Nguyên tác: L'ospedale malato của Dino Buzzati ( Ý ) TRƯƠNG VĂN DÂN Chuyển ngữ
Vừa đến bệnh viện Ophelia, ngày hôm sau tôi phải mổ tuyến mật, thì người gát dan liền dẫn tôi đến văn phòng của bác sĩ trực. Đó là một người đàn ông khoảng 40 tuổi, gầy ốm và có nước da hơi tái. Khi thấy tôi bước vào ông ta liền đứng dậy, vội rút chiếc hàn thử biểu đang đặt trong miệng mình. "Ông tha lỗi cho nhé! Tôi đang bị sốt đến 49 chín độ ". "Ông bị cúm à ? " "Ai mà biết..."
Mặc dù bị sốt hành nhưng ông bác sĩ cũng nhanh nhẹn dẫn tôi đến một căn phòng và khuyên tôi nên đi nghỉ. Sau đó có một cô ý tá rất xinh bước vào để chích cho tôi một mũi thuốc an thần. Chân cô ta đi khập khiễng. "Ông biết không" cô gái vừa nói vừa mỉm cười thật dễ thương "với ẩm độ của ngày hôm nay, thần kinh toạ hành hạ tôi quá sức..."
Sau một hồi lâu thì giáo sư Trizzi mới đến, ông ta là bác sĩ phẩu thuật cho tôi vào ngày hôm sau. Đó là một người trẻ trung, cường tráng và dễ mến. "Ông cho phép tôi được phép nói, nhé! Ông là một người may mắn. Bỡi vì, tôi tin chắc là hiện nay chẳng có ai biết nhiều hơn tôi về túi mật đâu. Thật là may cho ông !" vừa nói ông vừa cười thật to. " Sáng mai thì tôi sẽ làm việc với ông. Nhưng sang ngày mốt thì những bác sĩ khác sẽ làm. Với tôi. Ông hiểu ý tôi chứ ? Cái tuyến mật của tôi cũng tệ lắm! Vừa nói ông vừa làm điệu bộ như người ta đang vứt bỏ một vật gì. " Tệ lắm, xấu hơn của ông nhiều. Bỡi vì tuyến mật của ông thì chúng ta biết chính xác là nó bị gì. Còn trường hợp của tôi... này, tình trạng của tôi thì nên nói như thế nào nhỉ ? hơi rắc rối một chút, vì người ta biết cắt chỗ nào nhưng chả biết sẽ thấy gì trong đó" sau đó là một trận cười thật to nữa. " Vị thầy già Ripellini của tôi thường hay nhắc đến câu châm ngôn này, nó vẫn còn giá trị dù khoa học đã tiến bộ rất nhiều. Nhưng vừa nói xong, ông vội đặt một bàn tay, ấn nhẹ lên bao tử và nhăn mặt vì đau. " Ái da...ái... Tôi sợ rằng...xin lỗi ông cho tôi ngồi một tí nhé...cơn đau bất chợt, chỉ một lát thôi...ông đừng bận tâm... Nó chỉ đau vào buổi chiều thôi, còn buổi sáng thì tuyệt đối không bao giờ..."
Ông bác sĩ ngồi nán lại, thân mật tán chuyện và khi chào từ biệt ông nói :" À này, ông giám đốc, người xếp bệnh viện này có nói với tôi là ông ta rất muốn đến đây để thăm ông, nhưng rất tiếc là ông ta đã không thể đến được. Bỡi vì sáng nay...ông ta bị...à này..chưa thể nói là bị đột quỵ vì nhồi máu cơ tim nhưng ông cũng thừa biết là ......nằm ở nhà nghỉ ngơi và tịnh dưỡng là việc cần thiết cho các dạng tim mạch.
Bà y tá trưởng nhóm trực đêm đến trễ hơn một lát. Tôi để ý thấy bà ta liên tục đặt một bàn tay lên gò má bên phải. "Bà bị đau răng hả ?" tôi chỉ hỏi xã giao thế thôi. "Chán lắm ông ơi ! Tôi mừng cho ông không bị cơn đau quái ác này hành hạ. Nó làm cho người ta phát điên lên. Phát điên thất đấy, ông ạ. Cũng may là hôm nay tôi phải trực đêm, vì ngồi thức suốt đêm sẽ không có gì khó". Nói xong bà ta nhìn tôi, gượng cười.
Tôi lúng túng nhìn bà ta : " Xin lỗi bà , trong bệnh viện Ophelia này, tôi thấy hình như tất cả các nhân viên điều trị đều bị bệnh ?" Bà y tá vụt ngẩng đầu lên, kinh ngạc : " Đúng thế, ông không biết hay sao? Đâu phải ngẫu nhiên mà bệnh viện này là nơi chữa trị nổi tiếng nhất Châu Âu".
"Tôi vẫn chưa hiểu "
" Thế sao? Ông vẫn chưa hiểu thật à ? Tâm lý trị liệu. Tâm lý trị liệu. Nơi đây là trung tâm tâm lý trị liệu hiện đại nhất mà người ta có thể nghĩ đến. Mà này, xin lỗi ông, ông chưa từng bước vào một bệnh viện nào sao?"
"Thưa chưa !"
"Có lẽ vì vậy nên ông chưa hiểu. Điều gì xấu xa nhất trong một bệnh viện? Có phải là căn bệnh không? Thưa không. Điều xấu xa nhất trong bệnh viện chính là sự nhìn thấy tất cả những người khác không phải là người bệnh. Mỗi khi chiều đến, trong khi bệnh nhân bị đóng đinh trên giường bệnh, thì những bác sĩ, những y tá, các y công...vv..và vv... đang lao vào thành phố, kẻ về nhà, người đi xem hát, kẻ hẹn hò với tình nhân ; điều này làm cho người bệnh trầm uất và chán nản một cách kinh khủng, ông có biết là nó làm cho người bệnh cảm thấy mình như bị khiếm khuyết và ảnh hưởng một cách tai hại đến sự chữa lành cho họ không. Còn, ngược lại, khi một người đang hấp hối mà nhìn thấy tất cả những kẻ khác đã chết rồi, thì người ấy sẽ thấy mình là một đức vua. Và nơi đây, trong trung tâm chữa trị này, người ta đã thực hiện được phép lạ ấy. Ông thấy chưa, tất cả thân nhân và bạn bè của người bệnh đều không được phép bén mảng tới đây, ngõ hầu tránh cho họ sự so sánh đáng tiếc. Trong trung tâm này người ta chủ ý chọn lọc tất cả những người điều trị : bác sĩ, y tá, chuyên gia giải phẩu, trợ lý...toàn là những người bị bệnh rất nặng. Thế thì các bệnh nhân, nếu so sánh, sẽ thấy mình là những ông hoàng, những người còn may mắn. Nhưng có phải họ chỉ cảm thấy sảng khoái mà thôi đâu: Họ sẽ khỏi bệnh. Nhiều người đã trở nên khỏe mạnh mà chẳng cần uống một viên thuốc nào. Ngay cả những người bệnh mà trước khi bước vào đây, họ gần với cõi chết hơn là cõi sống."
Trương Văn Dân chuyển ngữ