Trong bài này Karl Marx, 24 tuổi, là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do báo chí trong nước cách đây 168 năm,
Karl Marx viết: Từ 15/1 đến 10/2/ 1842 - Hiếu Tân dịch 15/2/2010
Chúng tôi không phải những kẻ bất mãn, [những kẻ] ngay trước khi xuất hiện sắc lệnh kiểm duyệt của [chính phủ] Phổ, đã la lên ầm ĩ: “Timeo Danaos et dona ferentes” (Tôi sợ người Hy lạp ngay cả khi họ tặng quà cho tôi”. Trái lại, từ khi việc xem xét những đạo luật đã công bố được phê chuẩn trong Chỉ thị mới, ngay cả nó có vẻ không nhất trí với quan điểm của chính phủ, chúng tôi bắt đầu ngay từ điểm đó. Kiểm duyệt là sự phê phán chính thức, các tiêu chuẩn của nó là các tiêu chuẩn phê phán, vì thế ít ra nó cũng được miễn trừ khỏi phê phán, vì cùng nằm trên một bình diện với sự phê phán.
Chắc chắn mọi người có thể đồng ý với xu thế chung biểu hiện trong lời nói đầu của chỉ thị:
“Để ngay bây giờ giải thoát báo chí ra khỏi những sự hạn chế không thích đáng, là điều trái với ý muốn của Hoàng thượng, bằng một mệnh lệnh tối cao ban hành cho Bộ Nội vụ hoàng gia ngày 10 tháng này, Người đã phản đối một cách rõ ràng minh bạch việc kiềm chế quá mức hoạt động của các nhà văn, và, nhận rõ giá trị và nhu cầu của việc công bố thẳng thắn và nghiêm túc, đã chính thức trao quyền cho chúng tôi hướng dẫn kiểm duyệt tuân thủ thích đáng Điều II của sắc lệnh Kiểm duyệt ngày 18, tháng Mười, 1819”
Tất nhiên rồi! Nếu kiểm duyệt là cần thiết, thì kiểm duyệt một cách vô tư và thẳng thắn lại càng cần thiết hơn.
Điều ngay lập tức gây ngạc nhiên là ngày tháng của đạo luật được nói đến, nó được ghi là ngày 18, tháng Mười, 1819. Cái gì? Có phải nó là một đạo luật mà điều kiện về thời gian khiến nó cần bị bãi bỏ?
Rõ ràng là không, vì kiểm duyệt chỉ được hướng dẫn “một lần nữa” để đảm bảo nó được tuân thủ. Vì đạo luật này đã tồn tại đến năm 1842, nhưng nó chưa được tuân thủ, vì nó đã được nhắc “để bây giờ” giải thoát báo chí ra khỏi những sự hạn chế không thích đáng, là điều trái với ý muốn của Hoàng thượng.
Báo chí, mặc dầu có đạo luật này, cho đến nay vẫn bị hạn chế không thích đáng – đó là kết luận được trực tiếp rút ra từ chỉ thị.
Vậy thì đây là một lý lẽ chống lại đạo luật ấy hay chống lại kiểm duyệt? Chúng ta khó có thể khẳng định vế thứ hai. Trong vòng hai mươi hai năm những hành động phi pháp vẫn được thực hiện bởi một giới thẩm quyền có trách nhiệm về quyền lợi cao nhất của các công dân – về trí tuệ của họ – bởi một giới thẩm quyền kiểm soát, thậm chí còn hơn cả nền kiểm duyệt La mã đã làm, không chỉ hành vi của các cá nhân công dân, mà ngay cả hành vi của công luận. Có thể nào một hành vi cẩu thả như thế của các quan chức cao nhất của nhà nước, hoàn toàn thiếu trung thành đến thế, lại có thể có trong một nhà nước Phổ được tổ chức tốt, một nhà nước tự hào về bộ máy hành chính của mình? Hay là nhà nước, do liên tục bị đánh lừa, đã lựa chọn những người thiếu năng lực nhất cho những vị trí khó khăn nhất? Hay là, cuối cùng, thần dân của nhà nước Phổ không có khả năng than phiền về các hành động phi pháp? Phải chăng tất cả các nhà văn Đức đều ngu dốt và thất học đến nỗi không biết đến các đạo luật liên quan đến sự sống còn của mình, hay là họ quá hèn nhát không dám đòi hỏi chúng được tuân thủ?
Nếu chúng ta đặt sự trách cứ lên kiểm duyệt, thì không chỉ danh dự của riêng nó, mà cả danh dự của Nhà nước Phổ và danh dự của các nhà văn Phổ, bị tổn thương.
