Ngoài vùng Hoàng Lỗ, chỗ bìa rừng và biển giáp nhau, có đảo Đượng Hạc và mấy hòn núi đá nằm tách hẳn ra như những chiếc lá hoá thạch trên cửa sông. Đượng Hạc là một gò đất cứng có thảm rừng mọc dày đặc trông xa chẳng khác gì túm cây xanh um dâm xuống mặt nước. Trên đó chỉ có một túp nhà thấp lè tè như sót lại từ cổ tích. Mái cỏ mòn vẹt tựa cái lưỡi bò. Nền đất ghẻ lở, vách sụt hở mấy cây cột trơ lũa gỗ. Trong ngôi nhà có một bà cụ ở một mình đã lâu lắm. Ngày trước còn trẻ, cũng có một người đàn ông ở với bà. Hai người từ một làng bên kia sông ra đây làm nghề đốn củi. Khi họ có một đứa con, đâu khoảng ba bốn năm, thì người đàn ông vào làng và không thấy quay trở lại. Bà sống thầm lặng theo những cơn gió đổi mùa và giữa những gì thiên nhiên nơi đây còn trong trẻo.
Một buổi sáng đẹp trời. Chiếc ca nô nhỏ cập vào góc đảo. Những người lạ mặt nhảy lên bờ. Họ len lỏi dưới rặng ổi dại đi sâu vào giữa đảo và vòng đi vòng lại nhiều lượt chỉ trỏ, đo vẽ. Tiếng nói cười lúc chìm, lúc nổi, vọng om om trong rừng cây. Họ đã đến trước ngôi lều. Một thoáng ngạc nhiên. Cả bọn xôn xao:
- Chốn khỉ ho cò gáy tưởng hoang vu. Ai ngờ lại có người!
- Không biết ai ở đây? Cuộc sống thế nào?...
Chợt tiếng bò kêu phá tan không gian hoang dã. Họ ngơ ngác nhìn chung quanh. Một bà cụ tóc bạc trắng xuất hiện từ rặng ổi đi ra. Trông dáng bà rắn chắc với đôi vai vuông vức, gương mặt sạm nắng, da tay da chân sần vẩy đồi mồi.
- Các ông tìm gì ở đây?
- Chào cụ! Chúng tôi từ trên tỉnh về khảo sát vùng Đượng Hạc để xây dựng khu công nghiệp. Cụ là chủ nhân ngôi nhà này?
- ờ... ờ... Giời cho già ở đây... đã sáu mươi năm có lẻ...
Người cắp chiếc cặp đen giới thiệu:
-Tôi là cán bộ địa chính của huyện! Anh ta ngửa bàn tay giơ về phía người trẻ tuổi chừng ba nhăm, ba sáu: - Đây là ông Hoàng Vũ Trúc, giám đốc Công ty xây dựng Đại Long của tỉnh...
Người là giám đốc vẻ bệ vệ bởi cái bụng sớm to trước tuổi khiến chiếc thắt lưng da to bản xệ xuống phía dưới, chớp chớp mắt trịnh trọng lên tiếng:
- Chào cụ già! Tới đây chúng tôi sẽ thu hồi vùng đảo Đượng Hạc vào dự án. Chúng tôi chuyển cụ vào làng, vào phố trong kia sống cho vui!
- Không! Không! Già chẳng đi đâu. Sống chết ta cũng ở đây! Ta chuẩn bị cả chỗ chôn ta đằng cuối đảo kia rồi!... Cụ già giãy nảy. Nhóm người cười rộ lên:
- Chao ôi! Bà già lẩn thẩn! Chết vội làm gì? Phải tội mà ở đây. Buồn lắm! Vào làng vào phố được hưởng đủ thứ. Chết chôn nghĩa địa có cộng đồng lân bang, sướng hơn cụ ơi!
- Không! Già không đi đâu hết! Không đâu bằng ngôi nhà Giời cho này!...
- Không đi cụ cũng phải đi! Lệnh trên đấy cụ ạ!
-Ta không biết! Chỉ Giời mới khiến được ta!
Nhóm người ngồi xuống gốc cây, ngửa cổ dốc những hộp nước uống ừng ực. Một người cao lêu đêu ấn một hộp vào tay bà:
- Mời cụ già! Bia “Ba Ba” đấy! Cụ uống đi! Thơm mát, bổ lắm!
Bà hất hộp bia trở lại suýt va vào mặt gã:
-Ta không thèm rùa với ba ba gì sất. Ta có nước giếng Tiên còn mát bổ hơn nhiều! Các người muốn uống, ta chỉ cho mà uống. Uống khỏi, các người sẽ đánh rắm không kịp! Rất dễ tiêu... Nghe vậy, cả bọn bật cười rũ rúc:
-Tuyệt! Tuỵệt quá! Gã cao lêu đêu quay sang giám đốc trẻ:
- Dứt khoát là nước khoáng thiên nhiên! Sếp ơi! Nắm được vùng đảo này, dự án của chúng ta gặp may rồi! Thật là nhất cử lưỡng tiện!...
- Các người cút ngay! Cút ngay! Bất ngờ, bà giật phắt chiếc chổi rễ giắt ở khe liếp vụt lia lịa vào gã lêu đêu.
- Cụ già rắn mặt gớm! Cứ chờ đấy!...
