Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.147.978
 
Đi về những rạng đông
Thiện Phạm

I

- Sao ba hay la rầy anh em mình vậy anh hai?

- Tại anh em mình hay la cà, đi chơi nhiều quá. Cả cái chợ này hầu như ai cũng biết mặt anh em mình.

- Và biết chiếc xe đạp của mình nữa, anh hai hén!

- Ừ. Anh hai kể tiếp chuyện con sâu xanh nghen! Nó to bằng ngón út này nè. Thằng bé đưa ngón út lên cho em nó xem. Hai con mắt sâu lộ ra làm như ngộ lắm khi nó lần đầu gặp anh.

- Nó ở đâu anh hai?

- Nó ở trong bó cải trên xe đẩy của mẹ í. Em biết mà. Hồi trước chân mẹ chưa đau, mẹ hay đẩy xe rau cải đi bán khắp xóm làng này. Anh còn nhỏ. Mẹ chất anh ngồi chung với rau cải luôn. Anh có vài món đồ chơi cũ, mẹ lượm được. Chơi riết cũng chán. Anh thích ngó mấy con sâu trong rau cải hơn.

- Lúc đó em ở đâu, sao em không biết anh hai?

- Em hả? Em còn ở trong bụng mẹ í. Mẹ chưa sanh em ra mà.

- Em cũng không nhớ… Nhiều khi em cũng không tin mình lại ở vừa vặn trong bụng mẹ nữa.

- Mà sao mẹ lại đau chân vậy anh hai? Con em hỏi.

- Mẹ bị tai nạn, xe đụng đó. Lúc đó anh đang ngủ trên xe. Mẹ đậy cái nón lá lên che nắng cho anh. Anh giựt mình nghe tiếng đụng xe. Chiếc xe loạng choạng lủi xuống bờ ao bên đường. Còn mẹ thì văng qua một bên, không đứng dậy được nữa. Bà con chạy túa ra, bồng anh lên. Vậy mà anh không khóc đâu nghen! Mẹ bị gãy chân em à! Bà con đưa mẹ đi nhà thương. Họ chửi thằng cha đụng xe rồi bỏ chạy đó quá trời…

- Mẹ có bầu em, rồi mẹ gãy chân. Vậy mà cũng sanh em ra được hả anh hai?

- Ừ, sanh được… Nhưng mà mẹ nằm một chỗ luôn. Chỉ còn mình ba đi làm thợ hồ. Ba phải nuôi cả nhà mình nên ba mệt, ba buồn, ba hay uống rượu và chửi mắng mấy mẹ con mình.

- Sao lại buồn hả anh hai? Nhà mình có ai làm gì cho ba buồn đâu?

- Ờ … Thằng bé đưa tay gãi gãi mái tóc khét nắng của nó rồi tìm cách giải thích. Thì …ờ người lớn không được đi chơi như anh em mình nên dễ buồn lắm. Còn tụi mình… đi ra cầu sắt tắm sông nè. Tạt nước nhau rồi dòm thấy cầu vồng dưới ánh nắng… Mình thả con diều bay lên tới trời, rồi mình muốn bay theo nó luôn. Mình đổ nước vô hang chuột cho nó ngộp, nó bịt mũi chạy ra. Mình theo bầy đom đóm dưới những bụi cây. Chúng lấp lánh như những ngôi sao biết bay trong đêm. Mình đếm sao, đặt tên sao nè. Những ngôi sao có tên em, tên anh, tên ba, tên mẹ nè…

- Hèn chi, con em chép miệng, ba buồn là phải. Nhưng em không thích ba la ó. Em thích mẹ hơn. Mẹ hay khóc và hay ôm tụi mình. Còn ba thì không.

- Ba là đàn ông, làm vậy coi sao được! Em đừng có hỗn với ba như vậy nghen!

- Vậy chớ anh hai có phải đàn ông hông? Phải chớ gì! Con chó bà Sáu bán cháo gầm gừ, ăn hiếp em, anh cũng nhào vô ôm em vậy?

- Ờ… thì… ờ. Thì anh phải che chở cho em chớ. Để con chó đó làm dữ với anh bi nhiêu cũng được. Còn với em … là không được với anh đâu.

 

Hai anh em nó lọc cọc đạp xe như thế, líu lo những câu chuyện như thế. Cả làng, cả chợ ở vùng biên giới heo hút này, mọi người đã quen mắt với cảnh ấy. Chúng đeo nhau như sam, đi đâu cũng không rời nhau. Dù chưa đi học, chúng vẫn ăn nói lễ phép đĩnh đạc. Thằng anh lên sáu, con em lên bốn. Bà con thương chúng, một thứ tình thương đơn sơ, như cây cối trong vườn nhà nhìn quen mắt, thiếu đi là không xong.

