Đang chen lấn đi giữa chợ đông người, bỗng tôi nghe tiếng kêu “Cậu Chín”! Tiếng kêu vừa quen vừa lạ, tôi quay lại hóa ra Tố Anh. Cô bước trờ tới, một tay xách giỏ thức ăn nặng, một tay kia theo thói quen của Tố Anh khi nói chuyện thường hay nắm lấy bàn tay người đối diện lắc lắc - Dữ hông. Trốn đi đâu lâu quá mới gặp vậy? - Thỉnh thoảng gặp lại bạn hàng xóm cũng vui, ngặt cái đứng giữa chỗ người mua, kẻ bán trả giá lao xao mà trò chuyện. Tôi có trốn đâu, cũng như xóm ấp vẫn còn nguyên lối cũ có chuyện mới gặp, còn không thì thôi. Tôi chưa kịp trả lời, Tố Anh lẹ làng than vãn. Hia Kim ba của Tố Anh đã lẩn thẩn. Hia như quên xung quanh, suốt ngày không nói năng với ai, nhưng lại theo rờ rẫm cái bàn, dãy song hồng thì thầm. Rồi ra vườn thì thầm với cây xoài tượng. Giữa chợ đông, tưởng là thông báo chuyện gì quan trọng. Biết rồi cái tuổi quá thất thập cổ lai hy... Ừ, ngôi nhà của hia Kim cũng thuộc loại xưa gần trăm năm rồi. Dãy song hồng chắc chắn thay cho vách cửa, ở ngoài đường nhìn thấy bên trong lồng lộng theo kiểu thôn quê Việt Nam. Phía sau lại kín đáo thâm u theo kiểu Tàu thông ra một khoảng sân nhỏ. Tiếp nối là gian nhà bếp mở ra vườn xoài. Ngôi nhà do ông Chệt, nội của Tố Anh cất, chắc là tiếc của đời nên hia Kim theo rờ rẫm dãy sông hồng. Hay là tiếc cho đời người vốn ngắn ngủi so với vật chất vô tri, tôi không biết. Chợt nhớ cây xoài tượng của Tố Anh gốc to tới ba người ôm. Hồi nhỏ tôi không hiền. Đi học về ngang nhà hia Kim ngó vô nhà quan sát, rồi co chân chạy vòng qua phía sau, vạch lỗ rào chui vô bẻ trộm xoài. Nhìn thấy điệu bộ tôi, Tố Anh tinh ý chạy theo rình rồi la lên “ăn trộm”. Hia Kim lật đật chạy ra rầy con “Đừng có la, nó luýnh huýnh té rồi sao. Cái “lầy”. Cây xoài bự vậy mà leo được, từ từ xuống “li” lấy cái lồng mà bẻ! Lúc này,ai bắt gặp mặt mũi tôi chắc là kỳ cục lắm. Đã lâu quen nết trang nghiêm, ăn nói phép tắc thưa, dạ, cuối cùng còn đọng gì nơi đáy lòng? Tình cờ giữa chợ đứng thõng hai tay áo, từ trong xa thẳm bờ ký ức từng gợn sóng.
Tất cả vẫn còn đó.
- Nè cậu, vậy là ba tôi đã lẩn!