Hơn nữa hơn hai mươi năm những hành vi bất hợp pháp của kiểm duyệt trong việc thách thức luật pháp đã cung cấp lý lẽ chống lại con người (argumentum ad hominem) rằng báo chí cần những đảm bảo khác hơn là những chỉ thị chung như thế này cho những con người vô trách nhiệm như thế, nó cung cấp chứng cớ rằng trong bản chất của kiểm duyệt có những khuyết điểm cơ bản mà không đạo luật nào có thể sửa chữa được.
Tuy nhiên, nếu các nhân viên kiểm duyệt là có năng lực, và luật pháp là không tốt, thì tại sao lại một lần nữa yêu cầu nó loại bỏ cái xấu mà nó đã gây ra?
Hay có lẽ những khuyết điểm khách quan của một định chế được quy thành lỗi cho các cá nhân, để tạo ấn tượng một cách gian lận là có cải thiện trong khi không hề tiến hành bất kỳ một cải thiện thiết yếu nào?
Đó là thói quen của chủ nghĩa tự do giả hiệu, khi buộc phải nhượng bộ thì hy sinh cá nhân, công cụ, và giữ lại bản thân sự vật, cái định chế. Bằng cách này, chú ý của một công chúng nông nổi bị đánh lạc hướng.
Sự oán giận đối với bản thân sự vật trở thành sự oán giận đối với những con người. Người ta tin rằng bằng cách thay đổi những con người bản thân sự vật sẽ được thay đổi. Sự chú ý sẽ bị chệch hướng từ chế độ kiểm duyệt sang cá nhân những người kiểm duyệt, những nhà văn nhỏ bé ấy của tiến bộ bằng mệnh lệnh tự cho phép mình có những sự táo bạo nho nhỏ chống lại những người bị thất sủng và thực hiện nhiều hành động như thế để thể hiện sự tôn phục đối với chính phủ.
Trước mặt chúng ta vẫn còn một khó khăn khác.
Một số phóng viên báo coi bản chỉ thị về kiểm duyệt chính là một sắc lệnh kiểm duyệt mới. Họ đã nhầm, nhưng cái nhầm của họ có thể tha thứ được. Sắc lệnh về kiểm duyệt ngày 18 tháng Mười năm 1819 chỉ tiếp tục một cách tạm thời đến năm 1824, và lẽ ra nó vẫn còn là sắc lệnh tạm thời cho đến hôm nay nếu chúng ta không nhờ bản chỉ thị đang ở trước mắt chúng ta lúc này mà biết rằng nó chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ.
Sắc lệnh năm 1819 cũng là một biện pháp tạm thời, với một điểm khác là trong trường hợp của nó một thời gian chờ đợi xác định là năm năm được chỉ rõ, trong khi trong bản chỉ thị mới, đó là một độ lâu không xác định, và vào thời gian đó các luật về tự do báo chí là đối tượng để mong đợi trong khi bây giờ, đó là các luật về kiểm duyệt.
Các phóng viên báo chí khác lại coi bản chỉ thị về kiểm duyệt như là một sự tân trang sắc lệnh cũ về kiểm duyệt. Sai lầm của họ bị chính bản thân chỉ thị này bác lại.
Chúng tôi coi bản chỉ thị về kiểm duyệt này là tinh thần đi trước của đạo luật về kiểm duyệt có thể đoán trước được. Làm như thế chúng tôi bám sát tinh thần của sắc lệnh về kiểm duyệt năm 1819, theo đó các luật và các sắc lệnh có ý nghĩa như nhau đối với báo chí. (Xem sắc lệnh nêu trên, Điều XVI, khoản 2)
Chúng ta hãy quay trở lại với bản chỉ thị.
“Theo điều luật này” tức là, Điều II “Kiểm duyệt không nên ngăn chặn việc điều tra sự thật nghiêm chỉnh và khiêm tốn, cũng không nên áp đặt sự kiềm chế quá mức lên các nhà văn, hay gây trở ngại cho hoạt động tự do của nghề sách”
Việc điều tra sự thật mà kiểm duyệt không nên ngăn chặn được xác định rõ hơn nghiêm chỉnh và khiêm tốn. Cả hai định nghĩa này không dính dáng gì đến nội dung của điều tra, mà đúng hơn là cái nằm ngoài nội dung của nó. Từ điểm xuất phát này chúng kéo điều tra ra xa sự thật và bắt nó chú ý đến một sự vật thứ ba chưa biết. Một điều tra cứ liên tục dán mắt vào yếu tố thứ ba này, yếu tố mà luật pháp ban cho tính hợp pháp một cách thất thường, liệu nó có để sự thật vuột khỏi tầm mắt không? Chẳng phải bổn phận đầu tiên của người đi tìm sự thật là nhằm thẳng vào sự thật, mà không nhìn phải nhìn trái sao? Có thể nào tôi sẽ không quên bản chất của vấn đề, nếu tôi bị buộc không được quên phát biểu về nó dưới dạng đã được qui định?
