Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.047
123.235.199
 
Mùa chim bay đi
Lê Trâm

Ông Bừng lại đốt thuốc, mắt dõi theo những dề cỏ trôi lăn lộn trên sông. Trăng hạ huyền tháng sáu sáng bừng như chưa từng được sáng. Từ một giấc mơ, ông chạnh nhớ  hơn bốn trăm năm trước, có thể cũng là đêm trăng sáng như thế này ở phía cuối dòng sông đã diễn ra cuộc hạnh ngộ giữa người con gái hái dâu và vị thế tử họ Nguyễn. Đó là người tiền bối thuộc dòng họ ông và cuộc hạnh ngộ mang theo phù sa màu mỡ đãi bao lớp cư dân dọc triền hai nhánh Vu Gia, Thu Bồn kể đã hơn mấy trăm năm. Cái câu ca cũ nghe buồn đến rưng lòng. Rằng “ sông sâu khúc lở, khúc bồi. khúc lở lở miết, khúc bồi bồi thêm. Lòng u hoài, kỷ tâm bất chuyết, nhật nguyệt vô song. Bạn với ta ớ... ơi… như chỉ một dòng, xe chưa đặng mối... đem tấm lòng hoài nghi hơ .. hơ… “. Câu ca theo ông, ám ảnh ông suốt cả cuộc đời. Từ thuở sinh ra ông đã thấy sông bồi đắp và cứ thế, làng tiến ra sông theo những bãi bồi. Mùa lũ rút đi, nước cạn, cư dân cả một vùng rộng lớn lại tràn ra, hăm hở cày xới. Đất như cha và sông như mẹ., cuộc tiền duyên trời định đẻ ra bao nhiêu thế hệ dọc hai triền sông gió lộng thồi suốt bốn mùa. - Gió cứ thổi, suốt mấy mấy trăm năm, suốt mấy ngàn năm xuyên qua bờ bãi, xuyên qua làng mạc, xuyên qua bao số phận người, qua bao biến cố thăng trầm của không ít vương triều. Thổi suốt một cuộc đời ông bỏng rát- một cuộc đời tưởng chừng bình lặng mà âm ỉ cháy không thôi, mà nhoi nhói bao nhiêu tháng năm. Phía cuối khúc quanh của dòng sông kia vẫn còn hiện diện người đàn bà xưa cũ của ông, một con người chồng chất bởi thời gian và ký ức. Bà là cái nghiệp dĩ mà ông lỡ cưu mang không thể dứt ra được ngay cả khi vợ ông qua đời. Ông quý hai người đàn bà ngang nhau. Vợ ông cũng thế, cũng trân trọng người đàn bà ấy. Giữa họ có bao nhiêu là ràng buộc, những thứ ràng buộc khiến họ không thể cùng dắt nhau tiến bước- Đó là nỗi ám ảnh không dứt đè nặng cuộc đời ông như là nỗi ám ảnh đến từ những cơn lũ dữ dằn hằng năm kéo về trên sông, sôi sục, gầm réo, hung hãn tàn phá tất cả nhưng rồi sau đó lại hiền từ đền đáp bao nhiêu phù sa màu mỡ. Cuộc tồn vong giống hệt một trò chơi cứ bám lấy ông. Chắc chắn rồi ông sẽ phải ra đi theo vợ cùng với nỗi ám ảnh ấy. Ông chợt thở dài, rít một hơi thuốc, phả những làn khói thuốc rê trắng đục, tiếp tục dõi mắt trông