Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.151.506
 
Chết treo
Phạm Nguyên Trường

George Orwell- Phạm Nguyên Trường dịch

 

Chuyện này xảy ở Burma, trong một buổi sáng mưa dầm ẩm ướt. Ánh mặt trời mờ ảo, giống như mảnh thiếc màu vàng, đổ xiên khoai qua bức tường cao chót vót xuống sân trại giam. Chúng tôi đứng đợi ngay bên ngoài khu tử tù. Đấy là một dãy phòng, mặt trước không có tường, chỉ là những thanh sắt đúp, trông như chuồng nhốt thú. Kích thước mỗi chiều khoảng ba mét, hầu như trống không, nếu không kể một tấm phản để làm giường và bình đựng nước. Vài phòng có những người đàn ông da vàng, quấn chăn quanh người, ngồi bó gối ở bên trong. Đấy là những tử tù sẽ bị treo cổ trong một hai tuần tới.

 

Một gã tử tù được đưa ra ngoài. Đấy là một người Hindu nhỏ bé gầy gò, đầu cạo trọc, đôi mắt ướt chẳng ra màu gì. Anh ta có một bộ ria mép rậm rạp, quá rậm đối với thân hình anh ta, trông chẳng khác gì một anh hề trên màn ảnh. Sáu tay cai ngục cao kều người Ấn có trách nhiệm canh gác và chuẩn bị cho việc treo cổ. Hai người cầm súng, lưỡi lê sẵn sàng, đứng bên cạnh, trong khi mấy người kia đeo khoá tay anh ta bằng còng số tám rồi móc vào thắt lưng của mình, sau đó họ trói chặt tay anh ta dọc theo mạng sườn. Họ đứng xung quanh, tay lúc nào cũng ôm cứng lấy anh ta như thể để bảo đảm rằng lúc nào cũng thấy anh ta ở ngay bên cạnh mình. Chẳng khác gì người đang cầm một con cá còn sống và luôn sẵn sàng nhảy xuống nước vậy. Nhưng dường như anh ta không để ý gì đến những việc đang diễn ra xung quanh, không hề chống cự, hai cánh tay buông xuôi, mặc kệ cho người ta trói.

 

Đồng hồ điểm 8 giờ, trong màn không khí ẩm ướt có tiếng kèn từ một trại lính từ xa vọng lại. Nghe tiếng kèn, tay trại trưởng trước đó vẫn đứng một mình và dùng gậy gạt qua gạt lại đám sỏi dưới chân, bỗng ngẩng đầu lên. Anh ta nguyên là bác sĩ quân y, chòm râu đã bạc, trông y như cái bàn chải, cất giọng khàn khàn. “Lạy chúa, Francis, nhanh lên”, anh ta sốt ruột nói. “Đáng lẽ giờ nó đã chết rồi. Các anh xong chưa?”

 

Francis, giám thị trưởng, một người gốc Dravidian, mặc bộ com lê bằng vải lanh, mắt đeo kính gọng vàng, giơ bàn tay đen đúa của anh ta lên. “Vâng, thưa ông, vâng, thưa ông”, hắn ta lúng búng nói, “Xong rồi ạ. Đao phủ đang đợi. Chúng ta có thể đi thôi”.

“Thế thì đi mau lên. Làm cho xong đi để tù nhân còn ăn sáng”.

 

Chúng tôi tiến về phía giá treo cổ. Hai cai ngục, súng đeo trên vai, nòng chúc xuống đất cùng bước đi bên cạnh tử tù; hai người khác theo sau, lúc nào cũng nắm lấy tay và vai anh ta, như thể đang dìu đi vậy. Quan toà và những người kia cùng đi theo phía sau. Bất thình lình, khi chúng tôi đi được chừng chục thước thì cả đoàn dừng lại mà không thấy ai ra lệnh hoặc báo trước gì cả. Có chuyện kinh khủng như thế là vì một con chó, có trời biết từ đâu ra, bỗng xuất hiện trong sân trại.  Nó vừa sủa vừa lao đến và chạy xung quanh chúng tôi, toàn thân run lên, như muốn phát điên vì sung sướng vì thấy nhiều người quá. Đấy là một con chó khá to, lông dày, lai giữa giống Airedale và chó thường. Ban đầu nó chỉ chạy xung quanh chúng tôi, nhưng sau đó nó lao về phía người tù và nhảy lên để liếm vào mặt anh ta. Tất cả đều đứng như trời trồng, ngạc nhiên đến nỗi không ai nghĩ đến việc tóm lấy con chó nữa.

