Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.266
123.160.132
 
Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng - 2
Bùi Tuý Phượng

3.2. Kết cấu trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng

3.2.1. Khái niệm kết cấu trong truyện ngắn

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm.

Thuật ngữ kết cấu thể hiện một nội dung rộng rãi và phức tạp hơn bố cục. Tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm.

 

Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có kết cấu nhất định. Kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật. Kết cấu đảm bảo các chức năng rất đa dạng: bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng các tác phẩm: triển khai, trình bày hấp dẫn cốt truyện; cấu trúc hợp lý hệ thống tính cách; tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả: tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như một hiện tượng thẩm mỹ. [, 9]

 

3.2.2. Những kiểu kết cấu trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng

3.2.2.1. Kết cấu hồi tưởng (kết cấu truyện lồng trong truyện)

Kết cấu trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng theo khảo sát của chúng tôi thường là kết cấu hồi tưởng. Theo dòng hồi tưởng, nhà văn đưa người đọc đến những câu chuyện. Đó là những câu chuyện kể về những sự kiện, sự việc xảy ra như những “lát cắt” trong cuộc sống nhưng có ý nghĩa khái quát cao. Kết cấu hồi tưởng có hình thức bắt đầu như  Nhà văn sĩ T. L. một hôm kể lể với tôi” (Con người điêu trá); “Xưa kia tôi chưa biết "đi săn" là thế nào. Nhưng mà từ thuở nhỏ, tôi vẫn ao ước có một khẩu súng để có thể được đi săn luôn luôn.” (Đi săn khỉ); “Hôm ấy, cụ Bá ông quả quyết mở ví tiền để trả cho anh lái chó cái giấy bạc một đồng. Cụ sung sướng cực điểm vì rằng con Vện mà cụ mới mua đấy, theo ý cụ, là một con chó có... di tướng” (Một con chó hay chim chuột); “Thời xưa, khi loài người chưa đến nỗi phải sống chen chúc nhau trong những căn nhà rộng như hang chuột của cái thế kỷ tiến bộ này, cổ nhân cũng đã có những câu như "trạch lân xử" và "bán anh em xa mua láng giềng gần" để thuyết minh về cái liên lạc hệ trọng giữa những người sống gần gũi nhau, đề phòng những lúc nguy nan, tối lửa tắt đèn, hoạn nạn, dễ cầu cứu nhau. Ngày nay, nhờ nạn nhân mãn, những thuế thổ trạch quá nặng, bọn người ít tiền chúng ta đã không còn biết cái tình liên lạc của "láng giềng”, để mà hiểu rõ cái gì là cái hệ trọng của người "ở chung" đối với ta, lại thân mật hơn ông láng giềng thuở trước. Nói thế rồi, bây giờ tôi mới xin kể một chuyện của tôi đối với một gia đình đã "trạch lân xử” với gia đình nhà tôi. Đọc rồi, độc giả nên sẽ tha thứ cho tôi, vì tôi đã là một kẻ khốn nạn.” (Một đồng bạc); “Buổi chiều hôm ấy, bà chủ vừa gãi đỏ cả hai bàn chân vừa kêu” (Tự do)… Kết cấu hồi tưởng có tác dụng đưa người đọc đến với câu chuyện, sự kiện. “Kết cấu bao hàm một trật tự thông báo nhất định đối với người đọc về việc xảy ra” [Dẫn luận nghiên cứu văn học – Pôxpelop chủ biên; chuyển dẫn từ Bùi Việt Thắng [100, 17]). Để làm cho tác phẩm trở thành một chỉnh thể thẩm mĩ thống nhất và sinh động, nhà văn phải tìm tòi sáng tạo kết cấu cho truyện. Theo kết cấu hồi tưởng, Vũ Trọng Phụng đã đưa người đọc khám phá những “lát cắt” của cuộc đời phong phú, đa dạng. Thông qua những “lát cắt” đó, ông thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người, phê phán những hiện tượng ngược đời, bi hài và cả những chuyện trái luân thường, đạo lý. Vũ Trọng Phụng có khá nhiều truyện được xây dựng theo kết cấu truyện lồng trong truyện. Một cái chết; Cái ghen đàn ông; Một đồng bạc là những truyện ngắn có kết cấu hồi tưởng.

Một cái chết mở đầu là câu chuyện lúc Bẩy giờ tốí nơi nhà của nhân vật “tôi”. Một người ăn xin già đẩy cửa vào nhà xin tiền bố thí. “Tôi” bực mình, cau có đuổi lão ăn mày. Đó tưởng chừng là chuyện bình thường. Ấy vậy mà sau câu chuyện bình thường đó là một câu chuyện thương tâm. Cũng vì hành động của cha (thầy Cai), thằng Hợi, đứa bé “hay nghĩ vẩn vơ” đã tìm đến cái chết. Kết cấu hồi tưởng có tác dụng dẫn dắt người đọc đến nội dung tư tưởng của truyện ngắn này. Cái chết của người ăn xin, cái chết của thằng Hợi là do sự nhẫn tâm của con người. Vì thế theo tôi, truyện Vũ Trọng Phụng có tác dụng xoáy vào lòng người, đánh thức lương tri con người trước những vấn đề xã hội, vấn đề đồng loại. Đây có thể là một ý kiến khác biệt với nhiều nhà nghiên cứu, khi hầu hết các nhận định đều cho rằng Vũ Trọng Phụng nhìn con người “chênh vênh bên bờ vực, thiếu niềm tin vào họ”, (chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này ngay ở phần tiếp theo, trong Kết cấu đi thẳng vào giữa truyện của ông). Song chúng tôi muốn khẳng định một cái nhìn toàn diện hơn, không phải lúc nào nhà văn họ Vũ cũng “thiếu niềm tin vào con người”!