 

Chúng đi về hướng quán cháo lòng của bà Sáu, nơi có con chó hay sủa nhặng lên khi gặp con em. Bọn chó thường vậy, ăn hiếp kẻ yếu hơn mình. Quán đang vắng. Vài bác xe đầu ngồi vắt vẻo trên xe chờ khách, tán chuyện tầm phào dưới gốc me.

Bà Sáu đon đả với chúng.

- Bà nhốt con chó ra sân sau rồi. Hai đứa ăn hai tô hả con?

- Dạ một tô thôi, thằng anh nói, giọng dứt khoát. Cho em con. Con không đói.

- Anh hai ăn luôn đi. Con em nói. Anh để dành một ngàn đó làm gì?

- Để lát nữa cho em đi đu quay. Thằng anh nói mạnh nhưng mắt đưa đi chỗ khác, không dám dòm vô tô cháo bốc khói mê hoặc của con em. Nó sợ chảy nước miếng vì thèm. Thật lòng, nó đang đói. Nhưng thôi, nó lớn rồi, không cần lắm.

Một thằng bé lấc cấc bước vào quán, ngồi phệt xuống, hất hàm với bà Sáu.

- Bà Sáu! Cho tô cháo: nhiều cháo, nhiều lòng, nhiều giá sống!

Bà vốn không ưa nó vì cái thói ăn cắp vặt và hỗn hào. Bà ném ra cho nó cái liếc xéo.

- Rồi nhiều ớt không mậy?

- Thôi khỏi, ít ớt nghen. Giỡn chút bà cũng giận.

- Chà bữa nay có tiền sớm hén. Bà sáu cạnh khóe khi bưng tô cháo ra cho nó.

- Tui có tiền, bà cứ bán. Nó cộc lốc. Bà móc họng tui hoài vậy?

Bà Sáu gắt:

- Mày nói chuyện kiểu đó tao vả rớt răng nghe mậy. Bộ có tiền rồi xấc láo với tao được hả?

Thằng anh mỉm cười, nhìn mông lung qua sân chợ, nơi có đặt cái đu quay cũ mèm, chạy bằng máy dầu. Nó giục con em.

- Em ăn lẹ đi, còn về mua rượu cho ba. Rề rà ba chửi cho coi. Với lại còn đi đu quay nữa đó em.

- Anh hai ăn một muỗng cháo với em đi, cho em vui.

- Thôi mà, anh không đói… Nó quay đi, nhìn cái gì cũng được, miễn không phải tô cháo. Nó thèm lắm.

- Đi mà anh hai!

- Một muỗng thôi nghe em. Chừng đó, nó mới dám nhìn vô tô cháo, nhìn con em đưa muỗng cháo vô tận miệng anh. Nó nuốt, nuốt thật mạnh những yêu thương của em nó. Trời ơi! Có cháo nào ngon như cháo ấy!

 

Chúng lại đèo nhau trên xe. Trời chiều vàng nắng xiên xiên. Hai cái bóng bé xíu tòng teng trên xe đạp. Một chai rượu trắng lỏng thỏng treo phía trước. Nắng tóm lấy hết cả, ném bóng chúng lăn dài trên cánh đồng mướt xanh, loằng ngoằng dấu chân của những cơn gió lớn. Con đường mấp mô đá hộc, đá tảng cố tình lắc lư những cái đầu bé nhỏ hòng làm vơi đi những mộng mơ trong đó. Kệ hết thảy, hai anh em vẫn hí hửng đi về phía cái mái ấm xác xơ trong mắt người đời.

 

Vừa về tới nhà, chúng đã nghe ba chúng quát tháo. Anh Bảy thợ hồ, dân ở đây gọi ba chúng như vậy, đang đá văng một cái nồi nhôm lăn lông lốc trong sân.

- Cả ba mẹ con tụi bây là một lũ báo cô. Tao không ngóc đầu lên được là vì tụi bây, vì tụi bây, biết chưa? Một lũ ăn hại. Trời ơi! Có ai biết làm ra tiền đâu! Chỉ một mình thằng bảy thợ hồ này…

 

Mẹ chúng, người đàn bà bị tật ở chân, ngồi co mình quẹt những giọt tủi nhục cứ trào ra trong mắt. Người họa sĩ sẽ không mất nhiều mực để ký họa hình hài ngôi nhà của chúng. Nó to hơn cái chòi giữ vịt ngoài đồng một chút. Nó rệu rạo đứng bên bờ mương, rón rén tựa lên những cây cột tràm xiêu vẹo.