Tôi còn đang ngơ ngẩn, Tố Anh lẹ làng dắt qua chuyện khác dường như minh họa cho cái tuổi già, những gương mặt lâu đời thuộc về lớp cố cựu ở xóm không còn được bao nhiêu người. Đặc biệt hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Thí dụ như chú Poul bị bệnh tiểu đường cưa chân, vậy mà sáng, trưa chú vẫn chống gậy cà nhắc ra vườn thăm bầy dê. Thím Lìn đột ngột mất tích, gia đình tìm kiếm khắp nơi. Ba tháng sau bà lão mò về mặt mũi hốc hác. Hóa ra tự lúc nào thím âm thầm giấu đúc một lượng vàng. Thím lận lưng đi xe lửa ra Hà Nội lò dò sang Tàu tìm về Thiểm Tây quê cũ. Dọc đường ăn toàn bánh mì lạt, xin nước uống. Tiếng mẹ đẻ rơi rụng theo thời gian, lại nữa, tiếng đó trở nên cũ kỹ trước tiếng Trung Quốc hiện đại, thím phải đưa tay lên ra dấu hiệu. Ra đi hồi mười sáu tuổi, trở về thím như Từ Thức trở về trần, mọi cái trở nên xa lạ và không ai biết thím. Lượt về rõ là khôn, bà lão tìm đến đồn công an để ở đây gởi thím về Hà Nội, gởi trả về Long Xuyên. Thành ra bà lão lập nên kỳ tích, lụm cụm đi chơi xa, lượt về không tốn tiền. Chuyện của thím Lixi, thằng Hùng nước da đen hắc, tóc quắn dính sát vô da đầu giống hệt thím Lixi gốc gác là Tây đen, xứ Marốc, nhưng Hùng được người biến thành ra Mỹ đen nhận làm con nuôi. Qua Mỹ sau thời gian, thằng Hùng lại trở về vì chịu không thấu nạn kỳ thị chủng tộc, ở Việt Nam không có phân biệt ai trắng, ai đen. Về việc này tôi biết, nhưng sau đó tôi không hay, về Việt Nam ở được hai năm, thằng Hùng lại tìm cách vượt biên sang Mỹ bị bắt dọc đường. Đôi khi sự tình cờ đưa đẩy, nào khác con vịt xuống nước mê chơi quên mất lối về. Cố nhớ ra lại quên, tình cờ thì nó sống lại. Hồi đó tôi chỉ là đứa trẻ, đi đâu cũng được gọi bằng cậu (ngày xưa nó vậy, dân gốc cố cựu đến xóm lâu đời cha mẹ có vai lớn được kêu theo chớ gia đình cũng không khá giả gì hơn ai. Năm chục năm trước nhà cửa thưa thớt, nhiều khúc vắng đến độ ban đêm sợ ma, co giò phóng thật nhanh. Ngày nay rộ lên phong trào du lịch. Tưởng gì, ở xóm tôi trước kia, người ta rủ nhau đi Miên, đi Lèo, Xiêm chơi mua về những tấm lụa phương xa óng ả làm khăn choàng cổ. Có người lại đi bằng xe đạp rong ruổi lên tận Biển Hồ thăm bà con. Trước kia, tuy không nhiều vẫn có một số người, hoàn cảnh đưa đẩy đi mãi đến tận Ma Cao, Hồng Kông, rồi Pháp, Mỹ, biệt xứ. Trong số ấy có cậu tôi. Hồi trẻ ông qua Miên dạy học, về xứ sở một vài lần, cưới vợ, sau đó đưa gia đình qua đảo Corse của Pháp. Bảy mươi năm trôi qua, gần đây có lá thư từ đảo Corse gởi về địa chỉ cũ trước kia, may sao có người thân làm trong bưu điện, thư đến nay. Hóa ra gia đình của cậu nay chỉ còn có mỗi chị Tư là người lớn, chị cho hay xung quanh nói toàn tiếng Pháp, chị sống thui thủi.
