Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.011
123.235.709
 
Bài Chòi Ngày Xuân ở Quảng Nam
Phạm Phù sa

Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam xưa, ngoài những hình ảnh quen thuộc đầy phong vị :

“ Thịt mỡ, dưa hành,câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh ...”

còn có các trò chơi dân gian, các loại hình văn hoá- văn nghệ dân gian mang đậm chất vùng ,miền.

 

Từ khi Tết không có tiếng pháo đì đoàng không làm mất đi không khí Tết mà làm cho chúng ta yên tâm hơn vì những trò nghịch ngợm của trẻ nhỏ với pháo; nhưng nếu thiếu đi những món ăn tinh thần truyền thống thì sẽ chẳng ra ngày tết, một khi nó đã trở thành nhu cầu.

 

Ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam, nhất là vùng thôn quê Quảng Nam có lẽ  là những hội hát hò khoan thi tài ứng đáp, những hội Bài Chòi mừng Xuân .Hai loại hình này đều có sức mê hoặc kỳ lạ,không những đối với người trong cuộc mà còn hấp dẫn cả đối với người xem .Nhưng nếu như Hát hò khoan có thể tổ chức nhiều lần trong năm vào những ngày nông nhàn, tấn vụ, những ngày hội của làng như ngày lễ xuống đồng, lễ cúng cơm mới tạ thần nông , lễ Ra khơi, mừng được mùa biển, lễ cúng cá Ông v.v…thì Hội Bài Chòi chỉ được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán.

 

Vì vậy , vào cuối tháng chạp, khi những chiếc chòi lá được dựng lên, mọi người đều nô nức chờ đến Tết để dự hội Bài chòi.

 

“ Rủ nhau đi hội Bài Chòi

Để con nó khóc cho lòi rún ra”

 

Câu ca ấy đủ thấy niềm đam mê chơi Bài chòì của ông cha ta lớn như thế nào.

 

Bài chòi đã trở thành một thú chơi dân gian tao nhã trong những ngày Xuân, và cũng chính vì thế mà ngày Xuân nếu không có những hội Bài chòi thì sẽ thiếu đi rất nhiều ý nghĩa .

 

“ Bài chòi mở hội đầu xuân

Hội vui đón Tết, hội mừng non sông

Vui chơi cho phỉ tấm lòng

Chờ mười hai tháng nữa mới mong tựu tề ”

“Gió Xuân phưởng phất nhành tre

Bà con cô bác lắng nghe bài chòi”

 

hay

“ Mưa Xuân ướt ngọn cây sung

Trống giục thùng thùng, xách guốc chạy te

Bôn ba nút chẳng kịp gài

Lận lưng đòn bánh ngồi dài cho tới khuya”

 

Bài chòi được sử dụng các con bài của Bộ bài Tới (30 lá bài) được đặt tên theo danh vị, đặc tính biểu trưng của Người, tên các con vật, đồ vật như : Thầy, Trò, Nghèo, Thái Tử , Gióng, Rế, Gà, voi v.v…Mỗi lá bài được đặt ra nhiều lời hô bằng thai chòi ( thường là lục bát, lục bát biến thể) miêu tả mô phỏng đặc tính của mỗi con bài

Bài chòi, bài tới là ba mươi lá

Dang tay sớn sá là cái gã Ông Ầm ( ẦM )

Trợt té xuống hầm là cái anh Tứ Cẳng (HƯƠNG)

Nước da trăng trắng là cái chị Bạch Huê (TUYẾT)

Một cổ hai kê là anh chàng Chín Gối ( GỐI )

Ba chìm bảy nổi là chị sáu ghe (SUỐT )

Lập bạn lập bè là cái anh ngủ dụm (NGỦ )

Lùm đùm lụm đụm xách bị đi xin là cái anh Nhì nghèo (NGHÈO )

Đã nghèo lại càng khổ

Hay bươi, hay mổ là cái chị Ba Gà (GÀ )

Có ngạng, có ngà là mấy anh Tứ Tượng(TƯỢNG )

Che màn phủ trướng là cái chị Tam Quăn ( QUĂN )

Đò đỏ đen đen đó Dượng hắn Kia kìa !...(ĐƯỢNG )

 

Đó là lời hô lược giới các con bài trước khi vào hội chính.

