Đây là buổi họp mặt cuối năm lần thứ tư của Hội Cựu chiến binh tỉnh.
Đối với những người lính già thì không gì quý hơn những cuộc gặp gỡ hiếm hoi này, để nhận ra người nào đã thay đổi đến mức nào, để biết ai còn ai mất, ai khỏe mạnh ai yếu đau, rồi ráp nhau nhắc chuyện xưa.Mỗi ông là một kho đầy ắp những kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Làm sao phai mờ nổi khi chuyện nào cũng dính dáng đến xương cốt máu thịt của chính mình lẫn những người đã cùng mình “súng bên súng, đầu gối bên đầu” đằng đẳng trong biết bao nhiêu là năm tháng.
Thế nhưng chiều nay, trung tá Hiệp xem chừng không được “phong độ” cho lắm. Đợt lạnh quái ác cuối năm này xem chừng chẳng tốt lành gì cho các thương bệnh binh như ông. Vết thương ở đầu gối thì chẳng nói gì, bất quá mình kéo lê chân một chút, cùng lắm là chống gậy. Còn vết thương trên ngực làm tổn hại hai xương sườn mới đúng là quái ác. Mỗi lần mở miệng cười là nó bắt ông phải nhăn nhó ngay sau đó!
Nhiều khi ngẫm nghĩ chuyện mình, ông thấy cũng khá éo le. Vào bộ đội từ 1952, đánh Pháp rồi đánh Mỹ, những đối phương hùng mạnh trang bị hiện đại bom pháo ì xèo, vậy mà mình chỉ sây sát chút đỉnh. Ai ngờ khi đánh bọn Pôn Pốt “nhải nhép” mình lại lãnh mấy vết thương trí mạng. Thảo nào ông bà ta chẳng bảo là qua sông sâu biển cả vẫn yên lành, khi về đến quê nhà lại sụp lỗ chân trâu ngã quỵ và què giò luôn.
Ông cười sặc lên một hơi, rồi ôm ngực. Thôi, đừng cười nữa là tốt nhất, chớ cứ chợt cười, chợt mếu, người ta lại ngỡ ông già không bình thường, tâm trí có vấn đề làm sao. Ở đây đa số là quen, nhưng lỡ có đôi người chưa biết mình họ hiểu lầm mất thôi, cũng như chị gì ngồi đối diện với mình chẳng hạn. Nãy giờ, mỗi lần mình nhăn dường như chị ấy lại nhìn. Có điều đôi mắt vẻ mặt của chị sao lại trống vắng đến lạ lùng, chắc cũng chẳng thắc mắc gì đâu!
Người phụ nữ này chưa đến ngũ tuần, nhưng chắc đã qua tuổi bốn mươi lâu lắm rồi gương mặt vẫn còn đẹp, nhưng các vết chân chim đã khá rõ trên đuôi mắt khóe môi. Ông Hiệp cảm thấy có chút ngờ ngợ. Đôi mắt to, mi dài, mày thanh... sao thấy quen quen, dường như mình đã có đôi lần gặp gỡ. À, nhớ rồi! Ông hắng giọng cho người trước mặt chú ý:
- Xin lỗi, có phải chị là ca sĩ Hương Thu của đoàn Văn công tỉnh?
- Không, tôi là Thanh Thu, y sĩ ở K.120, mới nghỉ năm rồi.
Ông Hiệp lặng thinh. Không lẽ mình lầm được sao? Mình chỉ gặp cô ấy mỗi một lần thôi nhưng trong cảnh ngộ đặc biệt không dễ gì quên nổi. Hay cô Thu này và cô Thu kia là hai chị em ruột nên giống nhau? Mà thôi, hơn hai mươi năm rồi, núi sông còn phải đổi khác, nói gì dáng vẻ mong manh của con người. Mình nhớ lầm cũng có sao đâu? Nhưng còn cái giọng nói, đúng là giọng nói đó, mà sao lại không phải hỉ?
Hạ tuần tháng 12 năm 1972, đại đội trưởng Hiệp cùng đơn vị về xã Điềm Hi, Châu Thành Bắc - Mỹ Tho, đóng trong một xóm chỉ cách lộ số Bốn chừng hơn cây số. Anh rải quân, cho đào công sự và ngụy trang cẩn thận. Ở đây chờ lệnh không biết đến bao giờ nên phải kỹ lưỡng. Một chút sơ suất, địch đánh hơi được là máy bay sẽ kéo tới và pháo dập tơi bời.