 

Một đồng bạc được xây dựng theo kết cấu hồi tưởng và mang nặng tư tưởng bi quan về con người bây giờ tôi mới xin kể một chuyện của tôi đối với một gia đình đã "trạch lân xử" với gia đình nhà tôi. Đọc rồi, độc giả nên sẽ tha thứ cho tôi, vì tôi đã là một kẻ khốn nạn. Câu chuyện “mang nặng một vết thương tình cảm”. Than ôi, chỉ vì một đồng bạc! Cái đồng bạc nhân đức rất đắc tội ấy! Chi Bích lẩn mặt, chạy trốn, sợ bi đòi tiền.

 

Một đồng bạc! Chỉ vì nó, mà một người đã có cái can đảm chạy trốn một người, sau khi cả hai người, vào lúc còn như nhau, đã sống bao nhiêu năm trời chung đụng với nhau, rau cháo có nhau, yến tiệc có nhau, thân thiết với nhau hơn ruột thịt, tay chân!

 

Kết cấu trần thuật hồi tưởng ngôi thứ nhất, nhân vật “tôi” đưa người đọc trở lại cái cảnh “anh, anh, bác, bác” khi “tôi” và anh ký Bích còn ở cái địa vị xã hội “thường thường bậc trung”… Thế rồi chị Bích xuất hiện với bộ dạng nghèo khó. Cái tình cảm kia được thử thách. Tôi thấy phiền quá, vì chị Bích làm cho tôi sợ hãi quá. Những suy tính của “tôi” qua ngòi bút của Vũ Trọng Phụng vạch bày sự ti tiện của con người Bao nhiêu cái gì là ích kỷ, là đê hèn, là chó má, là tàn nhẫn, lúc ấy đều thức dậy cả trong cái tấm lòng khốn nạn của tôi. Cúi đầu xuống, tôi bĩu môi nghĩ về vợ chồng ký Bích: "Sướng lắm thì khổ nhiều!" ấy thế là những sự thù tạc, biếu xén, quà bánh, thết đãi của vợ chồng ký Bích khi xưa đã làm cho tôi thấy là vinh dự, đáng quý hoá, thì bây giờ chỉ khiến tôi thấy đó là kiểu cách, lôi thôi, phiền phức, giả dối, khó chiu, và nhất là tai hại, hầu như là đã khiến cho vợ chồng tôi vì đối đáp lại những cái ấy mà đã có hồi khuynh gia bại sản nữa! Đáng sợ hơn sự ti tiện, đê hèn ấy lại được khoác một tấm áo nhân đức! Giá trị phê phán truyện Vũ Trọng Phụng ghê gớm đến nỗi người đọc truyện của Phụng phải “sợ”. (chữ dùng của Nguyễn Tuân).

 

Cái ghen đàn ông có kết cấu giống kết cấu truyện ngắn Một cái chết. Câu chuyện giữa Giao Đài và các bạn tạo nền cho câu chuyện của vợ chồng giáo Hiển. Kết cấu đưa người đọc, dẫn dắt người đọc vào câu chuyện tình vừa lãng mạn vừa bi hài của giáo Hiển; đồng thời làm nổi bật cái ghen vô lý và con người vô nghĩa lý của anh giáo.

 

3.2.2.2. Kết cấu đi thẳng vào giữa truyện

Kết cấu đi thẳng vào giữa truyện là kiểu kết cấu có chiều sâu và chính vì vậy mức độ thể hiện nội dung tư tưởng của nó trong truyện ngắn rất cao. Có thể thấy rõ kết cấu đó ở truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Chống nạng lên đường của Vũ Trọng Phụng cũng thuộc kết cấu như vậy.

 

Trong các truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, Chống nạng lên đường là một trong những truyện ngắn có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Nó là bức tranh về cuộc sống nghèo khổ, cùng quẫn, bế tắc của người dân nghèo đồng thời lên tiếng tố cáo những kẻ quyền thế, giàu có đã đẩy người dân lương thiện vào cảnh bế tắc ấy. Thông qua bi kịch gia đình Xuân, nhà văn thể hiện lòng cảm thương đối với những con người nghèo khó, bất hạnh.

 

Mở đầu câu chuyện là cái hoàn cảnh “lo buồn” của Xuân bởi nó đã mất đi đôi chân – nguồn kiếm sống của nó: Mấy hôm nay, thằng Hai Xuân xem ra có ý lo buồn lắm. Phải, ở vào cái cảnh như nó bây giờ, thì đến ai mà chả đâm lo; bảo nó không buồn sao được?, để rồi đưa người đọc trở về thời gian trước kia thằng Xuân còn lành lặn, vui vẻ, yêu đời. Cái nghề xe kéo làm “ngựa người” ngày ngày “dang” chân trên mạt đường rải nhựa khi lửa hạ chang chang, hay bì bõm trên giải đê trơn mỡ đổ khi mưa phùn gió bấc... mà đối với thằng Hai, nó vẫn cho là vui vẻ lắm... bởi nó chẳng phải ăn nhờ ai mà lại còn nuôi được bố được mẹ, đỡ anh nó. Vào những buổi chiều mùa hạ sáo diều vo vo réo rắt hay buổi chiều mùa thu gió vàng hắt hiu, trong những cảnh hoàng hôn của tiết xuân mát mẻ hay của trời đông lạnh lùng; mỗi khi hình thằng Hai tay vòng càng đi trước cái xe, vẽ cái bóng thật dài trên giải đường trắng xoá, thì tận trong làng xa lắc xa lơ cũng có người nghe thấy nó cất giọng ồ ồ, nghêu ngao hát cái bài “xẩm” của nó tuy cụt đầu cụt đuôi thật, nhưng nghe nó cũng hay hay:

Còn trời (mà )còn nước, còn non...

 

Còn cô (mà ) còn cô bán rượu, ( ý y )anh (a ) còn (thì ) say sưa... (chừ này mình ơi... ý y ỳ ý y tang tình tính tang... ! ! !).

