như đánh nhịp. Cuối cùng, ông mới nói:

- Cô nhắm có thể làm được việc gì ở đây?

- Thưa... ở công ty cũ, em làm việc văn phòng. Nhưng em nghĩ rằng em cũng có thể làm việc ở các chuyền sản xuất...

- Thôi được rồi... Cô nghe đây. Sản xuất ở đây thì nặng nhọc hơn bên kia, phần lớn lại là việc của nam giới, cô không làm nổi đâu. Văn phòng cũng đã đủ chỗ... - Ông ta ngừng lại để ngắm gương mặt thất vọng của Ngà. Một phút sau, ông ta mới thong thả tiếp - ... nhưng, tôi vẫn có thể trình sếp nước ngoài thu xếp cho cô một việc làm ở văn phòng nếu như...

- Thưa... sao ạ? Em có biết tiếng Anh đủ để giao tiếp...

- Không! Tôi không nói chuyện đó! Tôi muốn hỏi là... cô có nghe người ta nói về chuyện đền ơn cho người giúp mình có việc làm bao giờ chưa?

- Thưa... có. Vậy... bao nhiêu, thưa ông?

- Nửa năm lương đầu tiên!

- Thưa...

- Thế này nhé! Cô cứ về suy nghĩ kỹ. Rồi bất cứ lúc nào thấy có thể đồng ý được thì đến gặp tôi. Thế nhé! Cô có thể về...

 

Ngà đã ra khỏi cổng Công ty mà vẫn chưa hết bàng hoàng. Sao người ta có thể thản nhiên ngả giá như thế? Nửa năm lương đầu tiên! Trong sáu tháng ấy, cô sẽ sống bằng nguồn thu nhập nào?

 

Vậy là Ngà lại mất thêm một buổi sáng phải nghỉ việc ở quán cà phê mà chẳng đổi được niềm hy vọng nào...

 

*

 

- Chị Ngà! Có chuyện này hay lắm!

Cô bé Thúy thì thầm với Ngà lúc quán ế khách và bà chủ lấy xe chạy về nhà có chút việc.

- Chuyện gì vậy em?

- Có người em quen sắp mở quán nhậu, cần nhiều tiếp viên nữ. Em sẽ về đó làm. Ở đó không có tiền lương, chủ chỉ trả theo đầu lon, nhưng mình có thêm tiền "boa". Nếu số may, gặp được ông nào để mắt "bao trọn gói" thì coi như được đổi đời.. Chị chịu thì đầu tháng tới nghỉ ở đây, về đó với em...

- Nhưng chị lớn tuổi rồi, chị sẽ làm gì?

- Trời ơi! Chị mới hăm lăm, hăm sáu mà lớn tuổi nỗi gì. Coi chị cũng dễ thương, có khi khách còn thích hơn bọn em nữa. Chị đừng có sợ, khi nào có ai mời thì mình mới phải nhấp một ngụm bia với họ cho họ vui thôi... Mà em nói thiệt nha! Dù có cha nào nổi máu dê thì cũng chỉ... ngoài da, hề hấn gì đâu...

 

Ngà nhìn Thúy. Cô bé mười bảy tuổi này nói năng như một kẻ lõi đời. Có thể hiểu vì sao. Ham chơi, bỏ học đi bụi cùng bạn bè, rồi hư hỏng dần và lưu lạc đến đây.

 

Quán có khách, một tốp thanh niên bốn cậu. Một cậu gọi tên Thúy. Thúy nói với Ngà:

- Chị suy nghĩ đi, trả lời em càng sớm càng tốt nha! Để em ra coi khách kêu gì...

Ngà nhìn theo Thúy. Cô bé đứng bên mấy cậu trai, mặt phụng phịu như dỗi hờn, nắm tay, vỗ vai từng cậu thật thân mật...

 

Ngà không muốn nhìn tiếp cảnh Thúy đóng kịch với khách. Cô chuyển ánh mắt ra phía vòng xoay. Sáng sớm nay, bà chủ quán cũng t6am tình rằng bà thấy Ngà dễ thương, vừa có tài quản lý lại thật thà nên bà hỏi nều Ngà chịu thì bà sẵn lòng cho cô làm luôn, vẫn ở tại chỗ như hiện nay và thay hẳn bà lo việc buôn bán của quán Lưu Ly, bà sẽ mở thêm một quán khác gần đây và chạy đi chạy lại...

 

*

Thằng nhỏ chạy như bay qua đường, bất kể dòng xe cộ đông đúc đang xuôi ngược. Ngà thấy trên tay nó cầm một vật gì đó. Phía bên ngoài siêu thị có tiếng kêu la của phụ nữ và mấy người đàn ông đuổi theo. Thằng nhỏ ném vật trên tay xuống đường rồi lủi vào một con hẻm bên hông quán Lưu Ly mất dạng. Lấy được vật bị cắp, người ta thôi không đuổi theo kẻ cắp nữa. Ngà khẽ lắc đầu, lại nghĩ ngợi lung tung.

 

Cô đi ra sau quán rửa tay. Bên kia bức vách gỗ có tiếng nhai bánh mì rau ráu. Cô vén rèm cửa sổ nhìn ra. Thằng bé ăn cắp lúc nãy đang ngồi ngoài đó ăn bánh mì, một ổ bánh mì không, không hiểu nó mua hay lại mới lấy cắp của ai. Có lẽ nó đói lắm. Khi Ngà từ cửa sau đến bên cạnh, chạm tay vào vai nó, nó mới giật mình vùng đứng lên định chạy. Ngà giữ nó lại với câu nói:

- Chị có làm gì em đâu. Ngồi ăn tiếp đi.

