Một buổi chiều mưa tầm tã, Nguyên trở lại xã Bình heo hút. Bước xuống xe, người đàn ông bốn mươi tuổi ấy ngơ ngác trước sự đổi thay của cảnh vật. Ông ta nhận ra một hai gương mặt quen biết ngày xưa trong số những người đứng trú mưa nơi cái nhà lồng chợ cạnh bến xe. Nhưng họ không nhận ra ông. Nguyên đã thay đổi nhiều quá. Mái tóc đen mượt ngày nào đã muối tiêu. Thân hình phệ ra chẳng còn săn chắc. Nước da người miệt biển đã bị pha màu tai tái, bủng beo. Ông ta mặc một bộ pygiama không còn mới nhưng được ủi cẩn thận để đi đường, tay xách cái túi da xẹp. Ghé vào sạp hột vịt lộn của một cô gái còn khá trẻ, khoảng mười bảy mười tám tuổi, Nguyên kêu một xị rượu và đập cái hột vịt lộn thứ nhất. "ng ta muốn ngồi đây một lúc vừa đợi mưa ngớt, vừa hy vọng có ai đó nhận ra mình. Nhưng thật đáng tiếc, điều ấy chỉ xảy ra khi ông uống cạn xị rượu thứ hai, trên bàn là ba cái vỏ trứng và đĩa rau răm chỉ còn trơ cuống, rồi ông gục xuống sạp trước sự lo lắng của cô gái chủ sạp. Đám đông trú mưa xúm lại quanh sạp hột vịt lộn.
Lúc ấy Dương vừa tới sạp. Trời mưa buồn quá, anh em rủ nhau đưa cay cho ấm bụng và Dương rút nhằm cái thăm phục vụ, phải trùm áo mưa ra chợ. Dương nhận ra Nguyên không khó khăn lắm nhờ cái nốt ruồi bên cánh mũi của ông ta. Anh gọi ra cái tên Nguyên và bấy giờ mới có người trong đám đông sực nhớ là người đàn ông say rượu kia từng có một thời gian không ngắn sống ở xã Bình.
Cơn mưa dứt lúc trời đã vào đêm. Đêm nay, gió từ biển thổi vào dữ dội và sóng biển cũng gào thét không ngơi. Nguyên được đưa về khu tập thể của bọn Dương. Nửa đêm, ông ta tỉnh rượu, kêu khát nước. Ông ta chớp chớp mắt hỏi người đàn ông đem nước đến cho mình:
- Đây là đâu?
Khi nhận ra Dương, Nguyên mở căng hai mắt, thốt lên:
- Trời ơi! Dương đấy à? Tôi không mơ chứ?
Một khoảnh khắc ngắn ngủi trôi qua, nước mắt ứa ra lăn dài trên đôi gò má Nguyên. Rồi hai bàn tay run rẩy của ông ta úp lên kín mặt. Tiếng khóc không có âm thanh. Dường như nó lẫn vào tiếng sóng biển vẫn còn gào thét dữ dội đến tận lúc ấy.
*
Sau này người ta kể lại rằng vào một đêm nọ, trong lúc ông Phó giám đốc Công ty vận tải huyện Lâm đang xem vidéo một mình trong phòng thì có tiếng gọi cửa. Lúc đầu, ông đã định không ra mở cửa vì đoán người gọi cửa là ông hàng xóm mê phim. Thật là một người thiếu lịch sự. Ông phó giám đốc đã nói thẳng là mình cần tìm quên bằng cách một mình đối diện với cái thế giới điện ảnh đầy bịa đặt mà cũng có lắm điều đáng suy nghĩ, rất lấy làm phiền nếu có mặt người thứ hai. Thế mà ông hàng xóm đôi ba ngày vẫn gõ cửa: "Cho phép tôi được chia sớt nỗi buồn với ông anh mà ".
Tiếng gọi cửa được lập lại lần thứ hai nghe rõ hơn. Lần này thì ông phó giám đốc nhận ra rằng đó không phải là tiếng ông hàng xóm. Giọng của một thanh niên thì phải.
- Yêu cầu mở cửa! Công an xét hộ khẩu đây!