Cuối năm sau. Như một giấc mơ. Một con đường mới đã đắp nối ra đảo. Cũng một buổi sáng đẹp trời. Nắng hanh hao ngọn lá. Gió lạnh trong núi tràn khắp cửa sông. Những chiếc ôtô, xe máy đổ người mang xẻng cuốc xuống bãi đất phẳng dưới rặng ổi. Hai cỗ máy xúc, máy ủi ầm ào từ xa bò vào. Một công trình mới bắt đầu khởi công. Tất cả rầm rộ như một cơn giông vần vụ vùng Đượng Hạc. Bà cụ bứt rứt đi ra đi vào, hết trong lều lại chạy gằn dưới rặng cây, ngó nghiêng, lo lắng. Chúng nó làm thật! Chúng nó đuổi ta ra khỏi đây thật rồi! Hòn đảo do ta gìn giữ bấy lâu sẽ bị chúng làm cho trơ trụi, tan tành! Công ta thành công cốc! Ta không đi! Ngần này tuổi không thiếu gì cái chết, ta lại sợ bay ư?
Từng ngày, từng ngày, khu rừng bị chặt hạ. Cây cối đổ rào rào. Đất đá ngổn ngang. Bụi bốc mù mịt nóng hừng hực trong gió nắng. Tấm áo xanh của hòn đảo bị bóc dần. Lũ rắn, lũ cầy, lũ lợn rừng hoảng sợ chạy rúc khắp nơi. Bầy chim vột tán loạn trên rặng ổi. Đàn cò dáo dác bay khỏi rừng sú vẹt. Thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng súng nổ “tắc đòm”. Mùi thịt nướng thơm ngậy không gian. Mấy con bò rống lên thảm thiết. Con chó vện sủa như ma đuổi. Cỗ máy ủi gầm gừ tới gần ngôi nhà cỏ mốc thếch chợt khựng lại vì bà cụ bất ngờ vụt ra, đứng chắn trước cửa. Một tay chống gậy tre. Một tay chống nạnh khuỳnh về sau lưng. Toàn thân bà run rẩy. Đôi mắt long lanh hắt tia lửa. Mái tóc bạc rối tung, phơ phất. Hai bên thái dương, những miếng sẹo to sần sùi, dấu tích của vết thương lâu ngày bỗng nổi giần giật. Người giám đốc trẻ cầm đầu nhóm cũng đứng khoanh tay đối diện. Vẫn gã lêu đêu hấp tấp chìa ra một xấp giấy tờ:
- Đây là giấy phép và lệnh giải toả mặt bằng vùng đảo này của chủ tịch tỉnh. Nhân viên của chúng tôi đã nhiều lần đem tiền đến đền bù mà cụ không nhận, không chịu đi là thế nào? Đất đai là công thổ quốc gia. Sao cụ dám chống lại? Chỉ có thiệt! Nhà nước sẽ cải tạo nơi đây, mở rộng thành khu công nghiệp, có nhà máy, có khách sạn để phục vụ nhân dân! Cụ sẽ được cấp đất ở nơi khác!...
- Giời chưa gọi. Ta không đi đâu hết! Nhà ngươi làm gì ta? Bà cụ khảng khái nhìn thẳng vào mắt giám đốc. Hùm vồ ta không chết. Cướp giặc, ta không chùn! Ta giữ cho rừng xanh và nước giếng Tiên kia trong sạch. Cho đàn cò, bầy chim về trú ngụ. Cho con cháu mai sau, cho người đời được không gian tươi tốt. Những cơn mưa sẽ lập cơn bay về đồng bãi bên kia tưới mát cho lúa màu. Cớ sao các người lại kéo đến phá phách, xây cất gì ở đây? Ta chưa hề thấy Giời bảo ta đi đâu. Đêm đêm ta vẫn gặp Giời xuống chuyện trò với ta. Người nói: “Con Người Mới đang tự phá Ngôi Nhà Lớn của họ! Bà hãy làm cho hòn đảo này thành vườn Tiên giữa Giời Đất!” Ta chỉ nghe thấy thế thôi!... Đám người cười sằng sặc:
- Những lời của bà già thật lạ tai. Lẩm cẩm quá! Thuộc người âm mất rồi!
- Không biết chữ, không đi đâu, bà già chẳng hiểu gì cả!
- Bây giờ làm gì có Giời nào! Chỉ có kinh tế thị trường...
- Chỉ có giám đốc các công ty. Chỉ có lợi nhuận, vàng và đôla, tiền mặt...
- Sổ đỏ của bà đâu? Giám đốc Trúc chìa tay về phía bà, rồi quay lại hất hàm. Một gã to béo xấn đến bế thốc bà ra gốc cây. Bà giãy giụa, vò đầu bứt tai hắn:
- Buông ra! Buông ra! Ta không đi đâu hết! Đây là nhà của ta!...
Cỗ máy ủi gầm lên, như một con bọ hung chồm tới, chui tọt vào túp nhà. Cột, kèo gãy răng rắc. Vách đất kéo theo mái cỏ đổ sập. Chiếc bát hương đầy ắp chân nhang trên mảnh ván treo làm ban thờ rơi xuống, lăn lông lốc. Những cây nhang lúc sớm bà thắp lên còn leo lét, ngún vào nhau, bỗng oá thành ngọn lửa, bốc ngùn ngụt. Cháy bát hương! Cháy nhà! Đám đông nhốn nháo la ó. Cỗ máy ủi bò vội ra ngoài. Bà lao vào đống đổ nát nhặt chiếc bát hương bê lên ngang đầu:
- Giời Phật sẽ trừng phạt chúng bay!...
Bỗng bà vấp ngã gục lên ba ông đầu rau kê bằng ba tảng đá ám đen khói. Ngón tay già run run như chiếc kim đồng hồ han rỉ trỏ về phía giám đốc Trúc mặt đỏ tấy như mặt gà chọi. Thân bà mềm oặt. Mắt nhắm nghiền. Hai hàm răng nghiến chặt cơn tức giận. Sự việc quá bất ngờ. Trúc lặng đi như trời trồng tại chỗ.