“Ai cho con chó chết tiệt này vào đây thế?”, trại trưởng giận dữ nói, “Bắt lấy nó!”

 

Người cai ngục được cử ra vụng về đuổi theo con chó, nhưng nó cứ nhảy lên và thoát khỏi tay anh ta trong gang tấc, dường như nó coi mọi chuyện chỉ là trò chơi. Một tay cai ngục người Ấn bốc một nắm sỏi ném vào con chó, nhưng nó đã tránh được và tiếp tục đi theo chúng tôi. Nghe thấy cả tiếng chó sủa vọng lại từ những bức tường trại giam. Người tù, vẫn bị hai tay cai ngục giữ chặt, hờ hững nhìn mọi chuyện như thể đấy cũng là một thủ tục phải làm trước khi lên đoạn đầu đài vậy. Phải mấy phút sau mới bắt được con chó. Chúng tôi lấy khăn mùi xoa của tôi luồn qua cái vòng cổ và lôi nó đi theo, mặc cho con vật tìm cách chống cự và rên rỉ suốt dọc đường.

 

Giá treo cổ còn cách chúng tôi khoảng bốn chục mét nữa. Tôi nhìn vào cái lưng để trần của người tử tù đang bước ngay trước mặt. Do hai tay bị trói nên trông anh ta có vẻ vụng về, nhưng anh vẫn bước một cách tự tin theo đúng cách đi của người Ấn: không bao giờ duỗi thẳng đầu gối. Các bắp thịt trên lưng rung động nhẹ và lọn tóc trên cái đầu cạo trọc bập bềnh lên xuống theo nhịp bước, hai bàn chân bám chặt vào lớp sỏi ướt. Một lần, dù bị hai người giữ chặt vai anh ta vẫn bước lệch sang một bên, đấy là để tránh vũng nước trên đường.

 

Có cái lạ là đến tận lúc đó tôi vẫn không hiểu thế nào là giết một người khoẻ mạnh và vẫn còn tỉnh táo. Nhưng khi nhìn thấy người tử tù bước tránh vũng nước thì tôi bỗng ngộ ra rằng không ai có quyền lấy đi mạng sống của người khác khi người ấy vẫn còn tràn đầy sinh lực. Người tử tù không phải đang hấp hối, anh ta vẫn mạnh khoẻ như tất cả chúng tôi. Tất cả các bộ phận trong cơ thể anh ta vẫn đang hoạt động - dạ dày đang tiêu hoá thức ăn, da đang thay, móng tay móng chân vẫn đang dài ra, thớ thịt đang hình thành - tất cả đều đã trở thành vô nghĩa. Móng chân móng tay anh ta sẽ tiếp tục dài ra khi anh ta đứng trên đoạn đầu đài, và chúng tiếp tục dài ra ngay cả khi anh ta lủng lẳng trên không trung, khi chỉ còn cách cái chết một phần mười giây. Mắt anh ta vẫn nhìn thấy những viên sỏi màu vàng, nhìn thấy những bức tường màu xám, đầu óc vẫn còn tỉnh táo, còn dự đoán, còn suy nghĩ – suy nghĩ về cả những vũng nước. Anh ta và chúng tôi là một nhóm người đang đi cùng nhau, nghe thấy, nhìn thấy, cảm nhận và hiểu cùng một thế giới; nhưng chỉ hai phút nữa, với một cú giật đột ngột, thế là trong bọn chúng tôi sẽ bớt đi một người – bớt đi một tâm hồn, bớt đi một thế giới. 

 

Giá treo cổ được dựng trong một cái sân nhỏ đầy những bụi gai, nằm tách ra khỏi khu sân chính của nhà tù. Trông nó giống như một nhà kho xây bằng gạch, nhưng chỉ có ba bức tường, trền lót bằng những tấm ván, trên nữa là hai cái cọc với cái thanh ngang và sợi dây thừng treo lủng lẳng. Đao phủ là một tù nhân tóc đã hoa râm, mặc bộ đồng phục màu trắng của nhà tù đang đứng đợi ngay bên cạnh giá treo cồ. Hắn cúi gập người xuống chào khi thấy chúng tôi bước vào. Theo lệnh của Francis, hai cai ngục còn giữ chặt người tử tù hơn nữa, nửa như dẫn dẵn, nửa như đẩy anh ta đến giá treo cổ và giúp anh ta bước lên cái thang. Sau đó đao phủ cũng trèo lên và tròng sợi dây thừng quanh cổ người tù.