Ông Phó giám đốc uể oải đứng dậy. Trước đó, ông không quên bấm nút cái Remote tắt máy. "Xét hộ khẩu! Mấy chàng công an vẽ chuyện thì thôi!". Còn có ai nữa ngoài ông ra, trong cái căn nhà rộng rãi, khang trang đầy đủ tiện nghi này. Người đàn bà đã bỏ đi biệt tích với đứa con nhỏ. Thằng con lớn thì đang nằm trong trại cưỡng bức lao động. Họ không còn ở trong căn nhà mà chỉ để lại cho ông nỗi buồn đau phải gặm nhấm từng ngày.
Cửa mở.
Ông Phó giám đốc chỉ kịp thấy một bóng người lách mình vào, y nắm lấy tay ông kéo giật lùi vào phòng khách trong khi bóng người thứ hai xuất hiện, khép cửa lại. Cả hai gã đều mặc sắc phục công an, tay đều cầm súng ngắn nhưng lại bịt mặt bằng khăn sậm màu. Chất thép lạnh dí sát vào thái dương ông Phó giám đốc. Gã đang khống chế ông nói khẽ:
- Muốn sống thì câm miệng.
Gã thứ hai đứng đối diện ra lệnh:
- Chìa khóa tủ đâu, đưa ngay đây!
Giọng gã nghe quen quen nhung nhất thời ông chưa thể nhận ra là của ai.
Ông Phó giám đốc chẳng còn gì để giữ, kể cả mạng sống của mình. Vì thế, ông quyết định rất nhanh, một quyết định liều lĩnh. Có lẽ đúng hơn là ông cũng có phần nào cơ sở để hy vọng. Mỗi buổi sáng sớm, ngay cả trong thời gian đau buồn, ông cũng không quên luyện tập những miếng võ từ thời trai trẻ, như một hình thức rèn luyện thân thể. Còn cái tài thiện xạ ngày xưa, ông vẫn chứng nghiệm được qua nhiều chuyến đi rừng săn thú gần đây nhất.
Với cử chỉ bị thuyết phục giả vờ và động tác thọc tay vào túi áo lấy xâu chìa khóa, ông Phó giám đốc đã thụp người xuống, tránh khỏi cái chất thép lạnh kê sát thái dương nãy giờ. Rồi bằng một thế võ duy nhất, ông cướp súng và quật ngã đối thủ thứ nhất để lao vào tên thứ hai. Điều làm ông ngạc nhiên là tên thứ hai không nổ súng. Nếu nó bắn, ông khó tránh bị thương. Chẳng có thì giờ để ông lý giải sự việc. Ông đá văng khẩu súng trên tay kẻ cướp đúng lúc gã vừa bị ông quật ngã đã gượng dậy, tông cửa chạy mất. Tên thứ hai hốt hoảng chạy theo. Ông Phó giám đốc hô:
- Cướp! Cướp!
Rồi ông lao ra sân bắn một phát súng vào tên chạy sau. Cái bóng đen thấp thoáng trong đêm đổ ập xuống ngay trước cửa nhà ông. Tên chạy trước đã lẫn vào bóng tối.
*
Hai năm sau ngày giải phóng miền Nam, những vụ vượt biên bằng đường biển diễn ra khá thường xuyên. Tất nhiên đã có nhiều người vượt qua những cơn sóng dữ của biển khơi đến được đất liền của một nước nào đó trong vùng Đông Nam Á. Nhưng vào những buổi sáng, khi đi tuần tra sớm, những người lính biên phòng thường trông thấy nhiều vật dụng tạt vào bờ, nằm trơ trên bãi biển. Đó có thể là một con búp bê, một chiếc dép phụ nữ, một chiếc xăng đan trẻ con, một cái mũ kết nam giới... Chúng có thể do du khách làm rơi xuống biển từ bãi biển du lịch cách xã Bình vài chục cây số trôi về. Nhưng nhiều phần chắc hơn, chúng có nguồn gốc từ những chiếc tàu vượt biên xáu số bị tan xác ngoài khơi.
Ngày ấy, Nguyên là một nhân vật nổi trội của đơn vị. Tuổi ngoài ba mươi, vợ chết, gà trống nuôi con, Nguyên vẫn là một chàng trai lực lưỡng, yêu đời. Đứa con trai mất mẹ được cha cưng chiều muốn gì được nấy, từ nhỏ đã có dấu hiệu của một kẻ sống ỷ lại, hoang phí. Còn cha nó, Nguyên vừa là thiện xạ vừa là tay bơi vô địch. Mỗi lần xuống biển, anh như hóa thân thành con cá Kình vùng vẫy giữa sóng, đùa giỡn với bạn thân. Trong công tác, nhiều lần anh đã đuổi bắt bọn vượt biên với kết quả đáng khen.
