1 - Những ngày cuối năm ở cơ quan tôi buồn hiu. Không có khách đến thăm. Ai cũng lo chuẩn bị những ngày Xuân của nhà mình. Điện thoại của tôi có tin nhắn: “ Anh quên hả? Kiếm lý do gì đó đi thăm mộ Ba với em”. Tôi mới nhớ trong những lần gặp gỡ, than thở về chuyện nhà, nàng bảo từ ngày Mẹ nàng dứt bỏ chuyện hồng trần, cắt tóc quy y, nàng chưa hề vảy mả Ba như hằng năm hai mươi lăm Tết Mẹ nàng vẫn dắt nàng đi. Tôi trả lời: “Ok. Đi tay không à?” – “Tới gần đó ghé cửa hàng vật liệu xây dựng mua, làm chút xíu là xong”. Tôi nhắc: “Bó nhang. Hộp quẹt nữa nhe. Đi bộ ra trước đi”.
Không thể đi chút xíu được. Đường đông nghẹt. Ngó là biết ngay dân đi vảy mả khác với khách đi đường. Xô, xẻng, bông hoa, nhang đèn lỉnh kỉnh. Thỉnh thoảng lại có mâm heo quay vàng ươm nằm banh họng cười. Địa danh Gò vùng tôi ở nói lên vị thế cao ráo của mình nên từ xưa nó hình thành nhiều thành phố buồn bề thế. Bây giờ thành phố phát triển, cư dân vùng này trở nên đông đúc. Mấy cái nghĩa trang hoành tráng đó được giải tỏa di dời tạo nên bộ dạng mới. Nghĩa trang lính Cộng hòa dài gần cả cây số thành xí nghiệp ô tô. Đất Thánh Tây thành làng hoa, nghĩa trang Rạch Giá thành xí nghiệp cơ khí… Nhưng đâu đó rải rác trong khu dân cư vẫn còn mồ mả, từ đường dòng họ vẫn còn nguyên trong những mảnh đất mênh mông của tư nhân. Nghĩa trang của chùa chiền cũng vậy, có nơi ngưng tiếp nhận mới, giữ y mộ cũ. Đi dọc tuyến đường Nam Bắc ven biển miền Trung ngó lên lưng chừng núi kia, lên đồi cát nọ thấy lô nhô màu sắc khác thường thì biết ngay đó là một thành phố buồn nơi an nghỉ bao nhiêu cuộc đời của cư dân vùng này. Những lúc đó tôi thấy đất trời bao la bớt cô quạnh một chút, rằng ở đây cuộc sống vẫn từng diễn ra và tồn tại. Đến ngày nào những thành phố buồn này biến mất thì buồn biết mấy!
Ba nàng nằm tại nghĩa trang chùa H., tuốt ở huyện ngoại thành, cách khu trung tâm thành phố hơn chục cây số. Nàng tựa vào bờ vai tôi suốt đoạn đường cho tôi khi ghé mua các thứ. Tôi tư vấn nàng mua một thùng sơn nước ngoài trời loại nhỏ với mấy thứ lặt vặt: xô, cọ, bàn chải sắt…
Nghĩa trang nghi ngút nhang khói, từng đám người rải rác đây đó chứ không hoang vắng âm u như nàng nghĩ. Tôi tự nhủ có phải nàng sợ hãi cái âm khí nặng nề nơi đây hay đã hòa hai làm một, ba của nàng cũng là ba của tôi, chuyện của nàng cũng là chuyện của tôi?
Qua cổng nghĩa trang, nàng chỉ tôi rẽ trái vào một lối mòn:
- Mộ ba em ở chỗ dãy có một ngôi chùa cao cao đàng kia.
Nàng xanh mặt khi không tìm ra ngôi mộ của Ba. Tôi nhìn quanh mới hay đâu chỉ có một ngôi nhà mồ cao cao như nàng ghi dấu. Có lẽ có người thích kiểu nhà mồ này nên phiên bản thứ hai, thứ ba ra đời kiểu cọng lông của Tôn Ngộ Không hóa phép. Tôi đi xuống phía dưới và thấy ngay tên Ba nàng trên một ngôi mộ đơn điệu loang lổ rêu đen.
- Đây nè em ơi!
Nàng cười rạng rỡ:
- Giỏi hén! Chưa hề đến lần nào mà tìm ra ngay!
Tôi hù nàng:
- Ba chỉ anh tới đó!
Nàng loay hoay đốt bó nhang rồi chia tôi một nửa. Tôi xá ba cái rồi cắm ba cây nhang vào lư hương gắn dưới bia mộ ba nàng, số còn lại đem cắm vòng vòng các ngôi mộ tứ phương hàng xóm trong khi nàng vẫn lâm râm khấn. Tôi đùa:
- Nhớ xin phép ông cụ cho thằng cu ly sơn phết nhà cụ nhé!
Nàng lừ mắt một ánh nhìn dịu dàng và một nụ cười buồn bã. Tôi tự hỏi không biết nàng giới thiệu với Ba, tôi là ai? Người yêu của con, bồ của con, thằng bạn cùng sở hay thằng xe ôm? Ông cụ lặng im. Hình như ở đây im lặng không có nghĩa là bằng lòng. Nàng cứ cắm hết những cây nhang rồi quay sang đấm vào vai tôi một phát.
