Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.210
123.152.145
 
Ký sự Nhà Gươl
Văn Thành Lê

80 tuổi, già Y Công vẫn thừa sức để làm cho chiếc tù và bật lên thanh âm của đại ngàn. Một lát, ông vói tay cầm chiếc tỏn, tiếng bổng tiếng trầm ngân vang, gợi lên trong ánh mắt ông những năm tháng tươi đẹp của một thời trai trẻ bên mái Gươl truyền thống.

Cái giá để được đi thẳng cái lưng

Anh bạn trẻ Phạm Văn Tuấn, lúc còn công tác ở Đài Truyền thanh - Phát lại truyền hình huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, đã mấy lần ghé thăm nhà già Công. Hôm cùng tôi quay lại, anh nhận ra già làng này đã có thêm nhiều tác phẩm mới. Phía hiên nhà, một con trăn gỗ vừa mới được tạo dáng, còn chờ những nhát đục thiện nghệ để có thể trườn lên ở đâu đó. Sát tường nhà bên trái, bốn tượng gỗ - hai nam, hai nữ - đứng xếp hàng ngang như chờ bước vào lễ hội. Cạnh đó, một chú cá sấu màu xanh nhe mấy chiếc răng nanh hù dọa khi chúng tôi bước vào.

Thấy chúng tôi say sưa nhìn ngắm, già Công ra chiều đắc ý: “Chuẩn bị làm nhà Gươl cho thôn Tống Coói đó”. Ông đặt chiếc tỏn xuống, sửa lại cặp mục kỉnh rồi thong thả tiếp lời: “Ngày trước, cả 6 thôn của xã Ba nằm hết dưới dốc Kiền, chừ là địa phận xã Hòa Phú. Hồi đó đã là thanh niên rồi, hội làng ở nhà Gươl không sao quên được”. Đối với ông, km 24 trên đường ĐT 604 hiện nay chỉ là điểm phân ranh giới địa lý giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam - cụ thể là xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang và xã Ba, huyện Đông Giang - chứ khoảng cách trong lòng người làm chi có. Năm 1966, chiến tranh quá ác liệt, già trẻ trai gái đi mất 4-5 ngày trường sơ tán lên Khu 7 giáp giới với Lào. Bỏ lại hết, nhà Gươl, làng mạc, ruộng vườn, lên sống trong núi rừng, cực khổ, đắng cay, không biết bao giờ mới đi thẳng được cái lưng.

Già Y Công tên thật là Nguyễn Văn Công, lúc thoát ly lên Tây Nguyên lấy họ Y của người Ra-đê để đấu tranh hợp pháp. 20 năm làm Chủ tịch huyện Hiên (nay là Đông Giang), 20 năm làm Bí thư, Chủ tịch xã Ba, ông giờ đây không sao nhớ hết các đồng chí, đồng đội người Kinh đã cùng mình chia từng nắm cơm, bát nước trên đường đánh giặc. Riêng một người ông nhớ nhất, là ông Mười Nhoi (Hồ Ngọc) người Hòa Cường, Đà Nẵng, từng gắn bó với ông suốt 30 năm ở Hiên, đói no, sống chết có nhau. Ông Mười Nhoi làm Bí thư Huyện ủy, hy sinh cả đời mình lo từ cái ăn đến cái học cho người Cơ-tu, nghỉ hưu rồi, vẫn nhiều lần về thăm lại bà con, thăm lại chiến trường xưa.

Ông mang ra một chiếc trống nhỏ, tiếng Cơ-tu gọi là chagớr gioóh, khẽ gõ lên một giai điệu bằng hai bàn tay chai sạm. Rồi ông hạ giọng : “Nhớ nhất ông Mười Nhoi. Người Kinh, nhưng ông rất quan tâm đến đời sống văn hóa của người dân Cơ-tu. Nhờ đó, chúng tôi mới làm được cái Gươl, cái chagớr gioóh, cái chagớr cathu (trống lớn), khôi phục được cái múa tungtung, yaya”. Ông tiếp tục gõ trống, đôi mắt khép lại, hồi ức mở ra, oai hùng, bi tráng. Thẳm trong tâm thức ông, cái giá để được đi thẳng lại cái lưng đã phải trả bằng cả máu xương của lớp lớp người miền núi và người đồng bằng. Giành lại cái làng, nhưng cảnh xưa đã đổi, mái Gươl sừng sững ngày nào - nơi cất giấu biết bao kỷ niệm thời trai trẻ trong ông - đã không còn nữa.

Linh hồn của bản làng Cơtu

Nhà Gươl cũ của thôn Tống Coói lợp bằng lá mây nằm sâu trong làng. Ra giêng, sẽ khởi công làm nhà Gươl mới ngay bên đường ĐT 604. Già Công vừa ngắm nghía bốn bức tượng gỗ, vừa giải thích: “Hai người nam múa tungtung đặt ngoài cửa, hai người nữ múa yaya đặt trong nhà. Gươl là nhà chung thiêng liêng nhất, là nơi tổ chức các lễ nghi của làng, nơi sinh hoạt truyền thống, hội họp giải quyết công việc, lưu giữ của cải chung”.