 

Hai anh em líu ríu đem nộp chai rượu cho ba nó rồi nín thở rút lui. Chúng lại tót lên xe đạp, chạy hướng ra khu chợ. Chẳng đứa nào muốn nhìn những giọt nước mắt vỡ ra trên mặt mẹ. Chẳng đứa nào muốn nghe những lời thóa mạ khoan xoáy vào đầu óc của ba chúng. Chúng lầm lũi chạy về cái đu quay đang bắt đầu rộn rã tiếng máy. Khi ấy màn đêm đang từ từ tiến tới, từ từ nuốt chửng lấy hoàng hôn.

 

Thằng anh chép miệng.

- Phải chi anh làm ra tiền phụ ba hén em! Anh làm ra tiền, ba mẹ đỡ cãi nhau. Anh làm ra tiền, em đi đu quay đã đời luôn, chớ không chỉ một vòng hết một ngàn này rồi thôi. Lần nào em đi xong đu quay, anh cũng thấy em bước xuống lựng sựng. Anh biết em còn thèm.

- Vậy thôi, em không đi đu quay nữa, cho đỡ tốn tiền, cho anh hai được ăn tô cháo của bà Sáu…

- Em nói bậy. Anh lớn rồi, phải có trách nhiệm chớ em. Em cứ đi đu quay. Anh thấy em cười em vui là anh dễ chịu liền hà. Buồn mấy cũng qua hết.

Rồi nó nói thêm, như mơ.

- Anh mà có tiền, anh cũng đi đu quay như em. Anh sẽ lựa con ngựa để cỡi chứ không lựa con nai như em đâu. Khi mình bay bổng trên đó, em có thấy kỳ kỳ trong mình không? Giống như… như mình biết bay lên trời vậy. Bay cao miết, cao miết tới những ông sao lóe sáng trên kia luôn. Giống như… như mình quên được buồn phiền vậy.

- Khi cỡi con nai, em nhắm mắt lại là em tưởng em như ông già Nô-en, chở quà qua đồng tuyết thiệt lạnh, đem niềm vui đến cho các bạn khác cũng đang khổ như mình đây.

- Mình đâu có khổ em. Mình chỉ buồn chút vậy thôi, lát sau hết liền hà. Ừ, anh nghĩ ra một cách kiếm tiền rồi. Bắt đầu từ mai, anh em mình đi lượm bịch nylon. Có một chỗ nhiều bọc lắm, em nhớ không?

- Ở đâu vậy anh? Con em náo nức.

- Chỗ bờ mương nhà máy xay lúa, gần cầu sắt, nhớ hôn? Mai mình đạp xe ra đó. Chỗ mình vẫn hay nhảy ùm xuống tắm sông đó! Chiều mai mình kiếm được chừng năm ngàn là ngon lành rồi.

Thằng anh cười. Con em cười theo. Cả hai ngước mắt nhìn lên vòm trời đen thẫm, lấp lánh những vì sao mới mọc, như những đôi mắt cười tươi roi rói.

 

II

Anh lái xe, băng băng lướt gió chạy về hướng Tây. Hướng Tây! Ở đó có biên giới Việt Nam - Campuchia. Ở đó, bao tiền nặng chình chịch gồm hai trăm triệu kia sẽ được đổi thành vàng thẻ. Anh sẽ ôm đi tất, sẽ bỏ xe lại, sẽ lặng lẽ chuồn qua biên giới. Qua tới bờ bên kia, sẽ không còn ai biết anh là gã tài xế quèn, cướp tiền của công ty mà bỏ trốn nữa. Anh sẽ để cái kiếp mạt vận của mình lại bên này cùng với sự sững sờ của bao kẻ khác.

 

Chân ga cứ đuổi theo ý nghĩ khiến xe lao đi với tốc độ kinh hồn. Máy lạnh chạy hết sức, phà ra hơi lạnh buốt. Anh chợt nghĩ đến một tai nạn. Ừ thì sẽ rắc rối với cảnh sát. Thì vở lỡ cái bao tiền hai trăm triệu trong cốp xe kia. Thì tan hoang cái kế hoạnh thơm mùi vàng kia. Thì anh lại đứng bên này biên giới và được cộng thêm tội, thành hai: cướp tiền rồi gây tai nạn, sướng chưa?

