Bài đăng trên tạp chí SPIEGEL: “The Lost Decade”
Tác giả: Dirk Kurbjuweit, Gabor Steingart và Merlind Theile
Mặc dầu không phải ai cũng mê say như nhau đối với sự kiện thể thao lớn nhất thập kỷ, nhưng với tay bơi người Mỹ Michael Phelps chắc chắn đó là một trải nghiệm thú vị: anh đoạt tám huy chương vàng tại Thế Vận Hội 2008 ở Bắc Kinh. Nó cũng là chiến thắng đối với 51 người Trung Quốc đoạt huy chương vàng, họ đã đưa đất nước họ lần đầu tiên lên đầu bảng tổng sắp huy chương. Tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã tự giới thiệu mình như một cường quốc thế giới.
Nhưng trải nghiệm này còn xa mới là thú vị đối với Teng Biao và Hu Jia. Năm 1997 họ công bố một bức thư kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy theo dõi tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc trong thời gian chuẩn bị tiến tới Thế Vận Hội. Hu Jia bị tuyên án ba năm rưỡi tù, còn Teng Biao bị mất giấy phép hành nghề luật sư.
Teng Biao ngày nay buộc phải thừa nhận rằng trường hợp của ông không đóng một vai trò gì trong chính trị thế giới, một trải nghiệm mà ông chia sẻ với những người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp. Các nhà hoạt động nhân quyền phản đối cách Trung Quốc đối xử với những người trong tay họ, một nhúm chính trị gia cũng phản đối, nhưng không đủ mạnh mẽ dứt khoát. Trung Quốc quá to và quá quan trọng nên những sự chỉ trích gay gắt như thế có thấm tháp gì.
Các nhà bất đồng chính kiến Liên xô là những anh hùng đối với Phương Tây vì họ chống đối một chế độ mà Phương Tây coi là kẻ thù. Các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc chịu phiền phức hơn, bởi vì mặc dù những đau khổ của họ được coi là bất công về tinh thần ở Phương Tây, mọi cố gắng giúp đỡ họ có thể có tác động bất lợi đến kinh doanh. Tình trạng khó xử này không phải là mới, nhưng gần đây nó càng nổi rõ hơn. Nó cũng trở thành một biểu hiện của cuộc khủng hoảng dân chủ. Trong thập kỷ qua, hệ thống chính trị Phương Tây đã mất đi ưu thế toàn cầu của nó, không còn chắc chắn liệu dân chủ cuối cùng có thắng thế ở khắp nơi không. Thật ra, thậm chí cũng không còn chắc chắn liệu dân chủ có kéo dài vĩnh viễn ở các nước Phương Tây không nữa.
Không có gì phá hủy uy tín của dân chủ tàn tệ hơn Abu Ghraib và Guantanamo. “Cái thời dạy bảo nhau đã qua rồi”, nhà trí thức Singapore Kishore Mahbubani nói trong một cuộc phỏng vấn của Spiegel năm 2008. “Tôi biết nhiều trí thức Trung Quốc đã thường xuyên tranh cãi các vấn đề nhân quyền với Phương Tây. Họ bảo, mọi sự đã trở nên dễ dàng hơn từ khi có Guantanamo. Họ hỏi: Khác nhau ở chỗ nào? Các ông ngược đãi nhân dân, chúng tôi cũng ngược đãi nhân dân. Chúng ta giống nhau hoàn toàn”
Trung Quốc trỗi dậy
Trong khi Phương Tây ăn năn, thì một tinh thần tự tin mới đang phát triển ở châu Á. Từ 2000 đến 2009, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng, năm này qua năm khác, ở mức 8,3 đến 13 phần trăm. Nó đã vượt Đức và một ngày kia nó sẽ vượt Hoa Kỳ, hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự tăng tiến chớp nhoáng này đã có thể đạt được mà không có dân chủ. Trong Chiến tranh Lạnh, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đã tin rằng chỉ có các nước dân chủ mới đảm bảo được sự thịnh vượng cho dân chúng.
Ngày nay, những người Trung Quốc giàu có dường như không đòi hỏi mãnh liệt có tiếng nói chính trị như những công dân châu Âu vào thế kỷ 18 và 19. Thay vì thế, họ chọn con đường riêng của họ.
Hơn nữa, nền dân chủ đang không được khỏe lắm, và không phải chỉ vì Guantanamo. Ở Đức chẳng hạn, người dân bình thường ngày càng vỡ mộng về dân chủ. Các đảng chiếm đa số đang mất dần đảng viên của mình, và số cử tri ủng hộ họ đang giảm xuống.
Trong thập kỷ đầu thế kỷ 21, không có một phong trào chính trị nào có thể tạo ra một nhiệt tình thật sự, không gì gây được niềm say mê sôi nổi. Chỉ có 47 phần trăm người Đông Đức cũ tin rằng dân chủ nói chung là một sự phát triển tích cực.
Bản tiếng Anh: Christopher Sultan
Bản tiếng Việt: Hiếu Tân 200110