Thành phố đã lên đèn, ồn ào và sôi động. Chiếc xe con đậu xịch trước cổng toà biệt thự sang trọng. Giám đốc Trúc xách cặp lao vào nhà, thoăn thoắt lên tầng trên, nằm vật xuống giường đệm. Đầu óc quay cuồng, nhức buốt. Công lao chạy chọt thủ tục, chuẩn bị vốn liếng suốt hai năm trời. Chỉ một thẻo đất nhỏ trên cửa sông mà không sao giải toả được suôn sẻ. Lạ thay cho cái bà già cổ lỗ sĩ này. Cập kề miệng lỗ còn khư khư giữ đất làm gì? Sướng không muốn, lại muốn chết! Cái xẩy nẩy cái ung! Cũng may bà ta tỉnh lại, chứ nếu xảy sự cố thì bỏ cha mình! Đàn bà gì mà gân guốc đến thế? Bàn chân tựa bàn cuốc, ngón cái toẽ ra toang hoác. Trông y người Giao Chỉ cổ đại. Chắc hồi trẻ vóc dáng bà phải đồ sộ và tính tình thì ghê gớm lắm? Người xưa quanh năm mắm còng mắm cáy lại sống dai sống khoẻ. Người nay đủ thứ lại thường đoản thọ, bệnh nọ tật kia!...
Trúc sinh ra giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ vào thời kỳ ác liệt nhất. Vùng mỏ Đông Bắc nóng bỏng như một chiếc chảo rang. Suốt ngày đêm thị xã rung chuyển trong tiếng máy bay Mỹ gầm rú và các loại súng của ta đánh trả. Cha Trúc lên đường nhập ngũ vào chiến trường. Mẹ phải bồng bế chị em Trúc về làng quê sơ tán. Chiến tranh kết thúc, cha chỉ kịp về thăm mẹ con Trúc ít ngày rồi lại vội vã vào chiến dịch bảo vệ biên giới tây nam. Cha hy sinh. Mẹ một mình đảm đang phụng dưỡng ông bà và nuôi chị em Trúc ăn học. Cả quãng đời niên thiếu và tuổi trẻ, Trúc được chiều chuộng, đằm trong nhung lụa. Tất tật đều dồn sang chăm bẵm cho Trúc. Tốt nghiệp Đại học xây dựng, Trúc về làm việc tại thành phố quê hương. Khi cơ chế thay đổi, đường thăng tiến đến với Trúc thật quá bất ngờ và nhanh chóng thành đạt. Chả mấy chốc Trúc đã là giám đốc một công ty tầm cỡ trong tỉnh. Bọn bạn học cùng lớp vẫn ghen tỵ bảo Trúc: “Hình như thằng Trúc sinh ra là để hưởng số tốt vận may?” Trúc sớm được cấp trên nhìn nhận, ưu ái. Còn cấp dưới thì thay nhau nịnh bợ, đưa đón tiệc tùng. Trúc cảm thấy mình to ra, cao lên với bước đi oai vệ. Trong con mắt Trúc, mọi sự ở đời đều đơn giản, dễ ợt. Trúc lý luận: Muốn làm gì, cứ có tiền, cứ vào liều là được hết. Cái liều bây giờ được tụng ca là dám nghĩ dám làm, là năng động, đột phá! Nên tội gì không liều? Làm giám đốc thời nay còn nhàn hơn làm lớp trưởng thời đi học!... Vậy mà trước bà già vùng Đượng Hạc, Trúc đã phải chùn bước! Trông ánh mắt bà thật đáng sợ. Nhất là khi chiếc bát hương văng xuống đất, không hiểu sao bụng Trúc lại đau nhói? Toàn thân, co rúm, nguột đi muốn đổ sụp...
Trúc chìm trong mệt mỏi, mông lung. Một người quần áo trắng toát hiện lên giơ cây gậy trỏ vào mặt và đập xuống đầu Trúc: “Đồ bất hiếu! Ngươi đã giết mẹ ta! Ta hy vọng về ngươi mà ngươi lại đổ đốn thế a?” Trúc cuống cuồng bỏ chạy, hét lớn: “Không! Không!”... Vợ Trúc hốt hoảng bổ vào phòng:
- Anh Trúc? Sao thế? Mới tối chưa cơm cháo gì đã ngủ mê? Trúc choàng tỉnh. Mồ hôi túa ra như tắm: Không! Không! Có làm sao đâu!...
Mấy ngày liền Trúc mất ngủ. Lo sợ, đêm nào vợ Trúc cũng thắp hương xì xụp khấn vái. Giá mọi ngày Trúc đã đứng đằng sau, luồn tay ôm vợ và buông lời cợt nhả: Lạy Trời lạy Phật phù hộ cho con. Lộc vào như nước sông Đà, lộc ra nhỏ giọt như cà phê phin... Bây giờ Trúc để mặc. Vợ làm gì thì làm, cúng gì thì cúng. Lòng dạ Trúc để đâu đâu. Trúc vẫn đang bị hình ảnh bà già như một pho tượng Tuyết Sơn phủ đầy bụi đội chiếc bát hương bốc cháy ám ảnh. Hình như bà nói bà từng đánh cướp, từng bị hổ vồ? Quái lạ! Có phải đây là bà cụ bị hổ vồ dân gian thường đồn đai?
