Mùa cuối năm ở Tây Nguyên là sự giao thoa, hoán đổi của đất trời và thời tiết. Nắng, gió cũng bắt đầu thay đổi trên mảnh đất này.
Cuối năm, ở Tây Nguyên là mùa của sức sống, sự sống mãnh liệt trỗi dậy.
Rừng cao su bắt đầu thay lá. Những sắc lá cao su vàng ố, vàng xuộm đang bị thay thế bằng những màu non đỏ tươi của lộc nõn. Đi qua những rừng cao su dưới ánh hoàng hôn của buổi chiều, nhìn sắc lá vàng rơi rơi trong gió xuống những gốc cây cao su, đẹp như một bức tranh, không thể tả hết bằng lời. Tôi gọi đó là mùa thu vàng ở Tây Nguyên. Từ những cánh rừng cao su ấy tôi nhớ đến những cánh rừng tai-gai mêng mông, trập trùng của nước Nga.
Từ những cánh rừng cao su đó, tôi liên tưởng đến họa phẩm Mùa thu vàng nổi tiếng của danh họa Nga Lê-vi-tan. Mà sao không có họa sĩ nào ở Việt Nam vẽ rừng cao su nhỉ? Những nhà đạo diễn của ta sao không đưa cảnh đẹp của những cánh rừng cao su này lên phim? Đảm bảo sẽ đẹp không thua gì phim Hàn Quốc. Mà lại rất Việt Nam. Xem xong phim có rừng cao su bạt ngàn màu vàng với lá vàng rơi lả tả... đảm bảo sẽ có khối người chọn những cánh rừng cao su làm địa chỉ du lịch.
Không chỉ có rừng cao su, Tây Nguyên còn có những cánh rẫy, ngọn đồi cà phê đến mùa trổ bông cũng đẹp lãng mạn không kém. Bạt ngàn dãy đồi, cánh rẫy cà phê đang ươm nụ, he hé màu trắng tinh khiết chờ đâm bông. Khi hoa cà phê nở, trắng xóa một vùng đồi, hương bay xa cả cây số. Hao cà phê thật lạ, nở từng chùm như hoa chanh, xòe tung từng cánh và chạy dài suốt cành cây như những dãy kim tuyến. Nếu có chút lãng mạn và tưởng tượng, bạn sẽ thấy những dãy đồi hoa cà phê trắng xóa đẹp lung linh, nhất là khi bạn đi vào vườn hoa cà phê vào buổi tối, dưới ánh trăng mờ dịu. Gió và trăng làm cánh hoa rungrinh, bay lượn khiến lòng xao xuyến. Cảnh đó bạn nên đi với người bạn yêu sẽ là ngàn thu nhớ mãi không phai. Lại nhớ, trong một bộ phim của đạo diễn Đinh Đức Liêm, hình như là phim Đồng tiền xương máu, có đưa cảnh Tây Nguyên vô. Cũng có hoa cà phê, đất bazan... nhưng quá ít ỏi, không đủ sức đọng lại trong lòng người xem. Khoảng 5 năm sau đó, đạo diễn này làm tiếp bộ phim truyền hình Đam mê, có Siu Black, Minh Phương đóng. Cảnh Tây Nguyên cũng được đưa vào phim này, nhưng được xử lý vội vã quá. Chưa được thấy vẻ hùng vĩ, vẻ lãng mạn đầm ấm của Tây Nguyên đâu cả, thì phim hết. Đọc tiểu thuyết Yêu như là sống của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, bối cảnh cảu câu chuyện có một phần liên quan đến Tây Nguyên, nhưng vẫn chưa đậm đặc, chỉ lớt phớt. Bởi lẽ câu chuyện chỉ nói về những thanh niên trí thức lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Họ cũng chỉ là những người ngụ cư. Do vậy, nhà văn Mạnh Tuấn vẫn chưa tể thấm, nói sâu sắc về Tây Nguyên. Ông chỉ mới thấy, chứ chưa cảm được chất Tây Nguyên. Đọc Rừng xà nu, Đất nước đứng lên... của nhà văn Nguyên Ngọc, chất và hồn Tây Nguyên đã có, nhưng đó là thời cuộc chiến tranh. Không phải thời bình.
Mảnh đất Tây Nguyên vẫn chưa có duyên với nghệ thuật điện ảnh, hội họa nhiều. Nó vẫn còn là mảnh đất hoang ở một số lĩnh vực nghệ thuật.
Không chỉ có cao su, cà phê mà còn có gió Tây Nguyên cũng khiến tôi hoài niệm.
Tây Nguyên, như những vùng đất khác ở miển Nam Việt Nam, chỉ có hai mùa mưa nắng. Và gió quanh năm. Ai từng sống ở Tây Nguyên hẳn nhớ suốt đời những ngọn gió này. Mạnh mẽ tựa cuồng phong và lạnh buốt. Lúc lại vi vút, nhẹ nhàng như hơi thở của nhân tình. Cùng với đại ngàn hoang sơ, thâm nghiêm sừng sững, cùng với nắng Tây Nguyên vàng ấm trải dài trên những ngọn đồi, trên bình nguyên MaDrac, gió Tây Nguyên đã tạo tác nên tâm hồn phóng túng, hào sảng, mạnh mẽ mà không khô cứng của những con người nơi đây. Tôi gọi đó là chất Tây Nguyên, chất của người Tây Nguyên.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng nói ông ngửi được mùi Tây Nguyên. Về Hà Nội sống, ông vẫn nhớ nó.Nhờ đó mà ông viết được nhiều bài hát hay về mảnh đất này chăng? Nhờ đó mà những bài hát của ông có hồn, sống mãi trong lòng người chăng. Nhạc Nguyễn Cường đã chạm tới phần thẳm sâu nhất của văn hóa- tâm linh Tây Nguyên, Ông đã lấy được, vẽ được cái hồn Tây Nguyên đó trong các ca khúc của ông. Các ca khúc đó càng đậm chất Tây Nguyên- rock Tây Nguyên hơn khi nó được a sĩ Y Moan, người con của Tây Nguyên đại ngàn hát với cả tâm hồn mình, tâm hồn đại ngàn. Rồi còn những bài hát Đi tìm lời ru mặt trời của Y phoc mà từng lời nhạc như được lấy ra từ máu thịt, hơi thở của mình. Nghe Đi tìm lời ru Mặt trời, tôi như thấy mình trong đó: "Tôi như con chim bay trên trời cao. Tôi như con thú hoang lạc bầy... ". Cô đơn mà không bi thiết.
Tây Nguyên, Dak Lak đã trở thành một phần không nhỏ của hồn tôi rồi./.