Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.149.118
 
Bụt
Thiện Phạm

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

(Cổ thi)

1

Hai chúng tôi như hai con cá bơi mỏi mệt trong đại dương của mình, Không ai trong chúng tôi còn thấy được cái thú vị cúa nước biển mặn, cái trong trẻo du dương của làn nước trong, cái lãng mạn của những rạn san hô... Cho ñeán khi bão tố đến.

 

Sự hung hãn của cơn bão đã ném chúng tôi lên bãi cát, trộn chúng tôi với mớ rác rưởi của nền văn minh. Chúng tôi giẫy đành đạch trên đó. Chúng tôi tình cờ gặp nhau lúc đang ngơi ngớp những hơi thở sau cùng, khi chúng tôi sắp qua hẳn thế giới khác, sắp từ giã những khổ đau thường ngày của mình, chúng tôi mới được biết nhau, mới được biết đại dương chán phèo của chúng tôi mới tuyệt làm sao! Một con sóng lớn lại tràn vào bờ và lôi chúng tôi trở về với biển.

 

Hai con cá đó vẫn tiếp tục sống! Nhưng giữa biển sâu ấy, chúng tôi đã lạc nhau mỗi người một nẻo, chắc là vĩnh viễn, chắc là thiên thu...

 

2

Đó là một buổi chiều đầu thu. Sân bay Tân Sơn Nhất đón một gã tóc tai rũ rượi. Hành lý đơn sơ gồm một samsonite đen và một bọc thuốc tây Phenobarbital hai mươi hộp. Lượng thuốc hắn cầm trên tay đủ giết chết mười chín người cộng thêm hắn. Một điện thoại đeo lòng thòng trên cổ, trĩu nặng những tin nhắn hăm dọa đuổi việc, lời xin tiền của đứa em còn đang dở dang đại học. Hắn lừ đừ tiến vào sảnh chờ, gồm những hàng ghế xanh xanh, đỏ đỏ đang kín người. Hắn tìm thấy hai cái ghế trống. Hắn ngồi phịch xuống một cái và hành lý kèm theo cũng ngồi một ghế. Hắn ngã người ra sau, nhắm nghiền mắt.

Gã đó là tôi.

 

Tôi, ba mươi ba tuổi. Tôi đã có đủ tất cả những gì mà những kẻ ba mươi tuổi phải mơ ước. Bác sĩ, trưởng phòng kinh doanh một công ty dược đa quốc gia. Một bản lương đỉnh. Một căn hộ riêng ở Nam Sài Gòn. sắp bị kê biên vì cơ vợ năng động làm ra số nợ nần bạc tỉ và biến mất khỏi đời tôi hơn một năm nay. Một đe dọa bị đuổi việc .Một mỏi mệt thấm đẫm từng hơi thở…

 

Chiều thu đó, tôi phải đi Hà Nội giải quyết chuyện tồn đọng tại chi nhánh phía Bắc của công ty. Chiều đó có thể là chuyến đi cuối cùng đến Hà Nội. Chiều đó có thể người ta gặp một gã hành khách một đi không trở lại.

Điện thoại reo. Tôi cóc cần. Tôi cứ cố nhắm mắt. Một cảm giác kỳ lạ xộc vào óc tôi. Có ai đó đang cần mình, chứ không phải cái gã trưởng văn phòng đại diện đáng ghét của tôi, một người chỉ biết có con số và doanh thu. Có ai đó đang cần mình...

Tôi mở mắt ra. Đúng thật, bạn tôi.

- Gì thế ông?

- Tôi buồn quá ông ơi. Chắc tôi chết quá! Mình ghé Lion uống vài cốc bia Đức đi ông.

- Ôi trời ơi, tôi kẹt đi Hà Nội. Đang ở phi trường. Sắp bay rồi.

 

- Ông là lời từ chối thứ chín tôi nhận được buổi chiều nay. Rồi tôi sẽ chết thiệt cho ông xem...

