Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.279
123.158.528
 
Lược khảo : Truyện Tì Bà của Nguyễn Bính
Nguyễn Ước

Nguyễn Bính mất sáng ngày 29 tháng chạp âm lịch ,Nguyễn Ước lược khảo Truyện Tì Bà để tưởng nhớ nhà thơ

 

1. Giới thiệu

Từ ngày nhà thơ Nguyễn Bính qua đời đến nay đã suýt soát bốn mươi lăm năm nhưng tiếng thơ của ông vẫn đồng vọng trong lòng người thưởng ngoạn. Mới đây, theo một cuộc tham khảo ý kiến người đọc thuộc nhiều thế hệ khác nhau, những vần thơ của Nguyễn Bính vẫn tạo nhiều rung cảm nhất và ông vẫn là nhà thơ được yêu mến nhất.

Khởi đi từ cuộc sống nơi đồng ruộng, Nguyễn Bính đem vào thơ ông tình tự và ngôn ngữ của người dân dã. Từ đó, ông mang hồn dân tộc ấy đi suốt cuộc đời tài hoa và luân lạc của mình. Tâm hồn nhân hậu, tài năng tuyệt vời và bản sắc độc đáo ấy khiến Nguyễn Bính trở thành một nhà thơ của quần chúng đặc sắc nhất trong thi ca Việt thế kỷ 20. Có thể nói ông là người xứng đáng thay mặt cho phong trào thơ mới để tiếp nối dòng thơ Nôm truyền thống trong đó có các khuôn mặt ưu tú như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Ðà, v.v.

Trong di sản thơ của Nguyễn Bính, bên cạnh những tâp thơ gồm cả ngàn bài thơ ngắn còn có mấy cuốn truyện thơ, đặc biệt truyện thơ Truyện Tì Bà mà chúng tôi hân hạnh giới thiệu với độc giả nhân dịp năm mới Canh Dần 2010.

Thi phẩm Truyện Tì bà cho thấy một khía cạnh khác trong sự nghiệp thơ của Nguyễn Bính. Không giới hạn mình trong vườn thơ dân dã, ông còn vươn tới tầm cao bác học của văn chương nước ta. Tuy thế, những vần thơ bác học của Nguyễn Bính trong Truyện Tì bà vẫn mang đầy dấu ấn của tình tự và ngôn ngữ dân gian. Chúng là quang cảnh và sinh hoạt nơi thôn dã, tâm tình cùng lối suy nghĩ của người dân quê chân chất và những lời ca điệu hát, câu ca dao mộc mạc còn vấn vương sâu lắng trên đồng ruộng, sau lũy tre làng hay trong các hội hè đình đám.

Kỷ niệm 45 năm ngày nhà thơ lớn ấy qua đời, chúng tôi mạo muội lược khảo, nhuận sắc và chú thích Truyện Tì bà của Nguyễn Bính, với lòng mong ước lập thành một tài liệu sưu khảo nghiêm túc và chí tình, như một đóng góp thêm vào vườn hoa thi ca của Nguyễn Bính bát ngát hương sắc, đậm đà tình người và thủy chung với tình dân tộc.

Hi vọng sẽ không phụ lòng người đọc và làm vừa lòng ph ần nào hương hồn của một nhà thơ đã ra đi mà tiếng thơ còn lưu lại muôn thuở.

2. Xuất xứ của Truyện Tì bà

Truyện thơ Truyện Tì bà của Nguyễn Bính lấy cảm hứng và cốt truyện từ Tì bà ký, một vở tuồng nổi tiếng nhất của Trung Hoa, xuất hiện vào giữa thế kỷ 14, cuối đời Nguyên, đầu đời Minh. Tì bà ký được viết theo thể loại Nam hí, tức là tuồng theo lối phương nam, nặng tính cách tình cảm lãng mạn, thích hợp với dân chúng phương nam. Nó khác với Bắc hí, tức là tuồng phương bắc, thường đề cao chí khí và đậm nét hùng tráng. 

