Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.051
123.197.783
 
Táo quân truyện
Đỗ Ngọc Thạch

(Sự tích hai ông một bà)

 

Ngày xưa, có hai vợ chồng son, nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau. Thường buổi tối sau khi đi làm về, hai vợ chồng ngồi bên bếp lửa hay dưới ánh trăng kể cho nhau những chuyện xa gần mới nghe được, hay hát những câu tình duyên, có khi vui vẻ quên cả cơm nước.

Một năm trời làm mất mùa, hạt gạo kiếm rất khó khăn. Tình trạng đói kém diễn ra khắp mọi miền. Hai vợ chồng theo lệ cũ đi tìm việc ở các nhà giàu nhưng chả mấy ai thuê nữa. Người vay công lĩnh nợ thì đông mà gạo rất khan hiếm nên khó chen vào lọt. Hơn nữa, cổng mấy lão trọc phú lại thường đóng chặt vì chúng không muốn cho ai quấy nhiễu. Túng thế hai vợ chồng phải đi mò cua bắt ốc, hoặc đào củ, hái rau về ăn. Tuy có đỡ phần nào nhưng tình thế vẫn không mảy may sáng sủa. Cái chết luôn luôn đe dọa họ vì trận đói còn kéo dài. Một buổi chiều, sau khi húp vội mấy bát canh rau má, chồng bảo vợ:

- Tôi phải đi một nơi khác kiếm ăn, không thể ở đây mà chết đói.

Nghe chồng nói, người vợ đòi đi theo để sống chết cho có nhau. Nhưng người chồng bảo:

- Tôi chưa biết sẽ đi đến đâu và sẽ phải làm những gì. Nàng ở nhà dễ sống hơn tôi, không nên theo làm gì cho vất vả. Chưa biết chừng tôi sẽ nằm lại dọc đường để cho loài chim đến than khóc. Nhưng cũng chưa biết chừng tôi lại mang những quan tiền tốt về đây nuôi nàng cũng nên!... Chao ôi! Số mệnh! Nàng hãy chờ tôi trong ba năm, nghe! Hết ba năm không thấy tôi trở về ấy là tôi đã bỏ xác quê người. Nàng cứ việc đi lấy chồng khác!

Người vợ khóc lóc thảm thiết như đứng trước cảnh tang tóc thực sự. Nhưng không biết làm thế nào cả, nàng đành phải để chồng ra đi. Sau khi tiễn chồng, người đàn bà kiếm được việc làm ở một nhà kia. Nhà họ không giàu gì nhưng thương cảnh ngộ nàng, có ý giúp đỡ cho qua những ngày ảm đạm. Ở đây, người đàn bà kiếm mỗi ngày hai bữa, trong đó có một bữa cháo bữa khoai. Nhờ lanh lợi và xinh xắn nên nàng lấy được cảm tình của chủ. Nhưng hình dáng người chồng thân yêu không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nàng.


Thời gian trôi nhanh như nước chảy. Người ta đã bớt nhắc đến trận đói khốc liệt vừa qua. Nàng thì ngày ngày hồi hộp chờ đợi chồng. Nhưng cây bưởi trước sân đã ba lần trổ hoa mà chồng nàng vẫn không thấy tăm dạng. Giữa lúc ấy người chủ đã từng bao bọc nàng trong nạn đói, vừa chết vợ. Sẵn có cảm tình với nàng, người ấy ngỏ ý muốn được nối duyên cùng nàng. Nhưng người ấy đâu có hiểu được lòng của người thiếu phụ. Câu trả lời của nàng là:

- Chồng tôi hẹn tôi trong ba năm sẽ về. Đến bây giờ tôi mới tin là chồng tôi đã chết. Vậy cho tôi để tang chồng trong ba năm cho trọn đạo.

Ba năm nữa lại trôi qua một cách chóng vánh. Không một nét chữ, một lời đồn về người xấu số. Hàng ngày, những buổi chiều tà, nàng vẫn đăm đăm nhìn bóng người đi lại trên con đường cái quan. Và rồi nàng khóc cạn cả nước mắt. Người đàn ông kia giục nàng quyết định:

- Một là chồng nàng đã chết, hai là còn sống nhưng đã lập một gia đình khác ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Đằng nào nàng cũng khó mong tái hợp. Âu là cùng tôi lập một gia đình mới. Sức của tôi và tài sản của tôi đủ bảo đảm cho nàng sung sướng trọn đời.


