Tại sao tôi chọn đọc thi phẩm “Tuyệt huyết ca” mà không là “Thi Thiên” (tác phẩm thứ tư, phát hành mùa Thu Quí Sửu), hay thi phẩm mới nhất vừa phát hành trong mùa Xuân 1974 là “Trúc Biếc” của Đặng Tấn Tới ? Tại sao là một tập thơ mỏng manh, được in ra vội vàng trong một năm đầy biến cố (mùa hè 1972), kỹ thuật trình bày cũng xoàng xỉnh, mà không là một tập nào trong 04 tập thơ xem như được độc giả lưu ý nhiều nhất ?
Chọn đọc “Tuyệt Huyết Ca” tôi cần nói tới hai điều :
1-Nỗi bi thiết tuyệt diệu và vô cùng của kẻ sĩ Việt Nam (hay nói cách khác: Nỗi bi thiết tuyệt diệu và vô cùng của người nghệ sĩ Việt Nam) hai mươi năm “lạnh nghe hồn réo mười phương, Ngợp lòng hoa huyết buốt xương tương tàn”.
2-Minh chứng, lần chót nhưng không phải là thừa thãi, không có sự phân chia (không phải sự tìm hiểu, nghiên cứu) nào trong Thi ca là thích hợp ; hay nói cách khác, không thể uốn nắn, xếp loại một cách gượng ép, cứng nhắc, với nhiều ác ý để từ đó đưa ra những luận cứ nhất thời rất hàm hồ, về những thi phẩm đã được giới thiệu.
Phần một (xin tóm tắt) : Thi phẩm “Tuyệt Huyết Ca” gồm 27 đoạn thơ song thất lục bát, tất cả 108 câu thơ, chung quanh một nhan đề chính đã được chọn. Sử dụng lối thơ cổ truyền Việt Nam để diễn tả những khúc ca máu hồng tuyệt vời của dân tộc, Đặng Tấn Tới đã dồn hết rung cảm tích tụ kỳ diệu bao năm giữa “Trăng cổ độ ố mầu tăng hải, Trải thu phần quan tái vài bông”, trong cảnh tượng đời sống ghê khiếp như ma quái “Người vất vưởng tận hang cùng cốc. Kiếp lạc loài oan khốc kêu sương” vào thời gian được ghi nhận là biến loạn nhất trong hai mươi năm chinh chiến.
Tôi tạm chia “Tuyệt Huyết Ca” thành một bố cục như sau : Đoạn một : (08 câu đầu) Tình cảm mang mang thúc đẩy lần viết (hay lần mở) từng trang tuyệt huyết của Dân tộc. Đoạn hai : (72 câu tiếp) có thể chia làm 04 tiểu đoạn. Tiểu đoạn a: (08 câu) Viết (hay mở) với tư thái thong dong, trang trọng, chua xót và có chút gì như là chán nản. Tiểu đoạn b : (16 câu) . Những trang đầu tiên – là một cuộc tao ngộ kỳ bí, đưa đẩy tác giả túy lúy trong cảnh “Sông nước chảy chiêm bao máu rạn. Chén vàng thanh ngồi nán đêm sương”. Tiểu đoạn c: (16 câu) . từ cuộc hội ngộ “chung tuyệt huyết” tri kỷ trên, thảm cảnh ma quái trần gian tỏ lộ sáng ngời như đời sống ngày đêm của Dân tộc đã hai mươi năm “Người vất vưởng tận hang cùng cốc/ Kiếp lạc loài oan khốc kêu sương/ Máu khô thịt nát bên đường, Rợp mầu tinh huyết đò dương đắm chìm”. Tiểu đoạn d : (32 câu) . Thái