Hơn 30 năm rồi, tôi còn lưu giữ và mang theo suốt trong mớ hành trang mình từ Cà Mau về Bến Tre và một lần nữa lại trở về nơi cuối đất. Dù ở đâu tôi cũng gìn giữ hiện vật kỷ niệm - tập truyện ngắn "Đứa con" của Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng miền Nam năm 1963 - cách nay hơn 40 năm. Quyển sách ấy với tôi như người bạn, bởi ý nghĩa may mắn có được trong chiến tranh...
Vào thời điểm "Mùa hè đỏ lửa" 1972, tôi được cử đi học trường Thông tấn Báo chí miền Tây Nam bộ. Nghe như xa lắm, nhưng thực tế rất gần, ngay trên đất Cà Mau. Trong chống Pháp và Mỹ, căn cứ kháng chiến của Khu 9 vẫn ở rừng tràm, rừng đước... Và trường mở tại rừng đước Năm Căn. Hồi xưa rừng nguyên sinh, bạt ngàn. Hội trường, dãy nhà sàn, những chiếc cầu bằng cây đước, đi lại dễ dàng trong khu căn cứ làng rừng. Trên 30 học viên, duy nhất chỉ 2 tỉnh Rạch Giá, Cà Mau và số anh chị em các ngành thuộc Khu. Tôi biết cảnh sống ở rừng đước thời đó. Nước mặn quanh năm, con người phổ biến biết đun nấu cất nước ngọt. Rau xanh phải đi xuồng ra xóm xa, lên ruộng hái rau muống còi. Nhiều đêm thay phiên đi chài cá, thức chờ nước lớn suốt sáng mới về tới trường. Tàu giặc thường tuần tiễu vang rền trên sông Tam Giang, chúng bắn trọng liên 12 ly 7 nổ liên hồi, đạn trúng cây rôm rốp giữa đêm khuya...
Thời gian ngồi học ở rừng đước và tủa đi thực tế để viết thực tập, tổng kết cuối khóa, hơn một tháng. Trong lần mấy anh em chèo xuồng đến nhận gạo tại bộ phận Nhà in Khu ở gần khu vực trường, các anh kỷ niệm cho tôi vài tập mỏng, thơ Chế Lan Viên, Nguyễn Bá, Lê Chí..., hơ Sông Hậu và tập truyện ngắn "Đứa con". Tôi nhớ mãi kỷ niệm từ những ngày chiến tranh khói lửa... Quyển sách chỉ mất bìa nhưng còn nguyên vẹn. Tôi xén thu gọn lại ba cạnh ngoài. Thời chiến nhiều người phải cắt bỏ đoạn vải chân mùng lưới, để mang thêm vài cuốn sách từ miền Đông về...
Tập truyện ngắn "Đứa con" dày 120 trang, gồm 10 tác phẩm của 9 tác giả: Hoài Nam, Thái Phong, Việt Hoành, Ngọc Thành, Thủy Thủ, Trần Bửu, Hồng Minh, Anh Đức, Giang Nam. Trong các tác giả này, nhà văn Anh Đức, nhà thơ Giang Nam nổi tiếng cả nước... Trần Bửu hiện ở Tiền Giang. Ngọc Thành tức nhà báo liệt sĩ Nguyễn Mai ở Cà Mau. Thủy Thủ với "Chiếc guốc xinh xinh", cuốn hút người đọc và xúc động mãnh liệt...
Theo lời Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng (1963): Trong số người tham gia cuộc đảo chánh Diệm hồi tháng 11-1960 có đại úy Phan Lạc Tuyên (cựu chủ bút báo văn nghệ "Sinh lực" và "Đại học quân sự tập san") và thiếu úy Thái Trần Trọng Nghĩa, tức Thủy Thủ (cựu chủ trương biên tập nguyệt san "Lướt sóng" cơ quan ngôn luận của hải quân miền Nam).
Hai người đã viết nhiều tác phẩm tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm. Chúng tôi trích đăng chuyện "Chiếc guốc xinh xinh" của Thủy Thủ, rút trong tập "Một ngàn lẻ một... chuyện" của anh.
"Chiếc guốc xinh xinh", chuyện ở Bến Tre mà anh là nhân chứng. Thủy Thủ - bút danh của Thái Trần Trọng Nghĩa, quê ngoài Bắc, vào Nam từ năm 1954 và làm thủy thủ 2 năm liền trên sông Cửu Long. Chỉ một địa danh trong bài mà tôi nhận ra Bến Tre, đó là sông Ba Lai. Tôi hình dung cảnh tượng chiến tranh diễn ra trước mắt... Một đoàn tàu sắt giặc hàn trên sông Ba Lai, có thể đoạn Phong Mỹ, Châu Bình phía Giồng Trôm hay Bình Đại? Bọn giặc là lính biệt động quân, thủy quân lục chiến đang vây ráp trên sông, ruồng bố trên bờ, cánh đồng ngút mắt gốc rạ bị nã đạn pháo...