 

Anh lái xe chậm lại, rồi thật chậm. Con đường nhựa trôi về hướng mặt trời lặn bỗng dài ườn ra, uể oải. Những ánh mắt xa lạ cứ chòng chọc nhìn vào xe anh. Những người Khơ-me đang lắc lư trên những chiếc xe cải tiến chở đá từ trên núi xuống, những chiếc xe hai bánh ven đường, những chiếc xe ngựa lững thững chạy… Ai trên đó cũng ngoái nhìn vô xe anh. Sao họ biết chuyện gì đã xảy ra? Bao tiền sau cốp xe, biển số xe đã thay bằng biển giả, mình đang lái xe rất cẩn thận… Có gì đâu! Nhưng họ cứ lom lom  nhìn.

 

Anh thấy mồ hôi tươm ra. Nó lạnh hết vùng da đầu, nơi có cái mũ lưỡi trai kéo sụp xuống che bớt khuôn mặt vốn đã bị án ngữ bởi cặp kính đen nhưng nhức. Công ty đã biết chuyện và có người đang theo dõi mình! Đáng lý chạy về hướng đông thì mình lại chạy về hướng tây! Vô lý! Chở tiền về trễ là chuyện bình thường. Anh đã làm hàng chục lần rồi. Xe hư về trễ chẳng hạn, chỉ cần báo sếp một tiếng là xong. Kìa, anh đang vượt qua một khu chợ xã ven chân núi, lại thêm một rừng ánh mắt dõi theo xe!

 

Mấy chiếc xe đổ ngược chiều với anh. Trên xe lốc nhốc khách du lịch đi mua sắm ở chợ biên giới về. Anh hiểu ra. Anh tự nhiên trở nên ngộ nghĩnh khi chạy về hướng đó mà xe lại trống trơn! Khả nghi chưa?

 

Anh từ từ ghé xe vào một quán cóc ven đường, khúc đường vắng lưng chừng núi. Anh muốn uống một ly thốt nốt lạnh cho đỡ căng thẳng. Nếu được, anh sẽ chở thêm ai đó cho xe anh bớt lạ lùng trong mắt kẻ khác. Với lại ngồi nghỉ một chút cho nắng ngơi đi. Càng về tối, những tia nhìn như những họng súng kia sẽ càng hạ xuống. Khi trời tối hẳn, việc lẻn qua bên kia biên giới không còn mấy khó khăn.

 

Một bà cụ, chừng bảy mươi, tóc lốm đốm bạc đang chăm chút cho mấy thúng xoài xanh bày bán trước cửa quán. Những trái xoài mới hái trong vườn nhà còn vương nhựa chia ly trên cuống. Không đẹp đẽ, không bắt mắt như quả trong siêu thị, vậy mà trái nào cũng được bà cụ nâng niu cẩn thận. Nhìn đôi bàn tay gầy, gân xanh nổi, vuốt ve từng trái một, anh có cảm giác bà đang nựng nịu những đứa con, đứa cháu của mình. Không khen chê đứa nào cả. Chỉ có yêu thương!

- Chú ăn thử coi, xoài ngọt lắm. “Thằng” bự này bày mâm cúng kiến được nè. “Thằng” nhỏ này… coi vậy chớ con nít rất mê.

 

Anh bước vào quán, cười với bà cụ rồi kiếm một cái võng để ngã lưng. Quán vắng, võng văng ngổn ngang. Cả thảy chỉ có anh, bà cụ chủ quán và một bà già cùng cô cháu gái nhỏ ngồi đàng kia, hình như đang khóc. Anh đảo mắt ra cánh đồng thoai thoải phía sau quán. Vùng này nắng rát mặt. Đồng lúa đã gặt bày ra những chân gốc rạ cho nắng nung giòn. Những bờ thửa nhỏ xíu. Vài con bò lơ thơ trên đồng, vắt vẻo trên lưng chúng là lũ trẻ con người Khơ-me. Những hàng cây thốt nốt lá xòe ra hình rẽ quạt mọc thành từng cụm, nối tiếp nhau kéo dài về chân núi xa xa. Anh muốn nhắm mắt lại một chút, nhưng không xong. Cái bao tiền sau cốp xe kia lại lôi anh ngồi thẳng dậy để trả lời câu hỏi “đã khóa cửa xe kỹ chưa?” Anh đành phải dán mắt mình ra phía sau xe.

- Cho con ly thốt nốt lạnh.

Bà già đằng kia vẫn khóc. Cô cháu gái một tay ôm bị đồ, chắc là quần áo, một tay nắm một chùm mấy đòn bánh tét căng bóng da. Tự nhiên anh thấy dễ chịu vì không tìm ra mối đe dọa nào ở đây cả.

