Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.199
123.151.429
 
Người hóa hổ
Phan Đức Nam

Năm Giáp Tý (1084)

Vùng biên cương giáp ranh nước Đại Việt và Châu Ung(1) thuộc Đại Tống vào mùa hè khô nóng, cỏ vàng úa chực bốc cháy, gà gầy khan cổ không buồn gáy, chó ốm không thiết sủa, người và vật uể oải chỉ muốn trốn trong nhà, chui vào hang động hoặc nấp dưới bóng râm cây cối. Không khí trong doanh trại Vĩnh Bình trưa nay càng thêm oi bức cô đặc, bởi cuộc thương nghị về cương thổ giữa hai nước Việt - Tống đang đến hồi căng thẳng.

Chánh sứ Tống triều là Thành Trạc nóng nực bực bội đi qua đi lại, chán nản không muốn nhìn đám quân sư và võ quan dưới quyền mình đang ngồi sụ mặt! Trong khi đó, gương mặt của Chánh sứ nước Đại Việt là Lê Văn Thịnh lại rạng rỡ ung dung và tự tin, đôi mắt sáng của vị quan văn này như xuyên thấu ruột gan từng người đang tranh biện với mình. Thành Trạc nghĩ thầm: “Nước Đại Việt có những nho sĩ tài danh như tên Văn Thịnh này, lại có võ tướng lỗi lạc như Lý Thường Kiệt... thì Đại Tống ta e khó bề bắt nạt!...”

Trước khi tiếp Chánh sứ Đại Việt, Thành Trạc đã nghe danh Lê Văn Thịnh là một nho sĩ nổi tiếng, kiến thức uyên thâm, là thủ khoa đầu tiên của nước Việt năm Ất Mão(2). Không ngờ nho sĩ này lại có tài tranh biện và thương thuyết giỏi đến vậy. Qua vài câu đối đáp, Chánh sứ nhà Tống biết ngay hai lão văn quan của mình từng tự hào uyên thâm kinh sử, đã phải đuối giọng trước lý lẽ và tài hùng biện của Chánh sứ nước Nam. Thành Trạc nghĩ: “Không tranh biện gì nữa. Luật ở kẻ mạnh, cá lớn nuốt cá bé. Ta phải đè át tên nho sĩ già họng này.”

Chánh sứ nhà Tống hắng giọng cao ngạo: “Đại Tống ta đất rộng người đông, thèm gì chút rẻo đất biên cương khô nóng chó ỉa này. Chẳng qua vua ngươi sử sự ra sao khiến Nùng Trí Cao bất mãn không phục, nên mới đem sáu huyện và ba động dâng cho vua ta. Mà vua ta đức trùm thiên hạ, sẵn lòng che chở cho những kẻ biết thần phục. Vua ta không lấy đất của nước ngươi, mà chỉ bảo hộ cho lãnh thổ của Nùng Trí Cao. Ngươi là kẻ có chữ mà không hiểu được cái lẽ rành rành đó sao?”

Thấy Chánh sứ nước Nam trầm tư suy nghĩ, Thành Trạc hứng chí bồi tiếp: “Ngươi nên nhớ: Vua ta nhân từ luôn lấy Đức cảm hóa, nhưng với kẻ không chịu thần phục, mà còn ngang bướng ngỗ nghịch thì phải dùng cái Dũng để thẳng tay trừng trị”.

Ánh mắt sáng quắc của Chánh sứ Lê Văn Thịnh rọi thẳng vào cặp mắt đỏ hơi lồi của Chánh sứ Đại Tống, khiến ông ta phải chớp mắt. Lê Văn Thịnh mỉm cười, từ tốn nói: “Nùng Trí Cao qui phục vua tôi đã lâu, là Châu mục của Đại Việt - giờ lại đem đất dâng cho Đại Tống - tức là kẻ biến trá phản tặc. Đại quan nói vua Tống chủ trương lấy Đức để trị, sao lại dung chứa kẻ phản tặc, bao che cái ác? Họ Nùng đã phản lại vua cũ, thì cũng sẵn sàng phản vua mới. Hắn là kẻ hai lòng, vì muốn yên thân và hám lợi mà đem đất dâng vua Tống, khác gì kẻ bán nước, có tội với đất nước tôi. Thiển nghĩ Đại Tống đất rộng khiến chim bằng bay còn phải đuối, thì đừng vì rẻo đất biên cương chó ỉa này mà dung chứa hắn thì thiên hạ sẽ cho rằng tham, mà lại đeo thêm cái mầm phản loạn bên mình. Đại quan nhìn xa hiểu rộng, nên khuyên vua dùng cái Đức mà cảm hóa kẻ xu thời lợi dụng như Nùng Trí Cao, bảo hắn mau mau quay lại qui phục vua tôi, được thế vua Tống mới đích thực là thiên tử sáng suốt, cả nước Nam tôi phải nể phục, mà họ Nùng cũng sợ mà không dám sinh lòng phản trắc”. Thành Trạc cứng họng! Chánh sứ nước Nam miệng lưỡi lý lẽ ghê gớm thật! Không khéo ta cũng bẽ mặt vì hắn!...

