Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
583
123.168.439
 
Chiếc guốc xinh xinh
Thủy Thủ

Trong số người tham gia cuộc đảo chánh Diệm hồi tháng 11 năm 1960 có đại úy Phan Lạc Tuyên, (cựu chủ bút báo văn nghệ "Sinh lực" và "Đại học quân sự tập san") và thiếu úy Thái Trần Trọng Nghĩa, tức Thủy Thủ (cựu chủ trương biên tập nguyệt san "Lướt sóng" cơ quan ngôn luận của hải quân miền Nam).

Hai người đã viết nhiều tác phẩm tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm. Sau đây chúng tôi trích đăng chuyện "Chiếc guốc xinh xinh" của Thủy Thủ, rút trong tập "Một ngàn lẻ một... chuyện" của anh.

Nhà xuất bản

VĂN NGHỆ GIẢI PHÓNG

Những ngày Tết qua đi không còn để lại dấu vết trên bộ mặt hàng ngày của cuộc sống.

Trời vẫn xanh tươi. Và mây trắng từng đợt nhẹ nhàng dạo trên thinh không trong vắt. Tôi lướt đi trong bờ kinh nước đục bùn, lòng thanh thản lạ thường.

Đây là lần đầu tôi theo đơn vị hành quân. Những năm sống trong trường huấn luyện quân sự, ở tận miền Tây Nguyên mà những dãy đồi là những chuỗi ngọc xanh mùa xuân, tôi cũng chẳng tìm được lý tưởng một lý do cắt nghĩa hành động "đi lính" của mình. Tôi đã thử sống nhiều lối: học sinh, du đãng, thủy thủ, và bây giờ... Có nhiều người than phiền có khi mình đi mấy chục tháng trời trong một quân đội để chẳng đến cái gì cả. Tôi thấy rằng cái xã hội xung quanh tôi đang nhầy nhụa và tôi sống vô nghĩa, chạy theo một cái bóng.

Tại trường võ bị, người ta dạy tôi sử dụng các dụng cụ chiến tranh: súng, đủ các loại hiện có ở miền Nam, đạn đủ cỡ 7 ly 62, 81 ly, 105 ly và 155 ly, sử dụng người, từ anh binh nhì với nhiệm vụ đơn độc thông tin, thám báo cho đến hàng chục hàng trăm người lính. Nhưng tất cả những cái đó để làm gì? Để làm gì nhỉ? Để lấy một tháng vài nghìn bạc (tiền miền Nam) ư? Trong lớp tôi, thỉnh thoảng có một linh mục đến dạy. Ông ta người to béo đẫy đà, da mặt đỏ hồng và căng, ưa phô trương mảnh bằng tiến sĩ... thần học. Thần học là cái gì? Tôi cười khẩy vào tất cả những lời láo lếu của tên tu sĩ đáng ngờ ấy. Có lần hắn bảo: "Các bạn có biết chính quyền là của ai không? Của dân? Các bạn nhầm rồi! Nếu của dân thì khi dân không bằng lòng dân lấy lại. Mà dân thì luôn luôn bất mãn, như vậy nước sẽ loạn. Hơn nữa bạn xem Ngô tổng thống về nước năm 1954 có phải dân trao quyền đâu? Vậy thì chính quyền là của - hắn chỉ tay lên trời - Thượng đế luôn có, hằng có...". Tôi muốn phì cười vì cái lập luận như ở thời trung cổ. Tín, người bạn ngồi cạnh ngó tôi biểu đồng tình. Tôi sực nhớ có lần ông linh mục nầy đã chửi Tín là "đồ chó đẻ".

Thật liền ba năm trời tôi chẳng thu nhận được gì!

