Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.275
123.157.291
 
Điệu múa của sóng
Khôi Vũ

Lần đầu tiên Hoan gặp Phan Luân là trong bữa cơm chiều ngày thứ ba của trại sáng tác, bữa cơm đầu tiên của cô ở đây do đến trễ. Khi được chị trưởng đoàn giới thiệu, Hoan vội đứng dậy bắt tay ông và nói ngay: "Cháu nghe danh chú đã lâu, nay mới được gặp mặt. Rất hân hạnh được làm quen với chú". Vẫn ngồi trên ghế, Phan Luân nắm lỏng bàn tay Hoan, đáp lời: "Tôi cũng đã nghe tên cô từ lâu. Rất hân hạnh...". Hoan thoáng ngỡ ngàng trước sự hờ hững của người đàn ông có mái tóc xoăn và hàm râu quai nón muối tiêu, thoạt trông cứ tưởng là người thừa lịch lãm.

 

Dự trại sáng tác lần này là thành viên của nhiều bộ môn nghệ thuật ở các địa phương khác nhau trong cả nước. Nhà sáng tác lại nằm bên bờ biển và yên tĩnh nên Hoan hy vọng mình sẽ có được một "cái gì đó" đáng kể sau hơn chục ngày sáng tác. Nhất là khi cô biết ngoài mình ra, còn có đến ba người khác là biên đạo múa. Họ đều là đàn anh, đàn chị trong nghề nên Hoan tin rằng mình sẽ học hỏi được thêm nhiều điều hay.

 

Phan Luân là một biên đạo múa ở tỉnh X. nhưng cộng tác với rất nhiều địa phương khác, kể cả với tỉnh của Hoan. Ông đến với các đơn vị dự hội thi văn nghệ mời mình, tập cho các diễn viên ở đó và chỉ có mặt tới khi tổng duyệt nội bộ. Nơi gần, ông đi xe gắn máy đến, nơi xa thì ông đi xe khách, không bao giờ phiền hà các đơn vị phải lo xe cộ đón đưa. Đặc biệt là ông không bao giờ xuất hiện trong lúc các hội thi diễn ra. Vậy nhưng hầu như tiết mục nào mà ông dựng cũng được nhận giải. Hoan có nhiều dịp xem các tiết mục múa do Phan Luân dàn dựng với mục đích học tập. Quả tình là với một biên đạo lứa tuổi ba mươi như cô, sức sáng tạo còn là một tiềm năng lớn nên cô không khỏi thất vọng vì không tìm được gợi ý nào từ hình thức các tiết mục múa của Phan Luân. Động tác múa ông dạy học trò đều có trong bài vở, phục trang cũng đúng bài, đội hình đều, thay đổi hợp lý như sách! Chỉ có nội dung là làm cho Hoan phải chú ý bởi ở Phan Luân không bao giờ có một tiết mục múa chung chung, như kiểu nhiều biên đạo đã dựng, kiểu dù đặt tên "Quê hương" hay "Vui ngày hội", hoặc "Được mùa"... thì cũng chỉ là múa quạt rồi xếp hình bản đồ Việt Nam ở kết! Nội dung các tiết mục múa mà ông dựng tuy mức độ sâu sắc có khác nhau, nhưng rất rõ ràng, chấp nhận được. Có lẽ vì thế mà chúng luôn được các ban giám khảo đánh giá cao chăng?

 

Ở thêm mấy ngày, Hoan được biết Phan Luân còn là một tay đánh đàn piano thuộc loại khá. Và ông cũng sở hữu một giọng hát vừa trữ tình vừa khỏe khoắn so với tuổi sáu mươi của mình. Trưa hôm ấy nhà bếp dọn cơm trễ. Trong lúc chờ đợi, mọi người tụ tập cả ở khu vực sảnh có đặt chiếc piano. Ai đó đề nghị và Phan Luân đã xung phong hát giúp vui một bài. Ông ngồi vào đàn, dạo nhạc bài "Thuyền và biển" của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh rồi cất giọng hát. Mọi người say sưa nghe và Hoan cũng thế. Một tràng pháo tay vang dội cùng nhưng lời khen tấm tắc sau đó của mọi người dành cho Phan Luân thật xứng đáng. Tuy vậy, vẫn có một điều mà Hoan cảm thấy không hài lòng...

