PHIÊN CHỢ TẾT
Làng tôi có chợ Đông. Năm ngày chợ họp một lần vào các ngày ba và tám theo lịch âm. Đó cũng là chợ phiên lớn nhất ở tổng Hà trù phú vùng Đông Bắc quê tôi. Chợ nằm ở gần bến sông, cạnh giao lộ giữa ba làng. Ngày thường nơi đây chỉ có vài căn lều tre của mấy bà hàng xén bán đồ khô dưới tán đa cổ thụ xum xuê. Chung quanh là bãi cỏ cằn, nơi thả trâu của những chú mục đồng ham chơi trò trận giả, hoặc túm tụm thành từng nhóm đánh khăng, đánh đáo.
Ngày hăm tám tháng chạp là phiên chợ Đông cuối cùng của một năm. Ấy cũng là dịp Tết Nguyên Đán cận kề nên người ta thường gọi là phiên chợ Tết. Từ sáng tinh mơ khắp các nẻo đường, con kênh bến chợ… thuyền bè, xe kéo tay, người gồng gánh, người đội thúng trên đầu hoặc bưng cắp rổ rá, ùn ùn đổ về. Người làng tôi phần lớn làm nghề chài lưới, hàng hóa đem ra bán chủ yếu là các loại cá tôm, thủy sản. Dân làng Quỳnh chở đến hàng tơ lụa, kèm thêm hàng mã. Dân làng La làm nghề chăn nuôi trồng trọt, dùng thuyền chở đến các loại rau quả…
Trên khoảng đất rộng hơn ngàn thước vuông chất ngồn ngộn các loại hàng tiêu dùng ngày Tết. Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại rau su hào, cà chua, Súp lơ, khoai tây, cải bắp, hành hoa… Quả cây chợ Tết có cam, bưởi, dứa, lê, hồng, quýt… Giữa những âm thanh hỗn tạp đủ cung bậc, bật lên tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gà quang quác, tiếng vịt ngỗng khản đặc một bè trầm.
Hương vị đặc sắc của phiên chợ Tết là mùi nhang trầm thơm ngạt ngào quến rũ mời chào. Tiếng pháo nổ lác đác đâu đó (dĩ nhiên đó là chuyện thời xưa). Người đi chợ hầu hết là các bà, các cô, các chị. Cũng có những gã trai lơ khoái đi chợ Tết, tìm cơ hội chim chuột đàn bà. Hoặc vài tốp trẻ con nghịch ngợm lượn lờ, bất thần đốt chiếc pháo tép khiến các bà, các cô một phen tá hỏa.
Người đi chợ chen lấn quanh những chỗ bán lá dong, thịt heo, hành khô, vàng mã…Những thứ không thể thiếu trong ngày Tết của một gia đình ở vùng quê. Người bán nói thách. Người mua cò kè mặc cả. Bớt một, thêm hai, dùng dằng nâng lên hạ xuống. Có bà đi đến nửa giờ mới chịu quay trở lại tiếp tục cuộc bán mua đầy kịch tính .
Chợ Tết vùng quê rất hiếm hàng bán hoa Tết. Cũng dễ hiểu thôi, bởi người dân quê không có thói quen mà cũng chẳng có nhiều tiền để mua hoa. Thường họ tự trồng hoa để trưng Tết. Bất quá thì xin họ hàng làng xóm một cành đào, hoặc vài bó cúc bó hồng đặt trên bàn thờ dâng cúng tổ tiên …
Qua giờ ngọ phiên chợ Tết mới tàn. Dưới tán đa cổ thụ xum xuê chỉ còn lại mấy túp lều hoang, thế giới tự do của bọn mục đồng. Chúng chạy nhảy, vật nhau, hò hét rồi đốt pháo tưng bừng …
Tết đã cận kề. Trong bữa cơm chiều cha tôi nhấp ngụm rượu nhỏ rồi cao hứng ngâm nga câu đối dân gian: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh”. Đó cũng là tất cả những thứ được người ta chú trọng mua sắm, hoàn tất trong phiên chợ Tết.
Buổi tối, cả gia đình tíu tít quanh nồi bánh trưng. Mẹ tôi than thở, chợ Tết năm nay thứ gì cũng đắt đỏ! Hình như Tết nào mẹ cũng than câu ấy.
MÂM BÁNH TẾT
Mỗi độ xuân về tôi lại nhớ về mâm bánh ra cỗ họ vào đêm ba mươi Tết.
Để có mâm bánh mang đầy đủ hương vị quê hương, mẹ tôi đã chuẩn bị hương liệu, vật liệu trước Tết gần tháng trời. Thường thì ngày hăm tám tháng chạp cha tôi bắt đầu bắt tay vào công việc làm bánh Tết.
Hình như có một qui ước bất thành văn rằng, mâm bánh Tết nhất thiết phải có bánh chưng vuông, bánh dầy tròn. Các loại bánh khác tùy theo ý thích cũng như điều kiện của mỗi nhà.