Tuồng là một thể loại văn học đặc biệt của Trung Hoa, được cả vua quan lẫn dân chúng ưa thích. Tuồng thay thế địa vị văn học của Từ khúc đời Tống, rồi khởi sắc, chiếm địa vị cao trong văn học đời Nguyên, là giai đoạn chính trị mà dân chúng bị áp bức thái quá; các văn nhân không thể – hoặc không muốn – dùng khoa cử thi phú để nổi tiếng và giúp đời nên đem hết tài năng ra soạn tuồng để đề cao đạo lý và lòng yêu nước.   

Từ thời Nam Tống (1127-1279) trong dân gian đã lưu hành câu chuyện Tì bà, phổ biến qua những người kể rong, cùng với các chuyện Tam Quốc Chí, Thủy Hử, v.v..  Chuyện Tì bà kể về một thôn nữ trồng hoa, mồ côi, giỏi ngón đàn Tì bà, tên là Triệu Ngũ Nương. Nàng lấy chồng học trò nghèo tên Thái Bá Hài (hoặc có khi gọi là Sái Ung), chăm sóc cha mẹ chồng và lo lắng cho chồng ăn học. Khi Thái Bá Hài thi đỗ Trạng nguyên, y nói dối rằng mình mồ côi cha mẹ và chưa vợ, để được kết duyên với con gái của quan Thái sư họ Ngao. Triệu Ngũ Nương ở nhà chăm lo phụng dưỡng cha mẹ chồng suốt một năm hạn hán, có khi nàng phải ăn cám nhường cơm cho cha mẹ. Sau khi cha mẹ chồng qua đời, nàng ôm đàn Tì bà, đi hát dạo trên đường lên kinh đô tìm chồng. Thái Bá Hài nhận ra người vợ cũ tiều tụy trong lớp kẻ hát rong, hối hận và nối lại tình xưa, bù đắp ân nghĩa cũ.

Vở tuồng Tì bà ký ấy do Cao Minh soạn. Ông tên tự là Tắc Thành, hiệu Lai Căn đạo nhân, người đời sau gọi là Ðăng Gia tiên sinh. Cao Minh sinh khoảng đầu thế kỷ 14, người Thụy An, Ôn Châu, Triết Giang; giỏi thơ, thư pháp và sở trường về từ khúc. Năm 1345, ông thi đậu tiến sĩ, niên hiệu Chí Chính thứ 5, nhà Nguyên. Cao Minh ra làm quan, giúp được nhiều việc lợi ích cho dân chúng nhưng rồi bất mãn, từ quan về ở ẩn. Cuối đời, ông dựa vào truyện kể trong dân gian để viết lên tuồng Tì bà ký theo Nam hí, một thể loại tuồng vốn xuất xứ từ Ôn Châu quê ông, nhằm xây dựng địa vị nghệ thuật cho thể loại ấy. Và rồi ông lập đầu công trong việc phát triển lịch sử hí kịch ở phương nam.

Tì bà ký là vở tuồng nổi tiếng nhất thời cuối Nguyên đầu Minh nhờ giọng văn tha thiết, dùng nhiều lối nói dân giả và đề cao các giá trị đạo đức luân lý. Chính Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) cũng mến mộ tài năng Cao Minh, vời ông ra làm quan với tân triều nhưng ông cáo bệnh từ chối. Minh Thái Tổ đọc Tì bà ký, khen: “Tứ thư ngũ kinh, nhà nào cũng phải có; Tì bà ký như sơn hào hải vị, nhà phú quý nào mà thiếu nó được.”

Hiện nay, Tì bà ký có bản chú giải rất rõ ràng và chính xác của Tiền Nam Dương do Trung hoa thư cục xuất bản năm 1962.