Giữa bữa cơm, Hoan đã nói ra điều mình nghĩ. Thật không biết là cô đã đúng hay sai, có nên hay không nên nói như thế, nhưng thực tế là cô đã nói:

- Trong bài thơ Thuyền và biển, Xuân Quỳnh ví "Thuyền" là "Anh", còn "Biển" là "Em". Vì vậy ở đoạn cuối bài hát, phải hát đúng là "Nếu phải cách xa anh. Em chỉ còn bão tố...". Nhưng chú lại đổi lại thành "Nếu phải cách xa em. Anh chỉ còn bão tố..." thì chẳng còn giữ được đúng ý nghĩa của bài thơ...

 

Tưởng chuyện chỉ nhẹ nhàng ở chỗ trao đổi, ngờ đâu mới nghe đến đó Phan Luân đã đỏ bừng mặt, ông bỏ chén cơm xuống bàn, gác đũa, chiếu đôi mắt sáng như sao về phía Hoan:

- Cô nói gì? Tôi không được đổi "Em" thành "Anh", "Anh" thành "Em" à? Ai được quyền cấm tôi chứ! Thế người ta cũng không được đổi "Anh cho em mùa xuân..." thành "Em cho anh mùa xuân..." hay sao?

Hoan hơi bị sốc và tự ái:

- Bài hát đó là trường hợp khác, vì nó không thay đổi ý nghĩa của lời thơ. Còn đây là thơ của Xuân Quỳnh, mà bà là một nữ thi sĩ, viết bài thơ để nói về tâm trạng của một người phụ nữ...

- Đấy là cô biết bài thơ là của Xuân Quỳnh, biết Quỳnh là nữ thi sĩ. Nhưng tôi nghĩ khác, tôi hát cho cả người không biết tác giả ca từ là ai nghe. Cô nghĩ lại đi, trong trường hợp này thì "Anh" hay "Em" cũng chẳng sao cả! Người nghe sẽ hiểu "Biển" là "Anh" còn "Thuyền" là "Em". Được không?

Hoan vẫn chưa chịu cái lý "cùn" của Phan Luân:

- Nhưng ai cũng dễ dàng chấp nhận người phụ nữ là "biển" còn người đàn ông là "thuyền"...

- ... trừ tôi ra!

Sau màn đấu khẩu ấy, bàn cơm chia thành hai phe, bên bênh vực Phan Luân, bên ủng hộ Hoan, sôi nổi đến nỗi chị trưởng đoàn phải lên tiếng "dẹp loạn", bữa ăn mới được tiếp tục bình thường...

 

*

Lần thứ nhì cũng tại một bữa cơm, một trong hai bữa chính khiêm tốn với mức tiền ăn chuẩn bốn mươi ngàn đồng một ngày, kể cả ăn sáng. Không biết ai đó nhắc đến bài hát "Tình đất đỏ miền Đông" của Trần Long Ẩn. Phan Luân vừa gắp một miếng cá ngừ kho vào chén cơm, vừa nói:

- Tôi chúa ghét những ca sĩ hát bài này bằng giọng Nam bộ!

Nhiều người ngạc nhiên, trong đó có Hoan. Nhưng cô rút kinh nghiệm, không tranh luận với Phan Luân nữa. Thì đã có người khác thay cô, đó lại chính là chị trưởng đoàn:

- Anh nói sao chớ tôi thì tôi lại cho rằng bài hát này phải hát bằng giọng Nam bộ mới hay. Như anh ca sĩ bác sĩ Lê Hành đó. Vào những năm cuối bảy mươi, đầu tám mươi, anh ta nổi tiếng vì hát bài hát này với giọng Nam bộ. Mặt khác, khi viết bài hát, tác giả đã viết nó với âm hưởng dân ca Nam bộ rất rõ ràng...

- Quan điểm của tôi thế này... - Phan Luân giọng hùng hồn - Trừ khi hát dân ca chính gốc thì phải hát đúng giọng của từng vùng miền mới hay, còn bất cứ bài hát nào đã viết thành tân nhạc thì đều phải hát theo giọng miền Bắc cả. Thế mới chuẩn!

