Tôi cùng con gái trở về quê ngày giáp Tết. Đã hơn chục năm tôi xa quê rồi. Xuân đang về. Con đê làng lượn quanh quanh ven sông. Tôi đang đi trên đồng đất quê mình. Cảm giác xuân đang về làm tâm hồn náo nức như thời con trẻ. Mưa lay phay không ướt áo làm không khí trong trẻo, thơm tho hơn, dịu đầm hơn. Đôi khi, một vài con gió còn lưu luyến cái mùa đông giá lạnh làm xao xác và tung lên trên trời những cánh vàng của mấy cái cây phía trong đê. Tôi nín hơi rồi hít thật sâu luồng không khí của quê nhà và cảm thấy nó đang hòa vào dòng máu của cơ thể mình.
Tôi đằm mình trong cái bâng khuâng của ngày giáp Tết mà hình như chỉ có những người lớn tuổi mới cảm nhận được. Nao nao một điều gì đó trong lòng, nghèn nghẹn điều gì đó chưa thốt được thành lời. Quê mình đây, một thời tuổi thơ của mình đây. Thay đổi nhiều quá. Có phải chính vì sự thay đổi đó làm lòng tôi nao nao. Tôi muốn tìm lại ngày xưa của mình qua cái chợ quê, nơi tôi có những kỉ niệm đẹp về một gia đình hát xẩm nghèo và cũng một kỉ niệm đẹp về đứa con gái trong gia đình đó. Không biết từ khi nào, tôi bị hình dáng gày gò với nước da trắng xanh, mái tóc đen ngang vai và đặc biệt là giọng hát của nó ám ảnh. Ngày đó, mỗi phiên chợ, nếu được đi, tôi đều đến để chỉ nghe nó hát.
Gia đình nó có ba người. Ông bố mù lòa kéo cây nhị cũ kĩ. Nhìn ông và cây nhị, tôi thấy đúng là một cặp đôi, đều úa già và héo hắt như nhau. Bà mẹ thì chỉ hát những bài ca não nùng toàn chuyện ly biệt với tha hương và nó, nó cũng được bà mẹ dạy cho hát, nếu không những “Con cò lặn lội” thì cũng “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi” trong “Chinh phụ ngâm” hoặc “Trấn ải lưu đồn nơi Cao Bằng” heo hút... Buồn lắm! Giọng ca của nó buồn lắm! Tôi, đôi khi, vẫn thấy những tiếng sụt sịt, mủi lòng của người nghe. Nhưng mặt nó lạnh tanh. Tôi băn khoăn. Suy nghĩ của tôi là nó đã quá buồn và khổ, buồn hết chỗ để buồn rồi. Nỗi buồn ngấm đậm trong người nó.
Chợ phiên quê tôi năm ngày họp một lần nên tôi rất nhớ những ngày gia đình hát xẩm này đến hành nghề. Thường thì gia đình họ nghỉ dưới gốc cây gạo gần chợ. Cây gạo đỏ rực như lửa vào những ngày rét nàng Bân. Đó là những ngày thời tiết dễ chịu, khô ráo, không âm u lạnh lẽo nữa. Mùa hè, những đêm trăng sáng, tôi và tụi trẻ con thường ra chơi nơi bãi trống gần đó. Tôi cũng chú ý đến những bữa ăn đạm bạc của họ. Mọi sự chi tiêu của cái gia đình này đều do bà vợ quản lí. Tôi thấy chả có gì đáng nói, nếu như không vì một lần, tôi thấy bà già ngửa cổ tu rượu. Bà mẹ nó uống rượu, một cái sự hiếm của đàn bà thời đó. Tôi biết thêm, con bé nó cũng biết mẹ nó uống rượu. Có phải vì thế mà nét mặt nó càng buồn.
Những ngày đông giá rét, trời lạnh lắm. Đôi khi mưa, càng làm cho cái lạnh tê tái. Cái quán xiêu vẹo nơi cuối chợ là chỗ ngủ tạm của gia đình nhà hát xẩm vào những ngày đón phiên chợ. Những hôm trời mưa gió như vậy, tôi cứ nghĩ về gia đình nó. Tôi hình dung ra bàn tay của bố nó, bàn tay khô cứng kéo nhị, âm thanh phát ra từ chiếc vĩ và dây tơ vang qua mặt bầu nghe chua chua, nghẹt nghẹt như bị vướng hay vấp nơi cái cổ đã quá già và chằng chịt gân của ông. Nghe mãi thành quen bởi ông chỉ có mỗi một bài đệm với vài giai điệu lặp đi lặp lại. Cảm tưởng như cái sự gian lao, khắc khổ của cuộc đời được ông dồn hết vào tiếng vang của bầu nhị, từ cái vĩ kéo và đôi dây tơ. Ông quý cây nhị đó lắm, vì hình như có nó, mới thành cái gia đình hát xẩm lang thang này. Còn nó, chắc nó đang co quắp ngủ trong góc lều, nơi kín gió. Chỗ nó ngủ, cái ổ của nó, chắc cũng chỉ có bó rơm xin đựơc ở mấy cái nhà gần chợ. Còn bà mẹ, chắc thi thoảng bà lại ngửa cổ nhấp một ngụm rượu cho ấm người. Chẳng hiểu sao tôi lại chú ý cái góc chợ có cái quán xiêu vẹo đó. Đến chợ, bao giờ tôi cũng cứ đảo qua đấy, cứ như đó là nơi thân thiết với mình vậy.
