Thơ 4 câu xưa nay thường rất khó làm. Bởi yêu cầu của sự kiệm lời, nhiều ý, ý tại ngôn ngoại như một đặc trưng bắt buộc của thể thơ này. Có vậy mới đọng lại trong lòng người, mới có sức sống. Nếu không thì chỉ là văn vần, là ghi chép lượm lặt thoáng qua. Thơ Đường, thơ tứ tuyệt chữ Hán của các thi gia nổi tiếng ( Không Lộ Thiền sư, Nguyễn Trãi...) đã là những mẫu mực và những đỉnh cao khó lòng vượt qua trong thể thơ này.
Vì vậy, dù đã được thưởng lãm tài hoa Trương Nam Hương qua bao tác phẩm ( hầu hết không phải là thơ 4 câu): “Tâm sự nàng Thuý Vân”, “ Viết tặng những mùa xưa” ( Tập thơ), “ Ra ngoài ngàn năm” ( Tập thơ)..., tôi vẫn không khỏi e dè, ngại ngần khi biết anh sẽ cho ra đời tập Mini thơ với 99 bài toàn thể thơ này (1). Song khi được đọc tập thơ, tôi nhận ra sự ra đời của tác phẩm này đâu phải là “nở sớm” mà đã đủ độ chín muồi của một giai đoạn trong một đời thơ. Và ấn tượng mà tập thơ để lại thật đẹp, thật sâu sắc. Sếchxpia từng viết: “ Sự ngắn gọn - đó là linh hồn của trí tuệ”. Với thơ mini Trương Nam Hương, sự ngắn gọn còn là linh hồn của cảm xúc.
Tập thơ là những cảm nhận, những suy nghĩ và cả triết lý về cuộc đời, là những khắc họa tinh vi về con người, cảnh vật qua lăng kính của tài hoa và trải nghiệm, là ân tình giữa con người với con người, là ký ức đau đáu, đằm sâu, không bao giờ cũ dù nhiều năm tháng đã qua, là hồn thơ rất đa tình, đa cảm và nhạy cảm. Có một nỗi buồn thấp thoáng sau những cảm nhận và khắc họa ấy, nỗi buồn của “ bàn chân mỏi quá, dặm đời chông gai”, của “ niềm tin giương nỏ nỗi buồn trúng tên”, nhưng vẫn cháy sáng khao khát yêu thương, cho và nhận: “ Ước khi ngã xuống không ngoài yêu thương”. Nỗi buồn ngay cả lúc tưởng chừng vui “Anh khoả buồn đi, nảy lá ra”... Mỗi bài là một dòng chảy, khác nhau, nhưng vẫn chung một mạch ngầm xuyên suốt cả tập thơ. Đó là tình yêu thương, lòng nhân hậu, sự nâng niu vẻ đẹp của cuộc sống ngay cả khi thất vọng, đắng cay.
Cô đúc tất cả chỉ trong khoảng 20 - 32 âm tiết mỗi bài (2) - để rồi thăng hoa hay dồn nén, đưa người đọc đến chân trời mơ mộng, suy tưởng hay lắng xuống suy tư - điều đó đòi hỏi một sự chiêm nghiệm sâu xa, một cảm quan tinh tế và một bút pháp “ cao tay”.
Sự dồn nén của từ ngữ là kết quả và đã song hành cùng sự dồn nén của cảm xúc, trí tuệ. Người đọc sẽ khó lòng quên được những câu thơ rưng rưng: “Khi nước mắt trong đời con chớm bạc – Gọi tay Người như gọi mái xanh che” ( Rằm tháng Tư), “ Lấy Tiên Bụt để dỗ dành rau cháo – Chiếc đũa bà cổ tích cả nồi niêu” ( Bà tôi), “ Không dưng bồ kết sai hương thế – Gội đến bao giờ vợi khét đau”( Cây bồ kết ở ngã ba Đồng Lộc); những diễn đạt “ độc quyền” của Trương Nam Hương: “ Hổng hơ mùa hạ qua rồi – Thu nhơm nhớm tím khoảng trời chị tôi” ( Chị), “ Niềm tin giương nỏ nỗi buồn trúng tên”, “ Làn hương úng ớ như môi trẻ” ( Sen), “ Sen vùng vằng gỡ gió” ( Chớm thu)...
Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã thể hiện nhuần nhuyễn trong nghệ thuật của tập thơ. Những bài thơ hiện đại trong từ ngữ, truyền thống trong cách cảm, cách tư duy. Tuy thế, cách tư duy, cảm nhận đồng thời không chút cũ mòn, mà vẫn rất mới mẻ, độc đáo ( đơn cử: “ Cà phê thành máu của hoa hồng”, “ Ngậm em đầy chiêm bao”,” Em thương rịn đẫm liềm trăng khép”, “ Khẽ khoác vai mùa thông đã mướt”…Trau chuốt từ ngữ, nhưng vẫn giữ được vẻ tự nhiên, chân thành. Tình cảm mạnh mẽ, sâu sắc của tác giả đã truyền hơi thở mới cho ngôn từ. Đặc biệt, tác giả đã dụng công sáng tạo nhiều từ mới có ý nghĩa biểu cảm mạnh và đem lại vẻ riêng cho câu thơ, bài thơ như: “ ù oa”, “thủng thót”, “ vơn vơ”, “ thơ thẳm”, “ lơ lắc”, “ lấp lơ”…Về âm điệu, trừ bài “ Trước sông”, tất cả các bài trong tập thơ đều kết với thanh bằng. Có lẽ điều này không phải ngẫu nhiên. Âm điệu ấy thanh thoát và mở ra, gợi lên nhiều điều – phải chăng nó mang vang âm của tâm hồn tác giả luôn khát khao giao cảm, vươn xa…
Xin nói thêm về hai bài thơ mà tôi có ấn tượng nhất trong tập này :
GÂN SÓNG
Người đàn bà ngồi đan lưới
Biển căng giấc mơ mặn đầy
Hy vọng chưa lần thôi quẫy
Trong từng lớp sóng gân tay.
Kết là một thanh bằng, mà gieo xuống lòng người đọc nặng tựa ngàn cân! Đó là nỗi vất vả, cực nhọc, gian khó của người ngư dân vùng biển, là mơ ước, hi vọng tưởng chừng đơn giản nhưng thật khó khăn của con người đang đan những sợi mưu sinh và mong mỏi trước biển kia, là tài hoa đưa cảnh biển vào dáng, vào lòng người con của biển: “ Hy vọng chưa lần thôi quẫy – Trong từng lớp sóng gân tay”, là niềm cảm thông sâu xa, đồng cảm và trân trọng của “ người quan sát”- nhà thơ đối với cả con người và cuộc sống nơi đây... Và còn nữa, còn nữa – những ý tại ngôn ngoại mà bài thơ trải ra như những lớp sóng không cùng...
SẮP ĐẶT
Giữa phông sóng
voan sương
và cát biển
Anh cúi hôn em ở thế trăng quỳ
Em nở lên anh đoá sen hây múa
Đất với trời cuống quýt khoả xiêm y.
Nếu “ Gân sóng” nặng về suy tư, thì “ Sắp đặt” nghiêng về tài hoa và cảm xúc. Một bức tranh, đúng hơn, một vũ trụ của đôi lứa yêu nhau trải rộng, trong mờ ảo, thực hư lan toả. Thực đấy, mà như mơ. Mơ đấy, mà vẫn in hình cảnh thực. Và “ trăng quỳ”, và “ đoá sen hây múa” kia – những ý tại ngôn ngoại cùng với đôi cánh bay bổng của tưởng tượng cứ nâng người đọc lên, để cùng hoà vào sự “ sắp đặt” của thiên nhiên... Nhưng đặc biệt nhất, sống động và người nhất là hình ảnh “ Đất với trời cuống quýt khoả xiêm y”. Con người đã hoá thân vào vũ trụ yêu mơ, còn vũ trụ hoá thành người, hoà nhịp với con người. Chưa kể đến những thủ pháp hiện đại mà tác giả sử dụng, “ Sắp đặt” đã tả ít gợi nhiều, rất nhiều... vẻ đẹp nhân gian diễm ảo và sống động.
Những năm gần đây, nhiều nhà thơ đã đưa yếu tố sex vào thi phẩm với mọi hình thức, cách diễn đạt, có cả trực diện, lộ liễu, cả gián tiếp và kín đáo. Đối với thơ Trương Nam Hương, nhất là trong tập thơ này, sex không sống sượng, không trực diện mà chỉ là hương vị, phụ gia trong thơ, là điểm nhấn của cảm xúc, rất gợi cảm và thường ẩn hiện dưới lớp sương mờ của ngôn từ ( “Nhói mình cây phố khép cong cong” (Giao mùa), “ Em khẽ cong mình... lúc nhớ anh” ( Nhớ cong), “ Cũng may đêm ấy trăng sao nhắc, Không lại dìm nhau xuống đáy thương”, “ Tỉnh mơ mở hết khuy cài hèn sang” ( Chử Đồng Tử), “ Đất với trời cuống quýt khoả xiêm y” (Sắp đặt)... Với hướng này, Trương Nam Hương đã có những câu thơ khá thành công.
Trở lại với tập thơ. Tất nhiên, người đọc có thể đòi hỏi nhiều hơn ở thơ Trương Nam Hương, ví dụ như có những bài cần cô đọng hơn, sâu lắng hơn. Tác giả dường như đã chạm đến gần vẻ đẹp cổ điển của thể thơ mà chưa chịu với tay thêm. Dù sao, với những gì tập thơ đã thể hiện, đây là một sản phẩm tinh thần mà chắc chắn rất nhiều người yêu thơ mong có được./.
( Viết xong tháng 01/2009)
Chú thích:
(1): 99 mi ni thơ ( Trương Nam Hương) - NXB Thanh niên, 2008.
Những câu thơ trong ngoặc kép trong bài viết này đều trích từ tập “ 99 mini thơ”.
(2): Hầu hết các bài thơ đều từ 32 âm tiết trở xuống ( không kể đầu đề), chỉ có 2 bài nhiều hơn: “ Nghĩ về thơ” ( 43 âm tiết), “ Hình như” (38 âm tiết).