Khi tham gia chơi bài, mỗi người được nhận một thẻ bài, trên đó có dán ba lá bài khác nhau và ngồi vào các chòi đã dựng sẵn.Trong quá trình chơi, tổ hiệu lần lượt hho các con bài, người chơi phải chú ý lắng nghe để biết con bài trúng. Ai may mắn trúng hết ba con bài trong thẻ sẽ là người thắng cuộc.

 

Vì bài chòi chỉ tổ chức vào mỗi dịp xuân về nên ta bắt gặp trong nhiều câu thai chòi in rất đậm không khí Xuân :

 

Nữ :

-“ Sáng nay đi chợ tất niên

Em đây cầm một quan tiền trong tay

Sắm mua cũng khá đủ đầy

Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà

Độc bình mua để cắm hoa

Hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông

Tính hoài mà cũng chẳng thông

Còn ba trăm sáu chục đồng tiền dư ”

 

Nam -                            

 “ Vội chi, em cứ thư thư

Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em

Sáu mươi đồng tính một tiền

Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn

Vị chi em mới tiêu xong

Cho hột dưa, bánh mứt, giấy bông , rượu, trà

Trái cây , cau, thuốc, thịt thà

Độc bình cùng với hương hoa là bốn tiền

Ba trăm sáu chục đồng nguyên

Tính ra chính thị SÁU TIỀN còn dư ”

( CON SÁU TIỀN )

 

“ Đầu năm khấn vái Tổ tiên

Cầu cho gia đạo bình yên, thuận hoà

Cầu cho sức khoẻ mẹ cha

Cầu cho thôn xóm, cửa nhà an vui”

Cầu cho con cái nên người

Cầu cho khoai ,lúa tốt tươi bời bời

Tân niên cầu một nụ cười

Làm ăn song SUỐT bằng mười năm qua

( CON SÁU SUỐT )

 

Nam :                                      

Tiếng đồn em bậu mặn mà

Nết na, duyên dáng thiệt là thậm xinh

Quen chàng nho nhã thư sinh

Thề bồi, nguyện ước đinh ninh một lòng

Yêu nhau năm, sáu mùa trăng

Chín thương mười đợi dẫu rằng cách xa

Nữ :                                  

-“ Đầu năm đi hội vía Bà

Gặp ông Thầy bói xem qua cho tận tường

Nam :                              

Thầy bói gieo quẻ  phán rằng

Tuổi ni là Tí với Dần khắc nhau

Tướng cô là cọp cái rừng sâu

Anh kia là chuột nhắt ,sánh sao cho bằng?

Số cô là số sát chồng

Phải lấy ông bỏ vợ mới mặn nồng, giàu sang

:Nữ :                                    

Nghe lời thầy bói nói càn

Làm cho lá rủ, hoa tàn , nhuỵ phai

Nghe lời thầy bói nói sai

Làm cho duyên nợ Trúc – Mai chia lìa…”

Ớ bà con ơi đừng có nghe ông Thầy, đừng có nghe ông Thầy

( CON THẦY )

 