Tuồng Tì bà ký của Cao Minh có kết cuộc hạnh phúc để cho có hậu, chứng minh sự tất thắng của các giá trị luân lý và làm khán giả thoải mái ra về sau khi bức màn nhung buông xuống. Nó kết thúc với hoạt cảnh Triệu Ngũ Nương đoàn tụ với người chồng bạc nghĩa và làm chính thất. Ngược lại, Truyện Tì bà của Nguyễn Bính có kết luận không vui chút nào. 

Với Nguyễn Bính, Triệu Ngũ Nương ôm đàn tì bà đi tìm chồng không phải để nối lại duyên tình mà chỉ để muốn biết tường tận duyên phận mình ra sao. Thấy mặt chồng trong hội chùa và thấy chồng không nhìn mặt mình, Triệu Ngũ Nương để lại một bài từ cho sư cụ trụ trì trong đó nàng kể hết sự tình. Sau đó, nàng ôm cây đàn tì bà đi biệt tăm.

Trong Truyện Tì bà, Thái Bá Hài được gọi là Thái Bá Giai và quan Thái sư họ Ngao được gọi là họ Ngưu. Thời gian truyện từ Nam Tống được đưa vào triều đại nhà Nguyễn. Tràng An trong Truyện Tì bà hẳn là kinh thành Huế vì Nguyễn Bính Việt hoá một số địa danh, trong đó có Hà Ðông và Hà Nội, một tên gọi chỉ mới được đặt từ triều vua Minh Mạng.

3. Thời điểm Nguyễn Bính viết Truyện Tì bà

Vậy Nguyễn Bính viết Truyện Tì bà vào lúc nào. Bản Truyện Tì bà được nhuận sắc và chú thích trong dưới đây căn cứ vào bản được in trong Việt Nam thi nhân tiền chiến, Toàn tập, của Nguyễn Tấn Long, do NXB Văn Học Hà Nội in năm 2000. Ðây là cuốn rút gọn của ba cuốn cùng nhan đề đã được xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975. Cũng như trong ba cuốn của bản Sài Gòn, Nguyễn Tấn Long không cho biết ông lấy toàn văn Truyện Tì bà của Nguyễn Bính từ tài liệu nào.

Theo thư mục Tác phẩm chính của Nguyễn Bính, in trong cuốn Tuyển tập Nguyễn Bính, do Vũ Quốc Ái - Quang Huy - Ðỗ Ðình Thọ - Kim Ngọc Diệu sưu tầm và tuyển chọn, NXB Văn Học & NXB Long An - 1986, chỉ liệt kê và ghi: Truyện Tì bà (truyện thơ - 1944) mà không ghi do nhà xuất bản nào, lúc nào và tại đâu.

Hẳn đã có một bản Truyện Tì bà xuất bản ở Sài Gòn năm 1944, và biết đâu trong đó có ghi thời điểm Nguyễn Bính viết truyện thơ này. Tôi từng tìm trong nhiều năm, tại các tiệm sách cũ ở Sài Gòn và Hà Nội, hoặc tại các tủ sách của người quen, nhưng không gặp. Có lẽ chiến tranh kéo dài hàng chục năm và tiếp theo đó là những đợt truy quét văn hoá phẩm từ năm 1954 ở miền bắc và năm 1975 ở miền nam nên đã thất tán toàn bộ.

Trong bài thơ Oan nghiệt viết năm 1941 tại Huế, thác lời gởi cho đứa con gái mới sinh ở Hà Nội – về sau được in lại trong tập Nước giếng thơi, Hà Nội 1957 – Nguyễn Bính có đề cập tới khúc Tì bà, nhưng ta có thể hiểu theo hai nghĩa. Một là ý ông muốn soạn một khúc ngâm theo lối Tì bà hành của Bạch Cư Dị dành cho người ca kỹ bến Tầm Dương. Hai là ông nói tới dự tính viết Truyện Tì bà với nàng Triệu Ngũ Nương.

             Một lứa bên trời chung lận đận,

             Thương nhau cha soạn khúc Tì bà

             Áo xanh mà ướt vì đêm ấy

             Tội nghiệp đời con xấu hổ cha.

