Bài đăng trên tạp chí SPIEGEL: “The Lost Decade”
Tác giả: Dirk Kurbjuweit, Gabor Steingart và Merlind Theile
Thông điệp của chiến dịch quảng cáo là cái đã thay đổi trong cuộc sống của chúng ta. Quảng cáo xuất hiện trong mấy tuần gần đây trong những trạm chờ xe buýt và trên những bảng lớn trên khắp nước Đức, trưng những bức ảnh tưởng như bấm chụp tình cờ kèm theo những dòng chữ như “Chúng tôi Google thấy giờ mở cửa tiệm bánh bên kia đường” hay “Chúng mình vừa nói chuyện điện thoại với má vừa check mail cùng một lúc”
Christian Schwarm là người khởi xướng chiến dịch này, anh thiết kế ra nó để quảng cáo cho một tờ báo Đức hàng ngày. Schwarm, 37 tuổi, đứng đầu hãng quảng cáo Dorten ở Stuttgart, và là hiện thân sinh động của cái thông điệp trên những áp phích lớn của anh.
Khi không phải họp hành, Schwarm ngồi trước máy tính của anh và lên mạng. Cứ vài phút anh lại nhận được e-mail, và thường trả lời ngay. Anh không bao giờ rời khỏi văn phòng mà không mang theo iPhone. Anh đọc tin tức trên Internet, xem video trên YouTube và định kỳ kiểm tra xem có gì xảy ra trên các mạng xã hội của anh không. Schwarm có 320 bạn trên mạng xã hội Xing có cơ sở ở Đức, và trên Facebooks thì ít hơn, “chỉ có 120”, anh nói, nhưng con số này sẽ mau chóng tăng lên. Cuộc sống của Schwarm quấn chặt với Internet đến mức anh không còn có thể hình dung nổi một cuộc sống hoàn toàn offline nó như thế nào.
1,7 tỷ người dùng Internet toàn cầu.
“Toàn bộ Internet trên điện thoại di động chỉ thuần túy là tuyên truyền” Tờ báo Đức có uy tín Süddeutsche Zeitung viết năm 1999, khi gọi ý tưởng này là “một mong ước không thể đạt được”. Ngày nay số lượng bán ra của điện thoại di động có thể vào mạng đang tăng vọt.
Số lượng người dùng Internet trên toàn thế giới đã lên đến khoảng 1,7 tỷ. Hai phần ba dân số Đức ngày nay có Internet, so với một phần tám cách đây mười năm. Việc chúng ta sử dụng Google, công cụ tìm kiếm lớn nhất trên Internet, đã hầu như trở thành bản chất thứ hai, đến mức mà chúng ta đã dùng nó như một động từ để mô tả hành động. Động từ “to Google” đã được dùng và có trong từ điển từ nhiều năm nay.
Trong cuốn sách “Cuộc chuyển đổi vĩ đại” Nicholas Carr, một nhà phân tích công nghệ thông tin đã ví Internet với mạng lưới điện. Những gì xảy ra với việc phát điện cách đây một thế kỷ thì giờ đây đang xảy ra với việc xử lý thông tin, Carr lập luận, khi so sánh Google với một nhà máy thông tin khổng lồ.
Internet đã kết nối chúng ta với những xứ sở xa xôi hẻo lánh nhất trên trái đất, cho phép chúng ta trò chuyện với những người ở Tokyo, Sydney hoặc Rio, hoặc ngắm một anh chàng đang rửa chiếc xe của anh ta ở Minneapolis. Có thể nhìn thấy tất cả những gì con người có thể tưởng tượng ra được trên mạng xã hội Web 2.0, và chúng ta trở thành người chứng kiến tận mắt mọi sự xảy ra trên toàn thế giới. Mặc dầu phần lớn những cái chúng ta xem là chuyện vụn vặt tầm thường, nhưng cũng có một số nội dung thật sự quan trọng.
Ở Iran, phe đối lập không chỉ dùng công nghệ Web 2.0 để tổ chức sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm nay, nó còn tự xuất hiện cho toàn thế giới nhìn thấy. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2008, Barack Obama là ứng cử viên đầu tiên có được phần lớn tiền quyên góp từ những người ủng hộ và nhà tài trợ thông qua Internet.
Nhưng điều này có ý nghĩa gì đối với chính trị và xã hội? Liệu một môi trường tương tác có thể truyền sức mạnh cho một cộng đồng không? Đầu thiên niên kỷ mới này, hy vọng được đặt vào Internet, với đặc tính trong sáng và mạng lưới của nó, có thể củng cố nền dân chủ. Iran và Obama là những trường hợp được Net cung cấp cho cơ hội. Nhưng trong những trường hợp này Inetrnet chỉ là một cái nền để biểu thị sự phẫn nộ của quần chúng đối với một chế độ toàn trị, như ở Iran, và biểu thị nhiệt tình đối với một nhà chính trị có sức lôi cuốn. Ở Đức, nơi không có chế độ toàn trị mà cũng chẳng có những nhà chính trị có sức lôi cuốn, Internet không làm được gì để thay đổi sự thờ ơ chính trị của các công dân. Ngược lại, Đức là một trường hợp nổi bật về những phiền toái tạo nên bởi sự ồn ào liên miên của Net.
Sự thừa mứa thông tin
Vấn đề lớn nhất của Internet là mặt trái của lợi ích lớn nhất của nó: sự thừa mứa thông tin. Khi kiến thước luôn luôn có sẵn, chúng ta lúc nào cũng mong có nó. Vì mỗi mẩu tin hay mỗi e-mail đều tiêu tốn sức chú ý của chúng ta, chúng ta mất đi sự quan sát nội tâm và ngày càng trở nên lo âu.
Trong những năm 2000 chúng ta đã để cho Inetrnet đi vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn còn chưa biết làm gì với nó. Cơn lụt thông tin đã nhấn chìm chúng ta. Tính nặc danh mà nhiều forum mời mọc chúng ta đã cám dỗ chúng ta lao vào chửi bới những người sử dụng khác. Và không ai biết thật chính xác điều gì xảy ra với những dữ liệu chúng ta để lại trên Internet, với tất cả những e-mail của chúng ta và tất cả những thông tin về nhưng gì chúng ta mua.
Trong trường hợp tốt nhất, Internet tạo ra một diễn đàn thế giới để thảo luận công khai, một cơ sở cho những quyết định chính trị trong một thế giới cần đến sự điều hành toàn cầu.
Bản tiếng Anh: Christopher Sultan
Bản tiếng Việt: Hiếu Tân 210110