- Nói như anh thì bài "Dạ cổ hoài lang" của ông Sáu Lầu nếu ca kiểu tài tử thì theo giọng Nam bộ, còn ca theo bài được anh Vũ Đức Sao Biển ghi lại bằng bảy nốt tân nhạc, phải hát giọng miền Bắc sao? - Chị trưởng đoàn phản pháo.

- Đúng vậy!

 

Phan Luân đáp chắc nịch và cầm đũa tiếp tục gắp thức ăn. Chị trưởng đoàn lắc đầu:

- Bó tay chấm com! Thua anh luôn!

Sau lần ấy, hầu hết những người có mặt ở trại sáng tác đều ngại trò chuyện với Phan Luân vì không muốn phải tranh luận một cách bất đắc dĩ với ông. Mà hình như Phan Luân cũng không thích trao đổi qua lại với mọi người. Ông có vẻ thích sống thu mình. Sáng sớm, ông thả bộ xuống cái quán cà phê cóc bên bãi biển đối diện nhà sáng tác gọi ly cà phê đen nóng nhâm nhi và mua tờ báo ngồi đọc một mình. Ông thường vào ăn sáng cuối cùng, khi mọi người đã tụ tập đông đủ, ăn xong và chuẩn bị ai về phòng nấy. Trưa và chiều, Phan Luân ngồi ăn chung với mọi người, chỉ nói vài câu xã giao rồi thôi. Đặc biệt, Hoan nhận thấy trong khi mọi người hay đổi chỗ để có thể ngồi cạnh, trao đổi thân mật với nhiều người khác nhau hơn, thì  Phan Luân luôn ngồi ở một chỗ cố định.

Trưa hôm ấy, Hoan thử xuống phòng ăn trước, cố ý ngồi đúng vào ghế Phan Luân thường ngồi. Khi xuất hiện nơi cửa phòng ăn, ông bước thẳng đến chỗ Hoan ngồi, giọng nhỏ nhẹ:

- Nhà biên đạo múa trẻ tuổi, vui lòng cho tôi xin lại chỗ của mình...

Hoan vờ ngạc nhiên:

- Sao chú cứ phải ngồi đúng chỗ này? Bữa nay chú ngồi cạnh cô trưởng đoàn một lần đi...

- Không được! Tôi đã xem... phong thủy. Ở phòng ăn này, tôi phải ngồi đúng chỗ này thì ăn mới ngon miệng được...

Hoan đành phải trả chỗ cho Phan Luân. Cô nói vui:

- Vậy chắc trong phòng sáng tác của chú, chú cũng phải xoay bàn ghế lại cho... hợp phong thủy?

Phan Luân vừa nói "Cảm ơn" khi ngồi xuống chỗ ngồi "hợp phong thủy" của mình, vừa gật đầu với câu hỏi của Hoan:

- Đúng thế! Tôi đã phải chuyển cả bàn ghế lẫn giường ngủ. Nhờ vậy mà suốt thời gian đến đây, tôi làm việc rất hiệu quả! Thế này đi, ai trong đoàn chúng ta còn gặp khó khăn trong công việc thì tôi sẵn sàng giúp kê lại bàn ghế để ngồi sáng tác cho phù hợp. Chỉ cần cho tôi biết mình tuổi gì, nhớ là tuổi Âm...

 

Thật kỳ lạ, mặc dù ai cũng "ngán" trò chuyện với Phan Luân nhưng trong chuyện này thì lại khác. Có đến bốn, năm người đề nghị Phan Luân qua phòng mình chiều hôm ấy để "điều chỉnh" lại chỗ ngồi làm việc với hy vọng sẽ "thông" được sự bế tắc trong việc sáng tác những ngày qua!

 

Chị trưởng đoàn là một trong số những người "nhờ cậy" Phan Luân, có lẽ thấy ngượng với Hoan nên lựa lúc nói nhỏ với cô: "Mình chẳng tin lắm cái tài xem phong thủy của ông Phan Luân đâu! Nhưng cứ thử xem sao. Đằng nào thì mình cũng "bí" hai hôm nay rồi, chẳng viết thêm được dòng nào cả...".