 

Quãng đời ấy là quãng đời hạnh phúc, “vui… nhất” của Xuân. Bây giờ, nó phải đối diện với cái đói, cái rét, cái chết.... Kết cấu này cho phép nhà văn tạo độ căng của câu chuyện và từ đó mở rộng nhiều bình diện phản ánh, tố cáo. Trở thành thằng què, Hai Xuân cũng đã trở thành “của nợ” của gia đình; và nó phải “chống nạng lên đường” trong buổi sáng tờ mờ sương mù. Lâm vào bi kịch đó có phải do sự lạnh lùng, nhẫn tâm của anh cả Xuân?

 

3.2.2.3. Kết cấu đối lập

Trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, kiểu kết câu này khá đa dạng. Kết cấu đối lập xuất hiện trong Bà lão loà; Lấy vợ xấu; Từ lí thuyết đến thực hành  Chúng tôi nhận thấy trong kết cấu đó có những biểu hiện nhỏ hơn.

 

Thứ nhất, kết cấu đối lập giữa bên ngoài và bên trong.

 

Kết cấu đối lập giữa bên ngoài và bên trong được xây dựng ở truyện ngắn Từ lí thuyết đến thực hành. Sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của con người Âu hóa đã lý giải cái nhan đề một cách hùng hồn và thuyết phục nhất. Anh ta là một con người Âu hóa. Anh Âu hóa từ ngôn ngữ, lối sống đến quan niệm sống rất Balê. Thế nhưng anh lại giấu mọi người rằng mình thường phải ăn cơm ta, có khi ăn cả rau muống và cà pháo. Anh hô hào, diễn thuyết về nạn mọc sừng và xem rằng ấy là biểu hiện của văn minh.

 

Tóm lại, anh Tây nốt ở mặt linh hồn; thế nhưng khi vợ anh ta cắm một đôi sừng hươu trên đầu anh ta thì anh đã để sự đời kể như kết thúc. Anh bỏ vợ, tìm đến bàn đèn, thuốc phiện và nổi giận chính đáng - Mày ngu lắm! Thế khi vợ mày nó cắm sừng vào đầu mày thì liệu mày có còn cứ muốn ăn ở suốt đời với nó không? Sự mâu thuẫn đối lập như là một phương tiện thể hiện nội dung: phê phán xã hội văn minh rởm, những con người văn minh rởm – sản phẩm của xã hội kim tiền mà ở đó nhân phẩm con người khó mà giữ cho trong sạch. Không những thế, truyện còn có ý nghĩa trong việc giữ gìn đạo đức, truyền thống dân tộc.

 

Thứ hai, kiểu kết cấu đối lập lấy cốt truyện làm chính.

 

Kiểu kết cấu lấy cốt truyện làm chính cũng là kiểu kết cấu thường thấy trong tác phẩm văn học hiện thực. Trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, kiểu kết cấu này xuất hiện trong  truyện ngắn Bà lão loà. Sự đối lập giữa ngày xưa và ngày nay làm nổi bật rõ hoàn cảnh ăn chực nằm chờ cực thân của bà lão cũng như sự thay đổi của vợ chồng bác đánh giậm đối với người mình đã từng chịu ơn. Mới 20 năm trước, bà còn là người có của; cũng từng bao phen cứu giúp người trong cảnh khốn khó (trong đó có vợ chồng bác đánh giậm). Vậy mà bây giờ, mỗi ngày thất thểu một lưng cơm,  muốn xin ít nữa bà đã bị bác gái quát vào mặt; nhớ chuyện xưa, tủi phận mình, bà lão sụt sùi hậm hực khóc không ra tiếng thì cũng bị xỉa xói. Xây dựng truyện theo kết cấu đối lập, Vũ Trọng Phụng giúp người đọc cảm nhận sự phũ phàng của tình đời; vạch trần sự đổi thay, tha hoá của con người trước  hoàn cảnh; phản ánh hiện thực cuộc sống  của người dân trước Cách mạng. Giá trị của truyện ngắn càng thể hiện rõ ở sự đối lập nơi nhà bác đánh giậm và ngoài trời mưa gió nơi gốc gạo ở bờ đê. Và buổi sáng hôm sau, cảnh trời trong, chim hót, tiếng người đi chợ… bác đánh giậm từ xa thấy đàn quạ xào xạc liệng quanh đám mạ dưới chân đê; tưởng gặp một mẻ ngon nhưng khi đến nơi,  bác kinh hãi phát hiện ra cái xác bà lão đêm hôm qua bị gió thổi xuống ruộng đã bị quạ mổ nát nhừ.

 

Tóm lại,  có thể khái  quát về kết cấu trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng như sau:

Một là, xây dựng kết cấu phù hợp với việc thể hiện nội dung, tư tưởng chủ đề của truyện.

Hai là, với tài năng quan sát cuộc sống và phản ánh vào trong tác phẩm. truyện ngắn Vũ Trọng Phụng góp phần làm phong phú nền văn học dân tộc ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

 

3.3. Giọng điệu và ngôn ngữ trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng

3.3.1. Giọng điệu

Giọng điệu nghệ thuật với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ, một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng trong việc cấu thành phong cách nhà văn là vấn đề đã được nhận ra từ lâu kể cả trong văn học Phương Tây và văn học phương Đông. Nhiều bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra và chứng minh vai trò quan trọng của giọng điệu (tone) hay “văn khí”, “hơi văn”, “giọng văn” (cách gọi quen thuộc ở Trung Quốc và Việt Nam) không chỉ trong sáng tác mà cả trong nghiên cứu, tiếp cận tác phẩm văn học và phong cách cá nhân nhà văn.