Cảnh đóng quân trên xóm, Thủy Thủ vượt qua hố đại bác giữa sân nhà, đi trong đổ nát của trận càn... Bỗng anh cúi xuống nhặt được chiếc guốc trẻ em gái. Chiếc guốc quai nhựa trắng, nhỏ xíu và còn mới... Anh cố hình dung em nhỏ có chiếc guốc đã lạc đôi này, chắc độ năm hay sáu tuổi, vui sướng ngắm nghía món quà má vừa mua cho, em nâng niu định dành đến Tết. Rồi giặc đến càn quét, quả pháo nổ đào khoét một hố trước sân nhà... Em sợ quá nép vào lòng má trốn dưới gầm giường. Rồi... rồi... Anh ước mong cho em đừng việc gì cả, em nhỏ miền Nam ơi! Ừ, mà sao em lại để lạc chiếc guốc này nhỉ? Chắc em sợ lắm, cái bọn lính hung ác là chúng tôi, cái bọn lính kín đồ rằn. Giá chúng có gặp má em, gặp em chắc là chúng không tha. Em sợ quá không cầm vững được đến guốc nữa...
Cảnh tên ác ôn, thằng Sáu to lớn chuyên khai thác, tra tấn bóp chết một bà lão, chỉ vì Lực trốn đâu? Anh nghĩ những ngày đẹp trời thế này sao người ta lại chết được. Chết thật vô lý. Bị cú sốc, tức thở, anh đi ra ngoài, ngồi xuống mô đất, nhìn bên kia đầu làng, có chiếc máy bay trinh sát lượn vòng, rồi tiếng pháo nổ dội rền, có căn nhà bốc cháy, cuộn lên... Anh cứ nghĩ có còn chiếc guốc xinh xinh nào rơi vãi lạc đôi?
Anh đứng dậy, trở vô, đi về căn nhà ác quỷ - nơi tên đại đội trưởng biệt động quân say rượu, cười man dại, đang lấy lời khai người đàn bà bị trói mà nó cho là "vợ thằng Lực". Anh kịp nghĩ chị ấy có mua đôi guốc cho con không? Trước mắt anh, tên đại đội trưởng đã hiện nguyên hình con dã thú, nó sắp sửa xé xác người để ăn gan, uống máu...
Quả đang căm thù cao độ, Thủy Thủ cho người đọc thỏa mãn: Không dằn được máu nóng, anh rút khẩu súng ngắn đeo bên hông, trở ngược cán nện vào gáy hắn một chập, cho đến khi hắn không còn cựa quậy, gục xuống cạnh thân hình thiếu phụ lõa lồ đang mở to mắt trừng nhìn anh, kinh ngạc.
Xong, anh tra súng vào bao, thong thả đi ra... Cứ thế đi mãi, khỏi nơi bố trí quân của chúng, mấy tên lính thấy anh đi qua nhưng không dám hỏi... Anh vẫn đi về phía làng bị nã đại bác ban nãy, chắc có những em nhỏ mất guốc... những chiếc guốc xinh xinh...
Năm 1973, trong một chuyến công tác xuống rừng đước kinh Ông Đơn, anh chị em ở Nhà in Trần Ngọc Hy (Cà Mau) đưa tôi đọc cuốn tạp chí Văn nghệ Giải phóng (miền Nam) đã ngả vàng, cũ kỹ. Tôi lật lướt qua từng trang, gặp một tác phẩm nữa của Thủy Thủ - Mùa Xuân. Tôi lấy giấy ra, vì gấp công việc, phần đầu nhờ anh Út Đa và Tấn Đức phụ chép. Mỗi người được mấy dòng rồi giao lại tôi. Thời chiến tôi siêng chép tay lắm. Gần 40 năm, anh Bảy Dân ở Bến Tre còn nhắc từng gặp dân Cà Mau lên "R" ngồi chép tay phát ngán!
Mùa xuân, thể tùy bút, Thủy Thủ sắc nét về cuộc đời... Qua sáu cái Tết trong hàng ngũ quân đội ngụy, chán chường mệt mỏi, những cái Tết mang chết chóc đau thương... "Tôi còn nhớ năm Dần (tức 1962) vừa rồi, cái Tết đầu tiên trong chiến khu giải phóng, những tiếng cười... từ mười mấy năm nay chưa bao giờ tôi nghe được như vậy ngay cả trong mùa xuân...". Lần theo những chi tiết trong bài tùy bút, tôi nhận biết Thủy Thủ trước đó có mặt trong cả chục ngàn thủy quân lục chiến ở Sài Gòn do tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy, xuống Bến Tre phản kích chỉ sau hơn mười ngày nổ ra cuộc Đồng khởi 17-1-1960. Có thể Thủy Thủ đi tàu với lính hải quân trên sông Hàm Luông, tận mắt những vườn cam Bình Khánh, vườn dừa Phước Hiệp, đám lá Giồng Trôm xác xơ, gãy rụi vì đạn pháo và chất độc khai hoang...
Trở lại đoạn kết thúc "Chiếc guốc xinh xinh", Thủy Thủ viết: "Tôi qua hết cánh đồng rồi chạy miết vì tiếng liên thanh nổ dòn sau lưng". Thế phải chăng Thủy Thủ là người của cách mạng và trở ra vùng giải phóng từ mảnh đất Bến Tre đầu mùa khô 1961? Thủy Thủ rất tự tin: "Tôi phải sống".
Tôi tin rằng Thủy Thủ còn những tác phẩm khác trong tập "Một ngàn lẻ một... chuyện" của anh, chắc không thiếu cốt chuyện ở Bến Tre, hay và hấp dẫn không kém. Tự dưng, tôi lại muốn sưu tầm tác phẩm Thủy Thủ. Nhưng biết làm sao?
Với tình yêu quê hương xứ sở và ngưỡng mộ tác giả, tôi xin giới thiệu tác phẩm "Chiếc guốc xinh xinh" của nhà văn đã ra người thiên cổ, cùng bạn đọc VNBT.