- Giỡn chơi hoài cha nội. Tôi còn buồn hơn anh nữa. Giá mà tôi không bay, tôi sẽ uống với anh tới sáng. Tôi cũng đang muốn chết đây...

Đầu dây bên kia là tín hiệu tắt máy. Nó đều đều như một tiếng thở dài.

Tôi cũng thở dài, nhìn xung quanh vô cảm. Tôi thấy những bóng mờ người khác di chuyển quanh tôi. Tôi thấy sân bay đang nhộn nhịp những máy bay về cảng. "Rồi tôi chết thiệt cho ông xem..." Câu nói của bạn tôi đọng lại trong đầu như một vũng nước có formol, làm tê buốt hồn tôi.

 

Anh ta là một sĩ quan công an cấp tá, Phó phòng hình sự, khoảng ngoài bốn mươi, kèm theo là một bản thành tích dài dằng dặc những chiến công phòng chống tội phạm, từ bọn cướp của giết người đến phường buôn ma túy tầm cỡ quốc gia. Anh ta cũng tham gia làm kinh tế, hùn hạp nuôi cá da trơn gì đó, hiện tại cũng gặp khó khăn về tiền nong. Nhưng chẳng lẽ anh ta cũng bế tắc như tôi sao mà đòi chết? Tôi cười.

Con người phong trần, anh hùng và lịch lãm đó làm sao mà chết được? Cái thằng đáng chết là tôi. Và tôi đang mang một thứ hung khí dễ chịu là hai mươi hộp thuốc Phenobarbital kia, chỉ cần một hộp... 

Tôi mở cặp lấy ra tờ tạp chí. Tiếng loa phóng thanh oang oang giọng nữ báo hiệu chuyến bay sắp tới. Một thứ tiếng Anh khá chuẩn. Tôi lẩm bẩm và cúi nhìn vào cô gái mặc cái áo đầm đỏ có đôi chân trắng mịn trong tạp chí. Nàng đẹp quá, nhưng sao đôi mắt lại buồn rười rượi thế kia? Đã lên trang bìa, đã được xử lý kỹ nhưng tôi vẫn còn thấy dấu vết liêu xiêu của thời gian ở rìa ngoài đuôi mắt, vẫn còn thấy bóng dáng nỗi buồn ở gần xương chính mũi. Sao cô buồn vậy, cô gái?

- Xin lỗi anh...

Tôi nghe một giọng nữ Hà Nội ngay bên tai mình. Tôi ngẩng mặt lên và rùng mình. Nàng đứng đó, cô gái mặc áo đầm đỏ trong tạp chí. Cô gái có đôi chân dài trắng mịn. Cô gái có đôi mắt buồn buồn. Trời ơi, cứ như thể nàng từ tạp chí bước ra đứng trước mặt tôi!

- Cô... tôi... Tôi ấp úng.

- Em có thể ngồi ghế này được không ạ?

- Xin mời..., xin mời... Cô cứ tự nhiên.

 Tôi luống cuống xách bọc thuốc và cái cặp lên, nhường chỗ cho cô gái. Rồi bọc thuốc rơi xuống đất, các hộp thuốc rơi vãi ra. Tôi quì xuống lượm vội mấy hộp. . Nàng cũng quì xuống lượm giúp thuốc cho vào bọc.

- Thuốc hở anh?

- Ờ, phải. Thuốc ngủ...

Tôi thấy mình hớ, vội đứng lên, ngượng nghịu. Tôi ngồi vào ghế, cả cô cũng vậy. Tôi cố nhắm mắt lại, định thần. Khi mở bừng mắt ra, tôi nhìn thẳng vào nàng. Nàng chỉ giống thôi chứ không phải cô gái trong tạp chí ấy đâu.

- Anh có bán thuốc sao? Nàng hỏi.

- Không. Đây là hàng mẫu Echantillion cho chi nhánh phía Bắc.