Nàng sửa lại vành khăn trắng đã ngả màu, cảm ơn hậu tình của anh ta và xin rốn chờ cho một năm nữa. Một năm nữa lại trôi qua không mang lại một tin tức gì mới mẻ. Lần này nàng mới tin là chồng mình chết thật. Sau một bữa rượu cúng chồng và đãi họ hàng làng xóm, nàng đến ở cùng người chồng mới.

Ba tháng, người chồng cũ bỗng nhiên xách khăn gói trở về quê hương. Chàng không có vẻ gì khấm khá hơn trước. Chàng chỉ ôm một hy vọng là được gặp lại người vợ yêu. Nhưng vườn cũ nay đã thuộc về chủ mới. Chàng lẩm bẩm: "Thế là hết. Bởi số cả!". Việc người đàn ông đột ngột trở về làm cho mọi người ngơ ngác. Nhất là đôi vợ chồng mới cưới không biết ăn nói làm sao bây giờ. Người đàn bà xấu hổ không dám dàn mặt. Nhưng người chồng cũ đã tìm đến họ và an ủi họ:

- Tôi đi vắng lâu quá. Cái đó hoàn toàn là lỗi ở tôi. Nàng xử sự như thế rất đúng. Tôi chỉ cần về gặp nàng một chút. Thế là đủ. Bây giờ tôi sẽ đi khỏi nơi này mãi mãi.

Mặc dầu người vợ nài nỉ hết sức, mặc dầu người chồng mới đoan xin trả lại vợ, nhưng chàng nhất quyết dứt áo ra đi. Chàng không nỡ phá hạnh phúc của họ. Mà chàng cũng không có gan đi đâu xa vì không thể quên được vợ cũ. Băn khoăn dằn vặt hành hạ tâm trí chàng. Đầu óc rối như mớ bòng bong. Chàng nghĩ đến cái chết và trong một lúc cuồng loạn, chàng tự treo cổ lên cây đa đầu làng.


Cái chết kinh khủng đó như một tiếng sét nổ vào đầu người đàn bà. Nàng cảm thấy chính mình là thủ phạm gây ra cái chết của người chồng cũ. Tại sao ta chờ chồng được bảy năm trời mà không ráng chờ thêm ít lâu nữa? Tại sao thấy chồng trở về, ta không dám giáp mặt? Nàng không tự chủ được nữa. Tất cả những câu hỏi như lên án một cách âm thầm nhưng kịch liệt trong đầu óc nàng.

Thế rồi buổi sáng hôm sau, trong khi người ta sắp sửa cất đám người đàn ông bạc mệnh thì người ta lại hoảng hốt kéo nhau đi vớt tử thi người đàn bà dưới cái ao bên cạnh nhà. Người chồng mới sau khi làm ma cho vợ, trở nên như người mất trí. Hai cái chết đánh mạnh vào đầu óc mọi người, riêng đối với chàng chưa bao giờ có một sự xúc động dữ dội đến như thế. Chàng luôn miệng kêu to: "Tại sao ta cố ý cướp vợ của người khác". Rồi một hôm, sau khi đem hết gia sản chia cho họ hàng và cúng vào chùa, chàng uống thuốc độc tự tử.

Lúc xuống Âm phủ, cả ba người đều được đưa tới trước tòa án của Diêm vương để định công luận tội. Tất cả mọi người một khi đã đến đây đều phải khai rõ sự thật ôm ấp trong lòng. Theo lời khai của người chồng cũ thì chàng không thể nào xa lìa vợ cũ. Chàng sở dĩ chết ở làng là chỉ mong luôn luôn được gần gũi nàng. Người chồng mới cũng khai rằng chàng có cảm tình rất sâu xa đối với người vợ mới mặc dầu mới chính thức lấy nhau chỉ có ba tháng. Đến lượt người đàn bà thì nàng thú thật rằng cái tình của nàng đối với chồng cũ choán một chỗ rộng rãi trong lòng mình, đồng thời đối với người chồng mới, nàng cũng không thể nào quên được tình cảm nồng nhiệt của chàng.