 

 

Buổi chiều, chúng tôi dừng chân bên một làng nhỏ. Gọi là làng chứ thực thì tất cả vùng thôn xóm đồng quê ở đây nhà cửa cứ rải ra lưa thưa. Đâu đâu cũng là nhà, cũng vườn dừa và vài rặng tầm vông. Xóm nầy chỉ chừng hơn hai chục nóc nhà, những nóc nhà lụp xụp mái lá, vách lá, cột kèo bằng chà là, những sản vật tại chỗ. Tất cả một màu xám vươn lên bên sông nghèo nàn u tối tưởng chừng như cả cuộc đời từ trước vẫn vậy.

Nhưng không có cái gì đứng sựng một chỗ. Bên trong cuộc đời tưởng chừng như không có gì thay đổi ấy, ngọn lửa cách mạng đã ầm ĩ cháy và hiện đang bốc lên ngùn ngụt.

Nước sông Ba Lai cuồn cuộn chảy réo lên với tiếng máy ì ầm của chiếc tàu chiến nhỏ. Trong cảnh vật màu xám tro ấy, đơn vị tôi đóng quân.

Tôi ngủ trong một nhà cuối xóm sát bến sông. Chiếc cầu ghép bằng những khúc cây chà là, mà hồi chiều chiếc tàu chiến đã húc đổ, chơ vơ mấy chiếc cột cái, nhô lên khỏi mặt nước như những cánh tay, những cánh tay cụt hay cánh tay cầu cứu của người chết đuối.

Đêm xuống. Muỗi vo ve hàng đàn. Mặc nguyên bộ quần áo trận mà muỗi vẫn đốt như thường. Người chủ nhà ngồi lặng lẽ trước bực cửa, mắt chìm vào khoảng không tối mò; đứa trẻ con nhỏ ngủ yên trong lòng; thỉnh thoảng ông ta nhìn trộm chúng tôi. Trong góc nhà, máy truyền tin làm việc, người lính đang chờ gửi báo cáo về tiểu đoàn. Viên đại đội trưởng bảo tôi:

- Nầy cậu, làm dùm mình cái báo cáo đi. Làm cho quen. Ê! Thằng Lâm, mở "sắc" tao lấy cuốn sổ hành quân ra đây. Đồ khỉ! Quyển sổ bìa nâu mà cũng không biết.

Người lính bị chửi mắng mặt cúi gầm xuống lục lọi.

- Thế nào? Có gì trên tiểu đoàn không?

Tiếng viên đại đội trưởng lại vang lên, gắt như nước mắm xẵng. Đức, người lính truyền tin, biệt phái từ quân khu xuống, gò người mắc ống nghe vào hai bên tai, đôi mắt đăm chiêu, thỉnh thoảng nhíu mày, vặn lại chiếc đèn hiệu chỉnh giây trời hoặc phát tín hiệu. Tên đại đội trưởng nhìn bản báo cáo của tôi kêu lên:

- Hỏng, hỏng!

Hắn viết lại bức công điện vội vã rồi đưa tôi, mắt hấp háy: "Phải thế ầy. Nhớ lấy nhé!".

Tôi cầm bức điện của hắn vừa viết, liếc mắt đọc nhanh. Toàn báo cáo láo lếu. Hôm nay chúng tôi di chuyển an toàn tương đối thì hắn nói là gặp địch trốn chạy, mai sẽ mở cuộc hành quân. Tối nay lính tráng mệt mỏi vì hơn một ngày ròng rã vận chuyển thì hắn báo cáo là tối nay có đặt phục kích ba chỗ. Tôi định phá lên cười.

Công điện đánh đi vào báo nhận "không có gì". Hắn thở phào thay bộ quần áo trận ra. Lâm, người lính hầu đưa cho hắn một bộ bà ba đen.

Hắn mặc vào rồi cầm ba-ton, vắt súng vào lưng và bảo tôi:

- Đi xem mấy vọng gác một chút đi!

Chúng tôi mò mẫm trong đêm. Đường thôn gồ ghề vết chân trâu và mô đất khô nẻ vấp vào đau điếng cả người. Bỗng từ bóng tối có tiếng quát:

- Ai?

Tôi định đi thêm vài bước nữa, nhưng nghe tiếng lên đạn vào nòng vội đứng lại:

- Đèn bấm!

