Trong đời, từ khi đối mặt với cuộc mưu sinh, tôi chưa bao giờ có những ngày rảnh rỗi đến vậy. Đó là lúc tôi trở về quê trong chuyến Mẹ tôi vĩnh viễn đi xa. Những ngày đôn đáo trong bệnh viện, những ngày tất bật ồn ào lễ tang, sau đó hoàn toàn trống trải, lặng lẽ. Khách khứa, họ hàng về hết.
Một mai kia tôi không về nữa thì chỉ có em gái tôi thui thủi một mình. Em trai tôi trước khi trở về với những nỗi bận rộn của mình ở thành phố giao cho tôi chỉ mỗi một việc ở lại trông coi xây ngôi nhà vĩnh viễn cho Mẹ tôi. Nó lo nếu lần lữa không làm ngay biết đâu có một biến cố nào đó để Mẹ tôi không được mồ yên mả đẹp thì không chịu được. Tôi ngày ngày phóng xe ra ngoại ô của cái thị xã bé bằng lòng bàn tay để đốc thúc đám thợ độc quyền ở nghĩa trang đừng bỏ đi làm chỗ khác. Vậy mà cũng phải chờ đợi mỏi mòn bọn nó với lý do này, lý do nọ. Trống rỗng, nhưng tôi không muốn đi đâu dù cái thị xã này-nơi tôi sống cả một thời trai trẻ-có vô vàn mối quan hệ. Cơn sóng thần mất người thân phũ phàng đi qua để lại những đổ vỡ tan tác trong lòng tôi. Phố xá quá xa lạ với kẻ tha hương hơn mười năm chưa có một cuộc trở về. Tất cả đều lạ hoắc lạ huơ so với những hoài niệm còn lưu giữ. Tôi ngu ngơ mụ mị không làm gì mấy hôm cho tới lúc chợt nghĩ sao mình không dọn đẹp, sắp xếp nhà cửa giúp em mình!
Có nhiều việc phải làm lắm chớ! Đường cống thoát nước ở sau nhà nè. Dây điện lòng thòng từ điện kế ra nhà sau nè. Công tắc đèn khi bật khi không nè. Đồ ve chai lỉnh kỉnh ở cửa sau nè. Cái máy giặt nằm chình ình ngáng đường ra nhà vệ sinh với ống cấp nước chưa ổn nè… Nói đến cái máy giặt thêm xấu hổ. Năm nọ, tôi với được một giải thưởng viết lách khá bèo, định mua cho Mẹ cái máy giặt để Mẹ khỏi nhức vai, trúng nước khi giặt quần áo nhưng không đủ tiền, dành dụm mãi không đầy. Đến khi thằng em tôi ra tay sắm thì Mẹ tôi chỉ giặt được đúng một lần thôi!...
Tôi bắt tay dọn ở phòng khách, nơi có nhiều xáo trộn nhất khi tiến hành lễ tang. Trước kia, Mẹ tôi kê cái giường nệm nhỏ ở góc phòng khách để làm bạn với cái tivi nằm trên tủ ly, vì em tôi phải thường xuyên đi công tác xa về các huyện. Em gái tôi ngủ ở buồng trong. Hai người phụ nữ cô đơn có những đường biên vô hình, chung quy cũng vì Mẹ tôi lo đến một ngày bỏ nó ở lại một mình, cứ thúc giục mãi chuyện chồng con. Giờ đây, cái giường đã bị phế thải, để lại một khoảng trống hụt hẫng. Bớt một cái giường nhưng thêm một cái bàn thờ. Mẹ tôi vĩnh viễn ngồi đó, vĩnh viễn cười mãi một nụ cười sau cái lư hương nghi ngút khói nhang. Vị trí đồ vật trong phòng phải sửa lại mới vừa mắt. Cái tủ ly, tủ sách phải dạt ra để nhường vị trí trang trọng giữa nhà cho bàn thờ Mẹ. Bộ sa-lông phải ngồi chỗ khác. Phải tảo thanh các mạng nhện giăng đầy các bông gió, góc nhà. Rồi mảng tường chỗ mục Mẹ tôi hay nằm nghỉ thì lủ khủ một hàng lịch treo như ở phòng trưng bày! Hai cửa sổ trước nhà và bên hông cũng được bịt kín bởi hai cuốn lịch to, chắc Mẹ tôi sợ những cơn gió lạnh lùng từ dưới bến sông xộc vào. Tôi quyết định chỉ giữ lại một cuốn lịch đẹp trong năm mà tuổi thọ của nó chỉ còn một tháng mong manh nữa là chấm dứt. Tôi quơ chổi lông gà quét lớp bụi cho sáng sủa mặt mày cuốn lịch trước khi đem lui về tuyến sau. Nào ngờ nhát chổi tôi vừa chạm tới, mấy cuốn lịch lộp độp đổ xuống! Thì ra mỗi cây đinh mang nặng hàng chục cuốn lịch, vô số cuốn lịch như một màn ảo thuật. Tôi nhặt lên xem mới biết đó là lô lịch của em trai tôi với chữ ký dài ngoằng cả họ lẫn tên. Đây là lô sưu tập đầy đủ nhất, liền kề các năm đến gần hai con giáp, nằm liền đến hai cây đinh treo. Có cuốn xưa từ hồi hoa hậu Lý Thu Thảo mới đăng quang được in lên bìa lịch. Em trai tôi thăng trầm nhiều chỗ nên các cuốn lịch-của các cơ quan mà nó từng làm việc- cũng đa dạng, phong phú y chang như nó.
