Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.149.093
 
Múa Tứ linh ở xứ Quảng
Văn Thành Lê

Tứ linh – một tổ khúc múa cổ truyền của dân tộc, đã xuất hiện trên mảnh đất “Ngũ phụng tề phi” hơn một thế kỷ rồi mà sử sách chưa một lần nhắc tới.

 

Tứ linh là bốn con vật linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Đó là những con vật không có thật trong cuộc sống, hoặc chỉ phần nào có thật nhưng đã được cách điệu hóa. Long: Rồng - tượng trưng cho vua, vương quyền; Lân - sức mạnh; Qui: Rùa - sống lâu; Phụng: chim Phượng - tình yêu và hạnh phúc.

Những con vật trên được xử dụng làm mô-típ trong kiến trúc đình, chùa, lăng, miếu... Ngay trong các ngôi nhà cổ của dân tộc Việt, hình tượng Tứ linh xuất hiện không ít trong các chi tiết trang trí.

Tứ linh với biểu tượng về vương quyền, sức mạnh, sống lâu, tình yêu và hạnh phúc đã nói lên ước mơ ngàn đời của người xưa: ước mơ về một đất nước có chủ quyền giàu mạnh, một dân tộc trường tồn ấm no hạnh phúc. Cha ông ta đã mô phỏng đời sống của 4 con vật nầy, cách điệu thành những động tác thể hiện trong múa Tứ linh. Vào các dịp lễ lạt tết nhứt hay những khi được mùa, ngoài việc khuấy động không khí hội hè, múa Tứ linh còn là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh, một lời cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, dân an quốc thái.

Cùng với các điệu múa dân gian khác, múa Tứ linh được các nghệ sĩ dân gian hoàn thiện dần qua nhiều thế hệ. Đến khi bước qua ngưỡng cửa sân khấu cung đình, thì điệu múa nầy đã có được một dáng vẻ bác học hơn. Sử sách còn ghi vào thời vua Tự Đức (1842-1882), trong ngày lễ Vạn thọ có múa Bát dật ở Chính lâu, múa Tứ linh và múa Hoa đăng ở Phu Văn lâu. Ở cung đình Huế có lập ra những đoàn múa mà nổi tiếng nhất là đoàn Ba Vũ, chuyên lo phục vụ ca múa trong những ngày lễ này.

Tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam xưa có một nghệ sĩ tuồng nổi tiếng: Thầy Nhung. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống say mê nghệ thuật, ngoài việc lập một gánh hát tuồng, thầy Nhung còn lập một nhóm múa Tứ linh mà diễn viên chính là con cháu trong nhà. Trong làng nghề ngày trước có cụ Phan Công Tha là cháu nội của thầy Nhung. Cụ Tha cho biết nhóm Tứ linh của thầy Nhung đã đi diễn rất nhiều nơi: tại Công đường tỉnh Quảng Nam cũ, tại Tòa sứ Pháp ở Hội An nhân quốc khánh Pháp 14-7, tại các lễ hội khắp trong và ngoài tỉnh. Xa nhất là diễn ở Mũi Né (Phan Thiết). Khi thầy Nhung qua đời, nhóm múa Tứ linh được giao lại cho con trai là thầy Nha.

Đến nay, sau bao thăng trầm của lịch sử, múa Tứ linh đã ít nhiều mai một. Còn lại một vài nghệ nhân cũng đã trên thất tuần, tuồng tích Tứ linh các cụ chỉ còn nhớ mỗi người vài đoạn. Năm 1990, được sự tài trợ của anh Lương Tiến Toàn, một nhà hảo tâm rất đam mê múa Tứ linh, người viết bài nầy đã đến gặp từng cụ để phục hồi tuồng tích cũ. Sau 5 tháng tổ chức dàn dựng dưới sự chỉ đạo của các nghệ nhân lão thành Đinh Quýt và Nguyễn Huệ, một nhóm múa Tứ linh đã ra mắt khán giả nhỏ tuổi tại Đà Nẵng vào dịp Tết Trung Thu 1990.

Trong 3 năm hoạt động, nhóm múa Tứ linh nầy đã đi diễn rất nhiều nơi: Hội Hoa Xuân tại công viên 29-3 Đà Nẵng vào các dịp tết cổ truyền, Lễ hội chùa Quán Thế Âm tại núi Ngũ Hành Sơn (Non Nước), Lễ hội Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam tại Đà Nẵng, Lễ hội Văn hóa - Thể thao các huyện miền núi tại Hiệp Đức, lễ hội đình làng các địa phương trong và ngoài tỉnh, hội Trăng rằm Trung thu tại nhà trẻ các cơ quan, lễ khánh thành các nhà thờ... Loại hình múa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nầy đi đến đâu cũng được các tầng lớp khán giả nhiệt liệt tán thưởng.