theo những dề cỏ nối đuôi nhau trôi, trôi. Vậy là hơn ba mươi năm kể từ lúc người du kích trẻ tuổi ấy đã cùng ông vượt sông để rồi chỉ mỗi mình anh hy sinh bởi một đợt pháo vu vơ bắn từ chi khu Thượng Đức. Cũng trong lần ấy ông mới hiểu ra rằng anh du kích yêu Duyên. Cái tên gọi chỉ còn là tiếng vọng của thời gian, của sông nước. Nào ai biết được gì hơn về cái con bé suốt ngày lẽo đẽo theo hai anh chị Bừng - Thục. Quay về làng ông chỉ mong được gặp, được nói với Duyên những gì mình biết nhưng rồi trước ánh mắt sững sờ, bừng lên rất lạ của người con gái nhỏ tuổi dành cho ông- một người vừa thoát chết trở về - ông hiểu rằng mọi chuyện khác với điều ông nghĩ. Và ông đã im lặng. Người trai trẻ ấy đã chiến đấu, đã yêu hết mực và đã hy sinh. Đã quá trọn vẹn một nhân cách rồi còn gì. Chỉ còn lại ông và Hạnh cùng với Duyên. Còn biết nói gì hơn giữa những ngày tháng vô cùng gian khổ, ác liệt khi mà chíng sự sống cũng mong manh như là hơi thở. Chiến tranh, cuối cùng rồi cũng chừa họ ra, đủ cả ba con người. Họ lại trở về cầm cày, cầm cuốc. Như chưa hề có cuộc chiến tranh. Sau này người ta hay ca cẩm về những khó khăn, hệ lụy của cuộc chiến nhưng riêng họ thì vẫn cười, bởi nào có thấm tháp gì so với những năm tháng họ từng trải qua. Ông cứ nghĩ đơn giản rằng cứ bám lấy đất mà sống. Hãy yêu quý đất rồi đất sẽ đãi người, vậy thôi. Ông tỉ mẩu tì mầu truyền hết lòng biết ơn, tin yêu cha đất, mẹ sông cho từng đứa con, hết đứa lớn đến đứa bé. Trông cái cung cách của mấy đứa con khi ngước mặt, lặng im lắng nghe từng lời ông nói, ông thật sự vững tâm. Trong ánh mắt chúng còn lộ cả vẻ hàm ơn. Ông Bừng hiểu rằng phía sau những lời ông nói còn có sự bảo chứng của cả sinh mệnh, cuộc đời của ông, vợ ông, của Duyên và người du kích năm xưa. Và của bao nhiêu con người khác nữa. Làm sao chúng có thể không tin cơ chứ? Đó là những năm tháng khó khăn nhất sau chiến tranh nhưng lại là những ngày tháng yên bình nhất của gia đình ông. Có khổ sở về vật chất thật nhưng lòng ông vô cùng thơ thới. Tất cả đã tụ về một mối quanh ông, cùng đất, cùng sông, cùng người. Thế có nghĩa rằng những gì ông và bao nhiêu người khác hy sinh chẳng phải là vô ích. Không chỉ thế, thế hệ ông đã làm vui lòng các thế hệ cha ông từng vượt núi, băng ngàn tới đây mở đất tận thuở cô gái hái dâu với câu ca  tuyệt vời làm xiêu lòng chàng trai xuất thân nhà chúa.