Chánh sứ Đại Tống chưa kịp nghĩ ra cách đối đáp thì Lê Văn Thịnh nói tiếp: “Lúc nãy đại quan có ý nói vua tôi ngỗ nghịch là không đúng. Hàng năm vua tôi đều cho người mang lễ vật sang cống Tống triều. Chính đại quan đã nhiều lần nhận lễ vật mà? Vua tôi đã có lòng nể trọng Đại Tống, giao hảo thân thiện để nhân dân hai nước được sống thái bình, đó cũng là cái Đức mà vua Tống chủ trương vậy. Trong Đức có Nhân. Đại quan mà khuyên được vua Tống dùng Đức Nhân dạy dỗ cảm hóa Nùng Trí Cao phải tỉnh ngộ, bỏ ngay cái mầm phản loạn để biên cương được yên, dân chúng hai nước yên ổn làm ăn, thì vua Tống Thành Tông sẽ được tiếng là vua hiền, vương nghiệp nhà vua càng lâu bền. Trời sinh sông núi, muôn vật muôn loài - lớn nhỏ đâu đó đã phân định rồi. Đại Tống mênh mông có vua Tống cai trị, thì Nam quốc sơn hà nam đế cư (3). Đạo làm chủ dân, cốt yên dân, nuôi dân no ấm. Đại quan từ đó có công lớn là giúp vua giữ được Đức, cả nhân dân hai nước và tôi cũng đều cảm phục, không quên ơn đại quan đã mang lại thái bình”.

Thành Trạc gật gù vuốt râu lặng yên, Chánh sứ Đại Việt quả là bậc đại hùng biện, lúc mềm dẻo lúc cứng rắn, uyển chuyển nhã nhặn mà không hề tỏ ra khiếp sợ hay nhượng bộ chút nào. Câu Nam quốc sơn hà nam đế cư mà Lê Văn Thịnh cố ý nhắc lại khiến viên Chánh sứ nước Tống phải rùng mình!... Nhớ lại cách đây bảy tám năm - lúc ấy hắn cũng có mặt trong hơn mười vạn tinh binh nước Đại Tống do Nguyên soái Quách Quỳ cầm đầu tràn sang định ăn gỏi nước Nam. Trước khi xuất binh, vua Tống đã chắc thắng dặn quan tướng: Sau khi bình được Giao Châu, sẽ đặt quận huyện như ở nội địa. Thế mà!...

Những câu thơ vọng ra từ đền thờ Trương Hát, Trương Hống oang oang trôi trên sông Như Nguyệt năm nào, đã làm một người lão luyện như Thành Trạc phải khiếp sợ, huống chi đám binh lính... Giờ đây những câu thơ ấy lại oang oang trong đầu làm hắn hoang mang...

Một viên võ quan nước Tống mặc giáp trụ ngồi đầu bàn hậm hực đứng lên, cất giọng khàn khàn: “Sứ nước Nam quả không hổ danh Thủ khoa Đại Việt! Nói năng lưu loát khúc chiết nhưng sao lại mau quên quá vậy? Đại Việt là nước nhỏ, đã không chịu thần phục mà còn dám cả gan đem quân sang đánh nước lớn Đại Tống ta, đó không phải là ngỗ nghịch sao?”