 

Chúng tôi đứng đợi cách đó chừng năm thước. Bọn cai ngục đứng thành một vòng tròn xung quanh giá treo cổ. Dây thòng lọng vừa buộc xong thì người tử tù bắt đầu kêu gọi Chúa trời của anh ta. Anh ta gào lên: “Ram! Ram! Ram! Ram!”, không khẩn thiết và hoảng hốt như lời cầu kinh hay kêu cứu, nhưng liên tục, đều đều như tiếng chuông chùa. Con chó đáp lại bằng những tiếng rên ư ử. Gã đao phủ lúc đó vẫn đứng cạnh giá treo cổ, hắn lôi ra một cái túi vải, giống như túi đựng bột, và trùm lên đầu người tử tù. Nhưng tiếng kêu, bị miếng vải làm cho trầm xuống, thì vẫn tiếp tục: “Ram! Ram! Ram! Ram! Ram!”

 

Gã đao phủ bước xuống, tay đặt lên cần cái đòn bảy, ra ý sẵn sàng. Dường như hắn ta đã đứng như thế mấy phút rồi. Tiếng kêu: “Ram! Ram! Ram!” vẫn vang lên một cách đều đặn, không ngừng nghỉ, dù chỉ một giây. Trại trưởng, đầu cúi gằm, đang cầm cái gậy chậm rãi gạt đám đất dưới chân; cũng có thể là anh ta để cho người tù kêu đủ bao nhiêu tiếng, năm mươi, hay một trăm chẳng hạn. Mặt người nào cũng tái đi. Mấy người Ấn Độ trông xạm lại, như màu café loãng, một vài cái lưỡi lê bỗng rung lên bần bật. Chúng tôi cùng nhìn lên người tử tù bị trói, đầu bị trùm kín, đang đứng trên tấm ván và lắng nghe tiếng kêu gào của anh ta - mỗi tiếng kêu là một khoảng khắc của cuộc đời; tất cả đều có chung một ý nghĩ: giết đi cho xong, chấm dứt tiếng kêu kinh hãi này cho mau đi!

 

Trưởng trại bất ngờ ngẩng đầu lên, tay vung mạnh cây gậy và gào đến lạc giọng: “Chalo!”.

Có tiếng xích sắt va vào nhau, sau đó là im lặng tuyệt đối. Người tử tù đã biến mất, chi thấy sợi dây thừng đung đưa. Tôi thả con chó ra, nó phóng về phía giá treo cổ; nhưng gần đến nơi thì nó đứng dừng lại, sủa vài tiếng rồi chạy về phía góc sân và cứ đứng trong đám bụi cây lấm lét quan sát chúng tôi. Chúng tôi đi vòng xung quanh giá treo cổ để kiểm tra cơ thể người tử tù. Xác anh ta trông cứng đơ như một hòn đá, đang đung đưa nhè nhẹ - các ngón chân chỉ thẳng xuống dưới.

 

Trưởng trại lấy gậy chọc vào cái xác ở trần, nó chỉ khẽ rung rinh. “Hắn xong rồi”, trưởng trại vừa nói vừa thở dài, khuôn mặt không còn ủ rũ như trước nữa. Ông ta nhìn đồng hồ: “Tám giờ tám phút rồi. Lạy Chúa, sáng nay thế là xong”

 

Tất cả các cai ngục cùng hạ lưỡi lê xuống và bước đi. Con chó, biết rằng mình đã hành xử không đúng, lò dò đi theo chúng tôi. Chúng tôi đi ra khỏi khu vực giá treo cổ, rồi đi ngang qua khu tử tù để vào cái sân lớn của nhà lao. Tù nhân, dưới sự canh chừng của lính gác tay lăm lăm những cây gậy tầm vông bịt sắt, đang nhận phần ăn buổi sáng. Họ ngồi xổm thành những dãy dài, ai cũng cầm một cái bát sắt; trong khi hai người cai ngục, tay xách một cái xô, đang xúc cơm vào bát cho từng người. Sau khi chứng kiến vụ treo cổ thì đây đúng là một cảnh tượng thú vị và vui. Bây giờ, sau khi mọi việc đã xong, chúng tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Mọi người đều muốn hát, muốn chạy, muốn cười. Tất cả cùng tranh nhau nói.