 

Nhắc đến phong cách có nghĩa là chúng ta thừa nhận mỗi nhà văn có một giọng điệu riêng, đồng thời cũng từ đó ta khẳng định một thể loại được nhiều nhà văn chọn thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm thì cũng sẽ có giọng điệu chung - giọng điệu thể loại.

 

Thứ nhất, đọc truyện ngắn Vũ Trọng Phụng ta nhận ra giọng văn châm biếm bằng lối xen vào những lời nhận xét, bình luận hài hước, những lối nói ngược, giễu nhại thâm thuý. Xin nêu một số ví dụ minh họa:

 

Đọc những chữ chúc mừng rất văn chương bằng dạ đen trên nền đỏ, cụ mới khám phá ra rằng: chao ôi thì ra mình xưa nay vẫn có nhiều đức tính mà chính mình không biết, để mà sướng như một kẻ chết được lắm câu đối khóc có thể được thỏa cái vong hồn... Thật là linh đình, và vui vẻ. Thật là vinh dự cho tổ tiên. (Ăn mừng); hoặc Đến bây giờ thì ông cụ quả thật chết rồi, nhẹ nợ!...(Bộ răng vàng). Giọng điệu này ta còn gặp trong tiểu thuyết của ông: Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu… ! (Số đỏ).

Hay như:

 

Bao giờ tôi lại quên được những lời thông thường rất thi vi mà anh "nói ngọng” sau khi quệt ngón tay trỏ vào má con bé, đại khái những:

 

- Cháu gái tôi, ồ là, tôi "êu” nó lắm cơ! à, cháu tôi cười rồi! Bác "êu” cái má bánh "đúng”  này này! Bác "êu” cái miệng bé bé này này! Bác "êu” cái cằm quả táo này này! Bé ơi, bé êu êu quí quí của bác ơi!...

A hà cười! Thích quá, thích quá!

Rồi anh ký Bích hôn hít con bé mãi không thôi, làm nó cứ cười toe toét, và làm cho tôi cảm thấy cả cái hạnh phúc của một thằng đã là "bố trẻ con” mà con gái lại trông hay hay, mẫm mụi, nghĩa là tóm lại theo một câu nói riêng thì là "trông cứ như con chó Cún.” (Một đồng bạc)

 

Giọng điệu châm biếm, hài hước, giễu nhại của Vũ Trọng Phụng có tác dụng vạch trần những cái lố lăng trong xã hội đương thời, sự đồi bại, xuống cấp của đạo đức… Điều ấy không chỉ có giá trị  châm biếm, đả kích trước những hiện tượng xã hội lúc bấy giờ mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục đối với con người. Nguyễn Đăng Mạnh trong Vũ Trọng Phụng tài năng và sự thật, Nxb Văn học. H. 1997 đã nói: “Đọc Nam Cao  người ta bắt buộc phải suy nghĩ băn khoăn không  dứt ra được. Đọc  Vũ Trọng Phụng,  người ta muốn hành động”.

 

Thứ hai, một nét giọng khác của truyện ngắn Vũ Trọng Phụng là giọng suồng sả, trần trụi, soi mói những mặt trái xã hội. Với thái độ không kiêng dè, Vũ Trọng Phụng sử dụng giọng điệu ấy trong trần thuật. Chúng ta hãy nghe đây, lời đối thoại của các nhân vật trong Tết ăn mày:

- Ngày xưa quan viên tìm cô đầu.

- Bây giờ cô đầu hạ mình quá với quan viên.

- Cô đầu không thành cô đầu, quan viên không thành quan viên.

- Nói tóm lại thì quan viên cũng chó mà cô đầu cũng chó!

Cúc Nương nói thế thì một người hỏi đùa:

- Chó ở những lúc ngủ với nhau ấy à?

Tiếng cười rầm một hồi. Rồi Cúc Nương nói:

- Chán bỏ mẹ! Thời buổi này cái gì cũng hỏng! Tết nhất lắm chỉ như đồ ăn mày!

Cũng là giọng điệu suồng sả những biểu hiện khác, đầy “màu sắc” soi mói, đay nghiến:

Hỡi cô gái giang hồ! Đây là ngày tết. Ngày hôm nay là ngày thiên hạ tưng bừng đón chào xuân mới. Trước ban thờ khói trầm nghi ngút, đèn nến sáng trưng, cô gái ngồi với tráp giầu, sửa soạn chè nước tiếp khách và sẵn sàng đỏ mặt lên nhận những câu chúc đắt chồng, vào dịp xuân sang.

Cô gái giang hồ có biết những cái dĩ vãng tốt đẹp ấy chăng? Hay cô mê mệt vào cuộc truy hoan để chờ khi thấy mặt ta thì lại làm cho ta bồi hồi và giật mình bằng những câu như: "Nay mai anh xuống hát cho một chầu tất niên để em kiếm cái tết nhé!”  (Tết ăn mày)

 

3.3.2. Ngôn ngữ

Ngôn ngữ trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng vừa hiện đại vừa gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đó là một thứ ngôn ngữ không cần màu mè tô điểm, nó muốn bóc trần tất cả mọi sự thật dưới ánh sáng của chân lý.