- Đến đây đừng đùa. Ba em khó tính lắm!
Có mấy cây nhang cong còng, chậm chậm nhả làn khói nhẹ như không muốn bay lên. Tôi đáp nàng bằng một câu nữa:
- Xóm nhà này giàu. Đường hẻm đã được bê tông hóa. Không có một cọng cỏ!
Rồi tôi phân công:
- Em thanh toán lớp rêu đen đen đó. Anh lại đàng giếng xách xô nước
…
2- Thằng An là thằng thứ hai rủ tôi đi tảo mộ. Hình như vì dự tính tự năm nảo năm nao. Nó đến rủ đúng ngày hai mươi lăm âm lịch năm đó là ngày thứ bảy, tôi không có đi làm.
- Đi chơi chút. Có độ!
- Ở đâu?
- Đình Thông Tây. Chỗ sau trung tâm giáo dục thường xuyên. Hôm qua qua ông già rồi.
Ba nó bạo bệnh mất từ hồi nó còn bé tí, nằm ở đất dòng họ ở Bình Hòa, miệt nhà máy Vissan. Tôi nghe nó kể không biết bao nhiêu lần mà chưa hề có dịp đến chỗ bà chị cô cậu bên ba nó, làm mồi nhậu rất bén nhưng kỹ tính vô phương. Tôi hỏi:
- Ủa! Ông không lên bà già?
Tôi biết mẹ nó nằm ở Tân Thới Hiệp. Đám tang mẹ nó, tôi có đi tiễn tận nơi. Nó cười nhẹ:
- Bà già có ông dượng với thằng em lo. Gánh đó không hạp. Đây là bên Ngoại. Một chút có Cậu tư với thằng Nam, thằng Bắc qua nữa.
Nó sống với Cậu tư từ nhỏ cho tới khi đi làm. Tôi có gặp ông hai, ba lần. Một lần tôi và nó đi ngang Quận Tư ghé nhà và hình như một lần ở đám giỗ.
Mộ Bà Ngoại nó bằng đá mài. Hai thằng chà rửa một loáng là xong. Tôi nổi gai ốc khi thấy dạ dưới tấm đal thân mộ cơ man là gián. Tôi nhớ nó có kể Bà Ngoại nó hồi còn sống không bao giờ đập giết gián với quan niệm là mình có ăn thì cũng phải chia sẻ cho người ta ăn!
Lục đục trước sau tề tựu ngoài một chục. Ba vợ chồng con cái gánh con Dì Ba là tám. Thằng Nam chở chú Tư, thằng Bắc áp tải con heo quay. Thằng An hồ hởi giới thiệu tôi với anh chị em nhà nó: nào là “chiến hữu của An”, là “bạn thân thiệt của Ba Nhỏ”… Tụi nó líu lo thăm hỏi nhau trong lúc tôi đứng lóng ngóng cười trừ. Rể Dì Ba có một thằng là diễn viên điện ảnh có tiếng. Tôi hỏi vu vơ vô phim Tết cho nó được dịp phồng mũi. Mấy cây nhang như sợ hơi người tàn nhanh để cậu Tư chặt thịt quay, mọi người ngồi xổm uống mấy lon bia. Cậu Tư gói cho đứa này đứa kia mang về khi ánh nắng lấp lóa. Thằng An lĩnh phần khá to vì là “thổ địa”. Thằng An hể hả. Cái hể hả tự dưng mà có mồi của dân nhậu sành điệu, y như quan tham bỗng dưng có của đút dại gì từ chối!
- Anh em mình về nhà tiếp tục chiến đấu.
Thằng An kéo áo tôi. Tôi ghé tiệm mua chai VốtKa trong lúc nó lên giọng:
- Hăm lăm vẩy mả mới là truyền thống rặt Việt, Thanh Minh tảo mộ chỉ là mình ăn ké của người Hoa…
3- Tôi thôi cay cú với thằng An bởi câu nói vô tình của nó: “Nóc nhà xa hơn chợ…”. Xưa nay tôi có về vẩy mộ cha tôi một lần nào đâu. Sinh thời, ông sống đời “cu Lặc” bên Nội thì khi mất đi, mấy chú tôi lo liệu. Tôi biết mộ ông không đến nỗi phải chờ người ta quét thí vì hai lăm Tết không có thân nhân, vì nằm ở đất dòng họ. Bây giờ mọi chuyện thôi bàn bạc, bởi vì thằng An “tiêu xương mạng” ở lò thiêu Bình Hưng Hòa, lấy gì con nó vẩy mộ ngày hăm lăm âm lịch truyền thống? Tôi không còn đi vẩy mộ ké với ai nữa. Nàng đã rời cơ quan tôi, bởi vì hình như hôm đi vẩy mộ, Ba nàng giúp nàng xác định bờ vai tôi chỉ là bờ vai ké. Nàng đi tìm một bờ vai dẫu ẻo uột nhưng là bờ vai của nàng để tha hồ dựa dẫm, không phải đợi kiếm cớ đi vẩy mộ.
Tôi phát hiện một điều: ai không vẩy mộ ngày hai mươi lăm Tết là dân ngụ cư - trừ những người đi vẩy mộ ké như tôi và trừ đời sau những người bị “tiêu xương mạng” ở lò thiên như thằng An.