 

*

Đoàn sáng tác tổ chức đi chơi một thắng cảnh trong vùng. Ngày đi đã được chọn là ngày thứ bảy cuối tuần và việc chọn ngày này có sự tham gia ý kiến của "thầy phong thủy" Phan Luân. Thế nhưng đến sáng thứ sáu thì có dư báo thời tiết bão sẽ đổ bộ vào vùng bờ biển này với gió cấp 8, cấp 9. Chủ xe hợp đồng gọi điện đến chị trưởng đoàn lúc mười giờ sáng để thông báo là họ hồi chuyến vì nơi dự định tham quan nằm trong vùng được báo bão.

Bữa cơm trưa hôm ấy, mọi người được dịp "phản kích" Phan Luân:

- Thế là "thầy phong thủy" sai rồi nhé! - Một người nói, cố lấy giọng thật vui để tránh làm mất lòng Phan Luân.

- "Thầy phong thủy" mà thua "ông trời" thì cũng bình thường thôi! - Chị trưởng đoàn cố tình vuốt giận nhà biên đạo múa tóc quăn.

Phan Luân chỉ ngồi im, gương mặt không thay đổi. Ông có vẻ nghĩ ngợi gì đó. Mãi đến cuối bữa cơm, lúc đứng dậy, ông mới nói:

- Dẫu sao thì ngày mai ta vẫn được đi chơi mà! Tin tôi đi! Tôi vừa bấm độn Khổng Minh.

Tự nhiên mọi người đều im lặng. Có một cái gì như sự thách thức giữa Phan Luân và thiên nhiên mà mọi người có mặt ở phòng ăn này tất thảy mặc nhiên là nhân chứng!

 

Tám giờ tối hôm ấy, dự báo thời tiết cho biết bão đã tan ngoài biển khơi, chuyển thành áp thấp nhiệt đới và tan trước khi đến bờ. Nhà xe lại gọi điện đến hỏi đoàn sáng tác còn giữ ý định đi chơi vào ngày thứ bảy hay không? Dĩ nhiên là chị trưởng đoàn trả lời có, sau đó, chị đi gõ cửa thông báo cho từng người để chuẩn bị chuyến đi sáng hôm sau. Tới phòng Hoan, chị nói với cô:

- Ông Phan Luân giỏi thật!

Hoan cười:

- May mắn thôi chị à! Thời tiết thay đổi là chuyện bình thường. Mà dự báo thời tiết của ta trước giờ cũng có đáng tin cậy lắm đâu... Báo vừa đưa tin đó, quý vị chịu trách nhiệm về khí tượng sẽ bị kiểm điểm vì mấy lần dự báo sai...

- Không! - Chị trưởng đoàn lắc đầu - Là chị nói cái vụ xoay bàn viết kìa! Sau khi "lão" kê lại chỗ cái bàn, chữ nghĩa của chị cứ như là thác đổ ra trang giấy... Nói thật nhé! Đêm hôm ấy, chị đã bị mất ngủ vì... sợ ma!

Đến đây thì Hoan không còn cười nữa, dù cô vẫn chẳng hề tin chút nào về tài xem phong thủy của Phan Luân.

***

Suốt chuyến đi chơi, Phan Luân như một người khác hẳn. Ông tỏ ra hoạt bát, kể liền một lúc mấy câu chuyện cười dân gian khiến cả đoàn được những trận cười vỡ bụng. Chị trưởng đoàn nói:

- Trưa nay phải thưởng bia anh Phan Luân mới được. Anh đã nói trúng phóc là chuyến đi của chúng ta vẫn được thực hiện. Nói theo kiểu cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" là đoàn chúng ta đã "Khởi động" chuyến đi, khi đến cảng sẽ "Vượt chướng ngại vật" là chuyến ghe ra đảo, rồi sau đó...