Không thể chịu nổi sự dày vò, dằn vặt, Trúc bảo lái xe đưa tới bệnh viện. Bác sĩ cho hay: “Bà cụ rất yếu. Biết mệnh mình có thể khó qua, cụ đã nằng nặc đòi về từ hôm qua!” Trúc tức tốc cho xe chạy ra hòn Đượng Hạc. Trên nền đất cũ, túp nhà cỏ đã được lợp lại. Trúc tả tơi như kẻ mất hồn bước vào. Chiếc phản gỗ đã rải một tấm chiếu mới. Bà cụ vẫn nằm thiêm thiếp thở. Mấy người ngồi quanh túc trực. Trong đó có một lão ông râu tóc bạc trắng đang bón từng thìa bột loãng cho bà.
- Vâng! Không dám. Chào các ông! Mọi người lạnh nhạt cất tiếng. Trúc bẽn lẽn đặt túi quà lên cạnh phản, ánh mắt đầy vẻ hối hận:
- Dạ! Thưa dân làng! Chúng cháu có chút quà gọi là thăm cụ. Cháu xin lỗi... vì tội quá nôn nóng mới xảy ra cơ sự... Cháu cũng không ngờ... hòn đảo nhỏ này...
- Ý ông muốn nói các ông có quyền, còn bà Mưa không là gì chứ gì? Người già chúng tôi như cỏ úa trong rừng, bì sao được với các ông lọc lõi chốn thị thành? Các ông nhầm to rồi. Làm gì thì làm các ông cũng phải chừa nơi cắm bát hương của người ta ra chứ!
Trúc tái mặt. Không ngờ tình huống lại xấu đi. Chú Lợi lái xe đứng bên xoa hai bàn tay xun xoe đỡ lời:
- Xin các cụ nuốt giận làm lành, đại xá cho hành động quá đà của giám đốc nhà cháu. Đánh kẻ chạy đi, chứ không nỡ đánh người chạy lại! Chính vì lương tâm cắn dứt mà sếp cháu vội vã về đây...
- Với các ông mọi thứ tất tần tật đều qui đổi ra tiền. Hòn Đượng Hạc cũng chỉ là tiền. Nhưng với bà cụ này, Đượng Hạc là cả một đời sống chết, một đời gìn giữ bằng bao mồ hôi, nước mắt và xương máu. Nơi đây bà đã mất đứa con trai duy nhất! Hạ bát bột xuống phản, ông lão rành rọt từng tiếng: -Tôi là Điền, người nhà của bà Mưa! Các ông nên nhớ: ở đời chữ đức làm trọng, chữ nhẫn là vàng. Phải bình tĩnh mà vận động dân chúng mới có phúc có phần... Bỗng lão Điền gằn giọng: - Các ông biết không? Bà lão đây một mình một phận, không chết vì nanh vuốt cọp mà có thể chết vì sự nóng vội của các ông! Trúc giật mình: Đúng rồi! Như vậy... Đây chính là bà cụ bị cọp vồ? Bà còn sống! Vừa mừng vừa lo, anh nói ríu cả lưỡi:
-Vâng! Cháu... cháu xin tạ tội... Cháu... cháu... muốn biết cuộc đời bà cụ!... Cháu có ngờ đâu... một phút non dại...
Chiều hôm ấy, giám đốc Trúc dành thời gian ở lại ngôi lều, muốn chuộc lỗi lầm bằng sự chăm sóc, bù đắp cho bà. Câu chuyện về cuộc đời người đàn bà trên hòn đảo vắng được lão Điền bắt đầu kể ra.
Làng Biển bên sông Đằng. Thuở ấy, có hai đứa trẻ cùng chăn trâu cắt cỏ, chơi thân với nhau như hai hột lúa non dưới áng cầu vồng trong mưa thu. Ngực cô bé Mưa đã nhum nhủm trái cau. Giọng chú bé Điền đã ồm ồm tiếng ếch kêu gọi bạn. Hai người bắt đầu biết nhìn trộm nhau. Rồi phải lòng nhau ra mặt. Điền nhổ mạ giỏi có tiếng, gánh rất khỏe. Anh thường tìm cách đi quanh qua lối ruộng có Mưa đang cấy. Mưa đi cày sớm, dong trâu qua ngõ nhà Điền thường “diệc vặt” đánh tiếng. Điền chạy ra, bao giờ cũng thấy củ khoai lang hoặc cái bắp ngô nướng xém giắt trên cánh ngõ gai. Một lần đi gặt đổi công, hai người cùng đẩy thuyền lúa đầy ắp về làng. Đang giữa sông, đột ngột Mưa ngã lộn nhào xuống nước vì bị hốc chân sào. Điền lao xuống kịp bế Mưa lên. Người Mưa căng mọng trong lớp vải ướt sũng. Lần đầu tiên Điền chạm vào cơ thể đẫy đà, nóng hổi của người con gái. Anh vừa bơi vừa cố sức nâng Mưa lên thuyền. Chợt nghe đánh “phựt”. Dây dải rút ngang lưng Mưa bị đứt. Chiếc quần nặng nước của Mưa bỗng tụt khỏi cặp mông tròn lẩy, trắng nõn nà. Bàng hoàng, Điền ôm chặt lấy cặp đùi Mưa ép vào lồng ngực, ngây ngất. Con thuyền nghiêng mạn, tròng trành, ào ạt nước. “ấy! Buông em ra kẻo đắm!” Mưa khẽ đạp. Điền bạo dạn: “Thấy rồi nhá! Thuộc về tớ rồi đấy!”... Từ đó, họ thường đi làm đồng về muộn. Mưa có chửa. Lúc lộ chuyện thì hai bên gia đình mới ngã ngửa: Chết rồi! Hai đứa cùng một họ, cháu chắt của sáu đời! Tục lệ vùng quê này vô cùng khắt khe, nghiệt ngã. Vạn đại huyết thống, không bao giờ cho phép người trong họ dù gần hay cách xa đời lấy nhau! Cha mẹ hai bên liền bị đưa ra “cạo” tại từ đường. Các cụ họ trỏ mặt đuổi hai đứa khỏi dòng Vũ tộc. Mưa bị cha trói, quấn tóc vào cột đánh thập tử nhất sinh. Điền bị các bậc chú bác trong chi ổ chửi mắng thậm tệ: Đồ nội luân, cứt bôi lên đầu! Thiên hạ thiếu gì chỗ, lại nhúng vào nơi đồng tộc?...