Chỉ thế thôi rồi chúng tôi im lặng. Chúng tôi bắt đầu trò chơi mới: nghe trộm điện thoại của nhau. Đầu tiên là nàng:

... "Đơn từ ly hôn tôi đã ký xong hết cả. Tài sản đó anh cứ dùng, đừng nghĩ đến chia chác làm gì. Tôi về Hà Nội đây. Anh cứ bảo tòa xử ly hôn vắng mặt tôi. Xin anh đừng mò ra Hà Nội nữa. Bố mẹ tôi sẽ không nghe anh đâu..." Và nàng ôm mặt khóc. Cái điện thoại vứt lên bọc thuốc ngủ của tôi.

Tôi bối rối móc đưa nàng cái khăn giấy. Đôi mắt đẫm lệ của nàng nói lời cảm ơn. Không, đôi mắt ấy thì không sai đôi mắt cô gái trong tạp chí chút nào. Đẹp và buồn thăm thẳm!

 

Đến lượt điện thoại tôi reo. Lại cái gã Trưởng phòng đại diện. Tôi nói nhiều và ngày càng to tiếng...

... "Anh không phải nhắc. Đi Hà Nội về tôi cũng nghỉ. Trời ơi, số lượng tiêu thụ như thế thì tôi chỉ còn nước ép kẻ khác mua, uống tự tử hàng loạt... Được rồi... được rồi... Người đầu tiên sử dụng lô hàng này để chết là tôi, là tôi đây! Anh hài lòng chưa?..."

Tín hiệu điện thoại tắt ngấm. Lần này, nó không giống tiếng thở dài mà giống như những tiếng súng nổ từng phát một.

 

Đột nhiên chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng. Nàng bối rối cúi xuống, với tay lấy lại cái điện thoại trên bọc thuốc. Bàn tay trắng muốt kia như chạm nhẹ vào hộp thuốc, ve vuốt. "Anh có bán thuốc sao?" Lúc nãy nàng hỏi thế. Vậy là nàng cũng... Nàng ngước nhìn lên, hỏi tôi:

- Anh cũng bay chuyến Hà Nội 16h30 phải không?  

Tôi vẫn nhìn bàn tay nàng mân mê hộp thuốc, trả lời trong vô thức:

- Ừ, tôi cũng bay chuyến ấy. Và không, thuốc này không dành cho em.

Có tiếng loa mời chúng tôi lên máy bay. Nàng đứng dậy trước, xiêm y bừng đỏ. Đoạn, nàng nắm lấy tay tôi.

- Mình đi đi anh!

 

3

Như một số phận, chúng tôi được xếp cùng hàng trên máy bay; mỗi người trấn giữ một cửa sổ. Chen giữa chúng tôi là những bốn hành khách khác, mỏi mệt ngả người ra sau thiêm thiếp ngủ sau khi đã cài seatbelt. Tôi lại có cảm giác trên máy bay mọi người đều đã ngủ, mọi người bỏ mặc chúng tôi. Tôi nhìn qua nàng, băn khoăn tự hỏi nàng đang Đi hay Về. Nàng trông sang tôi, ánh mắt dò hỏi. Những cái cười mỉm gởi cho nhau đính kèm theo những tiếng thở dài, tôi đoán thế. Rồi nàng khóc, khóc nữa. Tôi nhìn nàng, khẽ lắc đầu biểu lộ không đồng tình. Nàng như hiểu, nín khóc, quay nhìn ra cửa sổ.

 

Cửa sổ chỗ tôi ngồi đón nắng hướng Tây. Trời chiều, nắng chói lóa vào mắt tôi. Hình như ở tầng cao này nắng non hơn, trong hơn, sáng hơn. Những đám mây trắng tẩm nắng sáng bừng lên. Chúng không hình thù, không trọng lượng, thảnh thơi mà hiện hữu. Chúng hờ hững với hoàng hôn sắp đến. Ờ nhỉ, ở tầng cao này thì làm gì có hoàng hôn...