- Cá! - Tiếng trả lời to dội đêm tối mò. Tôi phì cười không hiểu cái anh chàng lính "thiện chiến" kia nghĩ sao mà trả lời mật khẩu thật là đường hoàng, đĩnh đạc như một tiếng reo vui.

Tên đại đội trưởng giận lắm. Hắn cầm đèn bấm chiếu vào mặt người gác. Người lính hạ súng xuống mặt hấp háy vì ánh sáng lòe vào mặt đứng như trời trồng.

- Sao mầy ngu thế hả? Mật khẩu thế thì cả quận nầy nó biết, đồ chó!

Hắn vụt cho người lính hai gậy.

 

 

Tôi biết miền Nam mến yêu nầy từ năm 1954. Hồi ấy chả biết suy nghĩ gì, thấy lính nó tống xuống tàu là đi. Tôi làm thủy thủ đến hai năm liền trên sông Cửu Long. Đến bây giờ tôi thấy cái gì ở đây cũng như căng ứa sức sống. Trái xoài ngọt, trái vú sữa căng mọng. Cả những con người miền Nam cũng vậy, đáng yêu vô cùng. Cuộc sống và lối nhìn của họ như trời xanh cao rộng đầy nắng đầy gió trên những đồng lúa, vườn cây. Rồi con sông, con sông và đời tôi...

Đêm sao rung rung đầy trời. Dòng sông ồ ạt con nước mạnh. Tôi nghĩ giá mình nằm trên tàu gặp nước xuôi thú biết mấy. Bờ bên kia rừng bần và tràm thấp hẳn xuống chân trời. Bờ bên nầy xóm nhỏ điêu tàn, sát đầu cù lao rừng lá.

Ông già chủ nhà húng hắng ho trong nhà. Thằng cháu nhỏ cựa mình khóc lè nhè. Ánh đèn dầu chiếu qua kẹt cửa thành vệt dài trên mặt đất lồi lõm. Đôi mắt ông già và đôi mắt đứa nhỏ bỗng ám ảnh tôi, ray rứt đến khó chịu. Tôi đã được thông báo cho biết tình hình trước khi đến đơn vị. Du kích hoạt động rất mạnh, không nên tin dân chúng... Ông già nầy chắc đã cho con cái lớn lên tỉnh và ông ở lại giữ nhà. Thằng cháu không chịu rời ông... Mà cũng có thể bố nó sau trận ruồng bố trước dã bị sát hại trên cánh đồng trong kia hay đã đi theo du kích rồi. Tôi miên man nghĩ đến người cha của em nhỏ. Nếu mà anh ta đi theo du kích quân, anh ta còn có mối thù để trả, anh ta còn có một hình tượng tương lai an ủi anh. Ít nhứt anh cũng không muốn con anh lớn lên trong cảnh lủi trốn, bắt lính, sưu dịch, bố anh không bị Mỹ - Diệm giết giữa đồng. Quân lính nầy bắn chết người ta như giết con muỗi con ruồi, nhiều bạn tôi trong quân đội đã kể cho tôi nghe như vậy. Hay ít ra anh cũng có dòng sông trước cửa nhà anh. Tôi chỉ gần gũi con sông có hai năm mà tôi quí nó lắm. Huống hồ con sông nầy nó ru anh từ khi anh còn nhỏ, nó cuồn cuộn như tuổi dậy lớn của anh, nó bát ngát đêm trăng hẹn hò đầu tiên của cuộc đời...

