Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.224
123.153.331
 
Chân quê hương Tết
Văn Thành Lê

Ngày Tết, thưởng thức quà quê, thức quê là một cách cảm nhận dòng chảy tâm linh nghìn xưa xuôi mãi nghìn sau trầm tích một hồn Việt, một làng Việt. Không chỉ kiều bào, ngay cả người trong nước ăn món Tây quen rồi, giờ dùng lại món ta mới thấy hương vị quê nhà bao giờ cũng sâu nặng một tự tình dân tộc.

Mấy năm trước, thỉnh thoảng có một người đàn ông đạp xe đạp chở một thùng kẽm phía sau dạo qua xóm tôi, nhiều nhất là vào tháng chạp. Sẽ chẳng còn ai nhớ đến ông ta, nếu như ở ba mặt chiếc thùng to đùng ấy không có hàng chữ “Bánh bảy lửa” được kẻ tỉ mẩn. Lúc bóng ông gần mất hút phía cuối con hẻm, trẻ con trong xóm vẫn còn đọc được hai chữ “bảy lửa” thấp thoáng từ xa, để từ đó ông “chết” tên là “Bảy Lửa”.

“Bảy Lửa” tên thật là Huỳnh Đức Khiển, con út của một gia đình làm nghề truyền thống bánh khô mè, khô nổ ở đầu cầu Cẩm Lệ. Ông có hai người chị, một người nổi tiếng với bánh khô mè “Bà Liễu” ở dưới chân cầu, nay đã chuyển về phường Khuê Trung, một người đem nghề truyền thống gia đình về thôn Yên Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng với nhãn hiệu “Bà Điểu”. Một thời, khi đâu đó bên những con đường làng trên các vùng đất Hòa Tiến, Hòa Châu mọc lên những nồi rang khô nổ vào đầu tháng chạp, nghề làm bánh Tết của gia đình ông đã được người quanh vùng biết tiếng. Tên gọi “bảy lửa” ít nhiều gợi lên công sức của con người bỏ ra để có chiếc bánh làm quà quê. Theo lời bà Điểu, “bảy lửa” là một cách nói để chỉ 7 công đoạn làm bánh chứ không phải qua bảy lần lửa: xay bột, nấu, nướng (3 lần), nhúng đường và tắm nổ (bánh khô nổ) hoặc tắm mè (bánh khô mè).

Về quê ăn Tết mới thấy hết hương vị ngày xuân. Tháng chạp, 3-4 nhà thường chung nhau ngả một con heo dùng trong mấy ngày xuân. Thịt chia về, thường làm món thịt bó: thịt ba chỉ xắt mỏng, ướp gia vị, bó lại bằng lá chuối như bánh tét, luộc chín, treo lên giàn bếp. Mỗi khi cúng cơm (ở quê có lệ cúng cơm ông bà trong mấy ngày Tết) lại cắt ra, đỡ phải bận rộn chuyện bếp núc. Đầu, tai, mui thì làm món chả thủ, luộc, xắt sợi, ướp riềng và gia vị, thêm một ít cà rốt và nấm mèo... tất cả bó chặt thành đòn. Khách đến thăm xuân, chủ nhà không quên mời thức ăn độc đáo này, mỗi lát chả là một bức tranh sắc màu dân gian, dòn dòn, dai dai, hương vị quê nhà bất chợt cháy nồng khi men rượu mừng xuân sóng sánh trong chiếc chén đất. Năm nào chả đẹp và ngon, chủ nhà lại ngầm khoe con gái mình khéo tay nữ công gia chánh.

Đãi khách phương xa ngày Tết, giờ không còn phải viện đến những món cầu kỳ có nhãn mác nước ngoài nữa. Như bánh trái chẳng hạn, mới đây còn lùng mua cho được các loại bánh hộp đắt tiền từ bên Tây, bên Tàu, nay thì tìm cho ra các loại bánh xưa như giới thiệu một niềm tự hào quê hương với khách. Ít lá gai, xu xê, khô mè, khô nổ, đậu xanh, hạt sen... mỗi loại bánh giấu trong mình nó một chất liệu rất riêng mà chẳng một loại bánh công nghiệp nào có được.

Xứ Quảng có một loại bánh có tên gọi đậm chất dân gian là xôi đường, được làm trong một chiếc khay hình vuông tượng trưng cho đất. Ngoài một ít mè hoặc đậu phộng rang rắc trên mặt, công thức chế biến rất đơn giản: đường + đậu + nếp + lòng người = xôi đường. Một anh bạn người Hà Nội hỏi sao có “lòng người” ở đây? Các cụ già xứ Quảng bảo: Từ người làm cho đến người thưởng thức đều phải gửi một chút lòng vô đó. Làm, không có lòng thì đường đi một đường, nếp đi một nếp, khi khô rốc, lúc nhão nhẹt. Thưởng thức, không có lòng sẽ thấy xôi đường sao quá nhà quê, có người đã cố ý giấu một “tấm lòng” như thế của người chị từ quê mang ra cúng bố mình dưới những loại bánh hộp thời thượng.

Bánh quê, bánh truyền thống, bánh Tết... đằng sau những tên gọi nghe đến nao lòng ấy là tinh ba tú khí của đất trời, là hai sương một nắng của con người. Dâng bánh cúng tổ tiên chính là dâng tấm lòng thơm thảo của cháu con gửi gắm trong từng chiếc bánh. Ngày Tết, thưởng thức quà quê, thức quê là một cách cảm nhận dòng chảy tâm linh nghìn xưa xuôi mãi nghìn sau trầm tích một hồn Việt, một làng Việt. Không chỉ kiều bào, ngay cả người trong nước ăn món Tây quen rồi, giờ dùng lại món ta mới thấy hương vị quê nhà bao giờ cũng sâu nặng một tự tình dân tộc. Có, không nhìn ra giá trị gì; mất, mới thấy tiếc thầm vốn quý.

Tiếng nổ lách tách của những nồi khô nổ cùng với hương nếp rang trên quãng đường quê ngày một thưa dần rồi mất hẳn. Chả thủ, thịt bó cũng vắng bóng trên mâm cơm cúng ông bà ngày Tết. Không khỏi chạnh lòng khi hương vị Tết quê càng xa lũy tre làng càng ít nhiều phai nhạt. Xóm tôi giờ đã hình thành một lớp trẻ mới, tuy không còn nghe tiếng rao ông “Bảy Lửa” nhưng vẫn thưởng thức được những khô mè, khô nổ nổi tiếng đặc sản quê hương. Tết này, ông hàng xóm của tôi đặt mấy món bánh quê với lý luận: Hội nhập WTO rồi, đem công nghiệp mà đọ với thế giới thì tạm thời mình “chịu sầu”, chỉ có chơi thủ công thiên hạ mới nể. Nhưng theo ông, cái chính là để mấy đứa nhỏ trong nhà biết đến chân giá trị của vốn quý quê hương, dân tộc, “của một đồng, công một lượng”. /.

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 2141
Ngày đăng: 16.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký sự Nhà Gươl - Văn Thành Lê
Tự bạch của một linh mục - Nguyễn Vĩnh Căn
Một thoáng Đakbla - Văn Thành Lê
Nơi đầu sông Sré Pok - Văn Thành Lê
Đồng vọng Đà Sơn - Văn Thành Lê
Ai lên xứ luyện vàng? - Văn Thành Lê
Ankor Wat .Đi, với trái tim - Elena Pucillo Truong
Vườn chanh miệt biển-1 - Kiệt Tấn
Vườn chanh miệt biển-2 - Kiệt Tấn
Pattaya - thành phố kỳ lạ… - Minh Tứ