Lê Văn Thịnh bình tĩnh đáp: “Có lửa mới có khói. Lúc ấy Đại Tống không thèm nhận quà nước Nam giao hảo, cắt đứt quan hệ, Tể tướng Vương An Thạch của Tống triều âm mưu xúi giục Chămpa cùng phối hợp đánh Đại Việt. Dẫu nước tôi nhỏ hơn nước Đại Tống nhiều, nhưng vẫn cương quyết bảo vệ lãnh thổ - lịch sử mấy nghìn năm qua đã minh chứng điều đó. Đại tướng Lý Thường Kiệt của chúng tôi thay vì chờ bị đánh, đã chủ trương đánh trước để tự vệ, mà chỉ cốt phá hủy kho tàng, lương thực và vũ khí, nên đã tiến đánh Liêm Châu, Khiêm Châu và Ung Châu, mục đích triệt hạ chiến tranh chứ không hề có ý chiếm đất. Bằng chứng là sau những trận đánh, đại tướng tôi đều tha cho các quân tướng và binh lính Đại Tống bị bắt, như quan tướng Trần Vĩnh Thái ở thành Khâm Châu chẳng hạn. Binh lính Tống được cấp gạo tiền về nước. Đại tướng Lý Thường Kiệt vỗ an dân Tống sống trong ba Châu đó cứ an tâm làm ăn. Dân chúng đã hết sức cảm ơn và vui mừng, gọi ông là người cha họ Lý. Có thể võ quan ít quan tâm, nhưng chắc hai vị văn quan và Chánh sứ Đại Tống đây đều biết bài Bố văn phạt Tống của Nguyên soái Lý Thường Kiệt nước tôi, trong đó có câu: Trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thỏa cái mưu nuôi mình béo mập(4). Giờ đây, chẳng lẽ quan lại muốn chiến tranh cho trăm họ lầm than nữa ư?”

Viên võ quan lúng túng ngồi xuống. Chánh sứ Thành Trạc khoác tay: “Thôi... Vấn đề cương thổ giữa hai nước đến đây tạm đình nghị. Ta sẽ về tâu lại với Vua Tống. Mọi việc do vua ta quyết định”.

 

Tháng 11 năm 1096

Sáng nay trời đẹp, tiết cuối đông hơi se lạnh, thỉnh thoảng có cơn gió giao mùa ấm mát báo hiệu sắp sang xuân. Vua Lý Nhân Tông cảm thấy lòng khoan khoái, ngài cao hứng rủ Thái sư Lê Văn Thịnh cùng ngự ra hồ Giao Đàm(5) xem dân đánh cá.

Mười hai tay chèo khua mạnh, thuyền rồng trôi băng băng giữa hồ, sắp đến chỗ đoàn thuyền đánh cá bỗng mây mù nổi lên phủ kín, trời đang sáng chợt tối sầm, vua nghe có tiếng mái chèo lạ khua tới gần... lại nghe tiếng gầm gừ? Linh tính có biến, vua quay qua Thái sư thì không thấy đâu? Trong đám mây mù lại thấy một con hổ lớn nhe nanh giương vuốt chực hại, vua hoảng quá hét lên, chụp giáo phóng đại và ngã ùm xuống nước...

May lúc ấy có thuyền đánh cá gần đấy trờ tới, một người cao lớn đứng trên thuyền đó hét: “Việc gấp lắm rồi!...” Người ấy nhanh chóng quăng lưới qua thuyền vua chụp được con hổ dữ. Trên thuyền rồng lúc ấy cực kỳ nhốn nháo! Hai người theo hộ giá vua vội phóng xuống hồ, cứu được vua Nhân Tông và kéo lên thuyền.

Mây mù tan, lúc ấy vua và những người trên thuyền mới nhận ra Thái sư Lê Văn Thịnh đang lúng túng vướng mắc trong lưới. Vua hết sức kinh ngạc!? Sau đó giận dữ hét: “Quân phản tặc! Mau xích nó lại.” Thái sư hết sức kêu oan nhưng vua không nghe, sai lính đem xích sắt khóa tay chân Lê Văn Thịnh lại, rồi tống vào cũi.

Người cứu vua họ Mục tên Công, làm nghề đánh cá đã lâu năm ở hồ Giao Đàm. Nhân Tông khen Mục Công nhanh nhẹn khỏe mạnh, ban thưởng công lớn cứu vua và phong ngay làm Đô úy(6).

Sau việc động trời trên, vua Lý Nhân Tông triệu quần thần hội nghị luận tội Thái sư Lê Văn Thịnh. Quan Thái Bảo Dương Cảnh Thông là người đầu tiên đứng lên châm ngòi: “Thưa bệ hạ, lâu nay thần nghe nói trong dinh Thái sư có nuôi một tên gia nô người Đại Lý, phủ Vân Nam. Tên này có thuật lạ: đọc thần chú xong biến thành hổ báo. Thái sư ỷ tài học và công trạng, được bệ hạ tin yêu trọng dụng nên dựa thế hách dịch với nhiều quan trong triều. Chính Văn Thịnh có lần đã khiển trách thần là lôi kéo vua vào những chuyện mê tín. Nói thế là có ý chê trách khinh thường bệ hạ. Trong khi đó Thái sư lại dung chứa kẻ có tà thuật là có ý đồ. Qua việc này, rõ ràng Văn Thịnh đã học được tà thuật, định hóa hổ giết vua để đoạt ngôi. May nhờ hồng đức lớn nên bệ hạ mới thoát nạn. Xin bệ hạ cứ thẳng tay trừng trị, đừng vì chút công trước mà xóa tội cho kẻ phản loạn, ắt đại họa về sau”.