Từ đó mỗi năm vào tháng 12 chị đều đặn gởi thiệp giáng sinh về, nhưng bà con xa lâu ngày hóa thành người dưng, chẳng có ai trả lời cho chị, thiệt lãng nhách. Ruột bỏ ra, da lấy vào. Trong khi đó người Tàu, người Ấn, Tây đen tìm đến xóm. Sau đó thêm mấy gia đình Khơme lánh nạn Pônpốt đến nhập cư. Duyên tình nào để người Tàu, Ấn rồi người Tây đen trở thành người Việt Nam rồi sống chung một xóm với tôi. Tôi chẳng thắc mắc, gặp lại Tố Anh bỗng dưng nó trở nên mới mẻ. Tôi như đang sống lại tuổi thơ. Đúng rồi. Cảm giác mới mẻ có được sống lại với tuổi thơ. Thế giới hồi nhỏ của tôi thật là phong phú rộng mở chạy luồng tuông trên đầu trên, xóm dưới. Theo lời ông tôi, xóm tôi có trước vài ngôi nhà ngói đỏ, hàng cau lưa thưa bao quanh, cách đó không xa chợ Long Xuyên còn là khu ẩm thấp sình lầy, cho tới khi Tây đến bắc cầu, trồng cột lồng đèn, mở chợ và xây một cái thành (đồn lính). Qua dấu vết cái thành này, tôi hình dung ra giai đoạn những anh lính Tây đi lẻ tẻ ra ngoài thì bị phục kích. Riêng có ông Tây đen Réné lấy bà phục dịch là người Việt Nam, tức má của thím Lixi lại được dân chúng giấu giếm, bảo vệ. Ông Tây đen sống ra sao giữa nơi xa lạ ngôn ngữ bất đồng? Những gì tôi biết bắt đầu từ lúc Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại thì ông Tây đen Réné là người bán nước đá chè đậu đen trước cửa trường học. Nét đặc biệt của ông là hay cho học trò thiếu nợ, thành ra hầu như đứa nào thấy ông Tây đen tướng tá hầm hè lại người dễ thương. Ông Poul người Ấn, bán vải cho đại lý vải Pompay trên Sài Gòn. Một lần ông đi thu gom tiền về bị ăn cướp chặn đường lấy hết không dám trở lại Sài Gòn. Ông Poul ở lại xóm sống với nghề nuôi dê rồi lấy vợ. Hóa ra cái xóm nhỏ ven rạch Long Xuyên dang tay dung chứa hết.
Về những gia đình người Việt gốc Hoa họ đến xóm lập nghiệp từ lúc nào. Dường như lịch sử cũng có tính lãng mạn không khác gì cuộc sống. Thử hình dung ra con đường thiên lý. Đầu tiên từ sông Hồng các cư dân trong số đó có ông tôi đi mãi xuôi về đồng bằng Cửu Long trên bờ là lúa, dưới sông là tôm cá. Trong lúc đó trên biển lênh đênh những chuyến tàu từ đất Trung Hoa cổ kính, tàu đầy người tha phương từ biển len lỏi vô miền Nam sông rạch chằng chịt. Ông cố tôi đến đây cất nhà, lập vườn ít năm sau sinh ra ông nội. Hai năm sau xóm lập tức đông lên với xóm giềng mới đến. Ông cố của Tố Anh cũng kịp thời sinh ra ông nội của Tố Anh. Thím Lìn 16 tuổi qua Việt Nam cùng cha mẹ rồi hai người đột ngột qua đời. Hia Kim sinh đẻ ở Việt Nam nhưng lại được người lớn cho tháp tùng cuộc hành trình tìm về quê hương xa lơ xa lắc gặp lại bà con, mấy bà xẩm bó đôi chân nhỏ nhắn đi đứng nhún nhảy, các ông anh họ thắt bím lạ mắt. Họ là những người còn sót lại từ trong quá khứ bất động, để rồi nó sống lại trong đầu đứa trẻ là hia Kim, sau này tôi nghe hia kể mãi. Khi dây mơ rễ má bắt đầu phát triển, làm một chuyến lênh đênh giữa biển cũng rất vất vả, cuối cùng ai ở đâu như quen đó.