Trong Bán nguyệt san Văn tại Sài Gòn, số 60 ngày 14.6.1966, Tưởng niệm Nguyễn Bính, mà chúng tôi trích lại theo Nguyễn Tấn Long ở sách đã dẫn, bản Hà Nội, dưới nhan đề “Cuộc đời Nguyễn Bính đi trong khói lửa chiến chinh”, nhà văn Sơn Nam kể lại là:

             “Anh đã tỏ lời tâm sự với tôi [.]:

             “[.] Trong thời gian ở Hà Tiên, tôi không hút điếu nào. À! Tôi viết tập Bài hát tỳ bà phỏng theo cốt truyện của Tỳ bà ký. Nhưng chuyến về xảy ra chuyện này đáng suy nghĩ [.]”

             Theo dấu những ngày Nguyễn Bính ở Hà Tiên, ta bắt gặp bài  Nguyễn Bính những ngày ghé Hà Tiên  của nữ sĩ Mộng Tuyết, vốn là người trong cuộc. Tôi nhớ bài này ban đầu đăng ở số báo Văn đã dẫn, về sau được đăng lại trong cuốn hồi ký  Dưới mái trăng non.  Ðoạn tôi trích dưới đây lấy từ cuốn  Nguyễn Bính, thơ và đời  do Hoàng Xuân tuyển chọn, NXB Văn Học Hà Nội năm 1988. 

             Mộng Tuyết kể:

             “Nguyễn Bính khởi thảo một truyện dài bằng thơ lục bát, Bính bảo là sẽ làm dài hơn quyển Truyện Kiều.

             “Mỗi đêm, dưới ánh hồng lạp, Bính viết được bốn năm trang thơ lục bát [.] Mỗi sáng ra Bính đọc cho chúng tôi nghe, bàn lại, cùng thưởng thức [.]

             “Giữa lúc đó, vào tiết Ðoan Ngọ, theo tục lệ ở Hà Tiên, tôi nấu nước lá thạch sương bồ để tắm gội. Bính thích ba chữ 'thạch sương bồ' và lấy ba chữ đó để đặt tên cho tác phẩm đang khởi thảo của mình

             “Bính sáng tác truyện Thạch sương bồ được gần hai ba trăm trang. Tới lúc rời đi thì truyện chỉ mới xong được một phần. Nếu Bính còn nằm ở Hà Tiên ít lâu nữa thì chắc chắn đã hoàn tất được một quyển diễn ca khá độc đáo.”

             Vậy, cuốn Thạch sương bồ lở dở đó có phải là cuốn Truyện Tì bà không; tôi không dám chắc. Mộng Tuyết cũng không nhắc gì tới Truyện Tì bà nhưng như thế cũng không đủ để loại bỏ khả năng, như Nguyễn Bính đã kể với Sơn Nam, là ông hoàn thành Truyện Tì bà tại Hà Tiên, một tác phẩm vốn có thể đã được ông cưu mang từ những ngày ăn dầm nằm dề tại Huế, như một lời hứa “tâm tình” của ông với đứa con gái vừa mở mắt chào đời mà đã bị hé cho thấy một tương lai nhiều đắng cay và tục lụy.