Nhiều vị quan trong triều lâu nay vốn ganh tị với Thái sư Lê Văn Thịnh cũng đứng lên tán đồng, nhao nhao kiến nghị, châm thêm dầu vào lửa. Có kẻ đề nghị xử trảm Thái sư và tru di tam tộc.

Nhân Tông cũng rất tức giận, chỉ hơi đắn đo nghĩ: Văn Thịnh là thủ khoa do ta khai mở khoa thi Nho học đầu tiên, lại có công lớn dùng ba tấc lưỡi đòi lại được đất đai mà Nùng Trí Cao đã đem dâng vua Tống. Ta đã tin yêu phong đến chức Thái sư - tương đương với Tể tướng bên võ quan. Không ngờ hắn dám khinh thường ta, và âm mưu giết ta để soán ngôi. Tội tày trời này không thể tha thứ được!...

Tể tướng Lý Thường Kiệt lúc đó đã trên 70 tuổi, ông lắng nghe những thông tin và các lời quan lại bàn tán tâu trình. Lão tướng nhăn trán suy nghĩ: Quân tử thấy người tài thì mừng, còn bọn tiểu nhân thấy người tài thì ganh sợ - bởi người tài đọc thấu tâm địa chúng. Kẻ bất tài muốn tiến thân tất phải dèm pha người giỏi hơn hắn, sẵn sàng luồn lọt xu nịnh người trên để mưu lợi. Thái sư Lê Văn Thịnh trách mắng chúng và can vua là đúng. Thiên hạ lâu nay xì xào bàn tán chuyện Dương Cảnh Thông chỉ nhờ dâng lên vua một con hưu trắng mà được thăng đến hàm Thái Bảo, khiến nhiều quan văn võ trong triều bắt chước, đua nhau săn lùng cung tiến lên vua những vật lạ thú hiếm như tê giác trắng bốn sừng, rùa đen sáu mắt... Vua và quần thần đều u mê, ham chuộng những chuyện thần bí như thế thì triều đình còn ra thể thống gì nữa! Giờ đây, nếu ta không khéo can gián vua thì Thái sư và tam tộc của ông nguy đến nơi!

Tể tướng Lý Thường Kiệt đứng lên hướng về vua, cung tay bẩm báo: “Thưa bệ hạ, qua sự việc và những kiến nghị của các quan đây, thần mạo muội xin được ý kiến: Mong bệ hạ bình tĩnh sáng suốt, kẻo oan uổng cho bậc hiền tài đã có công lớn với đất nước. Chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh học tà thuật hóa hổ để hại vua, rồi hổ lại hóa thành Thái Sư Lê Văn Thịnh - nghe thật hoang đường huyễn hoặc! Thần năm nay đã 72 tuổi rồi, bệ hạ có giận thì thần cũng xin nói: chắc chắn đây là âm mưu của đám người ganh ghét muốn hãm hại Thái sư. Bệ hạ nghĩ xem, cho là chuyện đó có thật đi nữa, con hổ cũng chưa hại bệ hạ. Biết đâu trong lúc mờ mịt có kẻ nào đó đội lốt hổ định giết vua rồi vu cho Thái sư? Hay Thái sư hóa hổ để bảo vệ bệ hạ? Thần nghĩ: Với tài trí của bậc đại khoa, thường được thân cận vua, thì việc hại vua cũng dễ, cần gì phải hóa hổ mới hại được? Chuyện chưa phân định thì không nên kết tội. Còn tài năng và công trạng của Thái sư thì đã rõ ràng. Bệ hạ nên cân nhắc suy xét. Tất cả đều do âm mưu thâm độc của bọn xiểm nịnh đã ném đá giấu tay”.

Vua Lý Nhân Tông lặng yên, phân vân... Bọn quan lại nãy giờ nhao nhao kết tội Thái Sư Lê Văn Thịnh cũng im lặng đưa mắt nhìn nhau. Thái Bảo Dương Cảnh Thông hậm hực đứng lên: “Việc rành rành ra đó, chính mắt bệ hạ trông thấy mà Tể tướng còn nói là... hoang đường huyễn hoặc? Nếu không có Mục Công thì bệ hạ đã bị hại rồi”.