Rất tiếc là đến năm 1993, trong một cơn hỏa hoạn, toàn bộ đạo cụ múa Tứ linh đã bị cháy sạch.

Một số ý kiến cho rằng múa Tứ linh có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng dựa vào những truyền thuyết như: con Rồng cháu Tiên, truyền thuyết về đất Thăng Long (Rồng Bay), An Dương Vương với thần Kim Quy, Lê Lợi với hồ Hoàn Kiếm... kết hợp với động tác múa, âm nhạc và lối phục trang, có thể khẳng định rằng, múa Tứ linh là một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc Việt.

Về động tác, múa Tứ linh khai thác, phát triển động tác từ múa dân gian. Nội dung tư tưởng của điệu múa được thể hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ múa kết hợp với chất liệu kịch câm, kết hợp giữa múa đồng điệu với múa phức điệu, múa đơn với múa đôi, múa ba.

Giàn nhạc dùng cho múa gồm nhị, sáo, kèn, chập chõa. Chủ yếu dùng trống và phèng la nhằm gây không khí và khắc họa tính cách hành động của nhân vật. Trống có trống chầu và trống chiến. Trống chiến được sử dụng như trong hát tuồng, gồm 5 thanh trên mặt trống và một thanh trên mặt gỗ. Múa Lân, giàn nhạc thường chơi bài Bán hạ, Ngũ điểm. Múa Phượng, bài Đảo nam. Nhạc múa thuộc nhịp chẵn, theo cấu trúc một đoạn, phát triển từ một mô-típ chủ đạo, thỉnh thoảng có đảo phách, nghịch phách để làm phong phú tiết tấu múa.

Quan hệ giữa mặt nạ, phục trang và nghệ thuật múa đều nhằm tập trung thể hiện hình tượng và tính cách của từng nhân vật. Trên nền nhạc đầy tính chất gây không khí, dưới bộ lốt phục trang, bằng tài nghệ của mình, nhiệm vụ của các diễn viên là phải làm sống dậy từng nhân vật. Không còn là mặt nạ hay bộ lốt vô tri nữa, qua lăng kính của hình tượng nghệ thuật, chúng đã được nhân hóa thành những cuộc đời có thực với sức sống mãnh liệt. Ở đây, thuộc tính loài vật không còn là sợi dây trói buộc sự sáng tạo của diễn viên mà là một sự thách thức tài nghệ biểu diễn của họ. Đó là việc phải thể hiện như thế nào giữa cái hư của những con vật không có thực và cái sinh động như thực trong đời sống của những con vật vốn đã được hư cấu.

Với Quảng Nam yêu thương đã từng tự hào về một xứ địa linh nhân kiệt, với biết bao truyền thống văn hóa nghệ thuật, sẽ càng thêm yêu qúy quê nhà hơn khi phát hiện ra rằng, múa Tứ linh - một tổ khúc múa cổ truyền của dân tộc, đã xuất hiện trên mảnh đất “Ngũ phụng tề phi” hơn một thế kỷ rồi mà sử sách chưa một lần nhắc tới. Kế thừa và phát huy di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, những viên ngọc sáng chói đã được tích tụ từ trong bề dày của một lịch sử dân tộc hơn bốn ngàn năm là trách nhiệm không của riêng ai. Xin dành một dấu chấm lửng cho những tấm lòng còn thiết tha với bản sắc văn hóa dân tộc.../.

 

Tài liệu tham khảo:

 

- Lâm Tô Lộc : Nghệ thuật múa dân tộc Việt - Văn hóa Hà Nội 1979.

- Tô Sanh : Nghệ thuật múa rối nước - Văn hóa HN 1976

- Trần Ngọc Thêm : Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam - TPHCM 1996

- Lê Yên : Những vấn đề căn bản trong âm nhạc tuồng - Thế giới HN 1994

Cùng một số bài bản múa Tứ linh xứ Quảng do các nghệ nhân Đinh Quýt, Phan Công Tha, Nguyễn Huệ, Lê Trân... cung cấp.

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 2494
Ngày đăng: 03.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thể Loại Văn Bia và Các Bài Bia Tạc Công Đức Thoại Ngọc Hầu - Trần Minh Thương
Lễ Hội Ông Đùng, Bà Đà và Câu Chuyện Nhà Khó Đánh Hổ - Phạm Minh Hoàng
Câu cá còm - nghề chơi cũng lắm công phu - Văn Thành Lê
Bài Chòi Ngày Xuân ở Quảng Nam - Phạm Phù sa
Giai thoại về một bài hát ru xứ Quảng - Phạm Phù sa
Sự tích một bài hát xẩm - Huỳnh Văn Úc
Hò Khoan Xứ Quảng Sắc Xuân Dân Gian Độc Đáo - Phạm Phù sa
Thành ngữ Hán việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Cảm nhận câu ca: công anh chăn nghé đã lâu … - Trần Minh Thương
Tiếng cười trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương