Hóa ra người đàn ông cao gầy mang kính trắng bước sang đường là người bạn cũ, tôi đang đợi anh tại quán cóc của Kỳ, ở một góc phố vùng Tân Định. Người bạn cũ chẳng giống như tôi hình dung, chúng tôi không gặp nhau đã trên ba mươi năm. Chậm rãi chào hỏi, bắt tay nhau. Tôi không nhớ ngày trước anh có vồn vã khi lâu ngày gặp bạn, bây giờ thì chậm rãi, hơi uể oải, giống sự lãnh đạm. Anh nói cũng chậm rãi, nhỏ giọng. Và anh nói chỉ là trả lời những gì tôi thăm hỏi. Buổi gặp lại của hai người bạn sau mấy chục năm xa cách không đến nỗi nhạt nhẽo, nhưng không đằm thắm.
Sau buổi gặp, cảm tình của tôi đối với anh tăng gấp đôi, dĩ nhiên không chính xác cân đong đo đếm như vậy. Cái nhìn của tôi về anh thay đổi, chuyển vị hẳn người bạn cũ, trong mường tượng của tôi chỉ là một anh chàng đẹp trai và dễ mến mà thôi. Anh hiểu biết, có thể gọi là trí thức, dĩ nhiên trí thức không nhất thiết là người có học thức cao rộng. Bạn học cũ, tôi biết rõ anh học tới đâu trước khi di tản sang Mỹ. Từ đó tới nay đã trên ba mươi năm, anh có thể đã là người học thức cao rộng, dĩ nhiên điều đó chẳng quan trọng.
Nhưng nếu anh không có gì thay đổi, vẫn là người bạn cũ như tôi mường tượng... Dĩ nhiên người bạn cũ cộng thêm trên ba mươi năm cuộc sống bên Mỹ, tôi không thể mường tượng cho ra được. Dù sao tôi vẫn mường tượng, hơn nữa, tôi thường được nghe tin tức về anh. Tôi đã mường tượng, nghĩa là anh chàng đẹp trai bạn tôi có cuộc đời ái tình hôn nhân gay cấn... Tôi chẳng quan tâm những chuyện ái tình hôn nhân của ai để làm gì, nhưng anh là người bạn cũ vừa đẹp trai vừa dễ mến. Tin tức chủ yếu về anh cũng lại là chuyện đó. Tôi thấy chuyện đó có phần ngộ nghĩnh, đã trở thành một chi tiết trong một truyện ngắn của tôi, đăng tải trên báo mạng Tiền Vệ. Nhân vật chính trong truyện ngắn đó là ông Sơn Núi, một nhà thơ.
Đêm mưa, ở lại nhà Nguyễn Thiên Chương, ông Sơn Núi và tôi ngủ trên sàn nhà. Không nghe ông Sơn Núi ngỏ lời lên ngủ trên gác, còn tôi rất sợ tiếng mưa trên mái tôn, nó là một cuộc tra tấn, khủng bố khủng khiếp. Ông Sơn Núi dậy rất sớm, lúc hai giờ sáng, đánh thức tôi bằng câu hỏi: “Này, ông là bạn lão B.X.H. hả?” “Ừ, bạn học cũ thời trung học đệ nhất cấp. Mà sao ông biết?” “Biết chứ! Lão ấy lấy con mu (ông Sơn Núi gọi mụ là mu) vợ cũ của ông Tướng Râu Kẽm. Hồi con mu này còn nhỏ, tôi dạy kèm Anh ngữ ở nhà con mu tại Nha Trang.” “Đúng, bạn tôi đã từng lấy cô ta, nhưng nay họ lại bỏ nhau rồi.”(Sau đó họ lại Châu-Về-Hiệp-Phố, như tôi vừa biết khi gặp lại bạn cũ.) Ông Sơn Núi lại nhắc câu hỏi về người bạn học cũ của tôi, rằng lão ấy ra sao. Tôi nói: “B.X.H. rất đẹp trai. Vẻ đẹp của Marlon Brando cộng với Kennedy.” Ông Sơn Núi cười thích thú một chập: “Cộng với c. lõ nữa chứ!”