Thuở nhỏ , vào ngày Tết tôi thường theo Ba về thăm quê nội tại làng Bất Nhị, Điện Bàn và lên thăm chị lấy chồng ở tận Đại Lộc. Dù xa xôi nhưng sau khi hương khói tổ tiên ,thăm viếng chúc tụng, ông cũng tranh thủ ghé chơi một vài hội bài chòi cho đỡ “ghiền”,vì ở thành phố hiếm nơi có tổ chức trò chơi này. Hơn nữa lời thai chòi mỗi nơi có một cách thể hiện khác, ông vẫn nhớ nằm lòng cái văn phong dặc trưng quê kiểng nên khi nghe chú hiệu hô là ông đoán biết ngay là con bài gì sẽ xuất hiện khi chưa hết lời hô, dù rằng các lớp hiệu bài chòi sau này đã tiếp thu, cải tiến, thích ứng để phát triển dần nhưng lời các con bài gốc vẫn ưu ái được trọng dụng. Tôi cũng thích thú , háo hức theo ông để rồi ngơ ngác, lạ lẫm nghe chú Hiệu hô thai, làm trò và thầm thán phục về tài ứng tác, về khả năng dẫn trò rất “chuyên nghiệp”. Một nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian kiêm “em-xi” đặc trưng của Bà chòi. Có khi mải  mê đến chiều tối không muốn dứt ra, may mà còn về kịp chuyến xe cuối ngày.Sau này lớn lên , tôi đến nhiều nơi làng quê ngoại vi Hội An, một số vùng quê Quảng Nam ,Quảng Ngãi., Bình Định...( Miền đất võ chính là cái nôi của Bài chòi miền trung ) mới biết rằng thú chơi ngày Tết này không chỉ riêng ở quê nội tôi mới có

 

Thời công nghiệp văn minh, nhiều loại hình giải trí hiện đại dần thế chỗ nhưng may mắn thay, đó đây vẫn còn thói quen tổ chức những hội Bài chòi, dặc biệt, những hội chòi này vẫn thu hút rất đông người, và như thế vẫn còn nhiều người yêu thích Bài chòi.

 

Quả đúng vậy, qua bao thăng trầm Bài chòi đang phục hưng trở lại từ quê hương Phố cổ của tôi. Như nhiều nhà nghiên cứu và du khách đã nói : “Hội An không là chiếc nôi sản sinh ra Bài Chòi , nhưng nay nghiễm nhiên đã là một địa chỉ “ có thương hiệu” về loại hình này. Đến Hội An để được nghe và tham gia một vài hội Bài chòi, là một phần trong hành trình du lịch đến với phố cổ Di sản văn hoá thế giới này.” . Bài chòi Hội An đã không còn quanh quẩn trong những bức tường vôi của Phố cổ nữa, mà đã thực sự “ xuất khẩu” tung cánh khắp nơi. Không những có một , mà là vài ba đội Bài Chòi , không những chỉ có lớp đàn anh, đàn chị mà nay đã có đội ngũ kế thừa.

 

Đã có nhiều đoàn Phim trong nước và quốc tế đến thực hiện những thước phim khắc họa đậm chất Văn nghệ dân gian diễn xướng này. Vào những ngày cuối năm 2008, Đoàn làm phim của Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành Phố Đà nẵng vào thực hiện chương trình “ Tạp chí thiếu nhi” cho kịch bản phim HÁT BÀI CHÒI Ở QUÊ EM . Hay mới đây thôi, trong năm 2009, nhiều đoàn làm phim tư liệu cũng đã thực hiện những chương trình tương tự. Tôi ngạc nhiên khi thấy các em học sinh cấp II đã hiểu biết hơn về Dân ca, về Bài chòi,. Đặc biệt hơn nữa là tại một hội Bài chòi trong phố cổ vào Đêm phố cổ hàng tháng 14 âm lịch, những tối thứ bảy hàng tuần, các chương trình Phố Đêm tôi đã nghe, đã thấy lứa măng non đã hát được nhiều làn điệu dân ca quê kiểng, nhiều em hát rất hay. Xướng được những lời thai bài chòi với nội dung tình quê hương đất nước, làng xóm, cha mẹ, ông bà , thầy yêu, bạn quý  thấm đẫm tình người. Cái quan trọng hơn là các em đã “thấm” và thích dân ca quê kiểng, thích hô hát bài chòi, không còn “dị ứng” với loại hình này , dân ca không bị xem là quê mùa, lạc hậu như trước đây.

