(Viết về tập Thơ Phan Đạo, NXB Hội Nhà văn, 1.2010)
Tuổi Nhâm Dần, mê mải rong chơi trên đường đời, một ngày đẹp trời trái tim thi sĩ Phan Đạo nhớ ra phải in thơ, thế là tập thơ đầu tay ra đời. Tập thơ mang cái tên không thể giản dị hơn: “Thơ Phan Đạo”. Ừ, thì nói cho cùng như Lão Trang, cái đẹp là sơ giản, là “kiến tố bảo phác”, thơ đi đến cùng cũng là…thơ thôi, bày vẽ đặt tên không hẳn dở nhưng nhọc lòng lắm thay.
Đất Huế nhiều người làm thơ và làm thơ hay. Riêng tôi nhận thấy ở đất thần kinh bấy lâu nay có 2 trường phái thơ, hay chính xác hơn là 2 thi giới. Một là nhóm thi sĩ bác học văn chương hàm súc tót vời như HPNT, NKĐ, NM, HTH, MVH…, hai là nhóm thi sĩ chân đất, chữ nghĩa cơ hồ góc đấu nhưng cũng máu thơ và làm thơ hay như PXL, LHL, NTT… Phan Đạo như tôi biết, xếp vào nhóm sau. Nhóm đầu thì khỏi nói, văn chương long lanh, thân pháp uyển chuyển, chỉ nhìn thôi cũng đã rụng rời. Riêng nhóm sau, vì lăn lóc mưu sinh bá nghệ nên ít thời gian rèn luyện võ công, bù lại họ sử dụng binh khí với nhiều chiêu thức kỳ dị nên võ công cũng đáng để người đời coi trọng.
Thơ Phan Đạo, như đã nói, xếp vào nhóm sau nên mặc dầu cuối năm Kỷ Sửu bận rộn, tôi cũng dành thời gian để đọc và chiêm ngưỡng vài đường đao kiếm lạ mắt. Tập thơ mỏng vỏn vẹn 29 bài nhưng câu chữ cuộn xoắn vào nhau kiểu dây thừng dây chão nên cầm lên cũng thấy nặng. Tình là vậy, còn chủ đề thì đủ kiểu, nhiều nhất là “Hôn phối” (cả thảy có 5 Hôn phối đánh số từ 1 đến 5), còn lại chủ đề một nhát thì có nhiều bài như “Về-Đi”, “Tình khúc cho Đà Lạt”, “Quê xưa hoa nở”, “Vắng bóng con người”…
Cái lạ mắt đầu tiên của tôi với tập thơ là việc sắp xếp, tuyển chọn và cả cách đặt tên cho các bài thơ. Vui lắm, có “Hôn phối 1” đến “Hôn phối 5” có “Độc thoại 1” đến “Độc thoại 3”, có “Không đề 1” rồi lại có cả “Vô đề 1”, “Vô đề 2” nữa. Lại thêm “Tình khúc đêm” với “Tình khúc đêm 2” nhưng mỏi mắt tìm “Tình khúc đêm 1” thì chẳng thấy, ngờ rằng hoặc tác giả cố tình như thế hoặc tác giả bỏ quên bài thơ này trong túi áo rồi giặt nát ở bến sông xưa năm nảo năm nào.
Chuyện hình thức rất vui nhưng không hay bằng võ công mà Phan thi sĩ khai triển trong thơ. Từ một bài lục bát duy nhất đầu tập (“Lục bát canh khuya”) đến thể thơ tự do ngắt dòng lên xuống ở những bài còn lại, cho thấy tác giả rất thành thục với các thể thơ (có nên gọi là thi thể cho có vẻ hàn lâm chăng). Và một khi đã thành thục với kỹ năng này thì việc sắp đặt ý tứ, đong đếm cảm xúc, với Phan thi sĩ dường như chẳng mấy khó khăn.
Xét về nội dung, tư tưởng (lại nói chuyện hàn lâm), Phan thi sĩ có mấy chiêu thức độc như sau:
1. Truy tầm nhân diện (Dịch nôm: Người đi tìm mặt)
Ý này, tác giả tâm đắc bày tỏ công khai trong một số bài như “Tình yêu thể hiện”, “Vắng bóng con người”. Trong bài “Tình yêu thể hiện” tác giả viết: “…Bởi/Chúng ta nào khác gì nhau/Trong cuộc chạy tìm khuôn mặt mình đích thật…” Đọc đến đây tôi rất hồi hộp không biết tác giả tìm khuôn mặt mình ở đâu nhưng may thay câu thơ tiếp theo đã cho tôi địa chỉ của hành trình truy tầm nhân diện. Hóa ra tác giả đang lang thang ở “thảo nguyên lòng”. Nghe cũng lạ và cũng lãng mạn.