Trớ trêu thay, càng đòn roi, nhiếc móc, đôi trai gái càng nghĩ về nhau và thương nhau bội phần. Hai người lẻn gặp nhau trong miếu Thành hoàng, nức nở, nhất quyết ăn thề không thể rời nhau. Họ tính chuyện bỏ trốn đến một nơi khác để sống cùng sống, chết cùng chết.
Một đêm trăng mờ sương. Điền đón Mưa dưới gốc đa ngoài bờ đê. Họ lội tắt đồng tránh hai chặng điếm canh. Con thuyền nan dời bến. Cứ nhằm theo ánh chớp đằng đông mà chèo, trôi miết ra cửa sông. Rạng sáng, trước mặt hiện ra ba hòn núi đá đứng sát nhau. Mệt quá, hai người buông tay chèo mặc gió và sóng đánh dạt thuyền tới một gò đảo hoang kế đó. Trên đầu rợp trắng cánh cò liệng chao như muôn nghìn mảnh giấy trắng tung ra. Đấy chính là vùng đảo Đượng Hạc.
- Mưa ơi! Chúng mình đang vào xứ hạc bay!
- Hạc nào hở anh?
- Đấy, những cánh cò chính là những con hạc trắng do trời thả xuống!
- Thế mấy hòn núi bên cạnh nhau kia?
- Hòn Ông Sư Bà Vãi và hòn Bình Hương!
- Anh chỉ bịa!
- Thật mà, tôi kể sự tích về nó nhé! Thuở xưa có một ông sư và một bà vãi cùng tu trong một ngôi chùa. Nhưng vì bọn cướp biển luôn vào cướp bóc, phá nhiễu chốn cửa thiền, hai người bèn bàn nhau dời sang doi đất bên kia sông lập chùa mới. Bà vãi đội thúng đựng kinh sách lên đầu đi trước. Ông sư bê chiếc bình hương theo sau... Cũng như em chèo trước, tôi chèo sau thế này này! Khi lội qua sông, không ngờ gặp ngay chỗ nước sâu, bà vãi vội vàng tốc váy lên rõ cao, kẻo ướt. Cặp đùi non chợt lộ ra trắng phốp trên mặt nước, ngay trước mắt sư. Bao nhiêu ngày tháng trong chùa cùng nhau tụng kinh gõ mõ không sao. Giờ đây, ông sư chợt sững lại, đứng chết lặng hồi lâu. Bỗng ông vấp phải hòn đá dưới sông, ngã chúi. Chiếc bình hương văng tòm xuống nước. Vừa lúc ấy, Phật bà Quan Âm hiện lên trỏ mặt sư: “Nhà ngươi đã đánh mất chính quả!” Hai người chết đứng giữa dòng và sau đó biến thành hòn Ông Sư Bà Vãi. Chiếc bình hương kia hoá thành hòn Bình Hương!...
- Mỗi thế cũng bị phạt hả anh? Mưa hồn nhiên hỏi.
- Ư... Ông sư bà vãi còn chết vì nhau, huống chi mình, phải không?
- Tại anh thì có!
- Ừ thì tại. Tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Không thương thì làm sao nên sự?
Họ đã có những ngày thật hạnh phúc dưới túp lều cỏ, dưới tán rừng hoang dã. Đứa con trai ra đời. Ngày ngày chỉ có những bầy chim hót líu lô trên rặng ổi làm bạn với chú bé u ơ một mình ở nhà cho bố mẹ đi mò cua bắt ốc ngoài bãi sông đem vào làng xa đổi lấy gạo. Thế rồi, Điền tranh thủ về quê. Anh lén vào nhà thờ họ tạ tội với tổ tiên, định xong sẽ lên chợ mua vuông khăn đen cho Mưa bịt má. Nhưng giữa chừng thì cha bắt được. Ông đóng sập cửa, hô hoán trương tuần ập tới trói gô Điền đem về nhà nhốt, không cho trở lại đảo. Từ bấy, Mưa bặt tin Điền. Chị bồng con ra đầu doi đất trông chờ. Chỉ có mảnh trăng bồng bềnh trên cửa sông. Chỉ có ngọn gió hoang thổi tơi bời ngọn lá. Ngày này sang ngày khác, Mưa đành lủi thủi dưới túp lều, đêm đêm ôm con vò võ. Ba năm. Năm năm. Vô vọng. Những người đi bắt cáy dưới bãi lên xin nước uống ở giếng Tiên nói: “Anh Điền đã bị cha ép lấy vợ khác. Giận cha, giận họ tộc, anh đã trốn nhà, đầu quân vào bộ đội lên mặt trận Tây Bắc”... Mưa tủi thân: Vậy mà Điền không nỡ ra đây nói lấy một lời!