Lô lịch của tôi nằm giữa nhưng ốm yếu nhất. Nó mỏng lét và chỉ độc một đơn vị xưa nay tôi ở đó. Những năm đầu phiêu bạt, tôi còn trở về quê ăn Tết với Mẹ, với vợ con. Những năm sau đó, tôi bốc luôn vợ con theo. Vậy nên, đi xe đò về quê dịp Tết cho cả bầu đoàn thê tử là nỗi ám ảnh đè nặng tôi hàng năm. Bao nhiêu tiền dành dụm dồn cho tiền xe giá cao gấp đôi mà còn phải chầu chực đợi chờ. Khi trở lên sau Tết lại phải tranh thủ đi cho bằng được, sợ trễ ngày làm việc, ngày con vào học. Vì vậy nhiều năm sau nữa, không có những ngày Tết sum họp mà chỉ có những gói quà vô cảm thay thế, trong đó không thể thiếu cuốn lịch. Mẹ tôi quan trọng hóa việc hên xui cả năm qua cuốn lịch. Năm nào có lịch ưng ý thì sung, không có lịch đẹp thì hẻo. Ai biếu Mẹ cuốn lịch, Mẹ vui hơn gói quà. Hết năm mà không có cuốn lịch mới để treo thấy nhà nó trống trải làm sao ấy! Những năm bao cấp, lịch hiếm hoi, Mẹ tôi đành phải mua một bloc lịch nhỏ treo trên tấm nền lịch cũ. Bà Ngoại tôi lại không mong ai tặng lịch. Năm nào Ngoại cũng mua lốc lịch to Tam Tông Miếu có ngày âm lịch với ngày tốt, giờ tốt trên nền tấm lịch đỏ son. Mẹ tôi không thích lịch ngày nhưng lịch cuốn phải là loại 12 tờ để mỗi tháng phải lật qua một hình ảnh mới. Các cuốn lịch tôi gởi Mẹ còn ghi dấu những năm tôi không về quê ăn Tết. “Kính gởi Mẹ. Tết con không về được. Mong Mẹ và Ng vui vẻ và mạnh khỏe”. Có năm ghi cụt lủn: “Kính chúc Mẹ vui khỏe”. Không biết năm đó có gì giận nhỏ em tôi không nữa. Có năm tôi xạo: “Gởi Mẹ 365 ngày vui”. Trời ơi! Vui nỗi gì, khỏe nỗi gì, khi mà năm này qua năm nọ, một cái Tết sum họp cháu con, Mẹ phải mòn mỏi mong đợi! Nhiều năm sau nữa những gói quà Tết cũng teo tóp thành tấm giấy chuyển tiền phát nhanh qua bưu điện, mà có năm lương trễ, mãi đến 25 âm lịch mới có tiền gửi về, để rồi nươm nớp lo không biết Bưu điện có kịp phát trước Tết hay không! Phương cách đó phát sinh do có năm gửi quà nhờ nhằm người Mẹ không ưa, làm Mẹ thêm giận, bảo rằng xui lắm! Mấy năm gần đây, những cuốn lịch của tôi hoàn toàn vắng bóng. Chỉ vì sản phẩm in ấn ngày càng rẻ, mua bảo hiểm, mua hàng sỉ tạp hóa…cũng được tặng ngay một cuốn lịch, không còn trang trọng nên tôi không dám gửi qua bưu điện.
Bù lại, lịch của em gái tôi thì nhiều. Từ ngày em tôi từ giã cái trường Huyện mười mấy năm gắn bó (Do lão Hiệu trưởng bênh thằng học trò hỗn láo con ông quan Huyện), em tôi có dịp về làm việc ở sở Gíao dục tỉnh nhà. Học trò nó thành đạt, làm đủ các ngành nghề nên lịch biếu đa dạng, nhưng với những cuốn lịch ấy, Mẹ tôi lại treo lung tung ở nơi khác hoặc biếu người này, người nọ. Chỉ cuốn lịch cơ quan sở em gái tôi mới được treo cạnh lịch của hai thằng con trai phương xa ở sát giường ngủ của Mẹ.
Lòng như đổ chì, tôi cuốn hết những cuốn lịch thành một bó nặng, cột chặt những niềm kiêu hãnh của Mẹ tôi cất trên nóc tủ quần áo trong buồng. Bây giờ nó không còn ý nghĩa gì mặc dù sinh thời, chắc chắn đồ cổ của cụ Vương Hồng Sễn hay những bức tranh đô la của ông Lâm cà phê ngoài Bắc…Mẹ cũng không buồn đánh đổi bộ sưu tập những cuốn lịch độc bản của các con mình.
*
Sáng sớm, tôi bị em gái tôi lôi dậy, kết án tội đồ: “Mẹ mong Anh về để giờ đây Anh phá hết dấu tích của Mẹ!”./.
Tết Canh Dần 2010