Lúc viết ra chi tiết này, tôi nhớ lại như chuyện mới hôm qua: hai cậu học trò ngồi cạnh nhau cùng các bạn học, tập trung tại sân trường để nghe ông Tướng Râu Kẽm nói chuyện về binh chủng không quân của quân đội Sài Gòn. B.X.H. chăm chú nhìn ngó ông tướng, vẻ rất ngưỡng mộ, nói nhỏ với tôi: “Sau này tớ mong được vào không quân, chỉ xách cặp táp -nghĩa là làm tà lọt- cho ông Tướng Râu Kẽm là khoái rồi...” Sau này ở bên Mỹ, anh kết hôn với ‘con mu’ -lúc này đã ly dị ông Tướng Râu Kẽm- từng học tiếng Anh thầy Sơn Núi dạy kèm tại tư gia. Tôi thấy có phần ngộ nghĩnh lúc nghe tin đó, dĩ nhiên có phần ngộ nghĩnh không hẳn là ngộ nghĩnh. Có phần ngộ nghĩnh, nghĩa là trong đó có sự tréo ngoe, có cái gì đó giống như cú lộn mèo. Tôi ghi lại nguyên văn lời ông Sơn Núi nghĩa là tôi đồng tình với lối nói của vị gia sư về người học trò . Thú thật tôi không thiện cảm với người đàn bà của anh. Những gì tôi biết, thì người đàn bà này là một con buôn với cái vốn liếng có sẵn. Về Sài Gòn lần này cùng bà ta, anh cho biết, chỉ là về cùng một chuyến, mở quán phở tại Sài Gòn là chuyện của bà ta. Nhiều người ở Sài Gòn đã biết tin bà ta sẽ mở quán hàng phở, như số đông Việt kiều đã về Sài Gòn mở công ty, làm ăn này nọ.
Anh không nói gì về chuyện này, hiển nhiên không phải chuyện của anh, như anh đã xác định. Anh gửi Kỳ và tôi thiệp mời dự buổi khai trương quán phở, do Kỳ nói với anh rằng có đọc tin trên báo mạng về cái vụ mở quán. Tôi nghĩ anh ở trong tình trạng chẳng-đặng-đừng, vì lịch sự, khi đưa thiệp mời cho Kỳ và tôi.
*
Buổi đầu tiên gặp lại người bạn cũ, như tôi đã nói, B.X.H. chỉ trả lời những gì tôi thăm hỏi. Có thể anh không chủ ý kiệm lời, có thể anh đã trở nên người trầm lặng. Anh còn nói gì được khi tôi hào hứng quá, hỏi anh hết chuyện này tới chuyện khác. Thật ra, anh tự ý cho tôi biết tin tức về những bạn học cũ hiện nay làm gì, ở đâu, vân vân. Thay vì nói X và Y ở cùng một thành phố, anh nói: “X và Y ở cùng một tỉnh.” Cái từ Tỉnh nghe rất Sài Gòn, Việt Nam. Tôi không nhớ được nhiều bạn học cũ mà anh nhắc. Tôi xa họ sau khi tôi rời trường trung học Hồ Ngọc Cẩn, chuyển sang học trường Chu Văn An. Anh thì học tiếp ở trường Hồ Ngọc Cẩn hai năm nữa, và nghỉ học sau khi thi rớt tú-tài-phần-một.
Tôi ngạc nhiên khi anh tới nhà tìm tôi. “Biết bạn ở đây thì mấy lần về trước tôi đã ghé nhà bạn rồi. Về Sài Gòn lần nào tôi cũng đi qua con phố này... Bạn biết cái ‘quán nửa khuya’ ở đường Minh Phụng đấy chứ ?...” Tôi không hề biết cái quán nào ngoài cái quán cóc của Kỳ ở vùng Tân Định, và vài cái quán ở khu vực nhà thờ mang tên Jeanne d’Arc, gần Ngã Sáu vùng Chợ Lớn. Ngày ngày tháng tháng, tôi ngồi cả buổi ở một trong vài cái quán đó, ngó tới ngó lui ngôi trường Chu Văn An, sau bao biến thiên vẫn mang tên trường Chu Văn An, nhưng không phải là trường trung học Chu Văn An như thuở trước, nghĩa là ngôi trường ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong quãng đời đi học của tôi. Đấy là một thời diễm ảo đã mất, dĩ nhiên như vậy. Và dĩ nhiên như vậy tôi còn một-chút-gì-để-nhớ... Và tìm-lại-thời-gian-đã-mất từ ngôi trường vẫn sờ sờ trước mắt, trong một buổi sáng ngồi quán cóc ở khu vực nhà thờ nữ thánh huyền thoại của Pháp quốc...