Năm đó, trời làm đói kém. Vạt lúa cấy cạnh giếng Tiên mất gặt. Mưa phải giất từng bông, nhặt từng hạt giấu kỹ để làm giống. Khoai cũng không có mà ăn. Phải bòn từng cái rãi lem rem. Mưa xuống bãi đơm cá, đơm tôm, bắt chuột, bắt rắn làm thịt cho hai mẹ con ăn trừ bữa. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Rồi đến một sớm, Mưa cho con xuống thuyền nan chèo vào Ngã Hai lên núi đào củ mài, hái quả thanh mai và tiện thể cắt cây thanh hao về buộc chổi đem bán. Mải làm, chiều tối lúc nào không biết. Đành ngủ lại trong rừng. May quá! Có một đoàn thuyền khác cũng bị nhỡ nhật như chị. Mọi người buộc thuyền đậu ngoài lạch sông, dưới gốc cây lim cổ thụ. Các nhóm rải chiếu, lót ràng ràng trên vạt đất phẳng phiu bên khe nước có những bụi tre mai có thể tránh được gió lạnh trong nguồn thổi ra. Dưới khe, nước chảy róc rách qua kẽ đá. Mấy người đàn ông lên sườn đồi cắt thêm ràng ràng về bảo: “Trên kia có nhà dân. Hay là mấy chị thuyền mình với mẹ con chị Mưa lên đó nghỉ. Sớm mai chúng tôi đón xuống!” Mưa lắc đầu: “Chả phải thế đâu! Chỗ nào cũng đất nhà Giời. Ta ngủ ở đây cho có bầy có bạn!” Hai mẹ con cùng hai cô bạn nữa nằm chung một chiếu giữa đám đông. Đêm tháng ba còn se lạnh. Đống lửa đốt bằng những gộc củi cháy bập bùng toả ấm. Sau một ngày trèo đèo lội suối làm lụng vất vả, mọi người ngủ thiếp đi. Lửa tàn dần trong đám củi than âm âm, tí tách. Riêng Mưa vẫn nằm yên bên con chưa ngủ được vì trằn trọc bao ý nghĩ. Từ ngày Điền biệt tăm tích, chị như đũa gắp một chiếc nuôi đứa con thơ dại. Cảnh đơn côi thật quá khó khăn... ừ thì người ta đi lo vợ con khác. Đành mong cho yên phận! Nhưng sao không nỡ một lần quay lại xem mẹ con mình sống chết ra sao?...
Dễ quá nửa đêm Mưa mới thiu thiu. Thằng bé ngủ mê nói ngu ngơ. Chị lơ mơ vỗ về. Hình như có một luồng gió lạnh rờn rợn lẫn mùi thối tạt qua đầu? Chị giật mình, xoài tay thấy tóc thằng bé như bị vuốt kéo ra ngoài. Hay có con gì chạy qua vướng phải? Vun gọn mái tóc, chị gối đầu con lên tay và ôm chặt nó cho êm giấc ngủ... Bỗng toàn thân chị bị bốc lên khỏi chỗ nằm rất lẹ. Một bàn tay đầy lông lá có vuốt sắc nhọn quặp chặt lấy chị lao vào đêm tối. Đứa con tuột khỏi lòng. Do phản ứng bất ngờ, chị quàng tay ôm về phía trước. Chạm ngay vào mớ lông lạnh ghê người. Chị chết khiếp. Hổ! Giời ơi! Hổ! Đau đớn và tuyệt vọng. Mắt chị nhắm nghiền. Tay buông thõng. Máu tươi túa ra hai bên thái dương, tràn đầy mặt. Mặn và nóng. Chị mở mắt. Giời ơi! Con ơi! Hùm vồ mẹ mất rồi!
Con hổ to bằng con nghé vực ôm Mưa băng qua bụi gai. Một lúc, chị mới nghe thấy tiếng người hô hoán phía sau. Nhiều đốm củi lửa văng lên toá loả. Tiếng kêu, tiếng thằng con khóc ré gọi mẹ dưới khe, xa đắm trong đêm. Mưa tỉnh tao nghĩ: “Thôi thế là hết. Tận số rồi! Ai nuôi con tôi đây? Giời ơi! Chỉ lát nữa thôi, thân thể ta sẽ bị xé làm trăm mảnh thành mồi cho cái bụng hùm háu đói. Còn hồn ta sẽ bơ bải về đâu?”... Con hổ vẫn băng như cơn lốc lên đồi cao. Miệng ngoạm chắc đầu tóc chị, một chân trên nó quặp chặt, ép ngực chị đến nghẹt thở. Chị lấy sức giãy giụa, đấm dụi, cấu vặn từng túm da lông nó. Chị nghiến răng cắn vào cổ nó đay đi đay lại. Chết thì chết! Đằng nào cũng chết, bà cũng phải cắn mày! Vẫn không thoát được. Con hổ nhảy chồm chồm bằng ba chân, vun vút qua bãi cỏ tranh, táp chị vào gốc cây, vào đá đau điếng, tê dại. Đến đỉnh dốc, nó đột ngột hạ chị xuống. Nó đứng cả thân lên, ngoái đầu lại đằng sau. Thừa cơ ấy, chị lăn luôn xuống vực. Lăn rõ nhanh. Lăn bất kể qua cây, qua đá. Mặc kệ mọi vật va vào người đôm đốp. Một trời loạn xạ những đốm lửa vung vãi. Không biết lửa của đoàn người đuổi theo con hổ, hay lửa trong tròng mắt chị bốc lên? Chị không biết gì nữa.
Đoàn người tìm thấy Mưa nằm bất tỉnh dưới chân dốc. Thân thể bầm giập. Mặt mũi bê bết máu. - Đây rồi! Còn sống bà con ơi! Tài thật, làm sao lại có thể sổng được? Hay cái nhà chị này tuổi Dần, nên “ông ba mươi” cũng phải kiềng bỏ? Các bác đàn ông nhổ hộ rúm lông dái, nhét cầm máu!
- Chết rồi, các ông các bà ơi! Thằng bé đâu? Tìm mau, kẻo nó bị lạc!
- Thoắt chốc đã năm mươi năm, cụ nhỉ? Những người nghe hỏi lại.
