Ông Năm nằm trên giường. Đôi mắt trũng sâu như hai hốc giếng cạn bị bỏ hóa lâu năm. Ông thở, nhọc mệt và chờ đợi. Đám người thân ít ỏi ngồi quanh người bệnh. Họ nhìn ông thở dài. Có người thì thầm: “Tội nghiệp ông Năm, một đời cay cực, lăn lóc. Mới sướng chưa được mấy năm… Số chi mà đen đủi”.
Tôi không quan tâm đến cái hên xui trong số phận ông già. Điều tôi thấy ở ông Năm là sự chóng vánh của đời người. Cách mấy ngày ông Năm còn ngồi nói chuyện cùng tôi. Trời lạnh, ông vẫn mình trần. Bàn tay đưa ngang chén rượu đầy, không hề sánh ra ngoài một giọt. Thế mà bây giờ, ông giống như một tàu là chuối khô, nhanh chóng như một giấc mơ không thành.
Có những chiều mưa sủi tăm, trắng trời, trắng xóa lòng người. Đồng không bến quạnh, ông Năm hay ngồi uống rượu cùng tôi. Lúc đắc ý, ông Năm chỉ khoái khẩu hai chuyện: Một là thơ Đường và hai là thằng con trai duy nhất của ông ở Mỹ.
- Dạy học trò chú phải dạy thơ Đường. Thằng nào, thời nào cũng phải gọi mấy tay thơ Đường bằng cụ. Gì không nói chứ mấy lão này mà nói chuyện uống rượu, phù hoa sống chết, gió trăng ảo mộng… thì chỉ có mua thêm rượu mà tịnh khẩu ngồi nghe.
Lúc đầu tôi hay cười vì cách nói lạ, bốc của ông già. Nhưng về sau, đôi khi tôi cũng mê lối nói trắc trớ, ngật ngưỡng của ông. Trong cách nói thô thẳng của ông Năm, nghe chừng có chứa tâm sự cuộc đời ông, một cuộc đời – nói như dân xóm Vạn – cô độc đến trắng tay, đến lăn lóc.
Mà thật, ông Năm bị vợ bỏ lúc thằng Côi con ông mới lên năm. Ông nói: “Gà trống nuôi con cực hơn chó, nhưng may là thằng Côi thuộc loại trời nuôi. Chú biết đó, số tôi không có tay giữ người. Nghĩ thật tức. Ngay thằng nhỏ lúc cơ cực, cua đồng gạo bữa nó hẩm hút cùng mình. Lúc lớn khôn, nghe bạn bè, nó bỏ tôi đi. Lại có thằng thầy bói thối mồm nào đó bảo – Cái ngữ ni phải ly hương mới cất đầu lên nổi. “Nhật mộ hương quan hà xứ thị”, chi buồn bằng xa gốc tích của mình phải không chú?”.
Ngừng nói, ông Năm thở dài. Tay ông lại cầm ngang ly rượu, không hề sánh ra ngoài một giọt. Duy giọng ông, theo với chiều, ngùi ngùi, nhuốm buồn như bấc trở: “Thú thật cùng chú. Ai nhìn vào cũng nói tôi bây giờ sướng. Xuân thu nhị kỳ có tiền Mỹ. Chó thật, cái tôi cần là tình cha con. Bận gì thì bận, công nghiệp máy móc gì đi nữa chứ mỗi năm phải cho tôi vài lá thư. Đằng này, từ lúc đó đến giờ, gom lại, nó gởi cho tôi đúng 72 chữ. Ngắn thua một khúc hành của lão Bạch Cư Dị. Sầu vạn cổ chú ạ! May mà xóm Vạn này còn có chú, có thơ Đường. Nói chú đừng giận, ngẫm đời này, gan ruột, sơn cùng thủy tận nhất cũng là bọn văn nhân mà đểu cáng nhất cũng là văn nhân…”
Tôi ngồi im. Ngấm rượu, ông Năm bắt đầu trắc trớ và trở… chướng. Gió thổi hun hút. Xóm Vạn đã tiêu điều càng tiêu điều hơn. Ngọn bấc trái mùa, rượu đắng xát ruột già Năm, chua chát cả lòng tôi… Tôi nhớ lại ngôi trường hẩm hút. Bọn học trò nhếch nhác của xóm Vạn. Những người lầm lũi miếng cơm manh áo. Buồn quá, phải không quê hương? Nhưng cớ sao, người với người chẳng muốn người đi? Cớ sao ông Năm, chén rượu cầm ngang với mối sầu vạn cổ?