 

Bà cụ bưng nước ra cho anh. Bà hỏi, làm anh chột dạ.

- Xe chú về tới đâu lận? Còn chở ai nữa không?

- Không, con đi một mình. Về chợ biên giới đón sếp con.

- Chú chở thêm bà sui tui với nhỏ cháu đó được không? Bả khóc từ nãy giờ đó chú. Về đây ăn đám giỗ… giờ đón xe về khó quá.

Anh nhìn họ. Không có gì đe dọa! Mặt họ hiền khô. Được đây. Anh nuốt ý nghĩ mình trộn với ngụm nước thốt nốt mát lạnh và thanh. Anh gật đầu.

- Dạ được mà. Con lái xe một mình cũng buồn.

Bà cụ chủ quán mừng ra mặt. Tia sáng hấp háy trong đôi mắt già nua. Bà quay lại với bà sui đang tấm tức rớt nước mắt đằng kia.

- Thôi nín được rồi đó, bà sui ơi. Có chú em này cho bà cháu bà quá giang về nè. Chú cứ chở họ tới đâu tiện cho chú thì cứ thả họ xuống, lội bộ về cũng được. Có chú giúp là quý lắm rồi.

Bà sui quẹt nước mắt, nấc lên thành tiếng. Bà ấm ức:

- Tui đâu có sợ không có xe về. Tui với nhỏ cháu này đi bộ hai chục cây số, tới khuya về nhà cũng được. Tui khóc là vì tức vụ thằng Hải, thằng con nuôi của tui hồi thời chống Mỹ kìa… Bà nghe nó nói coi có ứa gan không? “Xe con chở tiền Nhà nước, không chở người lạ được”. Người lạ là tui nè bà, là má nó nè. Hồi trước sớm khuya gì nó bò vô nhà, tui đều nấu cơm cho nó ăn, che chở cho nó sống. Giờ nó coi má nó là người lạ. Tức chết vậy đó bà ơi…

Bà chủ quán quay sang anh.

- Chú hổng biết đâu, hồi nãy có xe của con nuôi bả ghé đây, cũng xe hơi như chú vậy. Nó giờ làm giám đốc giám xúi gì gì đó của nhà nước. Tui tưởng nó gặp bà này nó mừng, nó sẽ chở bả về luôn. Ai dè bây giờ người ta làm lớn, người ta quên phứt mấy bà già này hết trơn. Bả tức, ngồi khóc nãy giờ. Mà nghĩ cũng lạ, má má con con gì mà vô duyên quá!

 

Lòng anh dịu hẳn, không e dè, không căng thẳng nữa. Anh lên tiếng.

- Thì bác với cháu lên xe con. Cao hứng, anh nói thêm. Con chở bác về tận nhà luôn. Đây về biên giới đâu xa gì mấy.

Ừ, mà hứng gì? Mai đây anh sẽ bỏ xứ này đi luôn rồi. Làm một hai việc nghĩa với mấy bà già đôn hậu này cũng là phải thôi. Một thoáng, anh thấy bà sui hơi giống má mình.

- Bác tính tiền cho cháu ly nước. Còn xoài của bác, chừng nào quay về, chạy ngang đây, con sẽ mua.

Chừng nào mình mới quay về, mới chạy ngang đây hả trời? Anh hơi sựng, khi cái miệng vô tình phát ra những lời ấy, như đang gạt gẫm bà già.

- Thôi khỏi tính tiền ly nước. Coi như tui đền ơn chú đưa bà sui tui về giùm vậy mà.

 

Lòng anh nặng chình chịch, đứng lên khó khăn. Anh biết nó nặng vì anh đã mang bao tiền kia trong đầu, vào hẳn trong quán. Giá không có nó trong đầu, hay trong cốp xe nọ, anh khỏe biết bao! Anh bâng khuâng nghĩ đến má anh, cũng giống như họ, suốt một đời nghèo khổ, đi đâu cũng lụy đò, lụy xe, ăn không dám vì tiền không kham nổi, uống cũng thôi vì sợ lỡ mắc tiểu dọc đường…

 

Bà chủ quán lót tót xách bọc xoài chạy ra theo xe.

- Biếu chú ăn lấy thảo. Khi quay về chú khỏi ghé mua mất công. Đem về cho mấy đứa nhỏ nó mừng.

Anh từ chối. Họ dùng dằng qua lại cửa kính xe cái bọc xoài. Anh đã lớn phỗng lên trong vai ân nhân dưới con mắt những bà già chất phác này. Anh cảm thấy quê quê làm sao! Má anh lại hiện ra chập chờn, bên bọc xoài quê rẻ tiền kia.