Các cư dân mới đã hòa nhập với quê hương thứ hai. Một trăm, hai trăm năm, lịch sử như cái chớp mắt. Đến đây tôi biết, thời của ông Diệm mới lên, lúc đầu vẫn còn những chuyến tàu qua lại sau đó ông ta ngăn cấm. Ngoài ra còn cấm Hoa kiều làm 18 nghề, anh em phải đổi thành những họ khác nhau. Gia đình của hia Kim cũng mấy lần đổi họ mới, rồi lấy lại họ cũ nhưng tình thực, thời gian đến xóm tính ra hơn trăm năm. Hia nói chuyện còn lơ lớ, cười hề hà, nhưng hia trở thành người Việt Nam đã bao lâu đời. Hia cũng có con đi lính nghĩa quân cho Thiệu. Và cũng có Tố Vĩ em của Tố Anh đi vô đồng giữ lúa rồi lén xúc lúa bán không dám về nhà, đi luôn vô bên trong làm du kích. Hồi trước xóm tám gia đình người Hoa, sau này các ngôi chợ ở Rạch Giá, Long Xuyên mở mang, họ kéo nhau đến đó sinh sống mua bán, còn lại hai gia đình của thím Lìn với hia Kim. Xuôi theo dòng hồi tưởng miên man đôi khi từ việc này bắt qua nhớ kia kia. Những người Việt ra nước ngoài định cư, nhóm sống chung với cộng đồng xung quanh là người mình không nói gì. Riêng số ít như gia đình của cậu tôi chẳng hạn, sống riêng lẻ giữa người xa lạ, cuộc sống như thế nào... Cách xóm tôi không xa là thành phố Long Xuyên, từng dãy phố Tàu hàng hóa màu sắc rực rỡ, thấy người Hoa là biết ngay. Ngược lại hia Kim trông chẳng khác người nôngdân luôn mặc đồ đen, quần lá nem dây lưng rút, lại để râu càm. Thời trẻ hia Kim làm nghề bắt heo. Sau đó hia bỏ nghề theo dân trong xóm đi đồng tứ giác Long Xuyên mở ruộng. Trước cửa nhà của hia chất hai đống chà. Đến mùa nước cá linh rẻ, gia đình hia mua cá linh về ủ nước mắm bán... Lẽ ra ba Tàu ăn nước tương, nấu nước tương. Người Tàu thích mua bán, ít chịu học ra làm việc với nhà nước lãnh đồng lương còm cõi. Trái lại hia lại quyết tâm cho con cái học đến nơi, đến chốn. Năm đó hai anh em Tố Anh lên Sài Gòn, hia Kim kêu bán bớt số ruộng đất nuôi con. Hia như đi ngược lại truyền thống, trong khi anh em hia với nghề mua bán người nào cũng giàu. Tôi ít thấy anh em hia gần gũi thân mật, có lẽ vì do hai quan niệm sống không giống nhau. Hia Kim còn có một điều lạ nữa, hia không hềdạy con cháu tiếng Tàu. Ngay khi hia gặp thím Lìn cũng trò chuyện bằng tiếng Việt, thỉnh thoảng muốntrao đổi riêng tư điều gì đó, hai người mới líu lo đôi câu. Cậu con trai Tố Anh rắn mắc xen vô - ông ngoại, bộ ông nói lén con hả, nghe không biết gì hết. Hia Kim cười hệch hạc vuốt đầu cháu. Hồi tưởng đến đây bỗng dưng tôi giật mình... Không biết nó có liên quan tới việc hia Kim lú lẫn hay không...
