Kể cũng lạ, mùa đông lạnh giá ở cái bang Texas này, chả có hoa nào nở ngoài trời, mà cây đào hoang, người ta gọi thế, lại ra hoa. Cứ khoảng hai mươi ba tháng giêng, khi những đợt tuyết giữa đông thưa dần, thì những nụ non cây đào cuối vườn cũng bắt đầu khẽ nứt, khoe một màu hồng xác pháo báo hiệu mùa xuân đang đến. Tuyết rơi càng dày, nụ đơm càng nhiều, hoa càng hồng đỏ. Thế nên khi mới dọn nhà về đây, tôi đã định đốn bỏ nếu bà xã không kịp phát hiện nó là cây đào. Từ đó, cứ mỗi năm nhà lại có hoa đào chưng Tết như bên nhà.
Sẽ có những thời khắc... đoán mò. kiểu như: giờ này chắc Sài Gòn nhộn nhịp, đông vui lắm? Mấy thằng bạn thân chắc đang chạy sốt vó cho công việc cuối năm và tranh thủ dọn dẹp nhà cửa “lấy điểm” với vợ, để có thời gian tụm năm tụm ba họp mặt tất niên bù khú. Và sẵn tiền gọi điện thoại Internet, dựng mấy thằng ở xa đang trùm mềm ngủ để... chọc quê: “Tao khui cho mày lon bia, rồi ta uống giùm mày luôn nha?”. Nghe tụi nó “dô dô” mà lòng... phát thèm! Thèm cái ấm áp của tiết xuân Sài Gòn, cái nắng chiều hanh hanh dát vàng lên phố, thèm ly cà phê đen với thằng bạn ngồi giữa phố phường Sài Gòn, ngắm người qua lại. Ở đây giá rét buốt người! Ngủ để mai đi làm vì mồng một Tết đã đến đâu? Nếu Tết không rơi vào cuối tuần, thì Tết chỉ nghỉ được một ngày là may mắn lắm! Tết chỉ có trong tâm tưởng thôi!
Cuối năm, sắp xếp lại mới sách cũ trong tủ, những cuốn album bà xã mang theo sang Mỹ như món quà hoài niệm một chuỗi năm tháng trẻ trung, giờ đã nhạt màu. Con gái tôi lâu lâu la lên: “Í chà, tóc ba có thêm sợi bạc” và cũng chẳng thèm nhổ giùm, còn lý sự: “Ba trẻ hoài sao được”. Nhìn những tấm ảnh gia đình chụp mỗi mùa Tết qua, chỉ có dịp này gia đình mới chụp nhiều hình để lưu giữ, chợt thấy hiện những nổi nhớ. Cây mai vàng trước ngõ, đêm Hai Mươi Chín chở vợ con lòng vòng trung tâm Sài Gòn chen theo dòng người xe, ngửi khói, cọ quẹt, ghé vào chợ hoa Nguyễn Huệ chụp mớ ảnh. Nhớ Tết đầu tiên sang Mỹ vào mùa đông với cái lạnh chưa quen, lạ người lạ đất, quên ăn Tết, cả nhà co ro ngồi bên lò sưởi mà nghĩ đến ngày mai. Nhớ thằng bạn ở khu Bolsa, California, thương bạn mới sang, gọi: “Mày dẫn vợ con qua tao ăn Tết đi, vui lắm, có chợ hoa, có bánh chưng bánh tét, có pháo hoa...”. Nghe nó nói mà tưởng cái khu Bolsa cách xa hai ngàn rưỡi cây số của nó sắp “dọn” về thành phố Dallas này!