 

Tôi nghĩ về anh bạn thiếu tá của tôi, không biết anh ấy có làm sao không. "Rồi tôi chết thiệt cho ông xem". Bạn ơi xin đừng chết. Đừng nghe bạn! Bạn vẫn còn tôi đây mà. Tôi đưa mắt nhìn sang nàng. Tôi biết nàng cũng đang cần những hộp thuốc ngủ của tôi. Nhưng em ơi, phía trước là bầu trời, cuộc đời dài lắm. Em ngủ đi, Hà Nội sẽ đón em bình yên như chưa từng có bão tố xảy ra. Ngủ đi em, mộng bình thường...

 

4

Sân bay Nội Bài cũng bận rộn không kém gì Tân Sơn Nhất. Nàng đi gần tôi, song song. Nàng đòi xách hộ bọc thuốc. Tôi cương quyết lắc đầu.

- Có ai đón em về Hà Nội không? Nàng lắc đầu nhìn về hư vô. Nàng chực khóc.

- Bố mẹ em chẳng biết em về Hà Nội đâu... Vả lại, vả lại... em chả còn đồng nào gọi taxi. Anh cho em đi nhờ với.

Taxi đến, chúng tôi ngồi cạnh nhau trên ghế sau.

- Anh và chị về đâu? Tài xế hỏi. Tôi đưa mắt nhìn nàng.

- Hà Nội. Nàng chỉ trả lời có thế.

Con đường từ Nội Bài về Hà Nội theo tôi là con đường tuyệt đẹp. Xe cộ chạy vun vút. Tôi bảo anh lái xe bấm cửa kính xuống để gió lộng ùa vào. Tóc nàng ôm lấy mặt tôi, một mùi hương nồng nàn. Trời tối hẳn, chúng tôi im lặng nhìn vào những ánh đèn loang loáng. Sau này tôi tiếc là sao mình lại im lặng lâu thế, đến tên nàng tôi cũng không biết, chỗ ở bố mẹ nàng cũng không. Lúc ấy, tôi như tên lính chỉ biết tuân theo lệnh "Về Hà Nội", thế thôi. Sắp đến Hà Nội, sông Hồng kia rồi, xe đi lên cầu. Tôi bảo tài xế dừng lại. Như có cái gì thôi thúc, tôi ra khỏi xe, đứng trên cầu lồng lộng gió. Tôi ném bọc thuốc xuống dòng sông đen thẫm. Một vệt trắng đầy độc chất biến hẳn trong màn đêm. Xe lại lăn bánh. Hà Nội chào chúng tôi bằng vẻ thanh bình của nó. Phố xá sáng trưng, những dòng người hối hả. Người ta sung sướng đi với nhau. Người ta âu yếm hôn nhau trong công viên. Những quả bóng bóng màu...

- Anh ở khách sạn nào?

- Lakeside.

- Tối nay, khoảng 8 giờ, anh rảnh không? (Sao nàng biết chữ rảnh nhỉ?) 

- Rảnh. Chỉ định uống với anh bạn bên bệnh viện.

- Tám giờ em đợi anh ở sảnh khách sạn nhé. Cho em đi với!

- Ừ.

- Thôi em xuống xe ở đây.

Xe dừng lại. Cái áo đỏ thanh mảnh bước xuống. Nàng đưa tay bắt tay tôi.

- Tám giờ em đến.

Xe lại đi. Tôi bần thần mở lại máy điện thoại, gọi cho anh bạn khổ đau của tôi. "... xin quý khách vui lòng gọi lại sau". Bạn tôi chán đời lắm rồi ư? Sao anh tắt máy?