- Tôi có ý kiến! - Phan Luân ngắt lời chị trưởng đoàn - Nhân nhắc đến cuộc thi cho học sinh trung học kia, tôi thấy tên cái phần thi "Vượt chướng ngại vật" không ổn chút nào. Này nhé, có lần người dẫn chương trình đã kết thúc phần thi này bằng câu nói: "Chướng ngại vật của chúng ta hôm nay là Lê Thánh Tông". Các bạn thử nghĩ xem, nếu từ khóa của ô chữ là tên một vị lãnh đạo đương thời nào đó thì sẽ ra sao...?

Nhiều ý kiến tán đồng. Có người bảo nên thay tên phần thi. Có người nói chỉ cần chấn chỉnh cách nói của MC là được... Chỉ lạc lõng một ý kiến rằng không nên bắt bẻ như thế là quá khó khăn...

 

Ra đảo, mọi người rủ nhau xuống bãi tắm, trừ Phan Luân. Ông tình nguyện ngồi trông đồ đạc cho cả đoàn. Còn lý do ông từ chối xuống biển là "trong người không được khỏe", một lý do chính đáng mà chẳng ai nghe nói lại giữ ý nài ép.

 

Hòn đảo này có tiếng là đẹp với phong cảnh thiên nhiên chưa bị bàn tay con người làm biến đổi, bãi biển thì sạch, nước trong veo. Trời hôm nay cũng trong xanh và không một gợn mây. Những con sóng nhỏ lớp lớp từ khơi xa đuổi nhau ùa vào, thay nhau tan biến rồi tái hiện nơi bờ cát. Những con sóng thanh bình là một gợi ý giúp Hoan liên tưởng đến đợt sóng thần bất ngờ xuất hiện như một cao trào của một điệu múa...

Hoan vui đùa cùng mọi người dưới biển thật thỏa thích. Hôm nay đã là ngày thứ mười bốn của trại sáng tác. Trưa mai trại làm lễ bế mạc và buổi chiều mọi người đã chia tay nhau, ai về nhà nấy. Bao kỷ niệm có được thật khó quên, Hoan tin rằng mình sẽ còn nhớ mãi... Một lúc, khi cảm thấy lành lạnh, cô chạy lên bờ, đến chỗ Phan Luân đang ngồi "canh" cho mọi người.

- Cháu "nghi" cái lý do "không được khỏe" của chú lắm đó!

 

Hoan cố tình "gây chuyện" với Phan Luân. Cô tưởng tượng rằng ông sẽ lại đỏ mặt, trợn mắt nhìn cô và nói một câu gì đó phản đối. Nhưng không, người biên đạo múa già vẫn trải ánh mắt về phía biển xa, giọng thản nhiên:

- Cô tinh ý nhỉ! Thế mà cô chẳng chịu đem cái thông minh của mình gia cố cho nội dung các tiết mục múa, cứ mải chạy theo hình thức...

Hoan giật mình. Phan Luân cứ như đi guốc trong bụng cô vậy! Ông nói đúng cái nhược điểm của cô bấy lâu nay mà qua trại sáng tác lần này, cô cũng chỉ mới mơ hồ nhận ra...

- Chú nói thêm nữa đi... Cháu xin nghe...

 

Phan Luân quay lại. Lần thứ nhì trong ngày, Hoan thấy ông hoạt bát hẳn. Ông nói với cô như một người thầy, phơi bày khá nhiều kinh nghiệm trong nghề biên đạo múa. Những điều ông nhận xét về Hoan cho thấy ông cũng theo dõi những tiết mục mà cô dàn dựng cho các đơn vị, lại là theo dõi kỹ chứ không chỉ hời hợt, thoáng qua. Có lẽ ông đã nghiên cứu qua những đoạn phim mà các đơn vị dự thi ghi lại. Một tình cảm khác lạ với những gì Hoan nghĩ về Phan Luân trong những ngày qua tự sâu thẳm lòng cô đang dần xuất hiện...

 

Bữa hải sản trưa được chị trưởng đoàn đặt nhà hàng khá thịnh soạn. Có mực sống vợt từ bè lên, có cá hồng gần chục ký lô... Mọi người tắm biển xong lại đi tham quan di tích, khi ngồi vào bàn ăn đã thấm mệt nên ăn rất ngon miệng. Dĩ nhiên trừ Phan Luân ra. Ông uống ly bia của mình chậm rãi, ít gắp thức ăn cho mình mà quan tâm gắp bỏ vào chén của chị trưởng đoàn và Hoan - hai phụ nữ "hiếm quý" của đoàn - kèm theo câu nói: "Phục vụ phụ nữ chẳng bao giờ bị thiệt".