Tôi nhìn qua ông già. Đôi mắt ông xa, hun hút như một cánh rừng già. Trên bàn rượu, không bao giờ ngoại lệ, vẫn ba bốn mảnh giấy trắng, nhàu nát nhưng nguyên vẹn, nguyên vẹn 72 chữ, nối ông già với thằng con trai ông đang ở tận xa xăm. Tự dưng tôi bật cười khan. May mà còn có thơ Đường, may mà còn có 72 chữ, phải không già Năm?
*
Bấc vẫn coi mòi trầm trọng. Ông Năm nằm đợi như thế đã năm hôm. Ông nuối. Trước đó, người thân ông Năm vượt hơn mấy chục cây số, từ xóm Vạn đến bưu điện huyện. Qua điện thoại, thằng Côi hứa về thăm cha lần cuối. Tôi nghĩ đó là sự níu kéo sau hết của ông. Hơi thở của ông Năm yếu nhưng vẫn còn. Và đó là sợi dây mong manh, duy nhất nói rằng ông Năm vẫn chưa xong việc với đời. Lúc còn cầm ngang chén rượu, ông già nói rằng, điều ông sợ nhất không phải là cái chết. “Nhân sinh vô kỷ hà. Như ký thiên địa gian”. Sinh ký tử qui mà! Điều ông sợ nhất là phút ấy chẳng có thằng Côi bên cạnh…
Đường xa, mắt đỏ… Tôi vái trời, dù cuộc đời nhiều bất trắc cũng xin đừng lần này với ông già. Tôi lại đưa mắt nhìn ông. Trên gối trắng, sắc mặt ông Năm như hòa làm một. Yên nghỉ tột cùng. Chỉ đôi mắt. Đôi mắt ông già vẫn mở lớn và vẫn xa xăm như một cánh rừng già. Chờ và đợi. Tăm cá mỏi mòn. Xóm Vạn vào đêm. Mưa vẫn rả rích. Buồn như trấu cắn. Gió bấc trở đập những tàu lá chuối ngoài vườn. Gió hút vào cửa làm lay động mấy tờ giấy trắng trên đầu ông Năm. Tôi rùng mình. Giấy gọi hồn người. Không, tôi chỉ biết đó là những tờ thư nhàu nát nhưng nguyên vẹn 72 chữ của con trai ông Năm. Nguyên vẹn nhưng mỏi mòn một đời người. Cô độc đến lăn lóc.
Khuya đó, ông Năm đột nhiên tỉnh táo. Mọi người đã về chỉ còn lại mình tôi. Người lớn nhất trong đám người thân của ông Năm khi ra về dặn tôi: “Chú ở lại. Nếu thấy thằng Năm tỉnh thì báo. Đó là lúc nó sắp đi hẳn”.
- Không, chú đừng nhìn tôi như vậy. Thế nào tôi cũng đợi thằng Côi. Chuyến xe cuối mà chú. Nhưng nếu không…
Ông Năm ngừng nói. Bàn tay gầy của ông nắm lấy bàn tay tôi. Tôi thở nhè nhẹ. Bàn tay ông già vẫn còn ấm. Tôi nói bâng quơ:
- Có lẽ ngày mai thằng Côi về.
Ông Năm như không nghe lời nói của tôi. Ông tiếp tục nói câu dang dở của mình:
- Mà nếu không thì thôi vậy. Số tôi chẳng giữ được người lúc sống thì chết cũng vậy. Chú coi tôi như người thân thích, chú giúp tôi…
Ông Năm đột ngột chuyển qua chuyện khác.