- Thôi chú mở cốp xe đi. Tui bỏ bọc xoài ra phía sau luôn cho.

Anh lại một phen giật nẩy người. Anh chụp vội bọc xoài, đưa vào xe, chỗ băng ghế trước. Hai bà cháu có giang xe còn đang lóng ngóng không thể mở được cửa lên xe. Cả đời, có được đi cái xe đời mới như vầy hồi nào đâu mà biết. Anh với tay ra ghế sau mở cửa cho họ.

- Con đi nghe bác. Cám ơn bác thật nhiều! Anh nói, cảm thấy lòng mình chùng xuống lạ thường.

Ở hướng Tây, mặt trời xuống thấp dần. Nó to đùng ra, đứng choán hết con đường, sừng sững, sáng chói lóa. Anh đeo lại kính. Anh kéo sụp mũ xuống. Qua kính chiếu hậu, anh nhìn thấy hai khuôn mặt hiền hậu sáng ngời lên vì vui của hai bà cháu. Con bé vẫn ôm khư khư giỏ quần áo và mấy đòn bánh tét căng phồng. Nó lên tiếng.

- Xe của chú có cái máy gì mát dữ vậy chú?

Anh cười. Lần đầu tiên anh cười từ khi anh chở bao tiền nọ và chạy về phía hoàng hôn.

 

III

 

Xe anh rẽ vào con đường mấp mô đầy đá tảng đá cục. Bà già và cô cháu gái nằng nặc đòi xuống, lội bộ thôi, vì xe hơi chạy vô khó lắm. Anh làm thinh, đưa họ về tận nhà, lòng đã quyết tâm làm việc nghĩa trước khi bỏ xứ này đi luôn. Con đường là một bờ đê cao, nổi hẳn trên cánh đồng lúa xanh rì. Một bên là con mương do xáng đào thẳng tắp. Chòm nhà dân lưa thưa phía xa xa như vài vệt màu nâu nâu chấm vội vàng trên nền bức tranh xanh vì lúa, xanh lơ vì nền trời phía trên. Đã thấy bóng khu chợ, một vệt màu xam xám dáng vẻ đậm đậm. Đã thấy cây cầu sắt nối con đường gồ ghề qua nhà máy xay lúa cũ kỹ vì khói bụi, mạng nhện, vỏ trấu.

 

Một bé gái chừng bốn tuổi ngồi bệt trên lề cỏ khóc. Một chiếc xe đạp cũ kỹ nằm chỏng chơ kề bên. Nó có vẻ đang nhìn xuống dòng kênh mà la hét gì đó. Chừng nó nhận ra chiếc xe hơi đang chạy tới, nó vụt đứng lên, vẩy vẩy tay như cầu cứu. Những bàn tay nhỏ xíu phác lên trời những nét vẽ vô vọng.

Bà già và đứa cháu gái trên xe chồm hẳn qua băng ghế trước. Bà nói:

- Ai như con em, con nhà thằng Bảy thợ hồ. Ủa, sao lại đứng đây khóc vậy cà? Còn thằng anh nó đâu? Một mình nó làm sao chạy xe đạp ra tới đây được? Chú ngừng xe đi. Cho tui xuống đây được rồi.

 

Anh dừng xe. Cả ba người cùng xuống xe. Họ đứng trên bờ đê lộng gió. Con em chạy ào tới, khóc thét lên, ôm lấy bà già.

- Anh hai con… anh hai bị làm sao… chỗ cái máy bơm nước mà con kêu hoài không lên bà ơi!

Anh nhìn xuống dòng kênh đang cạn nước. Bùn phơi ra vàng ánh đất phèn. Thằng anh đang té sấp, úp mặt xuống bùn. Cái kẹp sắt trên tay nó còn dính vào dây điện của máy bơm nước, dẫn nước vào nhà máy xay lúa. Tay kia còn nắm chặt cái túi nylon lổn nhổn bao bịch, hộp lon, chai lọ lượm được.

- Trời ơi. Nó bị điện giật chết rồi!

Anh kêu lên thảng thốt. Tiếng kêu bị gió cuốn đi ném ra giữa đồng. Bà già như không nghe thấy, xăm xăm xắn quần lội xuống bùn. Anh gào lên trong gió lộng ầm ào.

- Bác đừng xuống, đừng xuống! Trong dây còn điện đó!