Anh có nhiều lắm để mà xách dao, xách gậy thoát ly, để nằm rừng, nằm bụi. Còn tôi! Tôi cứ mục nát dần. Hòa bình rồi thì ở đâu người ta cất súng vui kiến thiết hàn gắn vết thương chiến tranh. Hòa bình đã sáu, bảy năm mà tôi vẫn phải lận đận với ba-lô, với bản đồ hành quân. Những năm học ở trường thì bọn chỉ điểm, bọn chỉ huy, bọn nầy, bọn khác của "chính phủ" bao vây tôi. Mỗi lần nghỉ phép về thăm nhà thì hết nghe than phiền buôn bán khó khăn, phải đóng khoản nầy tiêu khoản nọ. Được dăm thằng bạn kha khá thì đứa bị bắt, đứa bị đi cải tạo tư tưởng. Ra phố thì không chịu nổi với cái nhịp sống với những bộ áo chim cò với những tiếng "ô-kê" (O.K), với dáng điệu cao bồi dở dở, ươn ươn. Tất cả bám vào cuộc sống của tôi, bám vào đời tôi đục dần, đục mòn tôi như những con hà bám vào ghe chài đi biển. Cái màu Ka-ki cứ bám vào đời tôi. Tôi chua chát nghĩ: mà mình giữ nó làm gì mới được chứ. Lấy tiền lương? Thế thì là đánh thuê rồi!... Các ý nghĩ cứ miên man đến. Người ta bảo chúng tôi là quân đội chống cộng, bảo vệ tự do. Tôi biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Tôi chưa thấy cộng sản hành hạ con người mà chỉ thấy quân lính ở đây hàng ngày bắn giết khủng khiếp. Tự do ở đâu? Công bằng bác ái ở đâu? Ở đây chắc chắn là không có rồi! Vì anh chàng Hoàng Văn Đáp ở gần nhà tôi chắc chả dại gì tự thiêu mình thành cây đuốc sống khi mà tự do, công bình bác ái là sự thật chua chát trong môi trường xã hội của anh cả. Chúng nó nói láo hết đấy anh Đáp ạ!

Chắc mình cũng phải một ngày khênh thuyền lên bãi cát cạo hà đi chứ, không thì mục hết gỗ đi còn gì!

 

 

Tôi dừng chân bên một gốc dừa. Cả trung đội bố trí ở ngay tại chỗ. Hai trung đội kia đang lục soát làng. Trước mặt tôi là một hố đại bác. Căn nhà mé trong sân xiêu vẹo. Vết đạn liên thanh đã khoan nát mấy thân dừa gần đấy. Tất cả đều trở nên hoang tàn, không chút gì tỏ ra đang mang sự hiện có mặt của con người, trừ tôi và những người lính kia.

Một lát sau, tên đại đội trưởng Trạch đến, bùn lên tới háng.

- Tội gì ngồi đấy? À hai trung đội kia đang "phui" (fouiller) đấy chứ! Mình đóng lại đây phải lội mất mấy cái rạch vì bọn quỉ nầy đấy!

Tôi nhìn theo tay hắn chỉ, một đám lố nhố đến mười mấy người, vừa thanh niên, thanh nữ, vừa ông già lại có cả một bà già và hai em nhỏ chừng mười một, mười hai tuổi. Mặt họ xém đi vì sợ hãi. Áo quần bùn đất khô đi thành những vệt trắng trên màu vải đen cũ. Có ông lão mặc áo quần bà ba trắng nhưng đã nhuốm bùn ruộng, nước mương nên biến thành màu cháo lòng.

Tôi đi theo tên đại đội trưởng vào trong. Vượt qua hố đại bác giữa sân, tôi có một cảm giác là lạ. Trái phá cày đất, đào thành một vũng lớn trên sân. Trước thềm ngôi nhà xiêu vẹo nầy mấy mụn giẽ rách vung vãi dưới đất. Trong nhà đồ đạc vặt vãnh đưa đi đâu hết, còn lại hai cái giường xiêu. Sát vách, một tấm lưới rách nhuộm bằng vỏ cây, nổi rõ màu bùn, màu nước, màu tháng năm mồ hôi. Giường thờ đổ xuống, bát hương nhỏ sứt mẻ, nằm bên gốc cột. Tấm màn vải màu bân bẩn rách toạc nhiều chỗ còn dính một đầu trên sào ngang gian giữa.

