Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.142.342
 
Giữ Chùa Ăn Oản
Nguyễn Viện

Tục truyền rằng Trịnh Kiểm đã lưỡng lự muốn tự xưng làm vua, nhưng còn chưa dám định hẳn bề nào, các quan cũng không ai biết làm thế nào cho phải. Sau Trịnh Kiểm cho người đi lẻn ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức là Trạng Trình, xem nên làm thế nào.

 

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không nói gì cả, chỉ ngảnh lại bảo đầy tớ rằng: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ.” Nói rồi lại sai đầy tớ ra bảo tiểu quét dọn chùa và đốt hương, để ông ra chơi chùa, rồi bảo tiểu rằng: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản.”

 

Sứ giả về kể lại cho Trịnh Kiểm nghe. Trịnh Kiểm hiểu ý, mới cho người đi tìm con cháu họ Lê. Sau tìm được người cháu huyền tôn ông Lê Trừ, là anh vua Thái Tổ, tên là Duy Bang, ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, rước về lập lên làm vua.

 

(Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. NXB Văn Hóa Thông Tin.1999).

 

Chuông điện thoại reo. Sơn móc trong túi quần ra alô.

— Anh Ba đây.

— Dạ, anh Ba gọi em có chuyện gì ạ?

— Chẳng có chuyện gì cả. Mày đến đây chơi với bọn anh được không?

— Ở đâu ạ?

— Quán Men Sứ.

— Vâng, em đến ngay.

Sơn đút điện thoại lại vào trong túi, chửi địt mẹ các anh. Xem lại ví tiền rồi hắn lững thững dắt xe ra cổng.

Trong quán Men Sứ, anh Ba phó chủ tịch, anh Tư địa chính, anh Năm thuế vụ, anh Sáu môi trường đang hát karaoke. Bốn anh nhưng có tám miệng uống, không kể má mì. Sơn xởi lởi:

— Các anh vui mà quên thằng em nhé.

Một người nhái giọng nữ:

— Hổng dám quên đâu.

Sơn chửi thầm địt mẹ thằng lại cái.

Họ cười vang.

— Nào ngồi xuống đây.

Sơn ghé đít xuống bên cạnh anh Ba, tán:

— Ngồi gần anh Ba thì em lu mờ mất.

Cô gái của anh Ba vẫn đang hát. Một người đi với một người... Anh Ba một tay bóp vú chị Ba một tay cầm ly nói:

— Không, mày là ngôi sao sáng nhất tỉnh nhà.

Má Mì vào hỏi Sơn:

— Hôm nay đại gia muốn ngồi với ai?

— Đại gia cái mả mẹ em. Anh chỉ muốn ngồi với em thôi.

Má Mì ngồi lên đùi Sơn:

— Hư nào. Để cho các em nó sống.

Chờ cho Sơn uống vài chai xong anh Ba bảo phải về có việc. Sơn nói:

— Về chi vội. Chị Ba đưa anh Ba lên phòng đi.

— Bữa nay mệt, dành khi khác. Anh Ba từ chối.

Sơn nói với anh bồi:

— Bảo kế toán cho anh cái hóa đơn khống.

Hôm nay Sơn trả tiền ở quán Men Sứ, ngày mai Sơn trả tiền ở quán Sen Nụ, ngày mốt Sơn trả tiền ở quán Nem Tươi... Nói chung, ngày nào Sơn cũng có dịp trả tiền mua vui cho các anh. Không thiếu kẻ ghen tị với Sơn về vinh dự này. Nhưng dù thế, bao giờ Sơn cũng chửi địt mẹ các anh khi móc ví. Sơn bảo các anh “chảnh”. Đến quán trả tiền cho các anh thì dễ, nhưng chạy theo các anh để lấy chữ ký thì phải thuê hẳn một thằng lính có thể lực tầm cỡ vận động viên.

 

Ngày hôm qua anh Ba không vui. Vợ nhà anh Ba bảo thằng con du học bên Mỹ muốn đổi xe. Cần bao nhiêu? Năm mươi ngàn đô. Bà hỏi nó có muốn bố đi tù không? Ông cứ hay nói gở, ai dám làm gì ông? Thôi được, để từ từ tôi lo.

Anh Ba gọi Sơn đến văn phòng. Anh chỉ vào một điểm trên tấm bản đồ thành phố.

— Chỗ này khoảng năm mươi hecta. Tao muốn qui hoạch làm khu nhà ở cao cấp. Mày làm dự án cho tao.

— Dạ, để em đi xem rồi về báo cáo với anh.

— Báo ngay đi.

— Dạ, đưa trước anh Ba năm mươi ngàn. Còn một trăm ngàn đưa sau khi có quyết định.

— Chiều nay nhậu chứ?

— Dạ, anh Ba ở đâu nhắn em tới.

Ngày nào anh Ba cũng buồn. Vợ nhà anh Ba bảo đứa con gái muốn đổi nhà. Sao nó lắm chuyện thế? Thì con người ta sống có cái nhà, chết có nấm mồ. Sống phải cho ra sống chứ. Nó cần bao nhiêu? Năm trăm ngàn đô. Bà bảo nó bố không phải là nhà máy in tiền. Không in tiền nhưng ông muốn bao nhiêu mà chẳng được. Ông im lặng.

Anh Ba cho gọi Sơn đến.

— Mày thích chỗ nào trên bản đồ?