Quán nửa khuya đèn mờ như sương khói...
Đèn mờ dễ chịu cho cơn ngái ngủ, cho tiếng hát sương khói hòa trộn không gian. Những chùm hoa bằng lăng sáng rõ màu tím dịu dưới ánh đèn đường. Ba cô tiếp viên, bộ đồ bà ba hòa dịu đường nét thân thể nẩy lửa... Hóa ra B.X.H., từ chốn thiên đường xa tít mù như ảo vọng, trở về thành phố cũ ở quê nhà, dẫn bạn cũ tới một nơi tuyệt vời như không có thật. “Quán mở cửa suốt đêm đấy, bạn có thức khuya được không?... Thích uống bia thì uống bia, rượu Tây cũng có. Bia rượu ở đây có đủ thứ hết...” Bây giờ là dịp để tôi nói rằng tôi đang thoải mái dễ chịu nhường nào. Tôi nói đây là chỗ tuyệt vời có thật, chỗ lý tưởng cho một người đã hàng chục năm mất ngủ. “Từ mười mấy năm nay, tôi không thể ngủ được giấc ngủ bình thường như mọi người, không thể ngủ dù một giấc ngắn chừng một tiếng đồng hồ. Nhưng sức khỏe của tôi vẫn bình thường, rất bình thường là đằng khác. Duy có điều, là tôi luôn ở trong tình trạng ngái ngủ. Tôi thấy lời Trang Tử có phần thích hợp với tình trạng của tôi: Im lìm thức, ơ hờ ngủ...” Anh nói: “Tôi hiểu, đúng như vậy. Ông cậu của tôi, ông cậu là luật sư ấy, chắc bạn còn nhớ, bị mất ngủ suốt hai mươi năm, vẫn sống thọ tới tám mươi tuổi đấy.”
Một cô đi lướt ngang, một cô khác đứng tần ngần nơi bàn chúng tôi, tỏa đậm mùi nước hoa. Ở một bàn trong góc tối, hơi khuất ánh đèn mờ, một ông khách gầy guộc, mang kính trắng, ngó xuống ly nước, có lẽ là ly cà phê đá, mấy ngón tay ông ta gõ nhịp trên mặt bàn. “Quán này đàng hoàng, không phải quán bia ôm, cà phê ôm đâu...Ở Sài Gòn có cả quán thịt chó ôm, bạn biết không?...” “Ờ, tôi cũng chẳng ưa ôm ấp gì trong quán xá. Vào quán này để nghe nhạc xưa, nhất là được nghe nhạc boléro chẳng hạn, thật gợi cảm cho những nỗi mênh mông u hoài...” Anh gật đầu, những sợi tóc mềm ngắn nằm im nhẹ trên vầng trán phẳng rộng. Một lúc anh cúi đầu xuống: anh không còn giống tài tử điện ảnh Mỹ Marlon Brando cộng với tổng thống Hoa Kỳ hào hoa Kennedy nữa, tôi ngỡ mình đang ngồi chung bàn trong ‘quán nửa khuya’ ở đường Minh Phụng, với nhà văn Ái-nhĩ-lan James Joyce...
Con đường mang tên em, đèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu xưa...
Bài hát nhắc tôi những ngày ở Huế mùa-hè-đỏ-lửa, bên đồng đội, những gã lính Đại Đội Hắc Báo bặm trợn mang vẻ tư lự u hoài trong một quán cà phê bên dòng sông Hương nửa đêm về sáng... “Hồi đó bạn có mối tình nào với một em nào của xứ Thần Kinh thơ mộng?... Ừ, tôi cũng ớn các em gái xứ Thần Kinh lắm, dính vào các em là tiêu đời... Ấy nhưng mà, bạn, một chàng biệt kích báo đen, thì cũng chả đến nỗi phải sợ các em đâu...”