 

3.3.2.1. Ngôn ngữ trần thuật, miêu tả chân dung.

Nhìn chung, khi nghiên cứu đặc trưng ngôn ngữ truyện ngắn, người ta phải quan tâm đến mối quan hệ giữa tiếng nói của nhà văn, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Người kể chuyện thường mạo danh tác giả, và giọng điệu thái độ của tác giả thường ẩn kín phía sau ngôn ngữ của người kể chuyện. Những năm gần đây, các nhà lí luận thường sử dụng khái niệm người trần thuật. Khái niệm này mang tính phân biệt rõ nét hơn. Trong tác phẩm, mọi sự biểu hiện , miêu tả, đều từ tác giả mà ra, song để tạo nên hình tượng nghệ thuật, tác giả thường tạo ra những kẻ môi giới đứng ra kể chuyện, quan sát, miêu tả. Có thể gặp trong tác phẩm người trần thuật (thường kể theo ngôi thứ nhất) và người kể chuyện (thường kể ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”). Tuy nhiên trong nhiều tác phẩm, người trần thuật xuất hiện ở ngôi thứ nhất. Trường hợp ấy, giữa người kể chuyện và người trần thuật có sự hòa lẫn vào nhau

 

Trong lời trần thuật, chúng tôi nhận thấy điểm nổi bật của Vũ Trọng Phụng là “biệt tài ký hoạ chân dung” dựng nên những bức “hí hoạ” độc đáo, đầy ấn tượng. Để dựng nên những bức hí họa ấy, ông đã sử dụng vốn ngôn ngữ quốc ngữ đầu thế kỷ vừa hiện đại vừa gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đây là  đoạn miêu tả chân dung kẻ lắm tiền nhiều của, chỉ thoáng qua nhưng lại gây ấn tượng mạnh nhờ lớp từ ngữ so sánh và lớp từ láy giàu hình tượng: Theo sau cặp trai gái xinh đẹp ấy, một ông béo phục phà phục phịch, hai bên má chảy xệ xuống như má lợn xề, hình như trời sinh ra chỉ để nhai toàn những của ngon vật lạ nên cái bụng nghênh ngang trên bộ giò chữ bát chẳng đủ sức khiêng ông, bắt cái đầu và cái ngực phải dồn cả lại đằng sau. Ông bày bụng ra một cách vênh váo, bệ vệ đi trước. Những từ láy phục phà phục phịch kết hợp với từ ngữ so sánh, nói quá như má lợn xề, bày bụng ra một cách vênh váo,… làm người đọc có thể liên tưởng đến chân dung huyện Hinh trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.

 

Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng còn có những đoạn miêu tả cảnh khá đặc sắc. Đây là đoạn tả khung cảnh nơi bày bộ bàn đèn nhà Pierre Quyền:

 

Đèn thì là đèn pha lê trong vắt như nước lọc. Tẩu thì là tẩu "sái tách”, nghĩa là khi ta kéo xong một mồi thuốc, nằm lơ mơ vừa được một phút, thì tự nhiên nghe thấy một tiếng "tách” rất bí mật, rất hữu tình: đó là sái trong tẩu đã rời ra tự nhiên,…. Giọc thì là thứ giọc trúc tối cổ, bóng hơn sơn quang dầu, tay mó vào, dầu có mồ hôi, không phải lau cũng không thấy ướt. Kéo khêu bấc thì không phải là thứ kéo có bán tại các hiệu tạp hoá, nhưng là thứ kéo đặc biệt dùng để cắt ruột người của những ông đốc tờ chuyên nghề mổ xẻ, mua ở hiệu thuốc tây. Còn những cái lặt vặt khác như lọ đựng rượu, vịt dầu, lọ đựng kéo, gác tiêm, cũng toàn bằng pha lê cả. Và nổi hơn hết, cầu kỳ hơn cả, là một cái bàn tính nhỏ, khung bạc, chốt ngà mà con triện là những viên ngọc tròn, đỏ và xanh. Cái bàn tính ấy, Pierre Quyền dùng để đo lường sức tiêu thụ thuốc, cái lượng của khói đã lùa vào phổi... Một loạt những từ ngữ miêu tả trong sáng giàu tính nghệ thuật mà cũng rất riêng được Vũ Trọng Phụng sử dụng để nói lên cái “tài chơi” của con giai trọc phú “đèn pha lê trong vắt như nước lọc”, “Giọc thì là thứ giọc trúc tối cổ, bóng hơn sơn quang dầu”,  Và nổi hơn hết, cầu kỳ hơn cả, là một cái bàn tính nhỏ, khung bạc, chốt ngà mà con triện là những viên ngọc tròn, đỏ và xanh.

 

3.3.2.2. Ngôn ngữ đối thoại.

Ngôn ngữ đối thoại có ưu thế trong việc tạo nên những chân dung biếm họa về con người, xã hội; vạch trần những thói xấu xa, đê tiện của những hạng người bất lương trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. Cũng như trong tiểu thuyết, phóng sự, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng ngôn ngữ đối thoại luôn chiếm ưu thế so với độc thoại nôi tâm. Từ lí thuyết đến thực hành, Ăn mừng, Cuộc vui ít có, Chữa bênh bằng mồm,…hầu như chỉ toàn lời đối thoại. Lời thoại của nhân vật được cá tính hóa cao độ, thể hiện dấu ấn địa vị xã hội, nghề nghiệp và tính cách nhân vật.

 

Ngôn ngữ đối thoại có vai trò bộc lộ tính cách. Qua lời đối thoại của Lê Vân (Gương… tống tiền) với bạn, người đọc nhận ra sự tha hoá cùng cực của con người này: “Vân cười sằng sặc khoan thai kéo điếu thuốc lào rồi mới cắt nghĩa cho bạn nghe:

 

- Anh không tinh chút nào. Cách tống tiền của anh chỉ tổ để nó oán. Đằng này, tôi tống tiền mà nên ơn nên nghĩa, mà nó phải yêu thương kia…  Tôi mới đánh vào mặt cảm tình. Những lúc đọc thư, vứt thư vào lửa chỉ là đóng kịch cả. Thế cho nên có tiền ngay đấy, đấy anh xem… Ngôn ngữ, giọng điệu của Vân đã bóc trần sự tha hóa nhân cách của anh ta. Anh ta không khác con  sói đội lốt người trong Cô bé quàng khăn đỏ.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng  còn sử dụng những thủ pháp nghệ thuật để tạo thêm sự sinh động cho các màn đối thoại như

Đối thoại trong đó các nhân vật thường lặp lại những từ, những mệnh đề, thành ngữ, khẩu ngữ quen thuộc:

- Thì việc gì anh phải khoe giỏi? Đám ma nhà chi hai Vòm lăn đường mẹ mới ngày hôm kia ... Anh bốc thuốc tài hơn tôi thật chứ lại ! ...