Diêm vương nghe rất cảm động. Những người như thế này cũng thật hiếm có. Cần phải làm cho bộ ba ấy sống gần nhau mãi mãi. Sau hồi lâu suy nghĩ, Diêm vương cho ba người hóa thành ba ông đầu rau để cho họ khỏi lìa nhau và để cho ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Đồng thời còn phong cho họ chức Táo quân trông nom từng bếp một, nghĩa là từng gia đình một trên trần thế…

*

Trở lên trên là toàn bộ câu chuyện Sự tích ông Đầu rau, theo lời kể của Nguyễn Đổng Chi.Còn có những dị bản khác (*), nhưng tất cả đều giống nhau ở cái kết cục của ba người: cả ba người đều chết và được chung sống với nhau, cùng được phong Táo Quân.

Còn chuyện hai ông sống với một bà như thế nào, tức chuyện ở gia đình “Ba ông đầu rau”, tức gia đình Hai ông một bà, thì không thấy tài liệu nào nói tới. Táo Bà ở với hai ông chồng, ngày chẵn thì ân ái với ông chồng cũ, ngày lẻ thì ân ái với ông chồng mới. Việc phân chia ngày tháng rõ ràng và cả hai ông chồng đều dĩ hòa vi quý nên không xảy ra tranh chấp, xung đột gì đáng kể (tất nhiên có không ít ngày hai ông chồng cố tình “lộn ngày”, song không chạm trán nhau vì có sự “sắp xếp” rất khéo của Táo Bà). Tuy nhiên, ở trong bụng Táo Bà lại xảy ra tranh chấp quyết liệt: Tinh trùng của ông chồng cũ luôn luôn đánh lộn với Tinh trùng của ông chồng mới, hễ gặp nhau là muốn lấy mạng nhau ngay. Kết quả là bên chết, bên trọng thương và rồi cũng chết luôn. Vì thế, đã bao nhiêu năm trôi qua mà Táo Bà không hề sinh con, khi cần bổ sung đội ngũ Táo quân thì chọn người trong dân gian thấy ai có cảnh ngộ giống mình thì phong cho làm Táo quân ở các nơi. Vì không có ai biết được nguyên nhân chính xác của chuyện vô sinh này nên đành chấp nhận tình trạng đó và gọi Táo Bà là “Bà Điếc”! Khi cả ba người đều biết chuyện không thể thụ thai của Táo Bà thì mối quan hệ của ba người không còn hòa thuận, vững chắc như kiềng ba chân nữa mà như “Tam quốc diễn nghĩa”, bỏ bê nhiệm vụ là chuyện không thể tránh khỏi!

Tuy nhiên, vẫn có người biết rõ thực hư, đó là Thái Thượng Lão Quân. Song, do bận việc luyện Tiên đơn nên Thái Thượng Lão Quân không muốn nói, bỏ ngoài tai. Chỉ đến khi těnh hěnh cai quản bếp ăn ở Hạ giới có nhiều vấn đề bất ổn (người ăn thường xuyên bị ngộ độc, có khi số lượng rất lớn, tới hàng chục, hàng trăm, nhất là các bếp ăn ở Trường Mầm Non, Trường Nội trú hoặc Bếp ăn của công nhân ở các khu công nghiệp…), thì Thái Thượng Lão Quân quyết định tấu với Ngọc Đế, đề nghị xóa bỏ mối quan hệ tay ba kỳ quặc “Hai ông một bà” của vợ chồng Táo quân. Bởi cuộc sống gia đình mà bất ổn thì không thể hoàn thành tốt việc công được! Việc này, lại đụng tới Diêm Vương, người đã ra quyết định cho tồn tại kiểu gia đình “Hai ông một bà”!

Khi mới ra quyết định cho ba người sống chung với nhau (làm thành ba chân kiềng của cái bếp lửa – tức ba ông đầu rau), ai cũng nghĩ như thế là tốt, là trân trọng tình cảm vợ chồng và khen Diêm Vương đã đưa ra một quyết định độc đáo. Song, khi cuộc sống vợ chồng tay ba kiểu hai ông một bà bộc lộ nhiều bất ổn thì người ta mới bình tĩnh nhìn nhận lại sự việc.

