Không phải kiểu Nam Bộ quê rặt, địa phương tính, văn chương của Nguyễn Quang Sáng có cái hơi thở đồng bằng, phù sa dòng sông, cái khoáng đạt, giản đơn của con người miền sông nước. Và quan trọng hơn hết là, ông thâu tóm vào tác phẩm cái hồn cốt Nam Bộ.
Buổi sáng, tôi chờ Nguyễn Quang Sáng ở cái bàn dưới gốc mận ngoài sân nhà ông. Người nhà nói ông vừa đi đâu đó. Tôi sợ nhà văn quên mất cuộc hẹn, kêu xe ôm rong chơi đâu đó thì khổ nên lập tức gọi di động cho ông. Giọng Nguyễn Quang Sáng qua điện thoại: “Mày ngồi đó đọc báo chơi chừng mươi phút. Tao về liền...”.
Trên bàn bề bộn sách và báo, tôi còn thấy một chén chè hay cháo gì đó mà nhà văn chưa kịp ăn đã vội đi. Đúng mười phút sau Nguyễn Quang Sáng trở về. Vẫn cái dáng đi phăm phăm, đầu chúi về phía trước, ông bắt tay tôi: “Tao quên mất tiêu. Dạo này trí nhớ tồi tệ quá chừng!”. Rồi ông cười, lấy từ cái túi nilông ra một cái hộp điện thoại di động đời mới, mới toanh: “Thằng bạn cho cái điện thoại, kêu qua lấy liền, không thì nó đi nước ngoài. Tranh thủ đi. Bây giờ ăn sáng đây...”.
Ông bưng chén chè hay chén cháo gì đó lên ăn ngon lành: “Tao ăn ít lắm. Buổi sáng chỉ một chén nhỏ này thôi...”. Khi tôi đưa máy hình lên định chụp thì Nguyễn Quang Sáng vội bỏ chén chè hay chén cháo xuống, dẹp đống sách báo qua một một bên... sửa dáng. Tôi nói, tôi muốn chụp cảnh ông đang ăn sáng. Thế là Nguyễn Quang Sáng tiếp tục ăn. Bữa ăn sáng của ông diễn ra khoảng hai phút...
Niềm đam mê đi và viết
Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932 ở xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. 14 tuổi ông đã xung phong vào bộ đội. Năm 1954, Nguyễn Quang Sáng tập kết ra Bắc. Từ năm 1958 ông công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam. Năm 1972, ông trở ra Hà Nội và tiếp tục làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam. Sau giải phóng, ông sống ở TP Hồ Chí Minh, giữ chức vụ Tổng Thư ký Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh suốt liền ba khóa 1, 2, 3. Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2, 3; Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4...
Nguyễn Quang Sáng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong làng văn và nhận được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng, như nhiều người vẫn thường nói, một đời văn cuối cùng còn lại là ở tác phẩm, ở sức sống của tác phẩm trong lòng bạn đọc. Với Nguyễn Quang Sáng, xin được nói ngay rằng, ông là một trong số ít văn tài của đất Nam Bộ. Ông đã có những tác phẩm “để đời” và ghi dấu vào văn học sử Việt Nam bằng những tác phẩm xuất sắc, đậm chất Nam Bộ.
Nhưng, theo lời Nguyễn Quang Sáng thì ông là người thích văn chương Bắc Hà. Ông yêu thích cái nhẹ nhàng, sang trọng của văn chương cũng như ông rất dễ “nhạy sáng” với những vẻ đẹp, những ẩn khuất trong cuộc đời. Điều này, thật ra cũng dễ hiểu vì tuổi trưởng thành của Nguyễn Quang Sáng ở miền Bắc. Ông sống, đọc, nghĩ và viết những dòng đầu tiên trên đất Bắc. Truyện ngắn Con chim vàng là truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Quang Sáng, được viết tại Hà Nội vào năm 1957. Sau này, nhiều nhà bình luận cho rằng, văn chương Nguyễn Quang Sáng xù xì mà trong sáng. Điều ấy đúng, đúng với cái tạng người, đúng cái ý nguyện văn chương của ông.
Trong những album hình của Nguyễn Quang Sáng, tôi thấy có tấm hình ông chụp với nhà văn Nguyễn Kiên, nhà thơ Chế Lan Viên. Phía sau bức ảnh có những dòng ghi chú: “Bên chợ Đồng Văn. Kỷ niệm chuyến đi 8/64”. Năm 1964 là năm Nguyễn Quang Sáng bước vào tuổi “tam thập nhi lập”, nhưng trông gương mặt, nụ cười của ông trẻ quá, yêu đời quá. Cầm tấm ảnh trên tay, Nguyễn Quang Sáng cười khà: “Chế Lan Viên, hồi đó cũng trẻ quá hả!”.
Nguyễn Quang Sáng là nhà văn xê dịch nhiều, liên tục. Đến giờ ông vẫn thường xuyên rong chơi, nhậu và viết. Đến đâu, ông cũng có “chiến hữu”, có thể là những người chẳng có dính líu gì với văn chương. Có rất nhiều người chụp hình chung với Nguyễn Quang Sáng mà ông không nhớ hết là ở đâu, tên gì. Nhưng ông thích nhìn những tấm hình đó để nhớ, mường tượng. Nguyễn Quang Sáng có nhiều hình chụp chung với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Paris năm 1989, một đêm ở “Nhà Việt Nam”, Nguyễn Quang Sáng đang chuẩn bị làm MC cho chương trình nhạc Trịnh. Một khoảnh khắc đẹp, khó quên. Và, rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ khác...
Có những khoảnh khắc trong cuộc đời đã được ghi hình, nhưng hầu hết nó được chuyển hóa vào trong tác phẩm. Nguyễn Quang Sáng đã có những tác phẩm hay không chỉ trong khoảnh khắc, đó là Đất lửa (1963), Chiếc lược ngà (1966), Mùa gió chướng (1975), Dòng sông thơ ấu (1985), Tôi thích làm vua (1988)... và đến giờ đọc lại vẫn thấy thích thú, xúc động.
Với Nguyễn Quang Sáng còn phải ghi nhận ở ông mảng kịch bản phim. Những kịch bản như Mùa gió chướng (1977), Cánh đồng hoang (1978), Pho tượng (1981)... đã góp cho Điện ảnh Việt Nam những tác phẩm giá trị. Nguyễn Quang Sáng mê điện ảnh lắm, mê đến mức ông vẫn thường đánh giá một truyện ngắn, một bút ký hay sẽ hay hơn nếu nó “chuyển thể” được. Cái cách đặt tiêu chí ấy, nếu không hiểu Nguyễn Quang Sáng, có thể có người khó chịu. Nhưng ông thì vẫn luôn tỏ ra là người từng trải, chịu chơi và biết cách tạo dấu ấn...
Trần Vệ Giang