- Có lẽ thế! Lão Điền kể tiếp: -Ngày cả làng vào hợp tác xã, mấy năm sau, tôi ra đây tìm Mưa. Gặp tôi, Mưa mừng mừng tủi tủi. Tôi chưa kịp hỏi thằng bé, thì Mưa đã khóc ngất. Mãi lâu sau Mưa mới thuật lại được cái đêm định mệnh trong rừng sâu. Mưa gục lả vào vai tôi: -Điền ơi! Che chở cho con tưởng con yên mạng. Ai ngờ em bị hùm vồ. Khi tuột được khỏi miệng hùm, thì lại mất con! Không biết thằng bé lạc ở đâu, hay tan xác vào bụng con hùm ác ấy rồi? Anh ơi! Khốn nạn cho con, cho cái số em!... Mưa vật vã xin tha tội vì đánh mất đứa con yêu quí mà hai người đã vụng trộm, đã nhất mực thương nhau, gạt đi mọi cấm đoán, xỉ vả để ra đây cho nó được chào đời. Tôi chỉ biết an ủi: Mưa không có tội. Lỗi tại tôi hèn kém, không vượt nổi vòng cương toả hà khắc để ra với em! Không giữ được lời thề, tôi mới là kẻ có tội! Mưa còn kể những chuỗi ngày chống chọi với bão gió, với bọn cướp để giữ vùng đảo bãi này. Một lần, bọn cướp bơi qua sông mò vào lều bóp cổ Mưa định hãm hiếp. Mưa trấn tĩnh bảo thằng đầu sỏ: “Phải nằm lên phản hẳn hoi chứ!”... Hắn hý hửng lôi Mưa đặt xuống tấm ván. Nhanh như cắt, Mưa quời tay vớ luôn con dao quắm giấu dưới chiếu, chém túi bụi và hét lớn: “Tổ sư chúng bay! Hùm còn phải chịu bà! Bà lại thua chúng bay à? Bò đâu, Ngưu đâu ra đánh bỏ mẹ chúng nó cho tao!” Bọn cướp hoảng hồn tháo chạy. Máu me bắn tung toé khắp vách nhà. Thật ra có Bò, có Ngưu nào đâu. Chẳng qua bà ấy đánh đòn gió... Lại một lần khác. Có một thằng mặc áo tù, chắc trốn trại, đến xin ăn và đòi ngủ lại. Vừa cho hắn ăn, Mưa vừa kể chuyện đánh cướp và chỉ tay lên đám máu khô rồi đem con dao quắm ra bến mài soàn soạt. Nhìn lưỡi dao sắc nhánh dưới ánh trăng, thằng tù lập cập chào, rồi lủi mất...
Còn cái giếng Tiên mé sườn đồi. Cái giếng thật lạ. Nước màu trắng đục như nước hến, múc vơi lại đầy không bao giờ cạn. Uống mát vô kể, lại nhẹ bụng, dễ tiêu... Năm nọ có một bọn đem mấy cái thuyền máy tới bơm nước chở đi bán đâu tận Hải Phòng. Chúng định khoét giếng rộng ra và còn đánh nhau, giành giật chỗ xây nhà để độc chiếm... Một đêm trăng sáng, có hai, ba thằng còn thay nhau lột trần truồng một con bé ra đú đởn ngay trên tảng đá bên miệng giếng. Chúng tắm rửa roèn roẹt. Ô uế quá thể! Bà đã mưu mẹo nửa đêm khoác tấm áo vải màn trắng, lừ lừ ra giếng xoã đầu tóc khóc gọi con và rú lên thê thảm. Bọn chúng tưởng ma, liền lẳng lặng cuốn neo. Nên giếng nước mới còn nguyên vẹn, trong sạch ngoài kia!... Lần nào ra đảo tôi cũng thuyết phục Mưa về làng. Vợ con tôi ở nhà cũng đã xuôi. Nhưng Mưa vẫn từ chối: “ở đây quen rừng quen đất, không rời xa được. Số tôi với anh chỉ đến thế thôi!” Mưa vẫn hy vọng: “Biết đâu ngày nào đó thằng con trai lưu lạc sẽ về? Tôi phải gặp được nó. Mẹ con tôi có hoá thành hòn Bà Vãi với hòn Bình Hương kia cũng cam!” Nghe giọng Mưa đau xót bao nhiêu, lòng tôi càng chát đắng bấy nhiêu! Thuở trẻ thì yêu nhau vụng dại. Khi gần đất xa trời mới càng thấm thía và càng trọng những gì còn lại trong nhau. Suốt đời, tôi còn ân hận mãi về việc bỏ Mưa một mình nuôi con, chống chở với cuộc sống nơi rẻo đảo hoang vu... Lão Điền ngậm ngùi: -Giá hồi ấy tôi cứ liều thì đâu đến nỗi Mưa bị sa vào miệng hùm, đâu đến nỗi mất con! Cái đêm cuối xuân chốn rừng thiêng nước độc đã để lại trong bà nỗi đau đớn tột bậc cùng vết sẹo hằn sâu. Nhiều lúc nghĩ vẫn còn thấy rùng mình. Cái giống cọp nó có ngón đòn bấm huyệt cắt đứt động mạch hòng làm tê liệt con mồi! Thật khủng khiếp! Vậy mà bà đã giành giật được sự sống. Một người đàn bà đầy bản lĩnh!
Cả không gian túp nhà cỏ và hòn đảo như nén lại, lặng đi trong lời kể của lão Điền. Nén xúc động, giám đốc Trúc ngắt lời:
- Dạ thưa! Cụ có nhớ tên người con trai bị lạc đó không ạ?