Thằng nhỏ có mái tóc bù xù, người hôi hám, nhưng đôi mắt khá lanh lợi nhìn Ngà nửa tin nửa ngờ. Cô chỉ tay về phía cái lu nước sau quán:

- Ăn xong thì ra đó rửa mặt mũi tay chân cho sạch rồi lên quán, chị hỏi chuyện...

Ngà nói vậy chứ cô tin rằng thằng nhỏ sẽ "chuồn" mất khi cô trở lại chỗ của mình trong quán...

 

*

 

Khi xe dừng lại, thằng Đức nhìn quanh dáo dác một hồi mới chỉ về phía một cái ngõ, nói: "Ở trong ngõ đó chị... Tới nơi, chị nhớ nói dùm em nha... Em sợ lắm..."

Ngà mỉm cười trấn an nó.

 

Sáng nay, nó đã làm theo lời Ngà dặn khiến cô bị bất ngờ. Nó lên quầy thu ngân đúng lúc bà chủ quán về tới. Ngà phải giải thích, nó mới được ở lại. Thằng nhỏ kể, nó ở nhà tình thương trốn ra đi lang thang hơn chục ngày rồi. Nó ăn cắp để sống qua ngày, có lúc muốn trở lại nhà tình thương nhưng lại sợ. Mà có muốn về, nó cũng chẳng có tiền đi xe. Ngà bảo nó: "Để chị đưa em về. Tết nhất đến nơi rồi, lang thang thế này không tốt đâu". Khi nó đồng ý, Ngà xin nghỉ buổi chiều. Bà chủ có vẻ không bằng lòng nhưng cũng đành cho cô đi. Bà nhắc: "Muốn gì thì cũng suy nghĩ rồi trả lời chị sớm để chị còn tính". Con bé Thúy cũng chạy theo, ghé sát tai Ngà: "Đừng có nghe lời bả. Về chỗ mới với em, chắc chắn ngon hơn ở đây nhiều. Nha chị Ngà!".

 

Từ trong sân nhà tình thương, mấy đứa trẻ đã nhìn thấy thằng nhỏ và Ngà. Chúng nó kêu lớn:

- Cô Mỹ ơi! Thằng Đức nó về kìa...

Thằng nhỏ ôm lấy Ngà, dáng sợ hãi. Một cô gái xuất hiện, cùng đám trẻ phía trong chạy ra. Cô gái nói với đám trẻ:

- Đưa Đức vô đi các con...

Rồi cô nói với Ngà:

- Mời chị vào chơi. Cám ơn chị đã đưa em Đức về cho chúng tôi...

 

Ngồi trong phòng khách nói chuyện với Mỹ, Ngà nhìn ra sân, thấy Đức đã nhập bọn với bạn bè, đang ôm từng bó củi chất sau cổng về phía nhà bếp.

- Gần Tết, tụi em bận lắm chị à. Ở đây có ba người lớn vừa lo cho tụi nhỏ, vừa phải lo chuyện gia đình riêng. Tụi em rất cần một người độc thân để có thể ở luôn đây nhưng kiếm người khó quá. Công việc thì bận rộn mà lương bổng chẳng bao nhiêu...

 

Ngà bật nói:

- Hay là cô Mỹ nhận tôi đi...

Mỹ cười theo câu nói mà chính Ngà cũng không hiểu là mình nói đùa hay nói thật!

 

*

 

Bây giờ, Ngà lại ngồi nhìn cái vòng xoay với lượng xe qua lại chóng mặt dù trời đã về chiều. Lại thêm một đơn vị từ chối cô vì chuyên môn họ cần không phù hợp với bằng cấp cô có. Cô nhắn chị cán bộ đã giúp đỡ mình thì được nhắn lại là chị ta cũng đành bó tay. Bà chủ quán Lưu Ly không quên chuyện mời Ngà quản lý quán với một điều kiện thêm, có lợi cho cô. Con bé Thúy thì bảo hết tuần này nó sẽ nghỉ để về kịp khai trương quán nhậu đón tết, nó sẽ chờ Ngà tìm đến và nó tin chắc như thế...

 

Nơi vòng xoay, những chiếc xe đủ loại: du lịch, tải, chở khách, gắn máy... đi theo mọi hướng: về thành phố Hồ Chí Minh, hướng miền Trung, miền Bắc, ra thành phố biển, vào khu công nghiệp... Tiếng động cơ, tiếng còi xe xen với tiếng rao lanh lảnh của những người bán hàng rong và tiếng nhạc trong quán cà phê.

 

Trong ngăn kéo nơi quầy thu ngân, Ngà vẫn còn một bộ hồ sơ chưa gửi. Giờ này chắc Mỹ cùng đồng nghiệp đang bận tíu tít lo cơm chiều cho đám trẻ. Đôi mắt lanh lợi của thằng nhỏ Đức dường như đang nhìn cô, từ phía bên kia quầy, nơi xa hơn một chút, con bé Thúy đang ngồi tán chuyện cùng khách...

 

Giá như có Mỹ ở đây lúc này để Ngà nói: "Hôm nọ, không phải tôi nói đùa đâu..."./.

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2093
Ngày đăng: 20.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng nói trạng - Đỗ Ngọc Thạch
Lão Biền Làng Ốc - Nguyễn Chính
Mùa Tết - Nguyễn Lệ Uyên
Người của thời gian - Lê Trâm
Ông kĩ sư già và quí tử - Vinh Anh
Đến chỗ bức tường buổi tối - Nguyễn Viện
Chuyện của bà năm - Trần Minh Nguyệt
Đấu trường 100 - Đỗ Ngọc Thạch
Chùm hoa tím - Nguyễn Minh Phúc
Khách lạ của vườn xưa - Thiện Phạm
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)