 

Nhưng rồi ông cảm thấy  ngỡ ngàng khi thằng con trai đầu ra thành phố học sau đó chẳng chịu trở lại. “ Con đi rồi còn sẽ trở về “, nó vừa nói vừa khóc khi rời nhà đi học đại học. Nhưng thành phố giữ riết chân nó lại. Sau nhiều đêm nghĩ ngợi cuối cùng ông đành chặt lưỡi :” Ừ, thì thôi, cứ để nó bay nhảy. Ta còn mấy đứa khác.” Ra trường, thằng cả chuyển vào làm việc ở một thành phố xa hơn ngàn cây số. Linh tính cho ông Bừng biết rằng hình như ông đang dần mất nó. Đứa con gái theo chân anh khi thằng Đức học năm thứ hai. Lúc ấy thì ông hiểu bắt đầu có sự biến động ở gia đình ông. Trong ký ức thế hệ ông, con gái cứ phải trồng dâu, nuôi tằm, quay tơ, dệt lụa. Lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Cứ thế, loanh quanh như một kiểu đèn cù bao lấy những số phận được sắp đặt sẵn. Hễ vượt ra là không yên. Chỉ những đứa con gái hư mới dại dột vượt ra khỏi vòng cương tỏa bất thành văn ấy. Giờ thì đến lượt con gái yêu quý của ông. Nó rời nhà đi với sự hồn nhiên trong trẻo càng khiến ruột gan ông đau xé. “ Làm sao nó đủ sức chống chọi với đời?” Bao nhiêu đêm ông thức trắng con mắt cùng tiếng thở dài. Từ nhà trong tiếng sụt sịt của vợ làm đầu óc ông muốn vỡ tung lên. Ông chỉ muốn đập phá, ông muốn đập phá hết. Lần ấy cả ông lẫn bà trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Nếu không nhờ sự cưu mang của xóm giềng có lẽ họ đã cùng nhau về với ông bà hết rồi. Ông trở nên ít nói hơn và bà cũng thế. “ Sao kỳ cục vậy ? Hay là mình đã nghĩ sai về các con? ” Ông tự vấn lương tâm mình, ông chẳng hiểu tại sao cứ muốn giữ riệt con cái mình ở một nơi mỗi năm “ lụt nguồn trôi trái loòng boong “ này nhỉ ?  chúng có ra đi thì đã sao nào? Những người khác có cùng suy nghĩ như ông không? Nhiều lần ông cũng muốn tìm gặp bà Duyên để dò xem ý tứ thế nào nhưng cứ lần hồi mãi, rồi thôi. Bà Duyên chắc chẳng khác gì ông. Đầu óc nông dân và mong muốn bình yên đã khiến ông lo sợ trước sự đổi thay, càng sợ trước những đổi thay mà ông chẳng thể hiểu, chẳng lường trước được. Nhiều khi ông nghĩ, chúng nó, thằng Đức, con Hạnh đang làm gì nơi ấy? Liệu chúng có đủ sức vượt qua bao chông gai, cạm bẫy ngày ngày vây lấy chúng? Cứ nghĩ đến đấy là ruột gan ông lại thót lên. Là tim ông nhói lên - ông trở nên già cỗi mất rồi.

 

Đến khi con Hạnh về xin cho thằng cu út thi vào trường chuyên của tỉnh thì ông thật sự hoảng. Trong lòng ông mọi thứ đổ ào. Đến thế này thì ông chẳng thể nào chịu đựng nổi. Nó không chỉ là những quả pháo vu vơ bắn vào thuyền ông hơn ba mươi năm trước ữa mà là từng chùm pháo cấp tập nã vào ngực ông. Mặt ông tái nhợt khiến con Hạnh hoảng hồn. Nó len lén nhìn ông rồi nhìn bà. “ Là con nghĩ vậy thôi. Quyết định là ở ba mà”. Nó nói vậy nhưng trong ánh mắt nó lại ánh lên suy nghĩ khác không giấu vẻ quyết liệt. Ông thở dài và nghĩ thầm ”Con chim đủ lông đủ cánh thì phải bay đi, phải không ? Có gì để níu giữ chúng đâu nào?“. Chẳng thèm trả lời Hạnh, ông đứng dậy đi vào bếp. Cùng với sự trở chứng của vết thương trong đầu ông mọi thứ chợt trở  nên bất bình thường một cách tệ hại. Trở ra với cây rựa ông Bừng đi ra vườn. Vợ ông, con Hạnh, thằng út rúm ró nhìn ông sợ hãi. Ông lựa cây xoài lớn nhất rồi vung rựa phập xuống. Bà Thục ôm cứng ông. “Tôi lạy ông, ông Bừng !“ Cả con Hạnh lẫn thằng út đều khóc. Ông Bừng hất tay khiến bà Thục ngã nhúi nhụi. Ông lại vung rựa nhoang nhoáng. “Phập! Phập!“. “Tao chặt, tao chặt hết ! Chặt hết chứ để làm gì, để cho ai? “ Ông Bừng gào lên trong cơn điên cuồng. Bà Thục bật dậy , nhào đại tới ôm chặt cây xoài. Mắt ông Bừng nhòa đi. Trước mắt ông là cô Thục  của ngày xửa xưa xa lăng lắc. Là Duyên tóc cột vổng đang ôm lấy bộ que chuyền trước ngực không cho thằng con trai hàng xóm nhăm nhe muốn gịựt lấy. Ngực ông Bừng nhói lên, nhói lên. Ông buông rựa ôm lấy ngực. “ Ôi trời! “ Bà Thục và hai dứa con lăn xả tới.