2. Truy vấn thanh âm (Dịch nôm: Tra hỏi âm thanh)
Phàm sống ngày nào cũng phải nghe bao nhiêu tiếng động, thường nhân không để ý, cho qua nhưng trái tim thi sĩ thì nhạy cảm lắm nên phải lắng nghe, phải hỏi han mới đặng. Ý này tác giả cũng công khai trong một số bài như “Tình khúc đêm”, “Âm thanh ngày”… Hỏi mà chẳng cần trả lời, hỏi rồi tự trả lời, hỏi xong rồi quên luôn câu hỏi. Ý này nhiều câu không mới nhưng có tình, kiểu như “Ta nghe trong tiếng kêu niềm ngây ngô làm chồi thu trở thành âm thanh lắp bắp..”(“Âm thanh ngày”), hay “Ta/Là nhành cây khô rồi chăng/Sao chiều nay nghe tiếng mõ/Nắng bừng lên/Trên cỏ…” (“Tình khúc đêm”).
3. Truy nã giai nhân (Dịch nôm: Tìm bắt người đẹp)
Giống thi sĩ hơn người chỗ nhạy cảm, thấy giai nhân không cầm lòng được. Phan Đạo cũng vậy, một số bài trong tập thơ cất giọng bi thiết đầy cảm hứng. Nhưng than ôi, dặm đường mưu sinh ai người tri kỷ dám sẻ chia niềm thơ ngút trời. Vậy là, đem quách vào thơ, vừa thỏa chí lại không dây dưa với đời. Nhiều bài (hoặc trong mỗi bài có nhiều câu, vài câu) kiểu như thế, ngẫm ra cũng không hại ai: “Cuối cùng/Tôi sẽ dìu em/bước lần theo theo những tiếng chuông khuya và khoảng trời xanh biếc…” (“Khát vọng bình thường”), “Ta nói gì cùng em/Ơi người thiếu phụ/Có đôi mắt rắn như đồng mà mênh mang buồn như nước mùa lá đỏ/Có trái tim dệt từ sợi tơ lòng tím buốt nằm khuất sau lớp lớp kiêu kỳ…” (“Tình yêu thể hiện”)
5. Truy bức ngôn ngữ (Dịch nôm: Ép buộc câu chữ)
Vụ này mới nghe. Vui nữa. Đã nói Phan thi sĩ thuộc nhóm thứ 2 nên câu chữ phóng túng lắm, đao kiếm xem ra quá đỗi vô tình. Quên đi điện ảnh nước nhà với bộ phim “Đẹp từng centimet”, họ Phan đã sáng tạo lâu rồi, trong bài “Độc thoại cuối sông” với những câu như “Tôi/Làm cuộc diện kiến mình lần thứ/Để nới lòng mình/Thêm vài centimet yêu thương…” Đến đây, bạn hỏi, thế thì có gì mà truy bức. Xin thưa, khổ tiếp theo (cũng quên luôn điện ảnh Hàn quốc với bộ phim “Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân”) có câu “Xuân rồi thu rồi đông rồi hạ rồi đông hạ xuân thu/Tấm lòng nới thể xác tôi ra thêm vài yêu thương centimét…” Thấy chưa, đố bạn viết được và hiểu được “vài yêu thương centimét”, được, chết liền…
Chút riêng gửi tác giả:
Cũng còn vài điều nữa để viết về tập Thơ Phan Đạo nhưng thôi giấy vắn tình dài. Cũng là chỗ anh em quen biết, nếu có điều gì chưa hài lòng xin anh thể tất cho. Chữ nghĩa thì cũng đao kiếm vô tình như nhau cả. Nay đã bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, mong Phan thi sĩ bỏ qua, giữ gìn ngọc thể trước khi bước tiếp dặm đường mưu sinh đầy bất trắc và hành trình thơ cũng bất trắc không kém. Đa tạ.
Chút riêng gửi bạn đọc:
Nghĩ rằng nên giới thiệu đến bạn đọc một gương mặt thơ mới ở Huế nên đành phải xưng hô danh phận. Viết ra, chắc còn có thiếu sót nên cũng mong bạn đọc lượng thứ. Xưa rày, chữ nghĩa vốn không cùng. Nhất mực văn chương nói chung, thơ phú nói riêng cũng như Đạo vậy (không phải Phan Đạo), nên mượn Lão Trang (mượn từ đầu bài viết) ngửa mặt than rằng: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo”. Bái biệt./.
Đà Nẵng 02.02.2010