- A! a!... Nhưng bà cụ mẹ chi ta thọ đã ngoài sáu mươi rồi. Anh muốn đổ tại tôi ư? Thôi , sao anh không nhắc đến chuyện con đĩ Chắt anh bốc có hai thang mà lăn ra chết?

- Hai thang? Hai thang? Đứa nào ngoa ngôn thì giời đánh nhé? Ai bảo nó sốt lại đi ăn chuối tiêu vào !...

Hai thang à? Thế anh chỉ bán có một gói thuốc đau bụng mà thang nhiêu Toét suýt bỏ mạng thì sao? Thế mà cũng đòi là lang? Lang thế mấy lúc mà tù mọt gông! Lang băm ấy à!

- Lang băm? Có lẽ! ... nhưng không làm đọa thai người ta nào thì thôi!

- À! Anh này to gan nhỉ? Nói nốt đi, nói nốt đi xem nào?

- Chứ lại sợ à? Sẽ nói tại tòa sứ cho mà xem...

- Này không phải dọa... Quan tỉnh sẽ trói anh lại có ngày. Dễ không có người đau mắt nhờ anh đánh mộng rồi nổ con ngươi ra đấy ư?

- Số nó mù thì ai biết làm thế nào? Anh có muốn tôi nói rõ tên thằng bé sài suyễn mà anh cứ bốc mãi thuốc chữa dạ dày không?

- Anh là thằng khốn nạn nhé. Cả nhà chánh hội Bầu mắc ghẻ ruồi mà anh dám nấu cho nó thuốc timla anh quên rồi à?

 

Đoạn văn sau đây, tần số xuất hiện thành ngữ, khẩu ngữ khá dày đặc:

Bác trai, người mảnh khảnh, đen như củ súng, trán răn, má hóp, mắt kèm nhèm, mặc cái áo vải vá đã đến năm mười miếng mụn, đóng khố, vừa ngồi xổm xuống đất cầm lấy bát cơm, vợ đã vội hỏi:

- Bố nó hôm nay kiếm được bao nhiêu tất cả...? Ấy tôi chỉ được có bốn sóc cua hai xu với một mẹt tôm riu năm xu là bảy đấy thôi Gạo ăn bữa mai hết rồi…

- Hôm nay được thêm mẻ lươn thì, ác quá, gặp đứa nào cũng trả rẻ, lang thang khắp chỗ, mãi đến chiều chẳng thấy ma nào hỏi lại phải bán tống bán tháo đi ... cả ếch cả cá cũng chỉ được ngót hai hào.

Vợ nhìn chồng thở dài rồi lại nhìn đến niêu cơm. Thằng cu lớn xới một bát nhường cho em, còn mình thì cầm cái đũa cả, gắp những hột còn dính lại Bà lão lòa, ăn hết một lưng, tay lẩy bẩy chìa bát ra toan xin ít nữa, chưa kịp nói, bác gái đã quát:

- Hết rồi …! Còn đâu nữa mà chìa mãi bát ra ... Đến tôi đây quần quật suốt ngày, đã ốm cả xác mà cũng chỉ được có ba lưng thôi đấy. . Bà không phải làm gì, ngồi nhà ăn ít cũng được.

Bà lão giật mình, đớ người ra một lúc rồi đứng lên đi vào trong nhà, ngồi xuống bậu cửa, lấy cái tăm gài trên mái tóc xuống xỉa răng. (Bà lão loà)

Đối thoại qua những tranh luận, cãi vã, sát phạt lẫn nhau:

- Tôi xin uống ba chén rượu ông phạt! Nhưng nếu sang năm cụ Phán tôi lại khao thượng thọ nữa, thì ông sẽ đáp tôi ra sao? Và có lẽ ông chưa nghe kỹ bài hát!

Ông kia gân cổ lên, hùng hồn chẳng kém:

- Tôi cho ông phạt trước tôi ba chén nữa, sau khi ông uống ba chén mà các cụ phạt ông!

Nhiều người lên tiếng xôn xao, không chiu nhận trách nhiệm về ba chén rượu phạt ấy, ông kia lại nói:

- Sao tôi lại chưa nghe kỹ! Ông chả có câu: "Cất chén chúc mừng người trên thọ tịch” là gì! Vậy ông thử đọc tất cả câu đối đây xem có ai mừng thọ tịch không?

Có một người cãi hộ:

- Nhưng mà thọ tịch ở đây là ý phụ không phải ý chính!

Tham Châu vỗ vai ông kia, khẽ gắt:

- Thôi đi, tôi van ông nữa, ông đừng gây sự thế! Ông say lắm rồi! Và ông uống ít chứ!

- Thưa chú, tôi chưa say, và trước mặt công chúng thế này, xin chú đừng mắng tôi! Chú còn là đàn em biết chưa! (Ăn mừng)

 

Đối thoại trong đó một nhân vật nhại giọng của một nhân vật khác:

Đêm qua, bản báo phóng viên nằm mê, mê thấy bác lính lệ xõa tóc đến kêu rằng:

-Lạy ngài, ngài là bậc văn sĩ Nhất Đông Dương đáng là nhà báo giỏi nhất. Không phải con tự tử, chính con đã bi bức tử, chính con đã chết oan ! Xin ngài vì nước vì dân xin quan trên tống giam cái nắp ấm…

Nó đã phạm tội không vỡ.

Cái nắp không vỡ đã bức tử con. Vậy ngài làm ơn xin quan trên lôi nắp ra tòa, phạt nắp khổ sai chung thân hay biệt xứ !

Nói xong, oan hồn biến đi thì bản báo phóng viên tỉnh dậy.