Nguyên lớn tuổi hơn Dương nhưng anh tỏ ra rất nể phục Dương. Anh chọn Dương là người để mình thổ lộ tâm sự.
- Ông nội tôi trước kia có làm việc cho Pháp. Còn cha tôi được làm xã viên tiểu thủ công nghiệp đã là may. Anh chị em tôi đều chủ trương sống yên phận. Người là công nhân, người là nông dân tập thể, người chạy chợ, ai cũng cố giữ cho mình không bị để ý, cũng chẳng cần được chú ý. Nhưng tôi thì trái lại. Tôi muốn được đứng trong đội ngũ tiên phong của giai cấp. Vì thế, tôi cống hiến tuổi trẻ của mình mà không hề đắn đo suy nghĩ hơn thiệt...
Chính Dương là một trong hai người giới thiệu Nguyên vào Đảng.
Một buổi tối sau ngày vui nhất đời Nguyên, anh chợt hỏi Dương:
- Này cậu Dương, thế đảng viên chơi vé số có được không?
Dương phì cười:
- Vé số được phát hành hợp pháp, ai chẳng được quyền mua. Nhưng mà ...ông chơi vé số đấy à?
Nguyên lấy ra hai tờ vé số:
- Cuộc sống anh em mình đạm bạc quá, tôi định thử thời vận một phen. Lần đầu mới mua số, tôi tặng cậu một tờ.
Sau đó Nguyên khá kiên trì theo đuổi ý định thử thời vận của anh.
Có thể xem câu chuyện bắt đầu từ lần ấy, lần tay tập đoàn trưởng tập đoàn đánh cá xã Bình vượt biên với gia đình mình và sáu gia đình khác. Đêm con tàu vượt biên ra khơi lại chính là đêm tổ tuần tra của Nguyên chịu trách nhiệm. Nguyên cho biết, chiều hôm ấy anh được tập đoàn cho biết buổi tối có tàu ra khơi đánh cá nên không nghi ngờ gì vì cũng như bao lần trước, họ ra khơi như thế và đã trở về. Dù sao trong đơn vị cũng có những người có ý nghi ngờ Nguyên không trung thực trong vụ này.
Nguyên buồn bã than thở với Dương:
- Tôi không trách anh em vì người ta có quyền nghi ngờ. Nhưng tôi không khỏi suy nghĩ, cậu Dương ạ. Cớ sự này, có lẽ tôi không thể ở lại đơn vị được nữa...
Nguyên xin chuyển ngành, về công tác ở Công ty vận tải huyện Lâm. Anh được bố trí nhiệm vụ phó phòng tổ chức của Công ty.
Việc thử thời vận của Nguyên có kết quả sau đó không lâu. Anh trúng số độc đắc cặp mười. Đem theo một số tiền lớn về xã Bình, Nguyên tặng đơn vị cũ một nửa để cải thiện tập thể, nửa còn lại anh khao bạn bè một bữa linh đình. Dương nhắc Nguyên lúc tiệc tan:
- Tôi mừng anh gặp may nhưng cũng muốn nhắc anh đừng để cái may mắn ấy đến rồi đi quá mau. Thường người ta khó mà giữ được cái gì không phải của chính mình làm ra.
Nguyên cười lớn:
- Cậu yên tâm. Tôi biết cách sử dụng đồng tiền may mắn kia mà...
Dương chờ xem Nguyên hành động. Và Dương đã phải thầm phục Nguyên. Anh ta mua đất, xây nhà, sắm các vật dụng tiện nghi và giữ gìn tuyệt không sa vào bài bạc, rượu chè. Nguyên lại cưới vợ mới là một cô nhân viên dưới quyền mình, theo lời anh ta nói với Dương, là để có người chăm sóc việc nhà giúp cha con mình. Hai năm sau ngày cưới, vợ Nguyên sinh cho anh ta một cô con gái kháu khỉnh.
*
Người ta kể lại rằng trước khi nhà ông Phó giám đốc Công ty vận tải huyện Lâm bị cướp hụt, ông đã bị cướp thật một lần. Có điều, trong lần ấy, vật bị cướp đi không phải là xe cộ, máy móc, tiền của...