 

Lạ cái là ông Bừng chẳng ngã quỵ xuống, cũng chẳng ốm nhưng người ông cứ gầy dần đi. Ông hiểu rằng đã đến lúc phải nói với bà Duyên điều gì đó. Còn điều gì thì ông cũng chẳng hiểu nổi nữa. Vì thế nên ông chỉ im lặng. Mấy lần ông dắt trâu đi ngang nhà bà Duyên, đánh mắt vào rồi lại vội vã dắt trâu đi ngay. Còn với bà Thục, tuy chẳng nói gì nhưng qua ánh mắt của bà ông hiểu bà đã cảm thông cho ông. Với bà thì không chỉ là tình mà còn là nghĩa nữa, ông biết. Nên chắc bà phải cảm thông cho ông thôi. Nhưng còn bà Duyên?

 

Sau sự cố độ nửa tháng thì lụt lớn. Sáu mươi năm, đúng một hoa giáp, mới có một cơn lụt kinh khủng theo chu kỳ của trời đất. Cơn lụt dữ dằn xé toạt làng ra làm đôi ngay khúc quanh của dòng sông. Vườn nhà ông Bừng mất hẳn một góc. Ông Bừng nghĩ đến sự giận dữ của mẹ sông và không khỏi rùng mình. Chính quyến đang có dự án chặn dòng sông lại ngay chỗ ấy. Nhưng hình như cần chặn từ chính con người thì phải? Cả con Hạnh lẫn thằng cu út thi thoảng mới tạt về. Thằng Đức vài năm  mới ghé về thăm quê một lầni. Nó vừa mắc cho ông chiếc điện thoại. Nếu để cho ông gần gụi với bọn chúng thì được chứ nếu để thay cho sự có mặt của chúng thì  thật là…

 

Ông Bừng cứ nghĩ vẩn vơ.. Ông có thói quen chiều chiều hoặc đêm trăng sáng lại ra bờ sông ngồi. Ông ngồi lặng và ngẫm ngợi sự đời. Và ông đã ngộ ra bao điều. Một đời, sống chẳng mất lòng ai, chưa một lần báng bổ mẹ sông, cha đất. Thế thì thanh thản lắm rồi. Ra bờ sông từ chiều ông Bừng chỉ ngồi đến nhá nhem tối, còn đêm trăng thì mãi đến tận khuya lơ. Hôm nay thì khác. Ông đã ra bờ sông từ chiều nhưng mãi đến tận lúc này ông vẫn chưa muốn về. Cũng chỉ vì đàn chim ấy. Cái đàn chim bay ngang sông hồi chiều khi mặt trời vừa khuất sau núi Cánh Diều. Chúng nép vào nhau bay về phía trời xa. Ông nhìn và chạnh nghĩ đến những đứa con của mình, những đứa con của vùng đất phù sa này. Ông chợt thấy ấm lòng khi nhìn thấy con chim đẹp đẽ ấy, con chim đã tách bầy và bay ngược hướng đàn chim đang thiên di. Hình như con chim ấy còn băn khoăn điều gì thì phải!./.

Lê Trâm
Số lần đọc: 2101
Ngày đăng: 22.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phóng sự ảnh - Thiện Phạm
Môn đệ - nghịch tử - Nguyễn Chính
Cây khế vườn xưa - Minh Hương
Vòng xoay - Khôi Vũ
Xuân đã già - Phạm Phù sa
Làng nói trạng - Đỗ Ngọc Thạch
Lão Biền Làng Ốc - Nguyễn Chính
Mùa Tết - Nguyễn Lệ Uyên
Người của thời gian - Lê Trâm
Ông kĩ sư già và quí tử - Vinh Anh
Cùng một tác giả
Chúc ban mai tốt lành (truyện ngắn)
Đêm của bướm (truyện ngắn)
Tiếng hú (truyện ngắn)
Dòng sông chảy quanh (truyện ngắn)
thầy cũ (tạp văn)
Mùa chim bay đi (truyện ngắn)
Cưỡi Gió Qua Đèo (truyện ngắn)
Ký Ức Phố… (tạp văn)
Gã cực sướng (truyện ngắn)