4. Vài cảm nghĩ nhân đọc Truyện Tì bà

Hoàn cảnh sáng tác của Truyện Tì bà có nhiều điểm đặc biệt. Những năm đầu thập niên bốn mươi của thế kỉ vừa qua, bầu không khí chính trị ngột ngạt trùm khắp nước. Chiến trận của Thế Chiến Hai chưa xảy ra trên đất Việt nhưng người Nhật đã có mặt khắp nơi, lấn lướt chủ quyền của người Pháp. Nhà giam đầy chính trị phạm. Xã hội vật vã với những xung đột giữa lối sống và các giá trị cũ, mới. Phong trào thơ mới đang lên tới cực điểm vận động và nghệ thuật của nó; người ta hầu như không muốn để mắt tới thơ cũ, trong khi ấy, số bài thơ lục bát thành công đếm chưa đầy các ngón của hai bàn tay. Nguyễn Bính lúc đó khoảng 25 tuổi, sống những mùa xuân tha hương với tâm trạng khinh bạc, hoàn cảnh túng thiếu đủ thứ. Vậy mà ông lại có đủ hứng khởi và tĩnh tâm để phỏng theo cốt truyện của một vở tuồng 500 năm trước bên Tàu, viết thành truyện thơ Truyện Tì bà, bằng thể thơ lục bát của dân tộc, và dài tới 1.550 câu. Quả là một hiện tượng lạ lùng.

Về mặt hình thức, chiều dài của Truyện Tì bà không thua k ém bao nhiêu so với nhiều truyện thơ nổi tiếng trước đó. Chinh phụ ngâm khúc dài 408 câu; Cung oán ngâm khúc 356 câu; Bích Câu kỳ ngộ 648 câu; Quan Âm Thị Kính 788 câu; Mai Ðình mộng ký 298 câu; Hoa tiên truyện 1.826 câu; Nhị độ mai 2.820 câu; Lục Vân Tiên 2.076 câu; và đặc biệt, Truyện Kiều 3.254 câu.

Khi xem tuồng hát, khán giả ngắm quang cảnh qua phông màn và hiểu tâm tư tình cảm của nhân vật căn cứ vào điệu bộ, ngôn ngữ của chính nhân vật ấy, và qua lời thoại của các nhân vật khác, trên bối cảnh qui ước của bộ môn. Trong truyện thơ, tác giả buộc phải trực tiếp “can thiệp” toàn diện vào quá trình cảm nhận đó bằng tài nghệ của mình với những câu thơ tả tình, tả cảnh và nhất là tự sự, để chuyên chở nội dung và khêu gợi trí tưởng tượng của độc giả. Vì vậy, đối với một tác giả “chưa chín tay nghề”, những câu thơ trong truyện dễ bị thiếu thi vị, mạch truyện thường bị hụt hẩng, cảnh sắc sơ sài, lời tâm tình trở thành lề mề, động tác hóa ra đơn điệu, đối thoại xơ cứng thô thiển và như thế, tác phẩm không đạt tới những tiêu chuẩn nghệ thuật cần có. Và thơ lúc ấy có nguy cơ trở thành vè.

Người ta thường chuyển thể chuyện kể, truyện thơ thành tuồng hát. Việc chuyển thể tuồng hát thành truyện thơ là một thách đố lớn. Nguyễn Bính đã chấp nhận thách đố đó, nhưng ông chọn một không gian rất thoáng và rất linh động để viết Truyện Tì bà theo cách của riêng ông. So với nội dung vở tuồng Tì bà kí, ông chỉ lấy cốt truyện, không lấy ý của những câu hát, những đối thoại hay độc thoại trong tuồng.  Nguyễn Bính lại đặt các nhân vật vào khung cảnh nông thôn với ươm tơ canh cửi, ruộng lúa lũy tre, đê cao ngõ vắng, tình tự ca dao và đường đất heo hút “từ Hà Nội về Hà Ðông” của nước Việt.

Thế nhưng hoàn cảnh, hình thức và cách thức sáng tác mới chỉ là những cái chung quanh văn chương. Tính văn học của Truyện Tì bà nằm ngay chính trong khả năng vận dụng các con chữ của Nguyễn Bính cùng những dòng thơ ông viết ra để trình bày cảm xúc, diễn biến tâm lý và cảnh ngộ của nhân vật.