Vẫn trường hợp này, tôi có bà cô 94 tuổi suốt ngày đắm chìm vào trong thế giới nào đó không nói năng. Đột ngột cô tỉnh dậy kêu con cháu thay cho mình bộ đồ mới, thắp nhang lên cái bàn thờ. Lúc này con cháu hiểu ra muộn màng khóc òa lên, cô nhắm mắt thanh thản. Hiện tượng của cô tôi giống trường hợp hia Kim? Biết mình sắp về tới cõi vĩnh hằng, hia Kim theo rờ rẫm vách nhà, cây cối trong vườn hồi tưởng lại cuộc đời của mình. Có thể hia đắm chìm ngược về với nước Trung Hoa cổ kính xa thẳm kia. Thím Lìn vậy mà còn lụm cụm trở về được. Đây là những giây phút thiêng liêng với cội nguồn đã lãng quên. Nhưng với anh em của Tố Anh, từ ông cố họ Tố đến ông nội pha máu của bà nội đã lai người Việt. Vợ của hia Kim lại là dân Long Xuyên. Đến anh em của Tố Anh, họ Tố chỉ còn trong hình thức ghi trong khai sinh, bởi đã lai biết mấy đời. Từng thế hệ song song bên nhau, khi một thế hệ mất đi, tất cả vẫn còn nguyên, nhưng có người cũng đã xa... Anh em Tố Anh như không hiểu cha. Tôi giải thích mơ hồ, tuy nhiên đã đoán đúng. Ba tháng sau, quả nhiên hia Kim trở lại sáng suốt kêu Tố Anh đến dặn dò. Hia mong muốn mình được thiêu và gia đình đem tro ấy ngược theo dòng kinh Vĩnh Tế ra biển Hà Tiên thả trôi. Đây là con đường mà ông nội của hia Kim theo đó tìm đến xóm. Và hia cũng có lần ngược theo dòng lần tìm về cố hương.
Có lẽ cuối cùng rồi tôi trở thành kẻ vô tình nếu như không nghe tiếng trống đám ma. Tiếng trống cứ thong thả từng hồi nhỏ thưa vượt qua những âm thanh khác, nơi tôi đang sống ngày càng ồn ào. Trước khi tan biến vào không gian, nó có điều gì đó lung linh, hiu hắt. Bài vọng cổ có đặc điểm, hễ xuống câu hay hoặc dở cũng được người vỗ tay. Tiếng trống đám ma có đặc điểm buộc người dù bận công việc cũng có ít giây ngừng tay lắng nghe... bà con xóm giềng, chia sẻ vui buồn, còn là tiễn thân phận con người hắt hiu ngắn ngủi sao.
Đám ma hia Kim khá đông người và có vẻ gì đó, cho là nó lạnh lẽo cũng được, cho là vui cũng được. Nhưng thấy rõ một điều, đời cũng đâu khá dư nước mắt, khóc giả thì được, tấm lòng chân thật dường như chỉ có người già, người đồng cảnh ngộ tiếc thương nhau. Người trẻ bùi ngùi cho nhau. Tố Anh, Tố Muội, Tố Mẫn lăng xăng tiếp khách nói chi, bầy cháu nội, ngoại của hia Kim tỉnh queo. Lâu ngày mới được gặp lại dân cố cựu trong xóm, tôi ngồi chung bàn hỏi han thím Lixi, chú Poul. Đám trẻ ngồi bàn vòng ngoài nhưng chúng tạo ra sự ồn ào. Có đám bọn trẻ kéo tới che rạp, mượn bàn ghế và chúng cũng coi đám như là nơi họp mặt giỡn hớt... Trong khi đó thím Kim với đôi dòng nước mắt lặng lẽ chảy ra đằm đìa ướt đôi gò má nhăn nheo. Đâu như thím Kim năm nầy cũng gần 80 tuổi rồi. Rồithím Lixi không biết thương cảm gì thỉnh thoảng rút khăn lau nước mắt. Người góp phần đặc biệt nhất, để người bên ngoài biết được đây là đám của người Hoa, đó là thím Lìn. Bà lão tay cứ vịn nắp ván thiên “a, nị ơi!” Thỉnh thoảng bà lão kể lể một đôi câu tiếng Hoa. Nghi có điều gì đó bùi ngùi, mặc dù tôi chẳng hiểu thím nói gì. Từ bàn ngoài một đứa bỗng đứng lên làm phiên dịch: “A nị ơi, tôi với nị theo cha mẹ từ bên xứ qua. Mỗi đứa một chiếc đòn gánh. Nị còn dám ăn hột vịt chiên với xả bấu (củ cải muối). Tui chỉ qua buổi với tàu hủ, xì dầu. Buổi sáng nị còn dám sực bánh bò bánh tiêu, còn A muội chìa muối (ăn cháo). Nị sướng hơn tui có con là liệt sĩ. Có đứa làm cô giáo được kết nạp đảng viên”.