Người lính truyền tin đặt máy vào góc nhà. Mấy người khác lo dọn dẹp. Tôi đi quanh quẩn cố đoán, cố gây dựng lại bằng hình ảnh những tàn tích sau những đợt ruồng bố, càn quét, bộ mặt của gia đình nầy. Cũng lại một ngôi nhà lá ba gian hai chái thành hai buồng. Có chài để làm cá, chắc là có xuồng ba lá, có hủ mắm, có những bộ bà ba vải đen, những nét mặt yêu đời, có ba có má, có... có... Biết bao nhiêu thứ có. Bỗng tôi cúi nhặt được chiếc guốc trẻ em gái. Chiếc guốc quai nhựa trắng, nhỏ xíu và còn mới nằm lăn lóc ở sát vách. Guốc làm bằng thứ gỗ nhẹ cầm gọn vào bàn tay, sơn nền hồng lòng tôm hay hoa cà gì đó - tôi không sành gọi tên màu sắc cho lắm - trên có vẽ những bông hoa đủ màu đủ sắc như những đôi guốc tôi vẫn thấy bán ở các chợ thị trấn nhỏ miền quê. Tôi cố hình dung cho được hình ảnh em nhỏ có chiếc guốc nay đã lạc đôi này. Chắc em độ năm hay sáu tuổi và gót chân thon nhỏ, đỏ như son, tóc cắt ngắn chấm gáy, mặc áo bông vui sướng ngắm nghía món quà má vừa mua cho. Hẳn là em nâng niu nó, không dám đi ngày thường. Đêm ngủ em cũng ôm theo định dành đến Tết. Rồi súng đại bác nổ như sấm động. Cây đổ, nhà cháy. Rồi lính đến: đạn réo người chết. Có quả trái pháo đào hố ngay trước nhà em. Em sợ quá nép vào lòng mà trốn dưới gầm giường. Rồi... rồi... Tôi ước mong với tất cả bầu máu con tim của tôi cho em đừng việc gì cả, em nhỏ miền Nam ơi! Ừ, mà sao em lại để lạc chiếc guốc nầy nhỉ? Chắc em sợ lắm, cái bọn lính hung ác là chúng tôi, cái bọn lính kín đồ rằn. Giá chúng có gặp má em, gặp em chắc là chúng không tha. Em sợ quá không cầm vững được đôi guốc nữa. Em để rơi một chiếc, và những tiếng súng của cái bọn côn đồ là chúng tôi làm mắt em mất cái ánh lá xanh tươi đang rọi vào, làm thui chột cả nguồn hy vọng đang nẩy chồi đâm lộc như những nụ lá cây vú sữa, cây xoài ang-ca mùa xuân ngoài vườn nhà. Trong bọn lính có cả tôi đấy em ạ! Khốn nạn chưa!

 

 

Tôi đi ra sau vườn. Những mương dừa không ai vét bùn đã khá lâu nhưng nước lên đầy ăm ắp. Nắng rọi qua kẽ lá in lên mặt vạt đất thẳng và to bảng những bóng râm ngang dọc như bóng hoa trên vải in. Những người bị bắt hôm qua bị trói thành xâu người lặng lẽ, sợ đến thất thần. Tất cả mười bảy người. Tôi hỏi người lính thuộc tiểu đội biệt động đang gác:

- Trung úy đâu?

- Dạ, thưa ở đằng kia.

Y chỉ tay về phía một căn nhà chìm trong vườn bên kia.

- Làm gì bên đó?

- Dạ, em không biết.

Chắc đang khai thác...

Tôi nhảy từ vạt dừa nầy sang vạt dừa kia sang phía đó.

Hai tên lính canh căn nhà giạt sang một bên và chào tôi. Tôi chào trả, nghe tiếng viên đại đội trưởng đang cục cằn chửi rủa.

- A, cái gì thế?  Hắn nhìn tôi có vẻ cáu kỉnh.

Bà lão bị bắt hôm qua nằm sóng sượt, chân tay bị trói. Thùng nước bên cạnh vãi tung tóe. Người con gái ngồi gục đầu trong một góc nhà, chân bị buộc chặt vào một hòn đá lớn, tay bị trói gặt ra sau lưng, đầu gối co lên đỡ lấy mặt.