Lão tướng Lý Thường Kiệt quắc mắt nhìn Cảnh Thông, sau đó quay qua vua Nhân Tông, chậm rãi nói: “Thưa bệ hạ, nếu quả thật chính mắt bệ hạ thấy Thái Sư Lê Văn Thịnh hóa hổ, rồi lại thấy hổ hóa thành Thái sư, thì bệ hạ cứ việc thẳng tay trừng trị, và xin hãy chém luôn cả thần vì tội không tin bệ hạ.”

Vua Nhân Tông bối rối cau mặt. Lý Thường Kiệt quay qua Cảnh Thông, gằn giọng: “Tôi nghe nói Mục Công ngoài nghề đánh cá ra, còn có tài săn bắt chim sâm cầm vào mùa xuân bay đến hồ Giao Đàm trú đông. Ông và nhiều quan đây vẫn đón mua để tiến vua. Nghĩa là Mục Công và các ông đã biết nhau từ trước. Biết đâu chuyện người hóa hổ, hổ hóa người, và chuyện cứu vua đã được sắp đặt?”

Vương Cảnh Thông tím mặt, quay qua đám quan văn võ ngồi bên như cầu viện, rồi đứng lên gân cổ nói: “Đấy! Các ông nghe chưa? Tể tướng nói chúng ta sắp đặt chuyện này.”

Đám quan xu nịnh lại nhao nhao! Vua Nhân Tông khó chịu đập bàn: “Thôi không tranh cãi nữa, ta quyết định cách chức Lê Văn Thịnh và đày hắn lên Thao Giang(7).

Tể tướng Lý Thường Kiệt lúc đó mới ngồi xuống, lắc đầu nghĩ bụng: Vua mới ngoài ba mươi tuổi, đang độ tráng niên khỏe mạnh, mắt mũi tinh anh... sao lại có thể trông gà hóa cuốc được nhỉ? Trong lúc hoảng loạn có thể trông lầm con gà với con cuốc, vì chúng cùng loại lông vũ, kích thước tương đồng... Chứ sao lại có thể lầm người với loài hổ vằn vện to lớn được?...”

Tể tướng nghĩ đến đây thở dài, ông tránh nhìn vua và thấy lòng buồn vô cùng!.../.

 

Xuân 2010

 

Tài liệu tham khảo:

 

- Việt Điện U Linh - công trình biên soạn của Lý Tế Xuyên, tập sách chép lại những chuyện đế vương và bề tôi các đời, những người có tiếng anh linh, gồm 28 chuyện, do Trịnh Đình Chú và Đinh Gia Khánh hiệu đính bổ sung (Nxb Văn Học tái bản lần 2 - 1972).

- Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên.

- Đại Việt sử ký toàn thư.

- Việt Nam sử lược.

- Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) do Ngô Đức Thọ chủ biên (Nxb Văn Học - 1993)

- Trông lại nghìn xưa của Nguyễn Khắc Thuần (Nxb Giáo Dục - 1999)

- Các triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng (Nxb Thanh Niên - 2001)

- Nhìn lại lịch sử của Phan Duy Kha, Lê Duy Lan và Đinh Công Vĩ (Nxb Văn Hóa Thông Tin - 2003)

- Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Thắng (Nxb Tổng Hợp TP.HCM - 2006)

 

 



(1) Nay thuộc tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc.

(2)  Năm Ất Mão (1075) lần đầu trong lịch sử khoa cử nước Nam, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh Kinh bác sĩ và thi Nho học tam trường để chọn người tài giúp nước. Khoa này chọn 10 người - Lê Văn Thịnh đứng đầu.

(3) Nam quốc sơn hà nam đế cư / Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư (Dịch: Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận ở sách trời / Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

(4)  Trong bài Phạt Tống lộ bố văn của Lý Thường Kiệt.

(5)  Còn có tên Dâm Đàm, hay hồ Lãng Bạc - nay là Hồ Tây.

(6) Về sau, Mục Công còn được thăng đến chức Phụ quốc tướng quân.

(7)  Thao Giang: Sông Thao, thời ấy cuối nguồn Thao Giang heo hút đầy ma thiêng nước độc - thuộc miền thượng Thanh Hóa bây giờ.

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 1958
Ngày đăng: 23.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Lợn Bécgiê - Nguyễn Đình Phư
Giữ Chùa Ăn Oản - Nguyễn Viện
Chuyện ngày tết - Đỗ Ngọc Thạch
Năm nay đào lại nở - Kiệt Tấn
Ảnh Ảo - Bạch Lê Quang
Tên vận vào người - Vũ Trà My
Những mảnh vỡ (14) - Nguyễn Thị Hậu
Cóc Chết. - Lưu Mêlan
Thời tiết xấu - Khôi Vũ
Bụt - Thiện Phạm
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)