Chiến sự năm nay cực kỳ ác liệt, nó làm cho người Mỹ bên này hay kia bờ Thái Bình Dương đều ngao ngán, đều cảm thấy thần kinh mình nhão nhoét cả ra. Chớ còn gì nữa? Cuộc chiến tranh đúng là kỳ quặc, khó là hiểu được. Người Mỹ đang lâm vào cảnh của ông vua Xi-xíp trong thần thoại Hi Lạp. Ông ta làm vua mà cướp giật quá cỡ, nên khi chết đi các thần linh đã chờ chực sẵn để trừng phạt linh hồn tội lỗi đó.
Hình phạt nghe cũng khá giản đơn. Xi-xíp phải vần một tảng đá to lên đỉnh núi, nó yên vị trên đó là xem như xong nợ, còn không xong thì tiếp tục vần lên nữa, vần mãi cho tới ngày tận thế. Ác ở chỗ tảng đá nó có ma thuật, mỗi khi gần tới đích nó lại vuột ra, lăn trở xuống biển. Có lẽ đến bây giờ, ở đây đó, linh hồn của Xi-xíp vẫn đang hì hục với nó ngày đêm.
Hơn chục năm nay, người Mỹ ở Việt Nam cũng bị “tảng đá của Xi-xíp” hành hạ. Từ ngày nổ ra đồng khởi họ can thiệp rất sâu vào Việt Nam, có lúc khoe khoang là sắp thành công. Rồi các trận Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, sân bay Biên Hòa khiến cho lâu dài xây bằng cát mệnh danh “Chiến tranh đặc biệt” của họ sụp đổ. “Rầm! Ùm!” một cái mọi việc đều “u như kỹ”, còn tệ hơn là khác, thấy mà não lòng.
Chẳng còn cách nào khác hơn là xắn cao tay áo nhảy đùng vào cuộc. Bom pháo, của tiền lẫn xương máu Mỹ tuôn vào như nước. Đến cuối năm 1967, theo đánh giá của người Mỹ, “ánh sáng đã xuất hiện ở cuối đường hầm”, chưa kịp mừng, bỗng nổ rền trời tiếng pháo Tết Mậu Thân, than ôi! Sau đó mấy năm lại vật vã với cái chương trình “bình định cấp tốc” để rồi... tình thế lại nát bét lần nữa. Chỉ còn cách bỏ giò lui.
Bây giờ, một hiệp định đã thương thảo xong chỉ chờ chữ ký. Chính vì nó mà đơn vị anh Hiệp ở đây chờ đợi. Có một điều khoản cực kỳ thú vị. Hai bên sẽ ngưng bắn tại chỗ, ai cắm cờ nơi nào, người đó sẽ làm chủ. Cho nên, trước giờ qui định ta sẽ tràn ra chiếm lộ, đắp lũy cắm cờ. Lộ số Bốn là địa bàn trọng yếu của cả đôi bên. Chúng bỏ thì xem như Sài Gòn bị chịt cổ, tái chiếm thì vi phạm hiệp định. Đúng là chết dở!
Chẳng rõ vì sao đại đội nằm chờ dài dài mà bốn bên vẫn chưa đặt viết ký. Có lẽ cấp trên thừa biết cái cảnh nằm khoèo mong ngóng nó gây căng thẳng mệt mỏi lắm cho nên văn công sẽ đến tận nơi phục vụ. Vừa nghe anh liên lạc báo tin, đại đội trưởng nhảy dựng:
- Trời ơi, đang phục thế này mà đèn đuốc kèn trống cho lộ hết sao? Nhiệm vụ không chu toàn thì ai chịu trách nhiệm đây?
- Anh cứ yên tâm, ai dám làm rình rang mà ngại. Anh chị em phân thành tổ, mỗi tổ đến với một đại đội gồm một đàn, hai giọng ca, diễn cho từng nhóm nhỏ nghe. Một chút vui tươi đầy thân tình vậy thôi. Thôi cũng được. Hơn bốn giờ chiều một chút thì đoàn khách tới đầu xóm. Trong đó có Hương Thu, cô gái có đôi mắt và giọng nói rất giống chị ngồi trước mặt đây. Một cô rất dễ thương, rất tài hoa, nhưng cũng tội nghiệp làm sao ấy.