Và khi nhìn lại vấn đề hai ông một bà, người ta bỗng phát hiện ra nhiều chuyện động trời thuộc về chuyện cai quản địa phủ của Diêm vương, mà dấu hiệu tham nhũng rất rõ, chẳng hạn như không ít những tội phạm tày trời (tham nhũng cực lớn, giết người như giết ngóe…) mà khi xuống địa phủ chẳng bị cho vào vạc dầu hoặc nhốt dưới chín tầng địa ngục mà vẫn nhởn nhơ đi mây về gió, lên trần gian tiếp tục gây án!... Vì thế, ngay lập tức, Ban phòng chống Tham nhũng của Thiên đình liền cử một tổ Thanh tra do Thái Bạch Kim Tinh phụ trách, xuống địa phủ điều tra. Song, dưới địa phủ quả là tối tăm, chỗ sáng cũng mờ mờ ảo ảo, khiến cho Thái Bạch Kim Tinh và đồng sự rất khó điều tra. Mặt khác, gần đây người chết do thiên tai quá nhiều (sóng thần, động đất, lũ lụt, dịch bệnh…) cho nên địa phủ vô cùng chật chội, phải thu nhỏ mỗi người lại như hạt cát mới đủ chỗ! Vì thế, làm sao mà đi điều tra theo kiểu “thâm nhập thực địa”? Đó là chỉ nói tới những khó khăn khách quan, chưa nói tới

chuyện Diêm Vương sợ tội đã cho tiêu hủy đi rất nhiều chứng cứ, thường xuyên cho bọn Hồ ly tới làm “Mỹ nhân kế” với tổ điều tra! Ở trên Thiên đình Tiên nữ đông vô kể và đều đẹp mê hồn, nhưng luật Trời đã cấm các chư Tiên yêu nhau từ lâu, cho nên khi gặp bọn Hồ Ly của Diêm Vương, không điều tra viên nào thoát khỏi vòng tình ái! Vì thế, công việc của tổ điều tra không tiến triển chút nào!...

Để hoàn tất công việc của Tổ điều tra của Thái Bạch Kim Tinh, nghe nói Ngọc Đế sẽ cho tất cả mọi Thần Tiên ở trên Trời cũng như Ma quỷ ở Âm phủ, không phân biệt chức tước lớn bé, ai có kế sách gì hay sẽ được trọng thưởng và trọng dụng! Không biết đã có gì mới chưa, có lẽ phải chờ, chờ và chờ , giống như chờ Gô-đô trong Kịch phi lý của Ionetsco!... Song, Khi ai đến hỏi Đế Thiên, Đế Thích về chuyện này thì hai vị cười nói: “Có thế mà không hiểu sao? Có sẽ nào Diêm Vương lại bị xét xử? Mà có rất nhiều việc làm sai trái của Diêm Vương đều được Ngọc Đế phê duyệt, như thế chẳng hóa ra phải xử cả Ngọc Đế sao? Vì thế, từ ngàn đời nay vẫn là:khi các vương tướng cỡ bự mà bị điều tra thì phải làm sao để việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ coi như không có gì!”. Lại hỏi: “Vậy thì tại sao lại còn treo giải cầu người tài?”.Lần này thì Đế Thiên, Đế Thích không trả lời nữa mà nhúng ngón tay vào nước rồi viết vào mặt bàn mấy chữ: “Thưởng cho những ai biết biến hóa thành Không như vừa nói!” Lại hỏi: “Còn Bao Thanh Thiên và đệ tử của ông ta, nghe nói đã gần hoàn tất việc thu thập chứng cớ phạm tội của Diêm Vương, thì sao?”. Trả lời ngay: “ Thì cho đi tìm Thiên Hà mới!”…./.

------------

(*) Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão Giáo (Trung Hoa) nhưng được Việt hóa thành sự tích "Hai ông Một bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết Tam vị nhất thế (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.

Một dị bản của Sự tích Táo Quân có nội dung chính được tóm tắt như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

 

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), nhưng mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp; Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa; Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa.

Việc thờ cúng Táo quân: Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là "Tết ông Công", lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời./.

Sài Gòn, Ngày 19 tháng Chạp (2-2-2010)

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3062
Ngày đăng: 04.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ba con chó trong đời Ada - Phạm Nguyên Trường
Mùa xuân năm ấy - Trần Minh Nguyệt
Đi về những rạng đông - Thiện Phạm
Trái dưa tây lép - Khôi Vũ
Cô ấy cho rằng tôi nhảm - Nguyễn Viện
Đêm Văn Nghệ Đầu Xuân - Trương Hoàng Minh
Mưu sinh - Bạch Lê Quang
Ăn tết ở chùa - Mang Viên Long
Vườn mai - Minh Hương
Lý Toét - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)