5

Lakeside là một khách sạn đẹp trông xuống hồ, một cái hồ rất rộng. Hà Nội rực rỡ đèn hoa, lấp lánh bên ngoài cửa sổ. Hà nội chắc không biết có người đang ngắm nó với cái buồn ruời ruợi đâu.. Sẽ không còn văn phòng đại diện phía Bắc nào hết. Sẽ không còn doanh thu doanh số. Sẽ không còn Phenobarbital (Thứ hung khí! Thứ mà tôi đã ném xuống sông Hồng lúc nãy). Tôi sẽ nghỉ việc ở công ty. Tôi sẽ quay về một bệnh viện công nào đó để làm việc. Tôi sẽ bỏ lời hò hét của gã sếp tôi sau lưng.

 

Tôi gọi điện cho Lâm. Lâm mừng quá. Lâm OK liên tục, ừ tám giờ, ừ tám giờ, ở sảnh Lakeside...

Lâm làm ngoại khoa. Anh mổ xẻ nhiều, lâm sàng rất giỏi. Phải cái tội ngông. Lâm ngông dễ thương, ăn nói hiền hòa. Một người mơ mộng xem tiền như rác. Với anh ta chỉ có "đêm thấy ta là thác đổ". Và cái "quán cóc liêu xiêu một câu thơ" là nơi anh thích lui tới. Rượu uống mềm môi. Coi mọi quan hệ xã hội là tạm bợ, là mong manh. Có lẽ vì thế mà cô vợ anh không chịu nổi, cứ dọa ly dị suốt. Gần đây cô ấy đi Tây học tiến sĩ gì đó. Nạn nhân của cặp trai gái trí thức đó là một bé gái mới lên ba. Tôi từng nghe Lâm kể trong nước mắt. Bé gái con Lâm đứng trong góc nhà tròn mắt nhìn ba mẹ cãi nhau. Họ chỉ kịp dừng lại khi nó vừa khóc, vừa hát: "Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba". Giờ đây, vợ đi rồi, theo chí hướng. Con bé thì gởi bà ngoại. Lâm trở nên độc thân, chỉ chờ bạn rủ là bù khú. Chưa lần nào ra Hà Nội mà tôi tránh được Lâm. Lâm hay bảo: "Nếu người ta bắn vào bạn mũi tên của THẤY chắc thương tích sẽ không thâm sâu bằng mũi tên của CẢM".

 

Đứng trong tia nước ấm áp từ vòi sen, tôi vuốt mắt nhớ lại lời Lâm. Ừ, thế chiều nay mình đã bị mũi tên nào bắn trúng, mũi tên của CẢM hay của THẤY?

 

Tôi nhớ đến nàng và chậc lưỡi. Tám giờ... em sẽ không đến đâu! Chuyện hồi chiều chắc là một màn kịch đóng khéo. Tôi chưa mất tiền trên xe taxi là may mắn lắm! Ngờ vực bám vào ta như con đỉa hút máu!

 

6

Tám giờ tôi bước xuống sảnh đợi của khách sạn. Tôi muốn ngã quỵ xuống khi trông thấy nàng xinh tươi trong chiếc áo pull trắng, quần jean xanh bó sát những đường cong kỳ diệu của mình. Trời ơi, đây là lần thứ hai tôi lại quỳ nữa, trước nàng! Kế bên là anh chàng ốm nhách, Lâm bạn tôi. Cả hai đều cười, cùng đứng dậy, tiến về phía tôi. Và Lâm là người sững lại trước. Anh cứ ngỡ chỉ mình anh, tại khách sạn này, là đợi tôi.

Tôi bắt tay nàng, rồi bắt tay Lâm. Tôi định giới thiệu nàng.

- Đây là ...

Nhưng tôi có biết tên nàng đâu! 

Lâm gạt phắt:

- Thôi, mất thì giờ. Xe tôi đậu ngay cửa. Các vị lên ngay cho. Đến quán "liêu xiêu" rồi giới thiệu cũng chả muộn.