— Dạ, em thích khu đất gò giữa sông và núi.

— Mày sẽ làm gì?

— Một khu công nghiệp sạch.

— Làm dự án đi.

— Dạ, phần anh Ba sẽ là năm trăm ngàn.

— Chiều nay mình nhậu hỉ?

— Dạ, không say không về.

 

Ông Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cũng làm tướng lập được nhiều công. Người anh là Nguyễn Uông được phong là Lang quận công. Người em là Nguyễn Hoàng được phong là Thái úy Đoan quận công.

 

Nhưng vì Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình, bèn kiếm chuyện mà giết Nguyễn Uông đi. Còn Nguyễn Hoàng cũng sợ Trịnh Kiểm có ý ám hại, chưa biết làm thế nào mới sai người ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông ấy bảo rằng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” nghĩa là một dãy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn đời.

 

Nguyễn Hoàng mới nói với chị là bà Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm (anh rể — chú thích của NV) cho vào trấn phía Nam.

 

(Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. NXB Văn Hóa Thông Tin.1999).

 

Từ trên đồi cao, Sơn nhìn giải đất xanh tràn xuống phía Nam, lác đác những chòm xóm, thầm nghĩ tiền đền bù giải tỏa cũng không bao nhiêu, cho bọn Al Qaida thuê làm trại huấn luyện lời là cái chắc. Sợ Mỹ đánh bom thì sang lại cho Walt Disley làm khu vui chơi giải trí cũng kiếm khẩm bạc. Không chơi với nước ngoài thì dụ bọn nước trong bỏ vốn đầu tư lập nhà máy chế bom hạt nhân cạnh tranh với anh Bắc Triều Tiên. Nói chung là làm ăn với chính — tà đều tốt. Nhưng trước khi làm chuyện lớn cần phải giải quyết chuyện nhỏ. Sơn lên kế hoạch cho một thành phố tương lai và tung tin chính phủ sẽ chọn chỗ này để dời đô. Chỉ với sơ đồ bản vẽ, hắn đã được các nhà đầu tư nhìn xa trông rộng đặt cọc thừa tiền chung độ cho anh Ba.

 

Anh Ba vốn hay buồn, bảo kế hoạch của Sơn bất khả thi, không đi nhậu với Sơn nữa. Không có Sơn thì có Thủy. Anh Ba nói đi nhậu với Thủy vui hơn. Đàn bà hấp dẫn hơn đàn ông vì đàn bà vừa biết tống tiền vừa biết tống tình. Thủy bàn với anh Ba hãy biến tỉnh nhà thành một đặc khu du lịch hiện đại, giải phóng toàn bộ đất đai nông thôn làm sân golf, nhà hàng đặc sản, casino, nhập khẩu các em gái quốc tế về phục vụ... Anh Ba nghe sướng cái lỗ nhĩ, tưởng tượng chỉ thu tiền xâu thôi cũng đủ nuôi dân cả tỉnh.

Làm đi. Làm đi.

Nhưng em muốn anh Ba làm em trước.

 

Lời bàn ngang của Nguyễn Viện: Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm nói năng lập lờ để trốn trách nhiệm trước lịch sử về đầu dây mối nhợ của cuộc phân tranh Nam Bắc lần thứ nhất, hệt như thái độ rửa tay vô can của Philatô trước cái chết của Chúa Giêsu. Có thể ông Nguyễn Bỉnh Khiêm biết thiên cơ không thể khác nên đành vẽ đường cho hươu chạy. Cũng có thể là ông Nguyễn Bỉnh Khiêm sợ trái ý làm phật lòng Trịnh Kiểm lẫn Nguyễn Hoàng thì toi, nên chỉ dấm dớ bí hiểm cho ra vẻ trạng thế thôi.

 

Bản thân tôi cũng sợ toi, nên chỉ viết vớ vẩn may ra có được chút tiếng tăm đình đám với hàng xóm, không dám nói thêm về hậu vận của Sơn và Thủy cũng như của các anh Ba, anh Tư, anh Năm, anh Sáu... /.

 

15.8.2004

Nguyễn Viện
Số lần đọc: 2482
Ngày đăng: 22.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện ngày tết - Đỗ Ngọc Thạch
Năm nay đào lại nở - Kiệt Tấn
Ảnh Ảo - Bạch Lê Quang
Tên vận vào người - Vũ Trà My
Những mảnh vỡ (14) - Nguyễn Thị Hậu
Cóc Chết. - Lưu Mêlan
Thời tiết xấu - Khôi Vũ
Bụt - Thiện Phạm
Mùng ba tết thầy - Đỗ Ngọc Thạch
Tâm lý trị liệu - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Thiên tai (truyện ngắn)
Nơi tối tăm (truyện ngắn)
Đại gia (truyện ngắn)
Gió ở lưng (truyện ngắn)
Game Show (truyện ngắn)
Mưa nước bọt (truyện ngắn)
Giữ Chùa Ăn Oản (truyện ngắn)
Lấp lỗ châu mai (truyện ngắn)
Người có công (truyện ngắn)
Người Mất Tích (truyện ngắn)
Ma khúc (thơ)
Ốm vì làm tình (truyện ngắn)
Họa Tiết Của Mùi (truyện ngắn)
Mù Mờ Váy (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)
Chung Quanh Là Biển (truyện ngắn)
Hồi Ức Trong Máu (truyện ngắn)
Quốc Sư (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)