Mấy năm trở lại đây, Khảo cổ học liên tục "được mùa". Những cuộc khai quật đáng chú ý nhất được nêu ra dưới đây chỉ là một phần nhỏ của gần 400 cuộc kiếm tìm trong năm 2001.
1. Khảo cổ học thời đại đá:
Đáng chú ý nhất là đợt khai quật di chỉ Lung Leng nằm trong lòng hồ thủy điện Yaly (huyện Sa Thầy, Kon tum). Gần như toàn bộ "quân số" của Viện Khảo cổ đã được huy động cho đợt khai quật "chữa cháy" khu di chỉ quý giá này. Số di vật tìm thấy được chuyển về Bảo tàng Kon Tum - bao gồm: 120 mộ táng (mộ đất, mộ chum - vò, mộ nồi, mộ kè gốm), hơn 8000 tiêu bản đá (công cụ ghè đẽo, mài như rìu có vai, cuốc, rìu tứ giác, dao, bàn mài, cưa, mũi khoan, đồ trang sức...), di cốt người, hàng triệu mảnh gốm các loại. Kết luận ban đầu cho thấy dấu vết văn hóa của thời đại Đá cũ (khoảng cuối kỷ Cánh Tân), hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ kim khí, Sắt sơ kỳ; các mảnh gốm men thuộc các lò nung ở Bắc Việt Nam từ thế kỷ XIV đến XIX.
Cách Lung Leng khoảng 600m, các nhà khảo cổ phát hiện thêm di chỉ Lung Leng II rộng từ 15.000 đến 20.000m2, Lung Leng III, Bình Sơn, Bình Trung, Bình Nam, động Khúc Na, suối Nét... tạo thành hệ thống di chỉ dày đặc ở hai bờ sông Pô Cô. Cùng với việc phát hiện di chỉ tại Ea Hleo (Đắc Lắc), làng A (Gia Lai), việc khai quật Lung Leng mở ra hướng nghiên cứu dấu tích văn hóa cổ xưa trên toàn vùng Tây Nguyên vốn còn bí ẩn.
Tại huyện Kinh Môn (Hải Dương), một cuộc điều tra khá quy mô ở các hang đã cho phát hiện quan trọng về cổ nhân học và cổ sinh học. Các nhà khảo cổ tìm thấy răng Pongo hóa thạch - lần đầu tiên tại khu vực đồng bằng gần biển - có niên đại khoảng hậu kỳ Cánh Tân. Tại núi Ngô Xá, Phương Nghi (Nam Định) phát hiện thấy di vật thuộc hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim khí, mở ra triển vọng nghiên cứu quá trình chiếm lĩnh đồng bằng của cư dân Việt cổ. Ngoài ra là phát hiện di cốt người chớm hóa thạch trong hang động ở Thanh Hóa, nghiên cứu quá trình cư trú theo mùa trong văn hoá Hòa Bình, sự nhạy cảm về môi trường và những biến đổi tại khu vực Vịnh Hạ Long...
2. Khảo cổ học thời đại Kim khí
Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng khai quật di chỉ Bãi Bến rộng 48m2, độ dày trung bình của tầng văn hóa từ 60-90cm. Đây có thể là một di chỉ cư trú có xưởng chế tác mũi khoan đá thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Hạ Long.
Năm 2001 có nhiều phát hiện mộ thuyền ở Châu Can (Hà Tây), Thủy Sơn (Hải Phòng), Kiệt Thượng (Hải Dương), phát hiện di vật thuộc văn hóa Đông Sơn. Tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), di vật gốm có niên đại cách nay 3000-2500 năm đã được tìm ra; ở miền Trung, có phát hiện di chỉ có tầng văn hóa thuộc sơ kỳ Kim khí - tiền Sa Huỳnh và tầng văn hóa Chăm sớm. Đặc biệt, nhiều thạp đồng, trống đồng đã được tìm thấy, trên diện rộng từ Cao Bằng tới Nha Trang, mà nhiều nhất là ở Thanh Hóa (9 chiếc), Hà Giang (11 chiếc). Phát hiện cho thấy tiềm năng nghiên cứu văn hóa Đông Sơn nói chung và trống Đông Sơn nói riêng vẫn còn rất lớn.
3. Khảo cổ học Lịch sử
Quy mô lớn và quan trọng là cuộc khai quật tại thành cổ Lũng Khê (tức thành Luy Lâu) do các nhà khảo cổ học Nhật Bản và Việt Nam tiến hành. Nghiên cứu khu lò đúc đồng, địa tầng và cấu trúc thành lũy tại đây, các nhà khoa học sơ bộ kết luận: thành cổ Luy Lâu có thể được xây dựng từ thế kỷ II đến thế kỷ III-IV. Các mảnh khuôn đúc trống đồng loại I cho thấy công việc đúc trống có từ thế kỷ II
Cuộc thám sát lớn nhất được tiến hành tại di tích hồ Tịnh Tâm (Huế), trên phạm vi hơn 2000m2. Các di vật được phát hiện và dấu tích nền móng dưới lòng đất cho phép phác họa diện mạo hồ Tịnh Tâm hồi đầu thế kỷ XIX. Cũng tại Huế, cuộc đào thám sát 1900m2 tại cung Trường Sanh cho ra vết tích kiến trúc và vật liệu xây dựng thuộc thời Minh Mạng, Khải Định.
Tại khu cửa sông Bạch Đằng (Quảng Ninh), người ta tìm ra hàng loạt bến bãi, chùa tháp thời Trần. Kết quả này giúp cho việc tìm hiểu vị trí thương cảng Vân Đồn trong lịch sử phát triển thương mại Việt Nam và đặt câu hỏi về việc có hay không một trung tâm gốm men ở Quảng Ninh.
Khảo cổ học Lịch sử trong năm còn có nhiều phát hiện quan trọng về kiến trúc, điêu khắc, chuông, bia ký, sách cổ, sắc phong, vũ khí cổ, tiền cổ trên đất Hà Nội, Bắc Giang,Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu...
4. Khảo cổ học Chăm Pa và Óc Eo
Những phát hiện tại Nam Thổ Sơn (Đà Nẵng) cho thấy đây là một di tích quan trọng. Tầng văn hóa và các di vật được tìm ra gồm có gốm Chăm, gốm và đồ thủy tinh lslam, gốm bản sứ và tiền Trung Quốc, đồ đồng, đồ sắt thuộc văn hóa Chăm Pa thế kỷ IX-XI. Ngoài ra là phát hiện chân móng tháp cổ và nhiều khối đá sa thạch có trang trí tại khu vực tháp Khương Mỹ (Quảng Nam), tìm ra tháp gạch bị vùi sâu trong lòng đất tại Mỹ Khánh (Thừa Thiên -Huế) - loại chưa tìm thấy bao giờ
(Theo Viện Khảo cổ học)- Báo Hà Nội Mới