Sự thật cũng kém khiêm tốn ngang với ánh sáng, và nó nên khiêm tốn với ai ? Với bản thân nó chăng? Verum index sui et falsi. Do đó, với dối trá.
Nếu khiêm tốn là nét đặc trưng của điều tra, thì đó là một dấu hiệu cho thấy sự thật bị người ta sợ hơn là dối trá. Nó là một cách làm ngã lòng ở mỗi bước tôi tiến lên phía trước. Đó là áp đặt lên cuộc điều tra nỗi sợ đi đến kết quả, một phương sách tự bảo vệ chống lại sự thật.
Hơn nữa, sự thật là chung, nó không thuộc về riêng tôi, nó thuộc về tất cả mọi người, nó sở hữu tôi, tôi không sở hữu nó. Sở hữu của tôi là hình thức, nó là phong cách tinh thần của tôi. Phong cách chính là người (Le style c'est l'homme). Vâng, đúng thế. Luật cho phép tôi viết, chỉ có điều tôi phải viết theo phong cách không phải của tôi. Tôi có thể biểu lộ sắc thái tinh thần của tôi, nhưng trước hết tôi phải đặt nó trong khu vực đã được quy định bằng rào chắn. Người có danh dự nào mà không đỏ mặt trước điều quá đáng này và không muốn dấu mặt dưới áo choàng toga? Ít nhất thì dưới áo choàng toga còn có thể gợi nghĩ đến cái đầu của thần Jupiter. Những khu vực được quy định bằng rào chắn không có nghĩa gì khác ngoài bonne mine a mauvais jeu.
Bạn ngưỡng mộ vẻ đa dạng mê hồn và sự phong phú vô tận của thiên nhiên. Bạn không ra lệnh cho hoa hồng phải tỏa mùi hoa violet, nhưng lại bắt cái phong phú nhất trong tất cả những cái phong phú, là tinh thần, chỉ được tồn tại trong một dạng duy nhất? Tôi hài hước, nhưng luật bảo tôi phải viết nghiêm chỉnh. Tôi táo bạo, nhưng luật ra lệnh rằng phong cách của tôi phải khiêm nhường. Xám, toàn xám, là sắc màu duy nhất, chính đáng của tự do.
Mỗi giọt sương mai mà mặt trời chiếu rọi đều long lanh muôn hồng nghìn tía, nhưng mặt trời tinh thần, dù cho có nhiều người bao nhiêu và dù cho đối tượng mà nó khúc xạ là gì, thì chỉ được tạo ra một màu chính thức! Hình thức cơ bản nhất của tinh thần là thanh thoát, không gò bó, là ánh sáng, nhưng các ngài đã lấy bóng tối làm biểu hiện duy nhất của tinh thần; nó chỉ được mặc quần áo đen, nhưng trong số các bông hoa không có bông nào màu đen. Bản chất của tinh thần là luôn luôn tự tin vào bản thân nó, nhưng các ngài đã lấy cái gì làm bản chất của nó? Sự khiêm nhường! Chỉ có người tầm thường tội nghiệp mới khiêm nhường, Goethe nói thế, và các ngài muốn biến tinh thần thành loại người tầm thường tội nghiệp đó chăng? Hay là cái khiêm nhường đó là khiêm tốn của thiên tài như Schiler nói, thì trước hết phải biến tất cả công dân của các ngài và trên hết phải biến tất cả các nhân viên kiểm duyệt của các ngài thành thiên tài đã. Nhưng khi đó thì cái khiêm tốn của thiên tài không nằm ở chỗ như cách nói có học, thiếu vắng trọng âm và tiếng địa phương, mà đúng hơn là nói nhấn vào trọng tâm của vấn đề và bằng tiếng địa phương của thực chất của vấn đề ấy. Nó nằm ở chỗ quên đi khiêm tốn và không khiêm tốn, mà tập trung vào cốt lõi của vấn đề. Tính khiêm tốn phổ biến của trí tuệ là sự có lý, và tính phóng khoáng phổ biến của tư tưởng phản ứng với mỗi sự vật tùy theo bản chất thật của mỗi sự vật.
Hơn nữa nếu tính nghiêm túc không đi vào định nghĩa của Tristram Shandy, trong đó nó là ‘hành vi đạo đức giả của cơ thể để che dấu đi những khuyết tật của tâm hồn’, mà có nghĩa là nghiêm túc về thực chất, thì toàn bộ cái qui định này thất bại. Vì khi tôi xử lý cái lố bịch một cách lố bịch, là tôi xử lý nó một cách nghiêm túc, và sự không khiêm tốn nghiêm túc nhất của trí tuệ là sự không khiêm tốn tỏ ra khiêm tốn.