Cả hai chúng tôi cùng cười, cùng gật đầu đồng ý. Cái đồng ý ngu xuẩn! Vì lúc đó tôi đâu biết rằng chẳng còn cơ hội nào để biết về nhau.

7

Lâm bước xuống xe, đi vòng ra trước, lượm một chiếc lá vàng trên kính ôtô. Anh cho chiếc lá vàng vào túi nhẹ nhàng, cẩn trọng như sợ nó rệu rã trong tay. Anh bước vào quán với dáng vẻ nghệ sĩ, tóc lòa xòa phủ mặt, hơn là một bác sĩ phẫu thuật.  

 

Cái quán "liêu xiêu" của Lâm! Đó là ngôi biệt thự cổ kính đứng giữa những bức tường phủ  rêu xanh, một thứ nước sơn vĩnh cửu. Cái biển hiệu be bé làm bằng gỗ đứng lẻ loi trên đồi cỏ trước quán: "Ba cây thông". Gió mạnh, lá đổ như mưa từ những cây hoàng lan trong sân. Lâm ơi, lá rơi nhiều quá, tha hồ mà lượm. "Ba cây thông" trên đồi cô độc. Ba cây thông là ba chúng ta phải không Lâm?

... Chỉ trong phút chốc, cái khoảng sân lót gạch tàu đỏ rực trước quán rắc đầy lá vàng.

- Sao ông không nhặt lá nữa?

- Không, cái lá tôi nhặt là chiếc lá thu đầu tiên rụng xuống đời đấy. Lâm khẳng định chắc nịch bằng cái giọng dễ thương của anh.

Hà Nội ồn ào và bận bịu tạm đứng ngoài cửa kính. Chúng tôi chọn một cái bàn gần góc nhà. Ánh sáng dìu dịu. Tiếng dương cầm đong đưa. Các bức tranh của Phái hiện ra như thật, như mơ trên tường.

Hay đấy Lâm, chỗ này hay lắm! Chỉ một vách kính thôi đã chia đời thành hai thế giới: ngoài kia là thật, còn mơ thì trốn trong này.

- Tay chủ quán này đi Đông Âu về, khá lắm. Lâm nói. Hắn mở quán này được ba năm, vợ hắn tôi mổ viêm ruột thừa, nên quen...

Bia được bày ra, chúng tôi nâng cốc. Tôi ngạc nhiên nhìn nàng. Nàng uống ừng ực một hơi hết sạch ly, ngon như chưa bao giờ được uống.       

- Ông đọc "Chiếc lá cuối cùng" của O'Henry (1) chưa? Lâm hỏi. Hay tuyệt đúng không?

Rồi anh chậm rãi móc từ trong túi ra chiếc lá vàng lượm ngoài sân quán.

- Còn đây, tôi đã bảo ông là chiếc lá đầu tiên, chiếc lá đầu tiên báo mùa thu tới.

"Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu"

 

Thơ cổ đấy. Một chiếc lá rơi như một tin báo cho thiên hạ biết là đã thu rồi. Hay chưa ông? Ấy là tôi dịch theo ý tôi!

Lâm cười ha hả, vô tư. Cái ngông của anh bừng lên trên khuôn mặt.

Nàng ngước nhìn Lâm rồi nhìn tôi sững sờ. Có lẽ nàng chưa từng gặp ai điên như chúng tôi.

- Anh Lâm nói hay quá!

Rồi nàng lại nâng cốc bia lên. Ngắm nàng, tôi tự hỏi có phải nàng đang nốc bia không, hay thứ nước màu vàng kia đang nuốt chửng lấy nàng. Chỉ biết là em ngày càng rực rỡ hơn. Tôi không còn nhận ra cô gái trong tạp chí ban chiều nữa.

Đột nhiên em ghé vào tai tôi, không rõ nói hay hôn tôi nữa. Một vùng năng lượng ấm áp đang dựa vào tôi và phát ra âm thanh.

- Em thích quá...