- Dưới gối tôi có quyển thơ Đường chép tay. Chú lấy rồi đọc giùm tôi nghe một bài. Bài nào cũng được, bất kỳ. Tôi chọn rồi. Bài nào cũng đáng cầm ngang chén rượu cả. Kệ mẹ chuyến xe cuối. Tiếc rằng, chẳng còn sức, để cùng uống với chú chén rượu sau cùng…
Nghe ông Năm nói, tôi nổi gai khắp người. Có lẽ bác cả Niên nói đúng: Chừng như ông Năm sắp đi hẳn. Chuyến xe cuối… Chẳng còn ai ruột thịt. Tôi run run mở lấy quyển vở úa vàng. Ông Năm nhắm mắt lại. Khuya. Ngọn đèn hiu hắt. Bài thơ Đường bỗng nhiên vang lên như một lời kinh phút tử biệt. Tôi cố mong ông Năm đi thanh thản. Thanh thản và nhẹ như thơ Đường, chẳng chấp nhân duyên, sinh tử. Tôi cố giữ giọng mình không buốt…
Độc tại dị hương vi dị khách
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân
Dao trì huynh đệ đăng cao xứ
Biến sáp thù du thiểu nhất nhân
Nghe xong câu sau cùng, ông Năm bỗng ngồi bật dậy. Bàn tay ông vồ chụp tay tôi. Ông nói như người sực tỉnh mộng du.
- Hay, hay, bài của lão Vương Duy này, hay nhất là câu cuối mà ác nhất cũng là câu cuối. “Đủ mặt anh em thiếu một người”. Chú Được, có phải tôi nói, gan ruột nhất là bọn văn chương mà…
Tôi lại thở dài. Ông Năm chẳng bao giờ thanh thản cả.
*
Chuyến xe chở ông Năm đi là có thật. Không phải chuyến xe của thần chết mà là chuyến xe của tôi. Chẳng ai can gián nổi khi ý ông đã quyết. Ngày thứ bảy tính từ lúc ông Năm trở bệnh, xóm Vạn bỗng từ bấc phùn chuyển nắng. Nắng hoe vàng rực rỡ sau những đợt gió lạnh. Nắng vàng ươm trên những ruộng lúa đang thì. Người thân ông Năm nghĩ rằng, nhờ nuối thằng Côi, ông Năm còn ở lại trần. Quá trưa, ông Năm bảo tôi:
Chú Được, chú lại giúp tôi một việc nữa. Phiền chú nhiều nhưng mong chú hiểu. Chú giúp đưa tôi lên bưu điện huyện. Tôi muốn điện thoại cho thằng Côi. Chú đừng ngại. Tôi còn đủ sức. Chú coi…
Ông Năm bước chậm rãi tới chân giường. Ông kéo ra một hũ rượu. Tôi ngại ngần… Bàn tay ông Năm vẫn cầm ngang chén rượu. Chén rượu nhỏ, đầy nhưng chẳng sánh ra ngoài một giọt.
*
Cô điện báo viên bảo với tôi rằng đã bắt được tín hiệu. Ông Năm khép cánh cửa gương có hàng chữ đỏ. Nhìn tư thế, dáng cách ông Năm, tôi không thể nghĩ rằng, chỉ vài phút nữa thôi, ông Năm sẽ vĩnh viễn an nghỉ. Bất ngờ và đột ngột như một trận bão chướng. Chẳng biết bên kia thằng Côi nói gì và không bao giờ có ai biết ông Năm nói gì. Khi mở cửa phòng điện thoại có hàng chữ đỏ choét, người ta thấy ông Năm gục đầu trên bàn…
Mồ yên, thằng Côi về thật. Mời tôi đi uống bia, thằng Côi kể chuyện.
- Bữa ông già gọi, tôi không có mặt ở nhà. Tôi bận một thương vụ mà nếu trúng sẽ đổi đời. Thằng con tôi nghe giọng ông già, nó chẳng biết giọng ai. Nó nói tôi đã đi mua hàng ở San José. Tôi chẳng ngờ ông già gọi. Nếu biết tôi dặn nó là tôi đang trên đường về cho ông già đỡ tủi. Thôi, uống đi thầy. Xây lăng xong, tôi phải về ngay. Chiến trường còn ngổn ngang mà…
Tôi cụng ly với Côi, nhớ lại chén rượu cầm ngang của ông già xóm Vạn. Nhớ lại những ngày mưa quạnh. Nhớ lại bữa nhậu lầm than… Và chẳng biết vì say hay vì ánh ngày yếu ớt, tôi chẳng nhìn rõ mọi vật xung quanh mình, kể cả thằng Côi./.
Huế. 1994