Quê ngoại bà Phó giám đốc ở một tỉnh miền Tây, xa xôi quá nên ông Phó giám đốc chỉ về cùng vợ con một lần vào dịp ăn giỗ. Còn những lần khác ông đều bố trí xe con đưa vợ con về quê, không lần nào quên căn dặn cậu lái xe phải chú ý an toàn giao thông và sẵn sàng giúp bà và cô khi cần.
Một hôm, một người quen báo cho ông Phó giám đốc biết một cái tin chẳng hay ho gì mà họ tình cờ biết được. Ông không tin nhưng cũng làm theo lời bày vẽ của người đưa tin.
Hôm ấy, đợi xe đưa vợ con về quê ngoại ăn cưới một người quen nào đó, đi được hơn tiếng, ông Phó giám đốc điều một chiếc xe khác bí mật đi theo. Tới Sài Gòn, ông tìm đến ngay địa chỉ được cho biết trước và quả nhiên thấy xe chở vợ con mình đậu trong gara khách sạn. Mười một giờ đêm, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và chủ khách sạn, ông có mặt trong căn phòng máy lạnh, đầy đủ tiện nghi để chứng kiến sự ngoại tình của cô vợ trẻ, bà Phó giám đốc, và cậu lái xe. Đau đớn nhưng ông không nói một lời, chỉ thở dài rồi bỏ đi trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Ngày hôm sau người vợ trở về. Cô ta nói thẳng với chồng:
- Hồi đó tôi nhận lời lấy anh vì mê cái tiếng là vợ ông phó phòng tổ chức Công ty, cũng như hiện nay, tôi hãnh diện vì là vợ ông Phó giám đốc. Còn quan hệ mới của tôi thì trái lại, nó hoàn toàn vì tình. Vả lại, chắc anh cũng nhận thấy, tôi với anh ấy xứng đôi hơn với anh chứ!
Ông Phó giám đốc chết điếng, không nói được nửa lời.
Ngày hôm sau nữa, người vợ đem đứa con gái bỏ đi cùng tình nhân của thị.
*
Mùa mưa, cơn mưa này nối cơn mưa khác. Những khoảng thời gian ánh nắng mặt trời hửng lên thật hiếm hoi. Bầu trời nhuộm một màu tím xám, ủ dột.
Nguyên đã khỏe lại sau hai ngày nghỉ ngơi. "ng ta hút thuốc liên tục, nói rất ít lời và chỉ nói những gì thật cần thiết. Dương bảo Nguyên thay bộ pygiama đã bẩn để mặc tạm bộ quần áo lính của anh, ông ta từ chối. Dương rủ Nguyên ra biển tắm, ông ta cũng lắc đầu.
Tối ngày thứ ba kể từ khi trở lại xã Bình, Nguyên mới nói với Dương:
- Tối nay cậu thức với tôi được chứ?
- Chắc anh cần tâm sự?
Dương hỏi và Nguyên gật đầu.
Câu chuyện tối hôm ấy có mấy lần bị ngắt ngang bởi những câu hỏi của Nguyên. Lần bị ngắt thứ nhất, Nguyên hỏi Dương:
- Vụ vượt biên của tay tập đoàn trưởng đánh cá ngày nào, cậu có nghi ngờ gì tôi không?
- Có! - Dương đáp thẳng dù anh chưa cân nhắc được có nên đối xử như thế với Nguyên không - Nhưng tôi không tìm được bằng chứng nào nên từ hồi đó cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể kết luận.
- Cậu và những ai nghĩ như cậu đã đúng ! Tôi đã bán bãi, Dương à.
Dương nghe mình nghẹn thở.
Lần ngắt thứ hai, Nguyên hỏi:
- Chắc cậu vẫn tin là tôi trúng số cặp mười?
- Phải.
- Điều ấy không phải là sự thật. Mà sự thật là với số vàng bán bãi thu được, tôi đã mua lại vé số trúng của một người khác trên tỉnh rồi lấy đó mà giải thích cho sự giàu có đột ngột của mình.
- Nghĩa là ngay cả việc mua vé số mà anh bảo là để thử thời vận trước đó, cũng là một sự chuẩn bị sẵn của anh?
- Rất tiếc, đúng là như thế.
Dương không kềm chế nổi:
- Khốn nạn quá!
Nguyên thở dài.