Nhìn chúng tôi, Lâm cười độ lượng. Lâm tất nhiên không hiểu việc gì đã xảy ra với chúng tôi.

- Tôi sẽ bỏ cái công ty dược đa quốc gia chết tiệt của tôi - Tôi nói. Chắc tôi sẽ quay về bệnh viện như ông thôi Lâm à.

- Tôi đoán là ông sẽ đi tới bước đó. Trời ơi, thuốc độc mà bắt ông tăng doanh số thì tăng bằng cách nào? Xúi người ta tự tử à?

Hai chúng tôi cùng giật bắn người như bị ai bắn tên. Tôi nhìn nàng, nàng cười, nói nhỏ:

- Lúc chiều, em cũng định...

- Anh hiểu, tôi thở dài. Và vì vậy mà bọc thuốc mới bay xuống sông Hồng.

Lúc này, không phải chỉ Hà Nội mới đứng ngoài kia chờ chúng tôi mà cả thế gian này cũng vậy. Chúng tôi quên hết sự đời, quên hết bao đớn đau, phiền muộn. Sự đơn độc của chúng tôi bị xé tan thành trăm mảnh.

 

Chúng tôi chìm vào trong bia, chìm vào trong tiếng dương cầm đê mê mà người nghệ sĩ là "giảng viên trường quốc gia âm nhạc chính gốc" đang chơi.

- Tôi thích nhân vật Bụt trong truyện cổ tích ta. Cái nhân vật chỉ biết nói một câu độc nhất vô nhị. Đó là cái câu mà chúng ta rất ít nói ở đời này. Khi ai đó đau khổ, chúng ta thường không "hiện lên" và hỏi "Vì sao bạn khóc?" Chỉ có Bụt thôi. Chỉ có ai biết yêu thương và chia sẻ mới nói được câu ấy. Tôi đã từng bảo ông THẤY không thâm sâu bằng CẢM, đúng không? Từ CẢM đến yêu và chia sẻ còn xa lắm. Vậy mà chỉ THẤY thôi, chúng ta đã không làm...

 

Bụt hiện lên ư? Có đấy Lâm. Anh là Bụt của chúng tôi đấy. Chỉ mới chiều nay thôi, tôi cứ ngỡ thuốc độc là Bụt của tôi, là Bụt của nàng.

Nàng nhìn ly bia sóng sánh bọt, mắt thẫn thờ. Nước mắt nàng trào ra nhưng nàng tươi tắn hơn trước nhiều, lôi cuốn hơn, sống động hơn. Trên tường, tranh của Phái hình như sáng hơn, rõ hơn. Và tiếng dương cầm hình như trong hơn, thánh thót hơn, trong như tiếng nàng thầm thì bên tai.

- Anh chính là Bụt của em!       

- Không đâu. Em và Lâm đều là Bụt của anh. Thank for life!(2)

Lâm lại cười hiền hậu, giọng anh trầm xuống độc thoại.

- Ông Bụt ấy có quyền lực và có yêu thương. Ta không là Bụt nên ta không có hai thứ đó. Ta càng có nhiều quyền lực hình như ta càng ít yêu thương. Vợ muốn chứng tỏ quyền lực với chồng. Cha mẹ muốn đè quyền lực lên con cái. Thầy thuốc với bệnh nhân... Ít ai chịu chứng tỏ rằng mình còn biết yêu thương.

 

Lâm đột nhiên buồn xo như muốn khóc. Anh đang nhớ cô vợ đi tây học tiến sĩ? Hay Lâm đang nhớ về bé gái đứng ở góc tường, vừa khóc, vừa hát khi bố mẹ cãi nhau: "Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì..."

Tôi cũng muốn khóc. Phải rồi Lâm ơi. Ai trong chúng ta cũng phải tìm Bụt giữa đời này. TÌM có nghĩa là THẤY, phải không Lâm?

Nàng đứng dậy, chồm qua bàn, nói với Lâm:

- Cho em xin chiếc lá vàng kia.