Vậy có tin sau cùng này để đáp lại một mảnh hồn oan. Các độc giả thử so sánh xem: ngoài Nhất Đông Dương, báo nào có tin lạ thế? (Sao mày không vỡ, nắp ơi!)

 

Lớp từ Hán Việt được Vũ Trọng Phụng phần lớn sử dụng không phải với mục đích tao nhã, ngợi ca, mà luôn đặt ở sự mỉa mai, chát chúa, ngay trong lời đối thọa:

 

Chợt chồng em lại nói:

- Thí dụ như em chẳng hạn... năm nay em đã 24 tuổi rồi. Vậy mà ái tình đến với người thiếu nữ rất sớm. "Nữ thập tam nam thập lục" thật đúng như lời cổ nhân. Tạo hóa đã an bài ra thế, không một người con gái nào lại vượt qua được cái công lệ ấy. Vậy thì vào tuổi dậy thì, người ta phải mơ mộng, phải khao khát lòng yêu, phải để ý đến đàn ông. Anh nói chuyện đây là dựa vào khoa học chứ không nói hồ đồ, vu vơ gì. Đã thế thì không thể nào em lại không hề để ý đến một người đàn ông nào, trước khi là vợ anh, trong cái thời hạn từ mười tám đến hai mươi tư tuổi. Vì rằng không phải ở đời này chỉ có một anh là người đàn ông đáng yêu thôi, có phải thế không? (Cái ghen của đàn ông)

Theo chúng tôi nguyên nhân chính để Vũ Trọng Phụng sử dụng và thành công với lớp từ Hán Việt vừa nêu là giọng điệu châm biếm, giễu nhại, bởi các phương thức tổ chức ngôn ngữ trần thuật, đối thoại, … quy định. Điều ấy, lại phụ thuộc và quan điểm thẩm mỹ, nhân sinh quan của ông về con người, cuộc sống, xã hội, …

 

3.3.2.3. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Là nhà văn tài hoa, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam, Vũ Trọng Phụng có những cách tân, thể nghiệm táo bạo nhằm “đột nhập” vào thế giới nội tâm con người. Đây là đoạn độc thoại của bác cu gái trong truyện ngắn Bà lão lòa:

Bỗng trên trời mây kéo đen nghịt tối sầm hẳn lại, rồi nổi một cơn giông. Bác đánh giậm chạy vội ra sân vơ quần áo đem vào nhà, giục thằng cu lớn mau mau chạy ra để dắt bà về kẻo mưa to gió lớn (...)

(…) Rồi hiện ra lần lượt trong trí bác những ngày trở trời trái gió, những ngày lửa hạ chang chang, ruộng khô đồng nứt, kiếm chẳng ra tiền, hai đứa bé bò nheo bò nhóc, một niêu cơm ngô chia khắp cả nhà, bụng mẹ đã chẳng được no, còn lấy đâu ra sữa nuôi con... Mà bà lão lòa kia thì, ngày kiếm được một vài xu cũng như ngày không kiếm được đồng nào, chẳng nhịn được bao giờ, cứ đến bữa là ngồi vào mâm, chìa bát ra cho thằng cu sới Không, không! Không thể thế được... ! Bà lão ấy chỉ là một bà cô ... mà lại là cô họ một người chồng, có lẽ nào báo hại mãi nhau ...?  Trong đoạn văn, về hình thức là lời miêu tả tâm lý của người trần thuật, nhưng ngữ điệu, cảm xúc thì đã chuyển sang giọng của nhân vật. Ban đầu giọng người trần thuật là chủ yếu: “Bỗng trên trời mây kéo đen nghịt tối sầm hẳn lại, rồi nổi một cơn giông. Bác đánh giậm chạy vội ra sân vơ quần áo đem vào nhà, giục thằng cu lớn mau mau chạy ra để dắt bà về kẻo mưa to gió lớn”, nhưng sau đó người trần thuật ẩn đi để cho bác cu gái tự nói bằng giọng của mình: “Nghe câu ấy, bác gái ngồi ôm con một góc giường cau mày ngẫm nghĩ: thật vậy! Ba bốn năm nay, bác ta đã nhịn như nhịn cơm sống ấy rồi, quá lắm thì không chiu được. Mặc kệ bà ấy! để bà ấy chết quách đi cho rảnh mắt... ! ” Rồi dần dần, giọng người trần thuật lại hé ra: “Rồi hiện ra lần lượt trong trí bác những ngày trở trời trái gió, những ngày lửa hạ chang chang, ruộng khô đồng nứt, kiếm chẳng ra tiền, hai đứa bé bò nheo bò nhóc, một niêu cơm ngô chia khắp cả nhà, bụng mẹ đã chẳng được no, còn lấy đâu ra sữa nuôi con...” như để tạo nền cho giọng nhân vật quyết liệt hơn trước khi dứt tình với bà cô họ: “Không, không! Không thể thế được... ! Bà lão ấy chỉ là một bà cô ... mà lại là cô họ một người chồng, có lẽ nào báo hại mãi nhau ...?

Đoạn độc thoại nội tâm có tác dụng thể hiện rõ những suy tính cạn tình của vợ bác đánh giậm. Đây là thứ ngôn ngữ độc thoại hiện đại – ngôn ngữ đa thanh. Ngôn ngữ đa thanh có tác dụng tích cực trong việc khám phá nội tâm nhân vật, giải thích sự thay đổi của nhân vật cũng như khắc họa nhân vật. Nhân vật này là chân dung của những con người ti tiện, cạn tình nghĩa.

Tất cả những điều vừa phân tích chúng tôi khẳng định, chỉ riêng cấp độ ngôn ngữ, truyện ngắn Vũ Trọng Phụng có những đóng góp đáng kể cho sự hiện đại hóa của văn học quốc ngữ Việt Nam nói chung và thể loại truyện ngắn nói riêng.