Một loạt lễ hội của những tháng cuối cùng trong năm kéo qua tháng Giêng đầu năm mới như Lễ Tạ ơn, Giáng sinh, Tết Tây rồi Tết Việt (nếu không nhằm vào năm nhuận, Tết Việt rơi vào tháng giêng) khiến các bà nội trợ vừa phải lo đi làm vừa phải lo lên “kế hoạch” ẩm thực tiệc tùng quýnh quáng tay chân, lo mời bạn bè bà con đến dự. Chỉ có những ngày lễ này, người ta mới được nghỉ dài hơn, thăm viếng nhau nhiều hơn và là dịp để “hẹn hò” nhau cho ba ngày Tết thêm nhiều ý nghĩa. Mùng Một nhà người này, mùng hai nhà người kia, mùng ba nhà người nọ. Thậm chí còn có mùng Bốn, mùng Năm... và chừng nào hết “mùng” thì thôi (tất nhiên là sau giờ làm việc). Nói chung ăn Tết qua lại với nhau, rốt cuộc thì nhà nào cũng có khách đến đông vui. Trẻ con thì vui nhất với những phong bao lì xì màu đỏ, ngập ngừng, ngọng nghịu thứ tiếng Việt xa quê với những lời chúc đầu năm. Tết cũng là dịp chủ nhà “khoe thành tích” trong năm với bạn bè thân thuộc sau một năm làm việc như điên. Một cái tivi mỏng như tấm lịch treo tường to đùng, màu sắc như thật, rõ nét từng cánh hoa xuân, từng sắc áo dài tung bay với nền nhạc xưa cũ “Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng...”; cái tủ lạnh sang trọng đời mới; bộ ghế salon của Ý đầy tính mỹ thuật đương đại giá đến cả chục ngàn đô. Có chủ nhà ý nhị hơn khi chưng bày đông bình tây quả, cặp dưa hấu, bánh chưng, cả rượu mừng xuân trên cái bàn thờ mới tinh bằng gỗ gụ cẩn ốc trai có tích “Nhị thập tứ hiếu” vừa mua trong năm từ Việt Nam đưa sang, giá rẻ so với bên Mỹ chừng ngàn đô và hãnh diện khi người xem sờ ngắm, và được khen là biết giữ gìn bản sắc. Có nhà thanh lịch hơn bằng chậu mai vàng năm cánh đặt trang trọng giữa nhà đón khách. Mai ở đây không đẹp, sắc không vàng rực, cánh hoa nhỏ, ít nụ và mau tàn nhưng giá cũng đắt, trăm đô một cây to bằng ngón tay cái. Gần chục năm trở lại đây, một vài người Việt về thăm quê hương mang hạt qua trồng trong nhà kính ở California, dần dần được gây giống mang các các chợ Việt ở các tiểu bang khác bày bán từ tuần trước Tết. Tuy vậy, người mua cũng ít, có lẽ người ta nghĩ mua về chỉ có chưng ba ngày Tết, sau đó lại trồng không được vì thời tiết mà bỏ cả trăm đồng, với số tiền đó, đi chợ mua đậu, nếp, bánh mứt, trái cây ăn Tết thì thực dụng hơn nhiều.
Bây giờ cái gì ở chợ Việt Nam cũng có bán: lá chuối, lá dong, dây lạt, dưa kiệu, dưa hành, bánh mứt, thậm chí cả bánh tét, bánh chưng nhập cảng từ quê nhà. Bánh nhập đông lạnh tiện lợi không mất thời gian nấu gói nhưng không ngon, nếp khô không dẻo, muốn ăn phải bỏ vào microwave hâm lại. Người mua vẫn thích mua bánh vừa mới nấu xong, một cặp bánh chưng, bánh tét 15 hay 20 đô vừa phải để làm quà xuân cho thân quyến. Năm nào cũng vậy, ngày ba mươi, từ sáng sớm bà xã tôi chuẩn bị mọi thứ trước khi đi làm. Vẫn cái nếp quê xưa, Tết đến, ngâm đậu ngâm nếp, ướp thịt gói một ít bánh, dù rằng sau một ngày đi làm về mệt mỏi, rồi bắt tôi ở nhà canh chừng nồi bánh để chở con gái đi chùa đêm Giao thừa, cầu xin năm mới gia đình bình an.
Tết với người Việt xa quê là thế, vật chất đầy đủ, không thiếu thứ gì, chỉ thiếu cái không khí nắng xuân chan hòa, thiếu cái hân hoan trên gương mặt những người xa lạ trên đường phố mùa xuân, cái tất bật của dòng người đổ xô đi mua sắm ngày cuối năm, thiếu sự vắng lặng của sớm ngày mùng Một Tết sau một đêm Ba Mươi cúng đón ông bà, tiếng còi hụ của giây phút cuối cùng trong năm để rồi bầu trời vỡ òa muôn ngàn sắc pháo hoa tưng bừng đón mừng năm mới. Tất cả đó là không khí lễ hội mà lễ hội lại thiếu không khí thì vui được bao giờ?../.