- Ồ! Nhớ chứ! Giọt máu của ta mà không nhớ thì sao là con người? Nó tên Măng. Vì bà ấy đẻ nó cạnh bụi tre đang mọc đầy măng. Ta chẻ mảnh tre lấy cật cắt rốn cho nó. Đấy, cái bụi tre gần rặng ổi kia kìa! Những đọt măng ấy đã từng nuôi sống chúng ta! Ta liền gọi con trai ta là Măng!..
- Trời ơi! Cụ ơi! Người đó đích thị là bố cháu rồi! Trúc đột ngột thốt lên.
- Sao? Ông bảo sao? Ai là bố ông?
- Dạ! Người tên là Măng đó chính là bố cháu! Hoàng Vũ Măng! Hoàng Vũ Măng phải không cụ? Cháu là Hoàng Vũ Trúc!
- Nhầm... nhầm... Lão họ Vũ, bà Mưa đây cũng vậy... Thằng Măng nó là Vũ Văn Măng cơ mà? Lão Điền ngạc nhiên xua tay: -Ông nhầm rồi... nhầm rồi! Xảy ra sự này ông mới nhận người ta là nghĩa làm sao?
- Dạ! Cháu xin ông! Cháu không nhầm! Cha cháu họ Vũ, làm con nuôi họ Hoàng, lấy ghép là Hoàng Vũ Măng. Cha cháu từng kể mẹ đẻ cha cháu bị cọp vồ trong rừng Ngã Hai. Tính đến giờ... vâng, đã bốn tám... bốn chín năm! Cha cháu lạc trong rừng, được ông bà nuôi nhặt về thị xã...
Mắt lão Điền sáng lên: Cha anh là Măng thì bây giờ nó ở đâu?
- Ông ơi! Cha cháu đã hy sinh ngoài mặt trận. Nếu còn sống, cũng tới sáu mươi! Giờ chỉ còn ảnh thờ ở nhà cháu trong thành phố! Ông rất giống cha cháu! Ban đầu vào đây, cháu đã ngờ ngợ...Trúc vỗ trán, cố nhớ: -Phải rồi! Khi còn sống cha cháu từng kể với mẹ con cháu chuyện đấng sinh thành ra cha bị hổ vồ. Nhưng hồi bé cháu ít chú ý những câu chuyện của cha, vì mải chơi... Trúc là một thằng bé thông minh, nhưng rất nghịch ngợm. Đi học về, buông sách là Trúc cầm đầu bọn trẻ xóm phố chạy rông tối ngày. Hẻm ngõ, bến cá, bãi cát nào của thị xã cũng có vết chân. Cha từng kể: cha tên Măng, cái tên thật ngộ nghĩnh. Hồi ấy cha khoảng chín, mười tuổi gì đó. Một lần, chú bé Măng theo mẹ xuống thuyền vào rừng. Đêm ấy, đang ôm cho Măng ngủ bên bờ suối, bỗng mẹ bị hổ bắt đi. Mải đuổi theo con hổ để hòng cứu mẹ, người ta đã bỏ Măng ở lại. Măng hốt hoảng gào khóc, đâm lu đâm lác khắp các ngả rừng. Chiều hôm sau vẫn chẳng thấy ai. Bụng đói, cật rét, cổ khản đặc, Măng ngất xỉu vì quá sợ hãi. Lúc tỉnh dậy thì đã thấy nhiều người lố nhố xung quanh. Đoàn địa chất đi thăm dò vỉa than đã nhặt được Măng cạnh con suối cạn. Họ đưa Măng về một căn nhà trong thị xã bên bờ biển. Một cặp vợ chồng trẻ đã có hai con nhận nuôi Măng. Cha nuôi là kỹ sư địa chất. Mẹ nuôi bán hàng xén ngoài chợ Bến Tàu. Gia đình họ rất yêu quí Măng. Trưởng thành, Măng được vào làm công nhân ở Ty Xây dựng...
Già Mưa khẽ cựa. Có lẽ già đã nghe đầy đủ cuộc đối thoại giữa hai người và cảm nhận những gì đang diễn ra. Đôi mắt già hé mở nhìn lên mái nhà, rồi quay về phía giám đốc Trúc. Giọng già yếu ớt: - Măng... Thằng Măng lạc trong rừng còn sống... lấy vợ đẻ con? Ông là con thằng Măng họ Vũ?...
- Vâng! Bà ơi! Cha cháu hy sinh... còn cháu đây! Trúc gục xuống sát mặt già Mưa. Anh sờ lên vết sẹo hai bên thái dương bà. Vết sẹo còn rõ móng vuốt cọp bấm dưới vạt tóc mai. Vết sẹo sùi dày cộm, ram ráp như miếng vỏ cây bị tổn thương nặng, vẫn chai nên để níu giữ sự sống. Chao ôi! Đúng bà nội rồi! Bà ơi! Bà sinh cha cháu, mới có cháu hôm nay. Cháu là cháu nội của bà đây! Mong ông bà tha tội! Cháu xin được đón ông bà về... Nước mắt Trúc chan chứa. Già Mưa bỗng nấc lên. Đôi môi mấy ngày trời se khô chợt tươi tắn trở lại. Hai giọt lệ trong vắt ứa ra ngoài khoé mắt nhăn nheo. Hai giọt sương lóng lánh lăn ra từ hốc đá. Già cố đưa hai bàn tay ôm lấy hai gò má Trúc, thều thào: -Măng! Vũ Văn Măng. Hoàng Vũ Măng. Cháu là Hoàng... Vũ Trúc? Giai họ Vũ... Cháu ơi! Bà bị... cọp vồ... còn sống... đây...! Đượng... Hạc.../.