Mấy năm trước, khi thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) khánh thành nhà Gươl làm bằng cây gỗ và lá nón, già Công cùng bà con Cơ-tu trên Tống Coói xuống giúp đồng bào mình biểu diễn múa hát một ngày một đêm. Bà con của ông ở Phú Túc còn nhiều lắm. Già Nguyễn Văn Cần, người lưu giữ nhiều bài dân ca và nhạc cụ dân tộc Cơ-tu ở Phú Túc hiện nay, là em con chú của ông. Già Cần xưa rời làng Ô Rây bên Đồng Xanh – Đồng nghệ lên làm du kích, rồi phó chủ tịch thứ nhất kiêm trưởng Công an xã Ba. Trưởng thôn Phú Túc Lê Văn Nghĩa hiện nay là cháu rể của ông, ngày trước từng làm Bí thư Xã Đoàn xã Ba. “Phân địa giới hành chính mới có Phú Túc - Tống Coói, mới có Hòa Vang - Đông Giang, chứ người Cơ-tu chúng tôi vẫn coi nhau như một nhà”.

Tôi đã từng nghe tiếng kèn Cabluôc của già Cần bên vườn nhà ông ở khu Hố Chình, trong nhà Gươl bằng gỗ, lá - trước khi nó được hiện đại hóa bằng bê-tông và tôn kẽm. Những lần gặp nhau, sau những thăm hỏi thường tình, hai anh em – già Công và già Cần – bao giờ cũng bàn luận đến chuyện truyền thống của dân tộc mình. Người Cơ-tu quý trọng khách, thường chúc khách ra về may mắn, luôn luôn gặp tiếng chim hót từ phía bên phải đường. Bà con tin rằng, khi lên rừng hay vượt sông suối để làm việc gì đó, nếu nghe tiếng chim hót lanh lảnh từ phía bên phải đường là điềm báo may mắn. Bẵng đi mấy chục năm bom đạn cày xới, không còn nghe tiếng chim hót. Giờ thì rừng đã xanh, lưng đã thẳng, chim đã hót từ lâu, là lúc người Cơ-tu phải bắt tay giữ lại cái đẹp, cái tốt cho chính mình.

Già Công đang làm cái việc mà các nhà nghiên cứu gọi là “bảo tồn di sản văn hóa vật thể”. Bên trong những ngôi nhà Gươl sừng sững giữa núi rừng có bàn tay và trái tim của ông với những tượng, phù điêu mang đậm bản sắc dân tộc mình. Già Cần thì giữ lại cái đẹp “phi vật thể”. Những tượng gỗ vũ công tungtung, yaya của già Công suốt đời sẽ chỉ là tượng, nếu như không có những làn điệu lên bổng xuống trầm của già Cần thổi hồn vào những đêm hội, dặt dìu nam thanh nữ tú Cơ-tu vào những khúc dân vũ rực lửa cồng chiêng.

Bao giờ anh trở lại/ Nhà Gươl/ Nhìn em ngồi hơ lửa hai bàn tay/ Thơm dậy hương tro rẫy/ Bao giờ anh trở lại/ Để tắm nước sông A Vương/ Được thấy em gùi tình đi về buôn? Những vần thơ của Bcoong Mọc người Cơ-tu gợi lên trong tôi chút cảm hoài, khi ngang qua nhà Gươl thôn Phú Túc. Bão số 6 năm 2006 đã xô ngã ngôi nhà từng là “linh hồn” của bản làng người Cơ-tu nơi này. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ mỗi Đà Nẵng là có người dân tộc Cơ-tu sinh sống. Nghe đâu ngành du lịch đang lên kế hoạch khai thác bản sắc truyền thống của dân tộc Cơ-tu bằng cách thành lập một bản làng văn hóa với nhà Gươl và cụm quần thể nhà sàn. Hy vọng sẽ sớm có ngày trở lại bên mái nhà Gươl để “được thấy em gùi tình về buôn”./.

Bài đã đăng trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 598 ngày 20-3-2007.Bản của tác giả

 

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 2156
Ngày đăng: 11.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tự bạch của một linh mục - Nguyễn Vĩnh Căn
Một thoáng Đakbla - Văn Thành Lê
Nơi đầu sông Sré Pok - Văn Thành Lê
Đồng vọng Đà Sơn - Văn Thành Lê
Ai lên xứ luyện vàng? - Văn Thành Lê
Ankor Wat .Đi, với trái tim - Elena Pucillo Truong
Vườn chanh miệt biển-1 - Kiệt Tấn
Vườn chanh miệt biển-2 - Kiệt Tấn
Pattaya - thành phố kỳ lạ… - Minh Tứ
Ốc bươu Bàu Nghè - Văn Thành Lê