 

Gã người lai đi bên cạnh tôi hất hàm về phía sau, miệng mỉm cười ra vẻ hiểu biết và nói: “Ông có biết không, anh bạn của chúng ta (ý nói người vừa chết) khi nghe nói đơn xin ân xá bị bác đã đái ngay ra sàn nhà. Sợ quá mà ra đấy. Mời ông hút điếu thuốc. Ông thấy cái hộp thuốc mới cứng, bằng bạc của tôi có đẹp không? Mua của chính người thơ bạc, hai đồng tám. Đúng kiểu châu Âu”. 

Mấy người bỗng phá lên cười – có vẻ như cũng chẳng ai biết họ cười vì cái gì.

Francis đi bên cạnh trưởng trại, miệng nói liến thoắng. “Thưa ông, mọi việc thế nà trôi chảy cả. Rụp một cái nà xong! Không phải núc lào cũng thế. Tôi biết có nần bác sĩ phải chui xuống dưới giá treo cổ và kéo chân xem đã chết thật chưa. Thật nà kinh khủng!”

“Kéo chân à? Ghê quá”, trưởng trại đáp.

“Vâng thưa ông, lếu họ chống lại thì còn khủng khiếp hơn! Có một thằng, tôi vẫn nhớ, cứ bám chặt lấy mấy cái song sắt khi chúng tôi vào nôi đi. Ông khó mà tin được nà phải sáu người mới nôi được hắn đi, mỗi chân ba người kéo. Chúng tôi phải thuyết phục hắn. ‘Này anh bạn’, chúng tôi bảo, ‘anh không thấy nà đã nàm chúng tôi khổ sở thế lào à?’. Nhưng hắn có thèm nghe đâu. Thật là mệt với thằng đó!”.

 

Tôi bỗng nhận ra rằng mình đang cười rất to. Mọi người đều cười. Ngay trưởng trại cũng nhe răng cười. “Mời các vị ra ngoài kia làm vài li”, ông ta vui vẻ nói. “Trong xe của tôi có một chai whisky. Có thể giải quyết”.

 

Chúng tôi bước qua cái cổng lớn của nhà tù để ra đường. “Kéo chân!” – gã quan toà người Burma bỗng nói rồi phá lên cười. Tất cả chúng tôi cũng cùng cười. Lúc đó câu chuyện tiếu lâm của Francis nghe có vẻ rất khôi hài. Chúng tôi, cả dân bản xứ lẫn người châu Âu, cùng nhau uống một cách vui vẻ. Xác người tử tù chỉ cách chỗ chúng tôi có một trăm thước./.

 

1931

Phạm Nguyên Trường
Số lần đọc: 2039
Ngày đăng: 25.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những chiều thứ sáu trên chiếc xe buýt số 51 - Nguyễn Thành Nhân
Tết này ba có về không? - Trần Minh Nguyệt
Trò chơi cuối - Bạch Lê Quang
Chuyện tình của thị mầu - Đỗ Ngọc Thạch
Người đàn bà cọp vồ - Dương Phượng Toại
Mùa chim bay đi - Lê Trâm
Phóng sự ảnh - Thiện Phạm
Môn đệ - nghịch tử - Nguyễn Chính
Cây khế vườn xưa - Minh Hương
Vòng xoay - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Một vụ ám sát hụt (truyện ngắn)
Thiên tài (truyện ngắn)
Người (truyện ngắn)
Chết treo (truyện ngắn)
Bắc Phi, tiếp sau là gì? (nhìn ra thế giới)
Vì sao Gaddafi phải ra đi? (nhìn ra thế giới)
Bàn về chủ quyền quốc gia (nhìn ra thế giới)
Tầng lớp trí thức là gì? (nhìn ra thế giới)
Giờ hoàng đạo của NATO (nhìn ra thế giới)
Mùa xuân Miến Điện (nhìn ra thế giới)