- Tôi định ra hỏi anh có gì báo cáo trưa nay về tiểu đoàn.

- Chưa, chưa có gì. Nhưng cậu đợi chút. Con mẹ nầy gan quá. Nó chứa cán bộ, mình có sổ đen, có tin mật báo viên mà nó chối. Thằng Sáu đâu?

- Dạ, có em.

Một thằng lính to lớn chạy vào. Tôi nhớ ra thằng Sáu vẫn được dùng vào việc tra tấn mà chúng nó vẫn gọi là khai thác.

- Mầy giốc nó lên cho nó tỉnh dậy.

Sáu cầm chân bà lão dựng ngược lên, nước ồng ộc chảy ra khỏi mồm. Nó cho bà thở mấy động tác hô hấp nhân tạo.

Bà lão tỉnh lại, nhìn thẳng vào mặt thằng Sáu nói lớn:

- Đồ khốn nạn! Bây đánh đập người không kể gì tuổi tác...

- Thế thằng Lực trốn đâu? Hôm qua nó còn ở nhà mầy!

- Thằng Lực nào? Tao không biết thằng Lực nào hết.

- Sáu!

- Dạ!

- Làm liền! Đ.m... con mụ gan lì quá!

Thằng Sáu ngồi lên bụng bà lão, bóp tay vào xương sườn cụt. Cả thân người bà giằn lên, miệng phát ra mấy tiếng rồi ngất đi.

- Nó vờ đấy, làm mạnh!

Tiếng tên đại đội trưởng điên cuồng vụt ra như những quả đấm thụi vào ngực tôi. Mặt hắn đỏ gay, tay run lên.

Một lát thằng Sáu đứng lên. Nó nhìn chúng tôi:

- Dạ thưa... thưa trung úy... nó hết... thở rồi!

- Hả?

- Nó hết thở rồi à!

Tên đại đội trưởng bạt tay thằng Sáu một cái, miệng làu bàu chửi:

- Đ.m... ai bảo mầy làm mạnh tay quá. Lôi nó sang một bên, ra dặn mấy thằng gác không cho đứa nào bén mảng tới, để tối rồi hay.

Thằng Sáu nắm chân bà lão lôi xềnh xệch, kéo sang một góc rồi đi ra. Tên đại đội trưởng nhìn tôi rồi cúi đầu ngẫm nghĩ.

- Cậu cho xin điếu thuốc, có mang đi không?

Tôi không trả lời đưa bao thuốc lá và diêm cho hắn.

Hắn châm lửa phì phèo nhả khói.

- Lại con khỉ nầy nữa chứ. Vợ thằng Lực đấy. Được, đến trưa tao hãy cho mầy biết tay.

Hắn đi ra tôi bước theo hắn.

- Nhớ đừng cho ai bén mảng đến đây nghe không!

Mấy tên lính gác nghiêm "dạ, vâng".

Bữa cơm trưa tôi ăn không nổi. Cái chết của bà lão đè nặng lên tôi. Tôi bỏ ra đầu làng. Trung đội đóng ở đấy đang nhổ lông vịt. Trung đội trưởng là một tên lính già thấy tôi đến lăng xăng chạy ra.

- Mấy nhà nầy trốn cả?

- Thưa vâng.

Tôi bỏ hắn đấy đi ra sát khóm dừa nước sát ruộng, không hiểu chúng nó kiếm đâu ra vịt.