Ông Hiệp không ngờ người đối diện cũng đã nhớ ra ông. Cũng có khó khăn gì lắm đâu. Ông có cái sẹo dưới cằm, kỷ niệm của một trận bóng đá quyết liệt hồi còn học trường làng. Hôm gặp tổ văn công, đang nói chuyện bỗng mặt ông tái nhợt đi, còn cái sẹo lại ửng đỏ rất lạ lùng, do đó cũng dễ nhận ra.
Lần đó, đi bộ hơn bốn tiếng đồng hồ, Hương Thu mới đến địa điểm sắp biểu diễn. Đường xa diệu vợi nhưng cô đi phơi phới, chẳng biết mệt mỏi là gì. Cô đã phải tranh thủ một cô bạn, hoán chuyển chỗ để đến nơi này. Cô kia ban đầu khá ngạc nhiên, sao Hương Thu lại giành đến nơi xa xôi khó khăn nhất, nhưng ngẫm nghĩ một chút là đoán được ngay lý do:
- Vậy là có một chàng ở đó chớ gì, ai vậy? Cho mình biết tên đi. Rất hân hạnh được ưu tiên nhận cái tin “mới ra lò, còn nóng hổi sốt dẻo giòn rụm” đó.
Hương Thu thoái thác, hứa là khi công tác về sẽ nói. Phải rỗi rảnh chị em tâm sự với nhau mới cặn kẽ tình đời chớ. Đây là hứa cuội thôi, khai tên họ anh ấy với bạn bè là cực kỳ nguy hiểm. Họ sẽ phá khuấy, chọc ghẹo tối ngày làm sao chịu nổi!
Cô vừa đi vừa lẩm nhẩm bài: “Nhạc rừng”. Nhất định hôm nay nó sẽ là “bài tổ” của cô. Cô ao ước sẽ gặp anh lúc đã tối, cất tiếng là anh sẽ nhận ra ngay. Từ khi hai đứa yêu nhau, bài hát ấy biến thành một thứ mật hiệu riêng, chỉ có hai đứa hiểu. Số là một hôm cô đến chỗ anh ấy. Anh đang cắm cúi thắt dây cho cái đèn pin. Cô lẻn ra sau lưng bịt mắt anh và kêu lên:
- Cúc cu, cúc cu!...
Anh vụt hát lớn nối theo
... chim rừng ca trong nắng.
Im nghe, im nghe, ve rừng kêu... Hương Thu!
Hai đứa cười đã đời. Rồi từ đó hai người dùng bài ca “Nhạc rừng”, để gọi nhau, chào nhau khi nhớ nhau họ cũng hát: “Cúc cu...”.
Anh dẫn đường thông báo đã đến nơi. Cô không biết có nên hát gọi nhau chưa, thì từ trong bụi cây, một anh bước ra đưa tay ngăn lại. Anh tổ trưởng, cây ghi ta số một của đoàn vừa thấy mặt đã reo lên:
- Trời ơi, anh Hiệp! Quí hóa quá, thủ trưởng đã “ngự giá thân chinh” ra tận đây để đón đám nghệ sĩ “cò con” này sao?
Vẻ mặt nghiêm trọng của đại đội trưởng làm đoàn khách cụt hứng. Anh thông báo cái tin mà chẳng ai chờ đợi: chẳng thể trình diễn được vì địa điểm đã mất an toàn. Khoảng một giờ trước đây địch đã câu pháo vào. Không rõ chúng bắn hú họa hay đã phát hiện điều gì. Dù sao anh cũng đề nghị tổ văn công quay về ngay. Mọi người hỏi tới tấp:
- Phía ta thì sao? Có thiệt hại nhiều không anh?
Ông Hiệp trả lời, ngập ngừng như hết hơi:
- Một hy sinh... một bị thương. Chúng tôi đã chuyển... cả hai về cứ! Mong các anh chị thông cảm, chúng tôi chân thành cảm ơn mọi người đã đến. Mọi người hãy quay về ngay đi.