Khái quát, Truyện Tì bà vẫn đi theo dạng thức hoặc chủ đề cố hữu của các truyện thơ trước đó. Một cuộc sống êm đềm với những ngày bình an và hạnh phúc, những dự tính đang ôm ấp và sắp thực hiện. Rồi bỗng dưng hoạn nạn ập tới do thiên tai hay thời thế, hoặc bởi những yếu đuối hay bất cẩn của con người. Thế là có đau khổ, gian nan, chìm nổi, nhưng rồi mọi sự sẽ qua đi, kết cuộc bao giờ cũng là đoàn tụ và vinh hiển. Ðộc giả gấp sách lại, thở ra nhẹ nhỏm vì con thuyền của mấy nhân vật truân chuyên ấy đã vào bến bình an, chở đầy đủ hoan lạc hạnh phúc của cá nhân lẫn những giá trị đạo đức bất biến của xã hội; hoặc ít ra, cũng phải được nguôi ngoai như Thúy Kiều và Kim Trọng: Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ!

Nguyễn Bính không chọn kiểu kết cuộc “có hậu” đó, như trong tuồng Tì bà ký của Cao Minh. Ông để mặc con thuyền của Thái Bá Giai chìm đắm trong biển phồn hoa đen bạc và ông rẽ lái thuyền của Triệu Ngũ Nương sang hướng đại dương mênh mông vô định. Ông cho nhân vật nữ ấy chủ động đẩy số phận bất hạnh của mình vào cõi thênh thang hạc nội mây ngàn. Bằng thái độ thanh thoát và vững vàng, người nữ ấy thách đố những độc giả đang hụt hẩng, như một câu trả lời đầy phẩm cách đối với hạng nam nhi bạc hạnh và như một tiếng thở dài của nàng nghệ thuật thanh cao trước những phủ phàng trần thế. Như thế, theo tôi, ông đã chọn một lối “có hậu” khác trong cái kết cuộc có vẻ như “vô hậu” ấy. Với ông, có lẽ Triệu Ngũ Nương còn tiêu biểu cho giá trị của người nữ á đông muôn đời nhẫn nhục và đáng trọng, mà ông ấp ủ tận đáy tâm thức mình. Trong xã hội cũ, người vợ tần tảo, người mẹ hiền, nàng chinh phụ phải chăng là chỗ dựa bao đời cho các nghệ sĩ, chiến sĩ và nho sĩ, v.v. những người miệt mài đuổi theo mộng tưởng và thường đề cao cái ảo tưởng nam giới ưu việt. 

                   Càng tài sắc lắm càng oan nghiệt,

                   “Bảy nổi ba chìm với nước non”.

                   Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ,

                   Nghèo lắm con ơi! Bạc lắm con!

Phải chăng qua những câu thơ gởi con gái trong bài Oan nghiệt và cùng với Truyện Tì bà, Nguyễn Bính muốn bày tỏ lòng ân hận cùng lời thâm tạ những người nữ từng đến với thi sĩ. Trong thi phẩm, họ là nàng thơ tạo nguồn cảm hứng và nhờ họ thơ lên tới đỉnh cao nghệ thuật. Trong cuộc đời đam mê và ngu ngơ, dễ thương tổn của thi sĩ, họ là hình bóng của Phật bà Quan âm, những nữ nhân cứu độ.

Triệu Ngũ Nương được Nguyễn Bính thể hiện bằng những vần thơ trân trọng, thấm đẫm tình yêu, say đắm và thanh khiết, trong một mạch truyện súc tích và chặt chẽ. Tác giả dùng rất nhiều các lối luyến láy, mỹ từ pháp, tận dụng tối đa những hình ảnh tiểu đối, những vế song đối, v.v. Những thương nhớ của người yêu nhau, cô đơn chăn chiếu của vợ xa chồng và đắm say tính dục của tuổi trẻ trong Truyện Tì bà gần gũi với chúng ta hơn các nhân vật của những truyện thơ khác, kể cả Truyện Kiều và những cuốn tiểu thuyết thời ấy của Tự Lực Văn Ðoàn, Tiểu thuyết Thứ bảy, v.v. Nguyễn Bính cũng không ngần ngại mượn ý hoặc lấy nguyên lời từ các tác phẩm trước ông. Như Cung Oán ngâm khúc: Bóng dương xin hướng hoa quì đêm nay; Chinh phụ ngâm khúc: Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai; Truyện Kiều: Người mà đến thế thì thôi, Ðời phồn hoa cũng là đời bỏ đi, v.v.