Nghiêm túc và khiêm tốn! Những khái niệm tương đối và hay thay đổi thất thường biết bao! Nơi nào nghiêm trang chấm dứt và bỡn cợt bắt đầu? Nơi nào khiêm tốn kết thúc và không khiêm tốn bắt đầu? Chúng ta phụ thuộc vào tính khí của nhà kiểm duyệt. Quy định tính khí cho người kiểm duyệt thì cũng sai lầm như qui định phong cách cho nhà văn. Nếu các ngài muốn nhất quán với phê bình thẩm mĩ của các ngài, thì hãy cấm cả những điều tra sự thật quá nghiêm túc và quá khiêm tốn, vì nghiêm túc quá đáng là lố bịch hơn tất cả, và khiêm tốn quá đáng là sự châm biếm chua cay nhất.
Cuối cùng, điểm xuất phát này là một cái nhìn trừu tượng và hoàn toàn xuyên tạc về bản thân sự thật. Mọi đối tượng hoạt động của nhà văn được bao gồm trong một quan niệm chung “sự thật”. Ngay cả nếu chúng ta không tính đến phương diện chủ quan, tức là, chỉ một đối tượng cũng khúc xạ khác nhau qua cái nhìn của những người khác nhau, và các khía cạnh khác nhau của nó biến thành nhiều đặc tính tinh thần khác nhau, có nên buộc cái đặc tính của đối tượng không được có một ảnh hưởng gì, dù là nhỏ nhất, đến việc điều tra? Sự thật bao gồm không chỉ kết quả mà còn cả con đường dẫn đến nó. Bản thân việc điều tra sự thật phải là thật; sự điều tra thật là sự thật được bày tỏ, các yếu tố rời rạc của nó được tập hợp lại trong kết quả. Và cách thức tìm kiếm sự thật có nên thay đổi theo đối tượng không? Nếu đối tượng là vấn đề đáng cười, cách thức phải thật nghiêm túc sao? Nếu đối tượng là khó chịu, cách thức phải rất khiêm nhường ư? Như vậy các ngài đã vi phạm cái quyền của đối tượng như đã vi phạm quyền của chủ thể. Các ngài quan niệm sự thật một cách trừu tượng và biến tinh thần thành một quan tòa đang xét hỏi và viết ra từ đó một biên bản khô khan.
Hay là có cần đến sự rắc rối siêu hình này không? Phải chăng sự thật được hiểu đơn giản là những gì mà chính phủ qui định, do đó việc điều tra được bổ sung vào như một yếu tố thừa, buộc phải chấp nhận, nhưng chỉ vì mục đích xã giao qui ước mà nó không bị xóa bỏ hoàn toàn? Dường như chắc chắn là thế. Vì điều tra đã được hiểu từ trước là mâu thuẫn với sự thật và do đó phải đi kèm với tính nghiêm túc và tính khiêm nhường chính thức và mù mờ, điều này tất nhiên rất giống quan hệ của người không theo đạo với cha đạo.
Cách hiểu của chính phủ như vậy chỉ là lý lẽ của nhà nước. Sự thật, trong một số hoàn cảnh của thời đại, phải chấp nhận thỏa hiệp với một cách hiểu khác và tiếng nói bập bẹ của nó, nhưng cách hiểu này phải biết về sự thỏa hiệp và biết rằng nó thiếu quyền, khiêm nhường và ngoan ngoãn phục tùng, nghiêm túc và tẻ nhạt. Nếu Voltaire nói “Mọi thể loại đều tốt, trừ những thể loại nhàm chán” ("Tous les genres sont bons, excepte le genre ennuyeux") thì trong trường hợp ngày nay cái thể loại nhàm chán ấy đang trở thành thể loại độc quyền, như đã được chứng mình đầy đủ trong việc tham khảo các biên bản lưu của “Hội Đồng tỉnh Rhin”. Tại sao không phải là theo phong cách nguyên lão viện Đức tốt đẹp ngày xưa? Bạn có thể viết tự do, nhưng mỗi từ phải khẽ nhún đầu gối cúi chào nền kiểm duyệt rộng rãi, nó cho phép bạn bày tỏ những ý kiến vừa khiêm tốn vừa nghiêm chỉnh của bạn. Dĩ nhiên, đừng để mất cảm giác sùng kính của bạn.
Sự nhấn mạnh hợp pháp không phải là nhấn vào sự thật mà nhấn vào khiêm tốn và nghiêm chỉnh. Vì thế mọi vật ở đây làm dấy lên nỗi hoài nghi: khiêm tốn, nghiêm chỉnh và trên hết, sự thật, phạm vi mập mờ không xác định của những thứ này hình như giấu giếm một loại sự thật rất xác định nhưng rất đáng ngờ./.
Hiếu Tân trích dịch 15022010 Từ bản tiếng Anh tại :
www.marxists.org/archive/marx/works/1842/02/10.htm