Đoàn khách lặng lẽ nhìn nhau. Nông nổi này còn biết làm sao nữa. Hương Thu vẫn nằn nì:
- Anh Hiệp ơi, cho em gặp một người, chút xíu thôi, em sẽ về liền.
Đang rầu rĩ, Hiệp cũng phải nhếch mép cười:
- Vậy à? Anh chàng may mắn đó là ai vậy?
- Lê Hoàng Thanh. Anh ấy là B phó B Hai.
Như có luồng điện chạy qua người, mặt anh Hiệp tái xanh, vết sẹo dưới càm thì đỏ ửng.
Hương Thu choáng váng:
- Sao? Sao? Anh Thanh của tôi bị thương à?
Anh Hiệp lại lắc đầu không nói nên lời. Anh Thanh không bị thương... vậy là anh ấy đã... Cô bạn gái đồng hành phản xạ cực nhanh kịp ôm lấy Hương Thu trước khi cô quỵ xuống... May làm sao ấy, chỗ ấy có cái mương khá sâu!
Hương Thu mất tri giác trong bao lâu, cô không nhớ nổi, khi đủ sức mở mắt ra, cô thấy mọi người bao quanh, ai cũng ra vẻ bồn chồn, mình đang nửa nằm nửa ngồi, đầu tựa vào vai cô bạn. Còn đại đội trưởng Hiệp ôn tồn bảo:
- Hương Thu à, cô hãy bình tĩnh...
Cô cười lớn, chuỗi cười điên loạn, rồi nói liên miên:
- Em biết mà! Em biết anh Hiệp chơi ác, xí gạt cho em khóc chơi, chắc anh Thanh đang núp đâu đây.
Em gọi anh ấy ra cho mà xem. Cô loạng choạng đến một bụi cây nhỏ, dây leo phủ kín bịt bù rồi đứng dang rộng đôi tay:
- Cúc cu, cúc cu, chim rừng ca trong nắng.
Im nghe, im nghe, ve rừng kêu liên miên”.
Không nghe ai trả lời, cô chạy sang bụi nữa, nữa, nữa và nữa. Đuối hơi khản giọng, cô vẫn ca, chẳng ai ngăn lại nổi. Chỉ còn cách tiêm cho cô một mũi an thần rồi nhờ các đồng chí địa phương dùng xuồng đưa cả tổ về với đoàn...
Cuộc họp mặt chính thức đã xong, bây giờ chuyển qua chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn.
Người phụ nữ nãy giờ im lặng bỗng xô ghế tiến lên chỗ có giàn micrô. Chờ cho tràng pháo tay dứt hẳn chị dang rộng hai tay như ông Hiệp từng thấy ngày nào, rồi cất giọng:
- Cúc cu, cúc cu...
Tiếng lao xao im bặt, ai nấy nghe như nuốt từng lời. Chị ấy hát hay quá, say sưa xuất thần. Mà kìa, những giọt nước mắt nối nhau lăn dài trên má. Ông Hiệp băn khoăn. Sao lại là Thanh Thu? Hương Thu mới phải chớ! Bài ca tươi vui mà người ca lại khóc, chẳng là cô ấy thì ai vào đây chớ? Ca xong hai lượt, tiếng vỗ tay rào rào, nhưng người ca không rời chỗ mà lại hát lần nữa, lần nữa. Hai phụ nữ tất tả chạy đến. Ông Hiệp bước theo họ:
- Hương Thu à, cô hãy bình tĩnh.
Chị quay phắt lại:
- Xin lỗi anh Hiệp vì lúc nãy thoạt tiên tôi không nhận ra anh. Tôi bây giờ là Thanh... và Thu anh à. Kể từ hôm ấy tôi không ca hát nữa mà xin chuyển sang ngành y. Tôi muốn chữa lành thương tích cho mọi người, nhưng vết thương của tôi thì...
Nhiều người đến bên chị an ủi, chia sớt đau buồn. Ông Hiệp lặng lẽ quay đi. Không, chị Hương Thanh Thu hay Thanh Hương Thu ơi! Tôi không hề là kẻ vô tình, nhưng tôi chẳng thể nghe chuyện của chị được nữa. Tôi sắp khóc đây, mà với bộ ngực của tôi hiện giờ, chỉ cần nấc một cái nhẹ là tôi sẽ ngã quỵ.