Lần thứ ba, Nguyên hỏi:
- Cậu có cho rằng tôi bị vợ cắm sừng rồi bỏ đi với tình nhân là một mất mát lớn trong đời không?
- Có thể là như thế!
- Sao lại là có thể?
- Vì tôi không tin là anh yêu cô ta, cô ta cũng không hề yêu anh .
- Rất đúng! Hồi ấy tôi là một phó phòng, tôi cưới cô ta chỉ vì muốn mình trở thành người chiến thắng trong số những người theo đuổi cô gái trẻ đẹp ấy mà những người kia đều còn trẻ hơn tôi.
Thêm một lần, Nguyên thở dài.
Lần thứ tư:
- Cậu có nghe người ta kể là thằng cướp bị tôi bắn sau đó đã chết hay không?
- Có!
- Còn chuyện về thằng con riêng của tôi?
- Nó ra sao?
- Nó càng lớn càng hư hỏng. Nó bỏ học, lao vào ăn chơi, bài bạc. Tôi răn dạy không được, đành yêu cầu chính quyền đưa nó vào trại cưỡng bức lao động, hy vọng ở đó sẽ uốn nắn được nó.
- Và kết quả?
- Nó đã trốn trại, cướp súng của công an, giả công an cùng một thằng bạn đến cướp ngay tại nhà cha nó. Nó đã run tay không dám bắn cha nó và bỏ chạy trốn, rồi sau đó bị chính cha nó bắn chết!
Dương không khỏi bàng hoàng trong lúc Nguyên gục đầu vào hai bàn tay, khóc như đêm đầu tiên tỉnh rượu dậy. Tiếng khóc vẫn không có âm thanh vì nó vẫn lẫn vào tiếng gào thét của biển.
Khá lâu, Nguyên mới bình tĩnh lại. Ông ta nói với Dương mà như nói một mình cho chính mình nghe :
- Hồi ấy cậu nói đúng. Cái gì không phải thật sự của mình, đúng là nó chẳng ở với mình được lâu dài. Tiền của chẳng phải của tôi, vợ con cũng chẳng phải của tôi...
Dương muốn an ủi kẻ đau khổ:
- Anh vẫn chưa mất hết đâu. Anh còn quãng đời cống hiến không suy tính hơn thiệt trước khi vào Đảng. Anh còn hy vọng...
- Không! Cậu lầm rồi! - Nguyên lắc đầu - Cả quãng đời ấy cũng không thật là của tôi nốt. Tôi thấy vào ngày ấy, muốn có địa vị, tiền tài danh vọng, phải trở thành Đảng viên. Những gì tôi đã làm chỉ là phương tiện để đạt đến mục đích mà thôi. Cậu đã hiểu chưa? Cậu đã hiểu chưa?
Dương cảm thấy lạnh mình. Hai người im lặng một lúc cho tới khi chính Nguyên lên tiếng trước:
- Cũng có thể... phải... có lẽ... có lẽ tôi cũng còn một cái thật là của mình...
- Cái gì?
- Thôi, ta đi ngủ. Sáng mai tôi sẽ nói với cậu...
*
Tiếng kẻng báo thức vừa vang lên, từ dãy nhà tập thể đã có tiếng hô "Một- Hai- Ba- Bốn" của một người lính nào đó rủ các bạn của mình ra sân tập thể dục. Dương tung mình ra khỏi chiếc giường cá nhân, nhìn về phía giường Nguyên như một phản xạ. Nguyên đã dậy và không còn ở trong phòng. "ng ta gấp mùng mền để ngay ngắn bên dưới gối, hệt như hồi ông ta còn là một người lính ở đơn vị. Cái túi xách bằng da xẹp để trên bàn. Cạnh đó là một tờ giấy trắng được dằn bằng hòn cuội lớn cỡ trái trứng gà. Dương đọc được trên tờ giấy dòng chữ viết nguệch ngoạc của Nguyên: "Tình yêu của biển".
Dương hốt hoảng chạy ra bãi biển.
Chẳng thể thấy gì, kể cả Nguyên, trên bãi biển vắng vẻ, trừ bầu trời sớm ẩm hơi nước, lạnh đến rùng mình. Những đợt sóng nhỏ đang ùa vào bờ, chợt oằn mình quay ngược ra khơi. Một cơn mưa biển lại bắt đầu rơi khi bình minh chưa kịp đến./.