 

Một lúc, Phan Luân chợt đứng lên, dang cả hai tay như muốn ôm lấy cái bàn ăn rộng và nói:

- Phan Luân xin mọi người năm phút! Cho tôi được nói thật điều này! Mọi người có thể coi như một lời thú tội cũng được!

Mọi người nhao nhao lên vì chưa ai hiểu Phan Luân định nói gì thì ông đã cúi xuống, chậm rãi mở từng nút áo rồi phanh hai vạt áo ra hai bên cho thấy bộ ngực và bụng ông đầy những vết sẹo dài ngắn chằng chịt đường chỉ khâu còn để lại là vết thịt lồi như những sợi thừng dán trên màu da sạm nắng của ông.

- Chính cái này đã không cho phép tôi xuống biển tắm cùng các bạn chứ chẳng phải lý do "không được khỏe" như tôi đã nói. Quà tặng bất đắc dĩ của hơn hai mươi năm chiến trường "ưu ái" dành cho tôi đó, các bạn ạ! Thành thật xin lỗi đã nói dối!

 

Vẫn đứng và bắt đầu cài lại các nút áo, ông nói tiếp:

- Trưa hôm qua cũng nhờ nó không có dấu hiệu đau nhức nào mà tôi đoán rằng không có bão! Mấy năm nay tôi đều thế, cứ thời tiết lạnh về hay sắp bão là vết thương lại âm ỉ đau nhức...

Cuối cùng, ông ngồi xuống, tay xoay xoay ly bia gần cạn:

- Lại thành thật xin lỗi các bạn lần nữa. Chuyện xem phong thủy ấy mà! Tôi có biết gì về phong thủy với độn Không Minh đâu! Kê lại bàn viết cho các bạn chỉ là một cách chữa tâm lý. Còn tại sao tôi chỉ ngồi một chỗ? Rất đơn giản. Chỗ ấy tránh được hơi lạnh trực tiếp của cái máy lạnh trong phòng ăn, các bạn ạ.

 

Mọi người như bị Phan Luân thôi miên bằng những lời ông nói ra. Ông đã ngồi xuống bàn ăn như mọi người, nhưng cái dáng đứng của ông vẫn còn đó với mái tóc xoăn, hàm râu muối tiêu và bộ ngực đầy sẹo. Nó thừa sức xóa tan sự suy nghĩ khác nhau từ chuyện đổi ca từ bài hát phổ thơ đến chuyện phát âm bài hát âm hưởng dân ca... mà mấy ngày qua đã như cái rào cản mọi người đến với ông.

 

Hoan nhìn Phan Luân với ánh mắt và cảm xúc mà cô không thể diễn đạt được dù bằng lời hay chỉ qua ý nghĩ... Ông nói đúng. Phải là điều gì cần nói ẩn chứa bên trong những đợt sóng thanh bình, bên trong cơn sóng thần có sức mạnh tàn phá chứ không phải chỉ là hình thức điệu múa mà cô đang nghĩ.

 

Hình ảnh một tiết mục múa gần đây nhất của Phan Luân mà Hoan còn nhớ, như đang lướt qua trước mắt cô. Sao mà nó giống con người ông đến thế, cũ kỹ đến độ bảo thủ trong hình thức mà thật sâu lắng.../.

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2175
Ngày đăng: 07.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Luân hồi - Huỳnh Văn Úc
Táo quân truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Ba con chó trong đời Ada - Phạm Nguyên Trường
Mùa xuân năm ấy - Trần Minh Nguyệt
Đi về những rạng đông - Thiện Phạm
Trái dưa tây lép - Khôi Vũ
Cô ấy cho rằng tôi nhảm - Nguyễn Viện
Đêm Văn Nghệ Đầu Xuân - Trương Hoàng Minh
Mưu sinh - Bạch Lê Quang
Ăn tết ở chùa - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)