 

KẾT LUẬN

 

1. Nhận xét về truyện ngắn Vũ Trọng Phụng

1.1. Ở quan niệm nghệ thuật về con người, đôi lúc nhà văn họ Vũ chông chênh bên bờ vực giữa niềm tin về sự thánh thiện của con người đồng thời ở đó cũng không ít lần nhà văn bi quan, nặng về lý thuyết của chủ nghĩa hiện sinh khi nhìn nhận, miêu tả và đánh giá nhân vật của mình.

 

1.2. Về mặt thể loại, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng đã có những thành công và nó đã góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hoá văn học nói chung và sự phát triển của thể loại truyện ngắn nói riêng trong nền văn học dân tộc. Vì thế, khi nghiên cứu, đánh giá, nhận định về “hiện tượng văn học” Vũ Trọng Phụng không nên bỏ qua thể loại này của nhà văn.

 

1.3. Có thể do hạn chế về tư liệu (truyện ngắn Vũ Trọng Phụng mới được sưu tầm và công bố rộng rãi từ thế kỷ XXI) nên chưa có nhiều lắm những công trình xứng tầm về nó. Và có lẽ, cũng chính vì thế, đa phần độc giả chưa có điều kiện để đánh giá, nhìn nhận một cách đầy đủ, chính về thể loại truyện ngắn của một nhà văn mà tên tuổi và vị thế của ông đã vang danh với hai thể loại tiểu thuyết và phóng sự.

 

2. Kết luận

2.1. Thể loại văn học là phạm trù có vai trò quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu văn học. Nghiên cứu văn học theo hướng loại hình - thể loại đang là một hướng nghiên cứu đầy triển vọng. Trong nghiên cứu văn học và lý luận văn học, loại công trình nghiên cứu theo hướng này kể cả trên hai phương diện lý luận và thực tiễn khảo cứu nhìn chung còn ít ỏi và thiếu tính hệ thống, đặc biệt là truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. Đây là vấn đề có nhiều ý nghĩa khoa học sâu sắc, song chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận và nghiên cứu nó.

 

2.2. Có thể nói tất cả các thể loại văn học, mỗi tác gia văn học đều có quyền bình đẳng trong nhận thức và phản ánh mọi hiện tượng đời sống. Tuy nhiên, trước nay, khi nó đến Vũ Trọng Phụng người ta thường nói đến tiểu thuyết và phóng sự, mảng truyện ngắn rất ít, thậm chí không được nhắc tới.

 

2.3. Nghiên cứu truyện ngắn Vũ Trọng Phụng chúng tôi làm công việc khảo sát, tổng hợp phân tích một cách hệ thống thể loại này dưới góc nhìn thi pháp học. Góp phần khẳng định chân dung của Vũ Trọng Phụng trên văn đàn Việt Nam hiện đại qua những truyện ngắn của nhà văn này.

 

2.4. Như đã nói, bước đầu nghiên cứu đề tài khoa học, vấn đề mà chúng tôi tìm hiểu tuy bản thân đã rất cố gắng nhưng mới chỉ là bước đầu. Nhưng đây là vấn đề thú vị, nhiều ý nghĩa, đòi hỏi công sức của nhiều nhà nghiên cứu. Chúng tôi hy vọng tiếp tục đề tài này, góp phần nghiên cứu nó ở một cấp độ cao hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lại Nguyên Ân (tuyển chọn, 2001), Vũ Trọng Phụng, Chống nạng lên đường, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

2. Lại Nguyên Ân (tuyển chọn, 2003), Vũ Trọng Phụng, Vẽ nhọ bôi hề, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

3. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

4. Đinh Trí Dũng (2005), Nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (1970), Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Phan Cự Đệ (1982), Nhà văn Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Phan Cự Đệ (chủ biên, 2005), Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Những vấn đề lịch sử và lý luận, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8. Phan Cự Đệ (2007), Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10. Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên, 2003), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.

11. Nguyễn Thái Hoà (2003), Từ điển tu từ - phong cách - thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

12. Vương Trí Nhàn (tuyển chọn, 2001), Tuyển tập truyện ngắn Vũ Trọng Phụng,  Nxb Đông Tây, Hà Nội.

13. Trần Đình Sử (tổng chủ biên, 2007), Ngữ văn 11 (Bộ nâng cao) tập 1, Nxb Giáo dục Hà Nội.

14. Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam (1987), Lý luận văn học (tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

15. Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Tú (2001), Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

16. Trần Đình Sử (2002), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

17. Trần Đình Sử (2005), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

18. Trần Đình Sử (tổng chủ biên, 2007), Ngữ văn 11, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

19. Trần Đình Sử (tổng chủ biên, 2007), Ngữ văn 11 (sách giáo viên), tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

20. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

21. Nguyễn Như Ý (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

Bùi Tuý Phượng
Số lần đọc: 9010
Ngày đăng: 23.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mẹ trong ca dao - Trần Văn Cảnh
Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX - Bùi Tuý Phượng
Thân phận của thơ… - Khổng Ðức
Bước tiến trong nghiên cứu văn minh Chăm - Văn học Chăm - Nguyễn Đức Hiệp
Tỳ Bà Hành, Bản Dịch của Phan Huy Thực, Một Hiện Tượng Lý Thú của Văn Học Việt Nam Trung Đại - Dưới Góc Nhìn Thể Loại - Trần Minh Thương
Truyện Tỳ bà, từ Trung Quốc vào Việt Nam - Lại Nguyên Ân
Không gian văn hóa trong thơ xuân Nguyễn Bính - Trần Hoài Anh
Tình bạn - Hamvas Béla
Lược khảo : Truyện Tì Bà của Nguyễn Bính - Nguyễn Ước
Không Tưởng và Phản-Không tưởng trong Văn Học - Hiếu Tân