Hằng năm, cứ đến độ tháng 9 tháng 10 lại có những cơn mưa đầu mùa bất ngờ ập xuống. Có một loại cá từ thượng nguồn theo dòng nước trôi về, người địa phương gọi là cá trôi hay cá rói. Đó là một loại cá khá lớn, giống cá thu, con nhỏ nhất cũng đã đến cỡ một bàn tay. Chúng kéo nhau vào trong nà (vùng đất bồi ven sông, người địa phương gọi là gành) đã ngập nước để đẻ. Đến tháng 2 tháng 3 năm sau, nước sông cạn và ấm dần lên. Cá rói con, bây giờ có tên lá cá còm, chỉ to bằng ngón tay, trông như cá cơm biển, lại lội ngược dòng nước để tìm về cội nguồn của chúng.
“Siêng đi tát, nhác đi câu
Muốn cho đầy bầu: đi nhủi”.
Câu cá còm không phải là công việc dành cho những người lười nhác, tuy không dãi một nắng nào nhưng cũng đã dầm đến hai sương. Người dân sống trên sông nước Vu Gia hay Thu Bồn, không ai là không biết đến thú câu cá còm. Vài ba người trên một ghe, họ tranh nhau xem ai câu nhiều cá hơn. Cũng đã từng xảy ra chuyện không ai chịu nhường ai, ghe chòng chành và... lật. Thế là của sông trả cho Hà Bá, bao nhiêu cá câu được đều đổ xuống sông. Họ lóp ngóp sửa lại ghe, vừa lội bì bõm, vừa cười ngặt nghẽo. Áo quần sũng nước, nhiều thứ trôi tuột theo dòng chảy, họ đành chèo vào bờ để chuẩn bị mọi thứ cho cuộc đi câu kế tiếp...
Dọc theo sông Vu Gia và Thu Bồn nhiều nơi có mực nước chênh nhau khá cao nên nước chảy rất xiết, người địa phương gọi là thác: thác Cá, thác Cạn, thác Cổ Cò, thác Lòng Bò... Những nơi nầy nước không sâu, có thể thấy từng đàn cá còm kéo nhau vượt qua thác. Chúng đông vô xiết kể, có khi làm đặc quánh cả dòng nước, nhưng thoáng thấy bóng người là chúng tan biến ngay, không hề để lại dấu vết. Vì thế mọi hình thức lưới, rớ, chươm, nò... đều “chào thua” trước tính nhút nhát của “tập đoàn” cá còm. Chỉ còn mỗi cách duy nhất để đánh bắt chúng: đi câu.
Quan trọng nhất trong việc câu cá còm là chuẩn bị hai loại mồi: mồi nhử và mồi câu. Mồi nhử bắt buộc phải là mắm cá mòi hay mắm cái, thuộc loại nặng mùi càng tốt. Hai loại mắm nầy được bọc trong túi vải, khi thả xuống nước, sẽ tiết ra một mùi vị độc đáo, có sức quyến rủ ngay cả những chú cá còm khó tính nhất. Mồi câu đơn giản hơn: chỉ dùng cơm ăn thường ngày là được. Đừng quên một bầu nước hoặc một bầu rượu, nếu thích. Chuẩn bị mọi thứ đâu vào đó, chỉ việc một ghe một sào một cần câu là bạn có thể ung dung lên đường làm... ông Lữ. Có điều, ông Lữ đi câu chỉ vào mỗi chiều chiều, còn bạn thì phải đi vào cả buổi sáng sớm nữa mới hi vọng được đầy bầu. Thật vậy, kinh nghiệm các cụ truyền lại: sáng sớm và chiều tà thuộc về âm, chỉ những lúc tối trời cá còm mới có đủ “can đảm” xuất đầu lộ diện để bạn tha hồ mà câu.
Chèo ghe ra thác chắn ngang dòng chảy để vừa cản luồng cá, vừa tạo bóng râm cho cá đến ẩn nấp. Cắm sào không cho ghe trôi đi, buộc dây vào bọc mồi nhử rồi thả xuống mạn thuyền, phía trên dòng chảy. Loáng một cái, đàn cá còm ùa đến như một đám mây làm tối cả dòng nước. Đến lúc ấy bạn sẽ chẳng rảnh tay chút nào. Buông cần câu, đàn cá tranh nhau đớp lia đớp lịa. Bạn chỉ việc móc mồi, gỡ cá liên tu bất tận. Cá còm tuy nhỏ là vậy, nhưng câu cỡ một tiếng đồng hồ đã thấy đầy rổ như chơi. Lúc nghỉ tay làm hớp nước hay hút điếu thuốc, bạn còn nghe tiếng đàn cá tranh mồi lạo xạo dưới đáy ghe. Đó là thanh âm của sông nước quê hương, nghe qua một lần là nhớ mãi. Thường thì ít ai đi câu một mình, chán chết. Câu cá còm cũng như xem bóng đá. Nếu xem bóng đá cần nhiều “tri kỷ” để có lúc xuất thần mồm hét tay huơ san sẻ buồn vui sân cỏ thì câu cá còm cũng phải đòi hỏi tính sinh hoạt cộng đồng như vậy. Bởi lúc cá cắn câu liên tục làm bạn đến quýnh lên mà không có lấy một người để “tâm sự” thì còn gì là lý thú nữa.
Kết hợp đi câu với một buổi pic-nic ư, tại sao không? Khi mặt trời nhô lên khỏi lũy tre xanh, ánh sáng chan hòa trên khắp mặt sông, cá còm cắn câu thưa dần. Buổi câu sáng đến đây coi như chấm dứt. Bạn có thể chèo vào bờ sửa soạn một vài món cho buổi sinh hoạt dã ngoại. Cá còm tươi rói sẽ hứa hẹn những món ăn không những ngon miệng mà còn đầy màu sắc quê hương đất nước nữa. Ngoài những món thuộc loại “quý tộc” như cá còm rút xương rán, cá còm khô kho, cá còm làm mắm nem... món canh cá còm nấu me đất, bình dân mà không thiếu sức hấp dẫn.
Cá còm rửa sạch, xẻ đôi con cá để tướt xương và vứt đầu đi. Rửa lại nước muối cho cá cứng, dầm cá với hành giã nhỏ, tiêu, ớt, nước mắm. Khi nước sôi, đổ cá vào nấu. Cá chín, nhắc xuống bỏ me đất vào, thêm chút lá hành ngò xắt nhỏ là đầy đủ hương vị dân tộc. Giữa bao la sông nước đất trời, trong mênh mông hoa ngàn cỏ nội, có dịp mời mọi người thưởng thức thành quả lao động của mình kể cũng chẳng bõ công chút nào.