Trời xanh mây trắng bay. Đồng ruộng sau mùa gặt trơ gốc rạ. Rạ ở đây không ai cắt chờ đốt rồi cày bón ruộng luôn. Tôi nghĩ không hiểu sao những ngày đẹp như thế nầy người ta lại chết được. Chết thật vô lý. Những lời cọc cằn như thụi vào ngực tôi của tên đại đội trưởng làm tôi tức thở. Mặt bà lão trắng nhợt. "Thưa... nó... hết thở rồi"! Tôi ngồi xuống mô đất nôn thốc nôn tháo. Trên đầu làng bên kia chiếc phi cơ thám thính bay ì ì lượn vòng. Rồi tiếng súng đại bác rền lên. Không biết có còn chiếc guốc xinh xinh nào rơi vãi lạc đôi nào bên kia không nhỉ? Đạn đại bác rơi bên kia có căn nhà bốc cháy, khói đen cuộn lên. Mấy thằng lính chạy lăng xăng bố trí. Tôi thấy màu áo ngụy trang của chúng nó lẫn vào cây cỏ. Khi tiếng súng thôi nổ, tôi đứng dậy đi về. Đi về căn nhà ác quỷ.

Mặt tên đại đội đỏ bừng. Hơi rượu ở miệng hắn nồng cả căn lầu. Hai người lính gác lảng ra xa tận bên kia bờ mương nước, ngồi tán phẩu với nhau. Tên đại đội trưởng không chú ý đến tôi đang đứng giữa cửa.

- Mầy gan hả con. Nhìn con mụ già kia kìa.

Người đàn bà vẫn bị trói nằm ngữa tênh hênh, đôi mắt kinh hoảng.

- Khai đi!

Hắn cười gằn, vung tay nắm chiếc áo rách của người đàn bà xé toạc ra. Người khốn khổ ấy quay mặt tránh mặt hắn và rít lên: "Đồ khốn nạn!". Hắn cười hi hi. Không biết chị có đứa con nhỏ nào để mua cho nó đôi guốc không nhỉ? Tôi nhìn xác bà lão còn nằm ở góc nhà. Tôi nhìn tên đại đội trưởng đang xé quần áo người đàn bà kia sồn sột và cười man dại. Trước mắt tôi, tên đại đội trưởng đã hiện nguyên hình con dã thú. Nó sắp sửa xé xác người để ăn gan, uống máu. Không dằn được máu nóng, tôi rút khẩu côn (colt) đeo bên hông, trở ngược cán nện vào gáy hắn một chập cho đến khi hắn không còn cựa quậy, gục xuống cạnh thân hình thiếu phụ lõa lồ đang mở to mắt trừng nhìn tôi, kinh ngạc.

Xong, tôi tra súng vào bao, thong thả đi ra. Tôi cứ thế đi mãi, khỏi cả nơi bố trí của trung đội đầu làng, mấy tên lính ngẩng nhìn tôi đi qua không dám hỏi. Tôi vẫn đi về phía làng bị nã đại bác ban nãy. Xung quanh im lặng như tờ. Vài con sẻ bay trên cánh đồng gặt xong, kêu ríu rít. Chắc bên làng kia có những em nhỏ mất guốc, những chiếc guốc quà của má, nền sơn màu lòng tôm hay màu hoa cà gì đó trên có vẽ hoa đủ màu, những chiếc guốc xinh xinh!... Tôi qua hết cánh đồng rồi chạy miết vì tiếng liên thanh nổ giòn sau lưng. Tôi phải sống. Vì còn những chiếc guốc nhỏ rơi lạc đôi trong những căn nhà có hố đại bác phía trước, em nhỏ miền Nam ạ!

Thủy Thủ
Số lần đọc: 3514
Ngày đăng: 15.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thèm thơ - Trang Thế Hy
Những ngày mưa bão - Ngô Thị Thu Vân
Ngũ long công chúa - Hồ Tĩnh Tâm
Sông dài con cá lội đâu - Nguyễn Ngọc Tư
Xa xóm mũi - Nguyễn Ngọc Tư
Phố bằng lăng - Đặng Ngọc Phúc Quỳnh
Những chiều thứ tư - Phạm Khánh Liêm
Miên man quê chị - Nguyễn Thanh
Trong ngôi nhà ma - Nguyễn Thanh
Nơi còn xót lại những cây su già - Nguyễn Thanh
Cùng một tác giả
Chiếc guốc xinh xinh (truyện ngắn)