Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
930
123.136.885
 
Đồ gốm sứ trang trí hình em bé
Trần Anh Dũng

Đồ gốm sứ tráng men có trang trí hình em bé là môtíp hoa văn mang ý nghĩa Phật Giáo, được thể hiện tương đối phổ biến ở thời Lý. Hình em bé ngoài ý nghĩa thể hiện sự may mắn, hạnh phúc, còn có thể là sự thể hiện của hình ảnh thơ ấu của Đức Phật. Với ý nghĩa như vậy, hình em bé được thể hiện trên chất liệu đá ở các công trình kiến trúc Phật giáo quan trọng của nước ta vào thời Lý như chùa Phật Tích (Từ Sơn - Bắc Ninh), tháp Chương Sơn (Ý Yên – Nam Định), chùa Long Đọi (Hà Nam)…

 

Từ nhiều năm nay chúng tôi đã lưu ý nghiên cứu các tiêu bản gốm sứ có trang trí hình em bé. Kết quả là đã thu thập được gần 20 tiêu bản gốm sứ Việt Nam thời Lý có trang trí hình em bé ở một số Bảo tàng như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng nhân học (Trường Đại Học KHXH & NV Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, một số sưu tập tư nhân ở Hà Nội.

 

Ngoài các tiêu bản trên, đồ gốm trang trí hình em bé còn đựơc chúng tôi phát hiện trong các cuộc khai quật tại các di chỉ Khảo cổ học như: địa điểm 62 - 64 Trần Phú (Hà Nội), khu lò gốm Đồng Khống (Hòa An - Bắc Ninh), Long Tửu (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) và Hoa Lâm Viên (Đông Anh - Hà Nội).

 

Qua các tiêu bản gốm sứ trang trí hình em bé mà chúng tôi có trong tay, thì thấy những đồ gốm này có những đặc trưng như sau:

 

Mô típ trang trí hình em bé chỉ được trang trí trên 3 dòng gốm: men trắng, men ngọc và men xanh lục (hoặc men xanh rỉ đồng).

 

Điều đặc biệt là, các đồ gốm men trang trí hình em bé hầu như chỉ đựơc trang trí bên trong lòng của những chiếc bát có kích thước tương đối lớn. Chỉ duy nhất có một chiếc đĩa trang trí mô típ này.

 

Kĩ thuật trang trí môtíp hình em bé được thể hiện bằng cách khắc chìm hoặc in nổi. Tuy  nhiên, trong số các tiêu bản mà chúng tôi nghiên cứu đựơc thì hầu hết môtíp này được in nổi. Hình em bé được thể hiện kết hợp với các  họa tiết khác, mà trong đó, hầu hết là được kết hợp với hoa sen một cách khá đa dạng.

 

Hình em bé bơi trong đầm sen, môtíp này được thể hiện ở thành trong của một đĩa men trắng ngà, phần miệng đĩa trang trí hồi văn, giữa lòng đĩa trang trí nhiều bông sen trong hình tròn. Thành đĩa bên trong, ở sát đáy, trang trí hình đài sen cắt ngang, kết hợp với nhụy sen bổ dọc. Tất cả các trang trí này được in nổi chi tiết, bố cục rậm rạp. Đĩa gốm này được phát hiện ở Đông Hòa (Đông Sơn, Thanh Hóa) và là tiêu bản có niên đại sớm nhất.

 

Hình em bé nằm ngửa, nô đùa trong đám hoa lá giống như hoa ngọc lan và hoa dây, kết hợp với họa tiết hình nhiều quả nhỏ giống như những hạt lựu.  Phong cách trang trí chi tiết rậm rạp, thường thể hiện trên gốm men ngọc.

 

Hình em bé ẩn hiện trong hoa lan, tay phải giơ lên, miệng mỉm cười (đây là tiêu bản duy nhất có chi tiết em bé cưới) lộ nửa người phía trên. Đây là mảnh gốm men ngọc phát hiện được ở độ sâu 4,2m tại địa điểm 62-64 Trần Phú (Hà Nội) (Ảnh 1).

 

Hình em bé được ẩn hiện trong lá và hoa mẫu đơn. Các chi tiết trang trí thưa, thoáng. Môtíp này thừơng được thể hiện trong đồ gốm men ngọc cuối thời Lý. Một số bát trang trí môtip này được tìm thấy ở di chỉ Hoa Lâm Viên (Đông Anh – Hà Nội), được lưu trữ ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá và ở một số sưu tập tư nhân (ảnh 2).

 

Hình em bé ngồi, nô đùa trong hoa cúc, lá cúc có cuống hình móc xoắn. Hình em bé không giơ tay lên. Tiêu bản này thuộc loại gốm men ngọc xanh đậm.

Hình em bé ngồi trông nghiêng trong đầm hoa sen được thể hiện trong lòng một chiếc bát men ngọc xanh nhạt, phát hiện ở lò Đồng Khống (Bắc Ninh).

 

Hình em bé ẩn hiện trong đám hoa lá hình lá dương xỉ, em bé lộ nửa người. Đây là bát gốm men xanh lục, mỏng của một sưu tập tư nhân ở Hà Nội (ảnh 3).

 

Hình em bé đang bò, nô đùa trong hoa mẫu đơn, lá có cuống hình móc. Bát men xanh lục, mỏng, chân đế cao. Mô típ này phong phú hơn. Một số tiêu bản đang lưu trữ tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mĩ thuật...

 

Môtíp hình em bé được thể hiện trên gốm men Việt Nam có ở nhiều thời đại, song hình em bé ẩn hiện, nô đùa, bơi lội, vùng vẫy một cách thoải mái trong đầm sen, trong các vườn hoa, các bụi hoa, đặc biệt là hoa lan, hoa mẫu đơn, hoa cúc và hoa sen, thì chỉ thấy trên điêu khắc đá và trên đồ gốm sứ tráng men thời Lý.

 

Hình em bé được thể hiện với dáng vẻ bụ bẫm, khôi ngô, hồn nhiên, đáng yêu, trong sáng… lột tả được ước mơ khát khao hạnh phúc và những điều may mắn đến với mỗi con người và nhân gian./.

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 5045
Ngày đăng: 15.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng gốm đất nung Bửu Long - Trần Anh Dũng
Mỹ Xuyên và sản xuất sành ở miền trung qua tư liệu khảo cổ học - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-1 - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-2 - Trần Anh Dũng
Khai quật và khảo sát các ngôi chùa cổ: Phát hiện di vật của ngôi chùa cổ gần 700 tuổi trên đỉnh núi - Trần Anh Dũng
Tìm hiểu kỷ thuật sản xuất lu gốm - Nguyễn Thị Hậu
Làng Gốm Cổ Đạm (Hà Tĩnh) - Trần Anh Dũng
Xóm Làm Bếp Lò Gốm Làng Phú ĐỊnh (Quận 6-Tp.Hcm) - Nguyễn Thị Hậu
Lò gốm thế kỉ 1- thế kỉ 10 - Trần Anh Dũng
Khu Di Tích Ba Thê – Óc Eo (An Giang) và Vấn Đề Bảo Tồn Di Tích Văn Hóa Óc Eo Hiện Nay - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)