Chuyện trò trong ‘quán nửa khuya’, tôi không ngờ B.X.H. quan tâm tới văn chương nghệ thuật, rất am hiểu, cảm nhận tinh tế nữa là đằng khác. Anh đọc hầu hết các tác giả văn xuôi văn vần Việt Nam đương đại cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, dĩ nhiên như vậy là đã đọc ít nhiều thơ truyện của tôi. Nên tôi hồi hộp hỏi anh đã đọc truyện nào của tôi trên báo mạng Tiền Vệ, nói mơ hồ về cái truyện trong đó tôi có nhắc tới anh (dĩ nhiên tôi không nói tới ‘con mu’ gì hết.) “Truyện ấy hả? Tôi cũng đã đọc rồi... Nhân vật Sơn Núi có phải là nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không?...” Nghe anh nói vậy, tôi yên lòng. Nghĩa là anh không quan tâm cái vụ ‘con mu’ gì hết, anh còn khen: “Bạn viết lạ lắm, khác hẳn những tác giả trước cũng như sau... Người đọc bạn sẽ hình dung bạn là còn rất trẻ. Giả dụ tôi không biết bạn, tôi cũng sẽ hình dung bạn như vậy. Và đọc bạn viết, thấy giống như đọc truyện của một nhà văn nước ngoài nào đó, bằng tiếng Việt...”
*
Ông khách gầy guộc mang kính trắng bây giờ ngồi ngả người vào cô gái, hình như là cô lúc nãy đứng tần ngần ở chỗ bàn chúng tôi, mái tóc thả dài của cô bây giờ kéo hết sang bên ông khách. Điện thoại di động trong túi quần tôi reo. Tiếng nói của Kỳ: “Anh còn thức đấy chứ hả?... À mà anh bị chứng mất ngủ, đâu có ngủ nghê con cóc khô gì... Này anh, em đang say ngất ngư đây, anh B.X.H. mang ra quán bờ kè Tân Định một cặp Rémy Martin, mà chỉ có ba người thôi... Em có nói để kêu anh ra nhưng anh B.X.H. có vẻ không ưng. Hình như anh ấy giận anh cái gì đấy... Hình như về chuyện thơ văn gì đấy mà... Anh ấy bảo... anh ấy chê anh viết cái gì đấy, anh ấy bảo là anh bày đặt viết lách tào lao... Viết không ra cái đếch gì, không đáng xách dép cho những người bạn thân của anh ấy ở bên Mỹ, những nhà văn danh tiếng lẫy lừng như... như Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Ngọc Hoài Phương gì gì đó nữa... em không nhớ hết nổi. Anh ấy vào trong toa-lét nãy giờ chưa ra... Dám có em nào đang níu kéo anh B.X.H. ở trong đó... Thôi nhé. Minh Bò con ông giáo sư âm nhạc Trần... xỉn gục tại chỗ từ lúc nãy. Em cũng say quá chừng rồi. Thôi anh ráng ngủ đi. Anh cứ nhắm mắt lại, đếm chậm chậm từ một tới mười tới một trăm tới một ngàn...”
Hóa ra tôi vào ‘quán nửa khuya’ có một mình. ‘Quán nửa khuya’ có mình tôi và ông khách gầy guộc mang kính trắng, và ba cô gái vận đồ bà ba nữa chứ. Tôi vẫy tay gọi cô gái đang ngồi cạnh cô gái gục đầu ngủ, tóc lòa xòa trên mặt bàn, bảo mang ra một chai rượu vang đỏ. “Có rượu vang Pháp, vang Tây Ban Nha, vang Chi-lê, vang Ác-hen-ti-na, anh hai uống thứ nào?” Tôi nói thứ nào cũng được, miễn là rượu vang. Giọng cô gái ngoan ngoãn, ngọt ngào: “Dạ!”
Lúc này, bài hát tôi ưa nghe trong những năm chinh chiến, càng ưa hơn từ thời gian tôi bị chứng mất ngủ, vang lên trong đêm khuya khoắt: Màn đêm dần tàn, tôi đến sân ga đưa tiễn người trai đi về ngàn...
Thật ra, bài hát nào tôi cũng ưa nghe, miễn là giai điệu boléro. Cũng chẳng cần đúng giai điệu boléro, miễn là từa tựa như vậy, cũng đủ dịu dàng êm ái dỗ giấc ngủ ơ hờ. /.
Sài Gòn, tháng 11.2009