Hãy nghe các em hát:

 

“ Ông cha từng dạy rất nhiều

Lá lành... lá rách, nhiễu điêù...giá gương

Làm người phải biết yêu thương

Xóm thôn, Đất nước, quê hương, đồng bào

Giúp người giữa lúc lao đao

Phước dày hơn cả sóng trào biển Đông

Bầu ơi, thương lấy BÍ cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn ”

(CON NHÌ )

 

và đây nữa :

“ Cơm cha , áo mẹ, chữ thầy

Lòng em ghi nhớ, ơn này không phai

Mẹ cha vất vả ngày đêm

Thầy cô dạy dỗ chúng em nên người

Mai sau đi bốn phương trời

Công ơn trời biển suốt đời không quên

Em luôn gắng sức học hành

Con ngoan-TRÒ giỏi đáp đền ơn sâu”

(CON HỌC TRÒ )

 

Những lời hô phù hợp với lứa tuổi các em, thấm đẫm đạo lý “hiếu nghĩa”, “nhân tâm”, “tôn sư trọng đạo” …không biết có phải các em tự viết ra hay không, nhưng rõ ràng, đã được các em thể hiện rất say sưa, bằng tất cả sự đam mê, ham tìm hiểu, khám phá.

 

Dù giọng hô hát chưa thật chuẩn, chưa hay nhưng tôi đọc thấy trong đôi mắt và trái tim các em  niềm say mê, lòng nhiệt tình đối với văn nghệ dân gian mà với lớp trẻ hiện nay không dễ dàng cảm thụ và chấp nhận.

 

Có được như vậy, ngoài cảm thụ cá nhân, trước hết phải kể đến những người đã tâm huyết cho việc phục hồi, chấn hưng , bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống  giữ gìn bản sắc Văn hoá dân tộc tại Hội An mà dân ca, dân vũ, dân nhạc là một phần không thể thiếu.

 

Đó là nhờ ở việc quyết tâm “ Đưa dân ca, dân nhạc vào trường học” thời gian qua Hội An đã làm và đang làm hiệu quả . Hệ quả của việc này đã được đền đáp, thực tế đã trả lời “Dân ca đã được đưa về lại với quần chúng, phục vụ cho quần chúng, nơi nó từ đó sinh ra, để rồi từ đó trở lại một cách sống động hơn để phục vụ cho cộng đồng”.

 

Được như vậy không thể không nhắc đến công lao của những nhà folklore, đội ngũ sưu tầm, sáng tác, những đàn chị đàn anh, cô ,chú nghệ nhân…họ cũng là những thầy cô đi gieo những hạt mầm dân ca ở các trường học.

 

Với những gì đang diễn ra và ngày một định hình, hy vọng từ lớp trẻ này, không chỉ riêng ở Hội An mà trò chơi diễn xướng dân gian Bài Chòi sẽ lại tái sinh mạnh mẽ trên dải đất miền trung nắng gió, ở những nơi nó vốn đã được sinh ra, từng tồn tại kiêu hãnh và để lại cho đời những giá trị nghệ thuật dân gian giàu bản sắc.

 

Tôi hình dung, khi mùa xuân về, khi mai đào đua nở, tiếng trống hội bài chòi thúc giục như rộn rã trong tim...Tiếng anh Hiệu và những câu thai chòi như thuộc nằm lòng trong tôi vang lên rành rọt .Và, tôi nghe thấy cũng không xa lắm nữa, hình ảnh những anh Hiệu, chị Hiệu Bài chòi tương lai đang hoà nhập, xuất hiện ngày càng rõ nét trong những đêm Phố cổ lên đèn .Xa hơn, vang hơn và nhân rộng hơn trên dải đất miền trung../.

Phạm Phù sa
Số lần đọc: 2649
Ngày đăng: 26.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giai thoại về một bài hát ru xứ Quảng - Phạm Phù sa
Sự tích một bài hát xẩm - Huỳnh Văn Úc
Hò Khoan Xứ Quảng Sắc Xuân Dân Gian Độc Đáo - Phạm Phù sa
Thành ngữ Hán việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Cảm nhận câu ca: công anh chăn nghé đã lâu … - Trần Minh Thương
Tiếng cười trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Lễ Rước mục đồng làng Phong Lệ - Văn Thành Lê
Tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa truyền thuyết và cổ tích - Võ Phúc Châu
Chuyện thề nguyền qua câu hò của mẹ - Trần Hạ Tháp
Những khúc ca về tâm lực người nông dân trong giêng hai nghiệt ngã - Nguyễn Hoàn