Nếu chỉ đọc Truyện Tì bà, người ta hẳn cho rằng tác giả của nó là một nhà thơ thuộc thế hệ cũ, vì Nguyễn Bính dùng rất nhiều và rất chỉnh các từ hán việt, điển cố cùng nhiều hình ảnh lấy từ thơ Trung Hoa, đặc biệt thơ Ðường. Tính cổ phong đó quyện hài hòa với những cảm xúc rất mới, những cụm từ và những hình ảnh ông mượn ở ca dao, khung cảnh đồng ruộng được thi hóa, những sinh hoạt trồng dâu canh cửi nơi thôn dã, cuộc sống đạo lý và nhân hậu của dân quê. Nhờ vậy, Truyện Tì bà mang những âm hưởng đặc biệt của dân gian và góp thêm phần thành tựu cho Nguyễn Bính một vị trí đặc biệt trên văn đàn. Ông là nhà thơ dân giả nhưng không vì thế mà thiếu tính bác học. Cùng với lối diễn tả nhiều khi ước lệ, những câu thơ mộc mạc như ca dao, Truyện Tỳ bà có những đoạn thơ rất đẹp, thấm thía và mênh mang.

Ðể tìm hiểu văn học dân gian, cùng với truyện cổ tích, ca dao tục ngữ, câu hò điệu hát, người ta cần tìm hiểu thêm các tác phẩm chắt chiu ngôn ngữ và lấy cảm hứng từ sinh hoạt dân gian, trong đó không thể thiếu Truyện Tì bà.  Truyện Tì bà còn vượt thêm một tầm cao nữa. Nó là cầu nối giữa văn chương bác học và văn chương bình dân. Nó cho thấy tính phổ biến của cái đẹp và tâm lý con người, vượt thời gian không gian và vượt những xáo lộn cũ mới của thời đại. Nó là một chứng minh mạnh mẽ rằng thi sĩ, một khi có nguồn sáng tạo sâu thẵm tự lòng mình và lấy chất liệu dư dật từ cuộc đời thường đang diễn ra chung quanh mình thì dù là người làm thơ rất mới hay còn đa mang hồn cũ, vẫn mở được cửa cho mình đi vào, để trồng thêm cây nghệ thuật cho vườn hoa văn học và ở lại mãi trong lòng độc giả.

Vì thế, thật không ngạc nhiên khi thấy suốt hơn sáu chục năm nay và có lẽ còn về sau nữa, Nguyễn Bính vẫn được công nhận là nhà thơ tài hoa và đồng cảm của dân tộc, được nhiều người đọc nhất và được yêu mến nhất./.

 

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3240
Ngày đăng: 13.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không Tưởng và Phản-Không tưởng trong Văn Học - Hiếu Tân
Nguyễn Bính và Tỉnh Giấc Chiêm Bao - Nguyễn Ước
Vốn là thú, ta… - Phan Huy Đường
Nhiệm vụ của thi nhân - Khổng Ðức
Ám Ảnh Mai Trong Thơ Tứ Tuyệt của Yến Lan - Trần Hoài Anh
Thơ Hoa Kỳ và Tân Hình Thức - Chân Phương
Chủnghĩahiệnđại–sốhóa: Các công nghệ mới đã giải thể chủ nghĩa hậu hiện đại và định hình lại nền văn hóa của chúng ta như thế nào? - Hiếu Tân
Vẫn còn tình yêu … - Khổng Ðức
Thể loại văn tế - Trần Minh Thương
Thập kỷ mất mát, Bài 7 : Lịch sử trở lại - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)