Đoạn, nàng nâng nó lên, gói trong một khăn giấy mềm màu trắng. Rồi nàng cho nó vào bóp trịnh trọng, nhẹ nhàng, cẩn thận.

8

Đêm đó, ba chúng tôi uống rất nhiều. Tôi cũng chả nhớ Lâm đưa tôi và nàng về khách sạn lúc mấy giờ, chắc là khuya lắm. Mỗi khi nhớ về khung cảnh ấy, trước mắt tôi luôn là làn khói sương mơ hồ. Trong đó, nàng hiện ra trắng ngần, nồng ấm, thiết tha. Chúng tôi chết lịm trong nhau...

 

Rồi nàng bay đi, như làn khói trắng thoaùt ratöø tạp chí. Nàng lặng lẽ ra đi không động phạm đến giấc mơ của tôi. Khi tôi choàng tỉnh, lúc ấy khoảng 6 giờ sáng, tôi huơ tay khắp giường. Nàng đi thật rồi, chỉ có mùi hương nàng để lại trên gối. Hình như có cả những giọt nước mắt. Trên bàn là một phong thư trắng in logo của khách sạn.T Tôi mở phong thư. Trong đó, chiếc lá vàng của Lâm vẫn nép mình trong mảnh khăn giấy trắng. Tờ giấy nhỏ chỉ ghi vội mấy chữ "Thank for life". Chỉ chừng ấy cho một con người.

Tôi nhìn sang tờ tạp chí. Nàng vẫn ở đó hư hư, thực thực. 

Điện thoại báo tin nhắn. Đèn màn hình bật sáng. "Anh Hai đi rồi! Tự sát K54". Anh bạn thiếu tá của tôi đã tự sát? Trời ơi, tin nhắn này là mơ hay thật? Tôi cuống quýt điện về cơ quan anh. Thông tin được xác nhận một cách bình tĩnh và lạnh lùng. "Anh thu xếp về tiễn anh ấy, ngày mai động quan...".

"Rồi tôi chết thiệt cho ông xem..."

"Rồi tôi chết thiệt cho ông xem..."

Hình như có một âm thanh rất lớn nổ tung trong đầu tôi. Tôi không đứng nổi nữa mà quỵ xuống.

Tôi quỳ và khóc cho bạn tôi. Bụt đã không đến bên anh.

 

9

Máy bay cất cánh. Tôi lại ngồi bên cửa sổ, nhìn Hà Nội nhỏ dần trong khói mây.Cöûa soå beân kia khoâng phaûi laø naøng. Đầu tôi nhẹ tênh tênh. Tôi thầm mong đây chỉ là một giấc mơ. Rồi tôi sẽ tỉnh giấc mà phát hiện ra rằng tôi chưa đi Hà Nội chiều thu ấy, tôi chưa gặp nàng và gặp Lâm, tôi chưa nhận được cái tin chết chóc ấy.

Nhưng hỡi ôi! Tôi đang ép mình mơ một giấc mơ mới đấy thôi!./.       

                                                     

 (1)Chiếc lá cuối cùng:truyện ngắn của O”Henry(Mỹ)

(2)thank for life:cám ơn đời

 

Thiện Phạm
Số lần đọc: 1703
Ngày đăng: 16.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tâm lý trị liệu - Trương Văn Dân
Ăn ngủ và các thứ còn lại - Nguyễn Viện
Ngày trở về đau thương - Nguyễn Đình Phư
Bụi tre xanh - Dương Phượng Toại
Ca trực đêm giao thừa - Đỗ Ngọc Thạch
Vợ tôi cũng bị lừa - Vinh Anh
Chiếc áo bà ba cổ trái tim - Hồ Việt Khuê
Bây giờ xuân mới đến - Trần Minh Nguyệt
Mưa nước bọt - Nguyễn Viện
Chuyện động trời - Huỳnh Văn Úc