độ tìm thấy khi đã kinh qua cảnh đoạn trường (ở đây cũng là tâm sự, thái độ của kẻ sĩ – hay nghệ sĩ, đối với mọi biến động) : Giải quyết những nỗi ưu tư bi thiết bằng sự an ủi của chính mình, bằng sự xoa dịu của đôi mắt nhân ái trầm buồn của Phật Lão, và sau rốt, bằng vào sự hy vọng (vẫn còn hy vọng) : “Non nước cũ rạng ngời sông núi / Trời trong xanh muôn tuổi thơ ngây / Nước trôi mây cuốn chưa đầy / Ngày sương nắng biếc hồng rây ánh vàng”. Đoạn 3 (28 câu cuối): Con người đau khổ thống thiết từ đầu (cuộc tao ngộ) đã đổi khác : Ở đây là một cõi mới, một đời sống tiên cảnh lạ thường, hay là một cõi chiêm bao mộng mị của đa số nghệ sĩ Việt Nam. Nhờ đâu con người (em Nguyên Thủy) đã chết với máu me, với hình hài tiều tụy, với xương trắng cát lạnh, đã được sống lại vào đoạn kết ? Nhờ đâu? Xin thưa : Nhờ niềm hy vọng. Nhờ ước mơ. Nhờ mơ tưởng. Nhưng phải chăng mọi hy vọng ở tương lai cũng chỉ là chiêm bao ? Đoạn kết : “Mây gió nổi trôi ngàn bước mộng/ Bàn chân không lùa sóng vô biên/ Ta đi dạo khắp cõi miền/ Này là phố thảo kia triền xóm hoa”.
Đặng Tấn Tới trong “Tuyệt Huyết Ca” không phải u mặc như Tâm Thu Kinh, cũng không gảy những đoản khúc du dương (hân hoan hay bi lụy) liếc ngó đời sống với đôi mắt nhuốm đượm màu sắc Lão Trang – một thái độ ẩn dấu, e dè, nản chán – đó là thái độ hay tâm sự của kẻ sĩ hiện thời. Trong 108 câu thơ ở “Tuyệt Huyết Ca” đã kéo được tấm màn cho ngần ngại cho thấy rõ ràng một hình ảnh của nhà thơ : Đây là những hình ảnh trung thực, gần gũi, linh hoạt, chứa chất nhiều tâm sự bi đát (không giấu diếm – qua những cái nhìn, đến tư tưởng) có thể đại diện cho đa số kẻ sĩ (hay nghệ sĩ) hiện thời : Thương nhớ quê hương, xót xa vì vận nước, nhưng chỉ thể hiện bằng những thái độ tiêu cực (Than thân trách phận, buồn nản, tuyệt vọng, hy vọng, mơ ước, mộng mị, chiêm bao, và thoát tục : Một tính chất biểu hiện hiển nhiên trong vài năm gần đây tâm sự, quan niệm, đời sống của người nghệ sĩ (hay kẻ sĩ) rất phù hợp với vận nước, cùng những cố gắng khai phá cho Thi ca một lối thoát). Sự chuyển biến tâm tư trên có thể giải thích tóm tắt : Quá Đau Khổ Ngao Ngán -> Thất Vọng -> Quá Thất Vọng -> Hy Vọng - > Trở Về Với Mình = Mộng / Ước / Chiêm Bao / Thoát Tục, v.v…. Tất cả những trạng thái tình cảm quanh co nầy đã được ghi dấu trong “Tuyệt Huyết Ca” bằng một giọng trầm tĩnh, trang trọng nhưng lại quá lâm li bi đát.
Tình cảm đó là :
Mang mang cát bụi lên đường
Những xương máu cũ phai hường là đâu?
Trăng cổ độ ố mầu tang hải
Trải thu phần quan tái vài bông
Nao nao gió giục sang hồng
Rụng bao nhiêu cánh giữa lồng nhân sinh
Ngậm ngùi thương cảm :
Ghé trong mây trắng môi cười
Một xe cát bụi xô người ra đi
Và :
Vin sắc máu trong tòa hồng sử
Tay run mầu lữ thứ cô hương
Lạnh nghe hồn réo mười phương
Ngợp lòng hoa huyết buốt xương tương tàn
Nồng nhiệt, tha thiết :
Ta uống cạn trong giòng bích ngạn
Cuộn tâm bào ức vạn sinh linh
Quá giang ca ngộ cô tình
Lấp mầm sinh tử như mình như ai
Người thoáng hiện di hài cuối nguyệt
Đoạn trường:
Hồn đau nhỏ máu tơ đồng
Mấy cung hồ gợn mênh mông gió gào
Sông nước chảy chiêm bao máu rạn
Chén vàng thanh ngồi nán đêm sương
Chán nản :
Mây trôi lớp lớp vô thường
Trời xanh còn lại con đường chim bay
Nhìn thấy:
Người vất vưởng tận hang cùng cốc
Kiếp lạc loài oan khốc kêu sương
Máu khô thịt nát bên đường
Rợn mầu tinh huyết đò dương đắm chìm
Và :
Phơi xương trắng ngoài đêm cát lạnh
Vùi đó đây từng mảnh thân non
Đất bay đá chạy chi còn
Bi thương cổ lục héo mòn tân thanh !
Vì thế, tâm sự :
Trường thu hận tan tành sông núi
Bao mạng người làm củi nung tim
Mây ơi chở nụ im lìm
Chở hồn hoa trắng bay tìm tình tang
Tiếng kêu thương trầm thống còn vọng mãi muôn đời:
Nghìn thu trước ai tình xanh mắt
Nghìn thu sau hiu hắt hồn hương
Cùng nhau về tụ đầu sương
Long lanh chút mộng cuối đường tài hoa.
………………………………….
Không kể đến những tâm sự được giải bày mạch lạc trong một bố cục chặt chẽ (điều nầy cố ý hay vô tình ? Tác giả đã : “Ta cũng sầu mở quá độ chơi”) phô diễn và liên kết từng dòng xúc cảm, từng chặng thăng trầm, như một lan tràn tươi mát của suối nguồn. Ngoài một lối sử dụng thể thơ song thất lục bát độc đáo, mới lạ, tuyệt vời nhất trong những áng thơ song thất lục bát đã có tự cổ chí kim (Tôi chịu trách nhiệm về những phát biểu đã nói hôm nay cho tới ngàn sau), không có một câu thơ nào trong 108 câu của “Tuyệt Huyết Ca” tì vết, suy suyễn (mà bạn có biết là tại sao có 108 câu?). Tôi có thể ví như một xâu chuỗi hạt, 108 hạt ngọc đều ngời sáng và quí giá như nhau. Không chú trọng tới những ưu điểm hình thức, điều quan trọng tôi muốn nói lên khi chọn đọc “Tuyệt Huyết Ca”, phân đoạn và dẫn chứng, rằng không có sự phân chia nào trong Thi ca là thích hợp cho mỗi tác giả, không cố định và bắt buộc phải chịu dán cái nhãn hiệu kỳ quặt xa lạ đối với họ (Thi sĩ) Rằng Thơ phải đọc bằng tâm hồn, rung cảm tự nhiên, đọc và mê man tàng tịch trong mỗi dòng mỗi chữ. Rằng thơ phải như thế – xúc cảm ; nồng nhiệt, phẫn nộ, hay đau xót, hân hoan cũng phải chảy vào lòng người bằng ngõ ngách sâu khuất nhất của tâm hồn. Chứ không phải là một kỹ thuật dụng chữ. Dụng ngôn. Đao to búa lớn. Tôi có thể vắn tắt : Sự rung cảm truyền đạt bền bỉ và sâu sắc là phần quyết định chân giá trị của một thi phẩm chứ không phải : Viễn mơ, Dấn thân, Thiền hay một cái gì ngộ nghĩnh khác./.
(Tuy Hòa, tháng 6/1974)