 

Cả ba bà cháu òa lên khóc. Gió như nổi lên mạnh hơn, cuồng loạn. Từng đợt, từng đợt gió tràn qua bờ đê, giẫm đạp lên cánh đồng xanh, đuổi nhau chạy về phía đông. Những mái tóc xanh và bạc bồng lên trong gió. Thằng anh vẫn nằm úp dưới bùn. Gió rào rào lùa qua mái tóc hoe hoe vì nắng của nó, những dấu chân trên bùn của nó, đọng nước, như những hốc mắt chứa đầy nước mắt.

 

Anh sực tỉnh, chạy bộ về phía nhà máy xay lúa. Anh hô hoán lên và gọi họ cắt điện. Chỉ một thoáng, những bóng người rầm rập chạy túa ra, phủ kín bờ đê, tràn lên cầu sắt. Từ xa trông lại, chiếc xe hơi như con thuyền màu trắng đang nổi bồng bềnh trong đám đông, giữa bờ đê lởm chởm đá, giữa cánh đồng mênh mang.

 

*

 

Phải bốn tiếng đồng hồ sau, anh mới thoát ra khỏi những ngơ ngác và đau buồn của cuộc đời. Anh nhớ ra suốt cả ngày hôm nay, anh vẫn chưa ăn một tí gì. Anh thấy đói cồn cào và người cứ lửng lửng lơ lơ làm sao ấy! Đã chín giờ tối. Phố chợ thưa người, quạnh quẽ. Chỉ còn vài ánh đèn le lói đằng quán cháo của bà Sáu. Anh lái xe về hướng đó.

Bà Sáu đón anh ngay cửa.

- Để tui múc cháo cho chú ăn nghe! Chắc chú mệt dữ rồi.

Anh thả người xuống ghế. Quán vắng, chỉ mình anh và bà Sáu.

 

Đầu anh còn ong ong những khung cảnh, những âm thanh lộn xộn của buổi chiều. Anh ngán ngẩm nhớ lại lúc mình còn ngồi tại công an xã, với vai trò người làm chứng cho vụ tai nạn của thằng bé. Anh như còn nghe tiếng nói của Bảy thợ hồ, tiếng nói của người chủ nhà máy xay lúa.

- Cái gì? Năm triệu hả? Nuôi thằng con tới đó… Dây điện nhà ông làm nó chết, ông trả tui năm triệu là xong hả? Ông có chút trách nhiệm nào không? Phải mười triệu, mười triệu mới được. Không thêm không bớt! Anh như còn ngửi được mùi rượu Bảy thợ hồ phả ra khi nói.

 

Gã chủ nhà máy xay lúa sửng cồ:

- Anh nói trách nhiệm hả? Anh là cha nó, anh đủ sức nuôi nó chưa? Nó phải bươn chải một mình. Nó phải đi kiếm tiền cho nó, cho em nó. Cả làng này đều biết vậy, còn anh thì không. Điện giựt là tai nạn, tui có muốn đâu? Trách nhiệm tui là năm triệu. Còn anh, là cha nó, trách nhiệm anh ở chỗ nào? Con anh, anh không giữ, để…

Anh thấy mềm người ra khi nghe họ cãi. Rồi anh giật nảy mình khi nghe anh công an xã đập bàn, quát lớn:

- Các ông im đi! Các ông đang trả giá trên xác đứa nhỏ đó hả? Các ông hèn lắm, không đáng mặt đàn ông! Thằng nhỏ mới là đàn ông!

Người đàn ông bé nhỏ ấy, mình mẩy bê bết bùn đất, nằm trên băng ghế sau xe, được anh chở về nhà. Người đàn ông ấy đã im lặng trước tiếng khóc, tiếng kêu gào của bà mẹ bị tật ở chân. Người đàn ông ấy đã không chịu tỉnh lại khi con em lay gọi não nuột anh hai. Người đàn ông ấy đã nằm gọn trong cái hòm nhỏ xíu, dài hơn một thước tây chút ít. Người đàn ông ấy đã ra đi trong giấc mơ được bay trên cái đu quay cùng đứa em gái bé bỏng của nó…

- Cháo nè chú. Bà Sáu nói. Chú ăn đi cho tỉnh tuồng.

Một thằng bé lấc cấc bước vào quán cháo, ngồi ịch xuống, cất giọng:

- Bà Sáu! Cho một tô nhiều cháo, nhiều thịt, nhiều giá sống… và ít ớt thôi nghen!

Bà Sáu quay phắt sang nó, trừng mắt.

- Bữa nay tao buồn nghe mậy. Giỡn hớt kiểu đó, tao vả rớt răng ráng chịu nghen!