Tôi nhớ gánh hát xẩm còn bởi vì giọng hát của con bé. Con bé với tiếng hát ngọt lịm những nỗi khổ, nỗi buồn. Người nghe trầm trồ khen nó nhiều lắm, cũng thưởng cho nó nhiều, mỗi lần nó cầm cái nón mê cũ kĩ, mất vành đi vòng quanh một lượt, nhưng không bao giờ nó dừng trước mặt tôi, mặc dù đôi khi, tôi cũng có những đồng tiền bé mọn để dành cho nó. Những lần đến chợ phiên, tôi luôn nghe nó hát. Tôi ngồi vòng trong, gần đến nỗi tôi nhận thấy cái cổ nó trắng xanh và có một nốt ruồi. Có điều tôi không muốn nói, mặt nó lạnh và đôi mắt buồn lắm, tôi cảm thấy nó cũng nhớ được mặt tôi trong cái đám đông vây quanh. Trong đầu tôi, tôi luôn tự an ủi và bênh vực cho cho cái mặt “lạnh” của nó, bởi nó quá nghèo nên mới thế mà thôi. Với lại, nó không có bạn bè, nên nó buồn! Tôi rất muốn kết bạn với nó.
*
Tôi lớn lên và theo xô đẩy dòng đời, một thời gian dài vì chiến tranh rồi lại một thời gian dài vì lo mưu sinh, những tưởng tôi cũng đã quên cái chợ quê nghèo có gánh hát xẩm, những tưởng tôi cũng quên dần con bé có khuôn mặt lạnh và đôi mắt buồn, nhưng thật không phải như vậy, cứ mỗi lần qua một vùng quê nào đó, cái góc chợ quê ngày thơ của tôi lại hiện ra rõ mồn một. Tôi như vẫn nghe thoang thoảng giọng ca ngọt ngào đẫm buồn của con bé. Dù thời gian trôi bao nhiêu, trong kí ức của tôi, nó vẫn là con bé, con bé có cái mặt lạnh và đôi mắt buồn.
Tôi tần ngần đứng trước cổng chợ. Cây gạo cổ xưa vẫn còn, sứt sẹo, xù xì và cùng với thời gian, nó chai lì hơn. Chưa tới mùa hoa nở nhưng hơi xuân đã về và nhành non ẩm ướt mơn mởn đã gợn lên một màu xanh ấm áp. Tôi vào chợ. Góc chợ và cái quán xiêu vẹo không còn nữa. Tôi thả bước như mộng du quanh chợ như để tìm về những ngày xưa đã qua. Không khí ồn ào của phiên chợ gần Tết không ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi như đang gặp con bé, đang nói chuyện với nó, đang lấy đồng xu bé mọn của mình để vào cái nón mê mất vành vừa lướt qua. Tôi nhìn vào mắt con bé, không phải đôi mắt buồn nữa, nhưng vẫn là đôi mắt đó, nó có cuộc sống mới rồi... Ồ, lạ quá! Mắt nó phải là mắt buồn chứ... Tiếng loa thùng ở ngoài cổng chợ rộn lên. Đúng, vẫn còn phảng phất cái phiên chợ ngày xưa. Không phải là gánh hát xẩm, không phải là tiếng nhị cò cử già nua, mà là tiếng xập xình thời hiện đại. Tôi bừng tỉnh, cái ngày xưa êm đềm đã qua, giọng hát xẩm ngọt ngào chỉ còn trong nỗi nhớ, tôi bâng khuâng và hẫng hụt như bị mất cái gì quý giá. Cứ vẩn vơ tìm xem mình mất thứ gì, và tôi chợt hiểu, cái đó là nỗi nhớ về quê của tôi. Trong tôi, phiên chợ quê ngày xưa là một nỗi buồn nhẹ nhàng, một tiếng nhị và một giọng ca. Cả một kí ức thơ trẻ mãi không phai.
Còn bây giờ, quê tôi khác nhiều rồi, làng đã thành phố, những bức tường xám màu che khuất tầm nhìn... Chỉ còn duy nhất cây gạo đứng đó với thời gian, một mình chiêm nghiệm và chứng kiến. Con gái nhỏ của tôi giật giật tay tôi:
- Bố nhìn gì thế?
- Bố đang nhìn về góc chợ “của bố” ngày xưa... Bố đang nghe “ngày xưa” của bố với tiếng nhị cò cưa và với tiếng ca ngọt ngào...
Chắc là con tôi còn quá nhỏ để hiểu nỗi lòng tôi./.