Đúng chiều ba mươi Tết mẹ tôi hoan hỉ bày bánh ra mâm. Chính giữa là chiếc bánh chưng đã bóc lá, điểm những hạt đậu phộng tróc vỏ màu trắng đục như những bông hoa mai chiếu thủy trên vòm lá xanh. Bên cạnh là chiếc bánh dầy tròn trịa sáng láng như bầu trời. Ấn tượng nhất là chiếc bánh gai màu đen được đặt cạnh chiếc bánh ngọt màu đỏ tươi như cánh hoa hồng. Bánh gai làm từ lá gai trồng trong vườn nhà. Bánh ngọt làm bằng bột gạo nếp hoa vàng trộn thêm đường kính, ruột gấc để có màu đỏ tươi. Bánh táo màu vàng nghệ mẩy như trái táo, làm từ bột gạo nếp trộn lòng đỏ trứng gà, rồi đem rán trên chảo mỡ. Nhưng đặc sắc nhất là bánh tro được cắt thành từng khoanh hình trụ, xếp trên đĩa sứ màu hồng nhạt. Xin được nói thêm rằng, bánh tro là đặc sản của quê tôi. Bánh được chế tác khá công phu. Người ta đem ngâm gạo nếp trong nước cốt than tro đốt từ loại cây đặc biệt. Khoảng bốn ngày sau, gạo nếp đã ngâm nước cốt tro được gạn ra, rửa sạch, trộn màu quả dành dành rồi dùng lá chuối hột gói lại như bánh tét ở Nam Bộ nhưng nhỏ hơn. Tiếp đó là công đoạn luộc như bánh chưng. Bóc bánh ra, gạo nếp đã tan nhuyễn mịn như bột lọc, màu hồng nhạt. Bánh tro chấm mật hoặc đường, ăn vùa mát vừa dễ tiêu, rất phù hợp với ẩm thực ngày Tết.
Mâm bánh Tết ra cỗ họ được bày biện cầu kỳ, đẹp như một bức tranh quê, gam màu tươi tắn, thần sắc mộc mạc mà cao sang huyền bí.
Cha tôi bảo, mâm bánh Tết vừa là tấm lòng vừa là bộ mặt của gia tộc. Năm nào mâm bánh Tết ra cỗ họ được các cụ bô lão trong họ ngợi khen là cha mẹ tôi cảm thấy hãnh diện lắm.
HỘI LÀNG
Quê tôi giống như những vùng quê khác ở Bắc Bộ, tháng giêng là tháng của hội hè. Mồng ba Tết hội chùa Dui. Mồng bốn Tết hội chùa Đông. Mồng năm Tết hội chùa La. Mồng sáu Tết hội chùa Cốc…Cứ như vậy các ngôi chùa ở khắp vùng kế tiếp nhau mở hội. Chẳng lấy gì làm lạ, bởi Đông Bắc vốn là nơi phát tích Phật phái Trúc Lâm của ba vị tổ sư nổi tiếng : Đức Vua Phật Trần Nhân Tông, đức cao tăng Pháp Loa, đức cao tăng Huệ Quang.
Nhưng ngoài hội chùa trong dịp Tết, quê tôi còn có hội đền, hội miếu . Lớn nhất là hội miếu Tiên Công diễn ra vào ngày mồng bảy tháng giêng. Miếu Tiên Công là nơi thờ phụng, tưởng nhớ công lao của mười tám vị Tiên Công ở chốn kinh kỳ tìm đến nơi đây quai đê lấn biển, khai phá đất đai lập nên vùng đất từ sáu trăm năm trước. Trong ngày hội, tất cả các bô lão tới tuổi tám mươi được rước kiệu hoặc võng đào đưa lên miếu làm lễ thượng thọ. Trên khắp các nẻo đường, từng đoàn kiệu hoa, võng lọng, cờ phướn đủ màu rực rỡ. Đi theo đám rước là con cháu chút chít đầy đàn. Có phường bát âm hành tấu, réo rắt tiếng đàn tiếng nhị xen lẫn tiếng trống phách rộn ràng.
Miếu Tiên Công tọa lạc trên khu gò cao, chung quanh là những cây cổ thụ trăm năm tuổi. Phía dưới gò là cánh đồng mới gặt chỉ còn những gốc dạ khô. Khu tiền sảnh và nội điện là nơi cử hành lễ tế trịnh trọng thiêng liêng của ban hành lễ . Tham dự lễ gồm các chức sắc quan viên, những bậc bô lão đức cao vọng cả, các cụ thượng thọ bát tuần cùng con cháu họ hàng…
Ở khu ruộng quanh miếu người đông ngàn ngạt. Người ta náo nức xem các trò chơi dân gian như chơi đu, đánh vật, múa lân, cờ người, bài điếm, chọi gà, kéo co …. Tôi còn nhớ, có lần chị gái tôi chơi đu đôi với một thanh niên làm nghề chài lưới. Hai người đứng đối diện trên cây đu, mặt giáp mặt, tay bên tay. Cả hai nhún nhảy nhịp nhàng. Cây đu bay vút lên cao vẽ thành một đường cong, điểm cao nhất cách mặt đất tới vài chục mét . Những người xem đứng dưới vỗ tay tán thưởng rầm rầm. Sau này, chàng thanh niên dân chài ấy đã trở thành anh rể tôi. Hội làng là thế. Đây cũng là dịp tốt để trai gái tìm đến với nhau, nên vợ nên chồng…
*
Bây giờ gia đình nhỏ của tôi đang sống ở thành phố. Dẫu là ngày thường hay ngày Tết người ta vẫn chỉ biết đến quán nhậu, màn hình, những tụ điểm ca nhạc tạp kỹ hoặc vũ trường ồn ã cuồng say …
Một năm nữa lại trôi qua. Tôi chạnh lòng nhớ Tết ở quê nhà …/.
VT 1- 2010