Thằng nhỏ làm đám ma cười ầm lên. Cả Tố Anh cũng cười. Đi tới chỗ chiều li biệt mà đùa giỡn là không phải phép tắc... Lạ lùng người lớn lại không có ai khó chịu la rầy. Nhưng mà rõ ràng, không có đám cô hồn sống, đám của hia Kim không ấm lên.
Cái hũ tro hài cốt nằm yên trước đầu xe bên mấy nén nhang như đang lún sâu vào giấc mơ, một thế giới riêng; nó có màu gì không ai biết, phía sau con cháu trò chuyện lao xao vẫn không lay dậy.
Cái hũ tro rồi được đem rắc xuống biển như một hình thức, mà sau chết có nghĩa là hết, lại có nhiều hình thức cuối cùng? Tôi bận công việc nhưng lại có lời Tố Anh mời. Hỏi lại mới biết người theo tiễn hia Kim cũng có mấy người cố cựu trong xóm. Thôi thì sẵn dịp gặp nhau đi Hà Tiên, cho trọn nghĩa. Dọc đường theo kinh Vĩnh Tế đến Hà Tiên nhà cửa vẫn còn thưa thớt, hai bên đồng mênh thiêng. Đất Campuchia từ xa xa. Ngày nay mà vùng nầy vẫn còn vắng vẻ nghe buồn dậy. Hình dung, ngày trước còn là rừng tràm, hoang vu người xa xứ lênh đênh tới đây buồn đến độ nào. Cuối cùng xe đến Giang Thành dừng lại, đoàn mướn một chiếc ghe chạy ra biển Hà Tiên. Bỗng có gì lắng đọng lại, khuôn mặt thím Kim, Tố Anh trở nên xa vắng u buồn. Lũ trẻ được thấy biển chúng ngồi lặng yên nhìn sóng đuổi nhau lao xao. Nhưng giây phút trang nghiêm rồi cũng bị chính lũ trẻ phá vỡ. Chúng đua nhau nói:
- Chắc là ông biết thiêu nó nóng, nên ông đòi xuống nước cho mát.
- Biển nhiều tôm cá vui hơn, ông nội theo chúng lội chỗ này chỗ kia cho vui.
- Sao mầy biết. Ông nội muốn dìa xứ.
- Biết rồi có tới nơi được không? Hay tới rồi ông tụi mình lại bơi lộn trở về.
Thằng lớn của Tố Anh coi bộ khôn hơn con của Tố Mẫn. Nhưng thằng nhỏ ngây thơ vô tình cho là hia Kim đòi về cũng lộn trở qua. Từ lúc hia Kim mất, tôi thấy Tố Anh như cố nén cảm xúc, tới đây bỗng Tố Anh rưng rức lên. Đến lượt thím Kim khóc theo và nước mắt có đặc điểm lây lan, mấy đứa nhỏ ngơ ngác nhìn người lớn rồi chúng cũng thút thít. Tôi nhìn thấy đứa nhỏ rồi quay mặt ra biển xanh tít tắp trải dài giáp với chân trời hình vòng cung. Tự nhiên tôi cũng cảm thấy điều gì đó bùi ngùi. Ở đâu đó chân trời góc biển, nghe nói ở tận sa mạc Sahara cũng có người Việt sống. Những đứa trẻ xa xứ lớn lên quên mất cội nguồn. Hay có đứa không quên, chỉ làm bộ ra vẻ ngoài mặt mình thuộc về thành phần khác. Cuối cùng rồi những con người tha phương cũng có giây phút chạnh lòng như thế này. Thím Kim mở nắp hũ tro. Tôi bốc theo một nắm thả nhẹ nhàng xuống biển. Thôi lần này thật sự chia tay hia.
Tôi thì thầm. Trôi đi. Trôi đi. Có nghe mấy đứa cháu nói không. Đừng có mê chơi mà lạc lối đường về...