- Thôi mà bà Sáu, con có làm gì đâu… nó xui, nó chết. Với lại, thằng nhỏ đó có gì hay ho đâu mà ca tụng dữ vậy? Vừa nói nó vừa hất cái mặt kênh kênh của nó lên.

Anh giật mình vì tiếng bà Sáu quát. Anh tưởng chừng bà Sáu đang chửi luôn anh.

- Nó là thằng sống có trách nhiệm! Nó không hơn lũ ăn cắp tụi bây sao? Ăn cắp và hèn nhát. Có chuyện là bỏ giò chạy trốn. Tui bây có dám đứng lại mà chịu đựng như nó không?

Thằng kia buồn thiu dứng dậy, bước ra khỏi quán lẩu bẩu cái miệng:

- Bà không bán cháo thì thôi. Mắc gì chửi tui!

 

Anh nhìn ra cái đu quay bên sân chợ. Anh thẫn thờ. Một bé gái sẽ lủi thủi đi chơi một mình. Tiếng bà Sáu văng vẳng trong đầu anh như những tiếng vọng dội ngược ra từ vách núi. “Có chuyện là bỏ giò chạy trốn. Tụi bây có dám đứng lại mà chịu đựng như nó không?” Anh nhìn sang chiếc xe đậu trước cửa quán. Nó đang quay đầu về hướng Đông. Anh đứng dậy, bước ra, mở cốp xe. Bao tiền vẫn nằm đó, nhìn anh trong câm lặng. Anh mở ra, lấy một xấp chừng mười triệu rồi bước trở vô đưa cho bà Sáu.

- Nhờ bác gởi chỗ này cho gia đình Bảy thợ hồ, nói con biếu.

- Sao nhiều dữ vậy chú? Bà kêu lên.

- Bác cứ cầm lấy, không sao đâu. Chỉ là cái tình của con người thôi mà… Bác tính tiền tô cháo.

- Trời ơi, làm sao tính tiền của chú được? Chú chở xác thằng nhỏ về. Chú bị kẹt lu bu với công an không lo công chuyện của chú được. Chú còn cho tiền nhà nó. Bà con ở đây thương nó nhưng chưa ai giúp được nó như chú đâu. Tới tui đây còn nín thinh dòm nó kêu một tô cháo đặng để dành tiền cho em nó chơi đu quay. Giờ nhớ lại tui còn hối hận nè chú! Sao tui lại nín thinh mà không múc đại một tô tình nghĩa cho nó hả trời!

 

Bà khóc, không thành tiếng. Trong ánh đèn yếu ớt, những giọt nước mắt lóe sáng như những ánh sao trên trời kia. Anh đứng dậy, bóp vai bà, chào từ biệt. Anh chúc bà ở lại mạnh giỏi rồi bước ra xe.

 

Anh bỏ kính, bỏ mũ lưỡi trai xuống băng ghế trước phía bên kia, cạnh bọc xoài xanh và mấy đòn bánh tét của bà già có giang xe. “Thôi chú cho tui gởi tạm mấy đòn bánh này, bởi không có gì là phần của tui dành cho chú thì kỳ cục lắm!” Anh liếc nhìn cái mũ và cái kính đen. Trông chúng hèn hạ hơn những món quà quê ấy làm sao!

 

Anh lái xe, chạy về hướng Đông. Giờ thì không còn trốn tránh ai hết. Anh sẽ quay lại công ty cùng với bao tiền mới mất có mười triệu kia thôi. Bấm kính cửa xuống, anh nghe làn gió mát rượi sực mùi cây cỏ tràn vào. Anh mở máy nghe nhạc. Một khúc nhạc Trịnh. Anh khe khẽ hát theo.

… “Xin chờ những rạng đông

Đời sao im vắng

Như đồng lúa gặt xong”…

Anh nhìn theo đèn xe đang phóng dài qua những hẻm núi. Anh mỉm cười với chính anh. Anh đang lái xe đi về những rạng đông./.

 

Tháng 01.2008

Thiện Phạm
Số lần đọc: 1909
Ngày đăng: 01.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô ấy cho rằng tôi nhảm - Nguyễn Viện
Đêm Văn Nghệ Đầu Xuân - Trương Hoàng Minh
Mưu sinh - Bạch Lê Quang
Ăn tết ở chùa - Mang Viên Long
Vườn mai - Minh Hương
Lý Toét - Đỗ Ngọc Thạch
Hoa hồng có gai - Huỳnh Văn Úc
Mưa biển - Khôi Vũ
Chuyện vãn với người ở xa về - Vinh Anh
- Tạ Ba