Bài đăng trên tạp chí SPIEGEL: “The Lost Decade”
Tác giả: Dirk Kurbjuweit, Gabor Steingart và Merlind Theile
Nhà trí thức gốc Singapore Kishore Mahbubani viết trên tờ The New York Times một mẩu ý kiến dưới tựa đề “Kết thúc của toàn bộ lịch sử ư?” Ông tranh luận với luận điểm nổi tiếng của Fukuyama với tính cách tự tin của mình. Ông viết : Lịch sử đã trở về - trong niềm vui của người châu Á. “Chỉ có vấn đề là, Phương Tây sẽ cùng chung vui chào đón nó, hay họ sẽ chờ đợi nó kết thúc?”
Cách hiểu Fukuyama của người Phương Tây là mô hình Phương Tây sẽ thống trị thế giới trong tương lai. Mahbubani gọi đây là “thói ngạo mạn Phương Tây”. Nhưng ông nói thêm, sự vật không diễn biến theo chiều hướng Phương Tây mong đợi. “Một điều tôi có thể tiên đoán một cách tự tin là, vết chân Phương Tây trên thế giới, to quá cỡ ở những thế kỷ 19 và 20, rồi đây sẽ thu lại rất nhiều.”
Phải chăng đây chính là bài học cần phải học ở đầu thế kỷ 21 này, khi mà Phương Tây đang mất đi một phần tầm quan trọng của mình? Những năm 2000 xác nhận điều này. Lối sống Phương Tây đang rơi vào áp lực từ hai phía cùng một lúc: Đạo Hồi và biến đổi khí hậu. Trong vụ Guantanamo, Hoa Kỳ đã phản bội lại những nguyên tắc cơ bản của chính nó. Nỗi sợ các cuộc tấn công khủng bố đã gậm dần các quyền tự do công dân, trong khi một thị trường tự do vô hạn độ đã làm hỏng nhiều tay chơi trong hệ thống tài chính. Và đối với nhiều công dân, dân chủ không còn đủ quan trọng để họ bỏ ra mỗi năm lấy một hai ngày đi bỏ phiếu. Đây quả là một thực trạng quá buồn.
Tình hình này phản ánh trong tầm quan trọng đang lớn lên của một nước độc tài toàn trị như Trung Quốc. Trong thời của mình G-8 đã thực hiện vai trò của nó như một diễn đàn thế giới. Bây giờ là G-20, với Trung Quốc là một thành viên chủ chốt, đang thay đổi. Tất cả những điều này củng cố cho luận điểm của Mahbubani.
Nhưng có nhiều lý lẽ bác lại những điều mà ông đã nói. Bên cạnh nhiều điểm yếu của nó, Phương Tây đã biểu lộ một sức mạnh phi thường trong những năm 2000.
Những iPhone, Google và YouTube chỉ có thể được phát minh bởi những con người tin vào một nền truyền thông không bị trói buộc, và những người tin rằng đối với mọi người, sống có ý nghĩa là có thể tiếp cận các thông tin và có thể thông đạt ý kiến của riêng mình cho người khác. Nói cách khác, những phát minh quan trọng nhất trong những năm gần đây là dựa trên một tư tưởng Phương Tây sâu sắc, một tư tưởng mà chúng (những phát minh ấy) quảng bá ra cho toàn thế giới.
Những nước đầu tiên xem xét nghiêm túc vấn đề bảo vệ khí hậu là những thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Ngay chính họ cũng chậm trễ một cách vô vọng trong việc nhận thức ra vấn đề, nhưng họ đã trở thành những nước tiên phong. Điều đó có ý nghĩa là một bộ phận quan trọng của thế giới Phương Tây có sức mạnh nhìn thấu được vấn đề và có khả năng sửa chữa các sai lầm của mình.
Quyết định đó cũng dựa trên nhận thức rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cho dù ban đầu có vẻ như là một trở ngại đối với phát triển kinh tế, trên thực tế là gìn giữ sự thịnh vượng cho các thập kỷ sau. Nếu Phương Tây có thể đưa tinh thần sáng tạo của mình vào sử dụng trong việc phát triển những nguồn năng lượng có thể tái chế và các công nghệ xanh khác, nó sẽ duy trì được sức mạnh kinh tế của mình.
Không có cơ chế nào để gìn giữ hòa bình
Thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đã cho thấy thế giới đang cùng nhau lớn mạnh và ngày càng trở nên tương thuộc lẫn nhau, nhưng nó vẫn còn thiếu những cấu trúc chính trị cần thiết. Không có một cơ chế nào có hiệu lực để gìn giữ hòa bình. Không có thẩm quyền nào giám sát nền tài chính toàn cầu. Không có tổ chức điều hành quốc tế nào để thường xuyên xem xét các vấn đề biến đổi khí hậu. G-20 mói chỉ là sự khởi đầu.
Liên Hiệp Châu Âu dã thường xuyên bị cười nhạo vì chỉ đi tới được đồng thuận bằng những bước chân chậm chạp dềnh dàng, và được tổ chức một cách cực kỳ quan liêu. Nhưng ít nhất có một cộng đồng chính trị của các dân tộc đang dần dần hình thành ở châu Âu. Châu Âu có thể là kiểu mẫu cho phần còn lại của thế giới. Vì lý do đó, tình hình cuối những năm 2000 tuy ảm đạm nhưng không phải là vô vọng. Phương tây đã làm nhiều chuyện sai, nhưng nó cũng đã phát ra những tín hiệu của hy vọng.
Bây giờ đã đến lúc rút ra những kết luận đúng. Phương tây có thể vẫn giữ được sức mạnh, nếu nó giữ được lòng tin vào chính nó, vào quan niệm nhân văn dựa trên những tư tưởng Cơ Đốc và dân chủ. Thập kỷ đầu tiên là thập kỷ mất mát, bởi vì nó là thập kỷ của những thừa mứa vô độ, của thổi phồng quá mức và phản ứng quá dữ dội.
Nếu Phương Tây tìm được một môi trường hạnh phúc, nó sẽ lại tìm thấy chỗ đứng để đóng vai trò chủ đạo trong sự quay lại của lịch sử và tìm kiếm một cấu trúc điều hành thế giới./.
Bản tiếng Anh: Christopher Sultan
Bản tiếng Việt: Hiếu Tân 210110